Tham quyền cố vị, tất chuốc họa diệt vong

16/11/2017 10:00
PHẠM DOÃN TÌNH
(GDVN) - Lãnh đạo độc đoán và không vì dân, ông Mugabe đã đẩy đất nước Zimbabwe từ chỗ là vựa lúa mì của châu Phi trở thành một đất nước nghèo đói và bất hạnh.

Hãng tin CNN hôm 15/11 đưa tin, lực lượng quân đội ở quốc gia nghèo khó Zimbabwe đã tiến hành một cuộc đảo chính lật đổ Tổng thống Robert Mugabe vào chiều ngày 14/11 - người lãnh đạo duy nhất của Zimbabwe trong suốt 37 năm qua kể từ khi nước này giành được độc lập.

Theo đó, quân đội Zimbabwe đã triển khai hàng loạt xe tăng, xe bọc thép chiếm giữ các vị trí trọng yếu trên con đường tiến đến văn phòng chính phủ, quốc hội và các tòa án ở trung tâm thủ đô Harare.

Còn các binh sĩ thì tiến vào tiếp quản đài truyền hình trung ương (ZBC) và kiểm soát sân bay quốc tế của nước này.

Thiếu tướng SB Moyo, Trưởng phòng Nhân sự Logistics, nói trên đài truyền hình ZBC vào lúc 4 giờ sáng ngày 15/11 rằng:

Quân đội đang tiến hành một chiến dịch để nhắm vào mục tiêu là “bọn tội phạm” gần gũi với Tổng thống - những kẻ đang gây ra sự “khổ đau cả về kinh tế và xã hội” cho đất nước Zimbabwe.

Chúng tôi chỉ nhắm tới bọn ‘tội phạm’ xung quanh Tổng thống Mugabe - những kẻ đang phạm tội gây ra tình trạng kinh tế, xã hội đau khổ cho đất nước”, ông Moyo nói.

Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe (Ảnh: CNN)
Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe (Ảnh: CNN)

Ông Moyo còn lưu ý thêm, đây không phải là một cuộc đảo chính quân sự, mà chỉ là những hành động để đưa bọn “tội phạm” ra ánh sáng công lý.

Chúng tôi phải đưa bọn ‘tội phạm’ đến với công lý.

Còn đối với nhân dân Zimbabwe và thế giới, chúng tôi muốn nói rõ rằng, đây không phải là một cuộc tiếp quản quân sự.

Ngay khi hoàn thành sứ mệnh của chúng tôi, chúng tôi sẽ mong đợi tình hình trở lại bình thường”, ông Moyo nhấn mạnh.

Ngoài ra, ông Moyo còn cho biết, các binh sĩ quân đội Zimbabwe đã được lệnh hủy bỏ các đợt nghỉ phép để quay trở lại ngay doanh trại nhằm chuẩn bị sẵn sàng cho mọi tình huống.

Ông Moyo cũng đưa ra lời kêu gọi đến các cơ quan an ninh khác của Zimbabwe hãy cùng hợp tác với quân đội để tránh xung đột và vì lợi ích của đất nước.

Đồng thời ông cho biết, Tổng thống Mugabe và gia đình của ông ta vẫn được “bảo đảm an toàn”, nhưng lại không cung cấp thông tin về nơi giam giữ ông Mugabe.

Trong khi đó, Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma nói rằng, Tổng thống Mugabe đã nói chuyện qua điện thoại với ông và cho biết, ông Mugabe hiện đang bị giam giữ tại dinh Tổng thống và vẫn đang ở trong “tình trạng tốt”.

Ông Zuma kêu gọi quân đội Zimbabwe hãy kiềm chế để tránh xảy ra xung đột có thể gây ra những điều đáng tiếc.

Tôi hy vọng rằng, tình hình sẽ được kiểm soát để hòa bình và ổn định trở lại với Zimbabwe”, ông Zuma nói. [1]

Quân đội Zimbabwe chốt chặn tại các ngả đường ở thủ đô Harare của Zimbabwe (Ảnh: Reuters)
Quân đội Zimbabwe chốt chặn tại các ngả đường ở thủ đô Harare của Zimbabwe (Ảnh: Reuters)

Tuy nhiên, hãng tin Sputnik News cho biết, đã có tiếng súng nổ trên đường phố của thủ đô Harare cũng như dinh thự của Tổng thống Mugabe.

Mặc dù vậy, thông tin này vẫn chưa được kiểm chứng.

Trước đó, đã có nhiều clip và hình ảnh cho thấy các loại xe quân sự và binh sĩ Zimbabwe được triển khai ở các vị trí trọng yếu của thủ đô Harare đều được trang bị súng đạn đầy đủ.

Cuộc đảo chính ở Zimbabwe diễn ra sau một tuần hỗn loạn về chính trị, khi ông Mugabe hồi đầu tháng này đã bất ngờ phế truất “cánh tay phải” một thời của mình là Phó Tổng thống Emmerson Mnangagwa ra khỏi vị trí đương nhiệm.

Ông Mnangagwa là một người cực kỳ có uy tín và nhận được sự ủng hộ rộng rãi trong quân đội Zimbabwe và được cho là sẽ trở thành nhà lãnh đạo tiếp theo của nước này.

Tuy nhiên, ông Mnangagwa đã bất ngờ bị phế truất, một động thái của Tổng thống Mugabe được cho là dùng để dọn đường cho vợ mình là bà Robert Grace mới 52 tuổi làm Tổng thống kế tiếp của Zimbabwe.

Ông Mnangagwa hoàn toàn không xuất hiện công khai kể từ khi bị phế truất và được cho là đã chạy sang Trung Quốc, với sự trợ giúp của cựu đại sứ Zimbabwe tại Bắc Kinh Chris Mutsvangwa.

Tuy nhiên, Trung Quốc đã lên tiếng bác bỏ thông tin này. [2]

Tư lệnh quân đội Zimbabwe Constantino Chiwenga (Ảnh: CNN)
Tư lệnh quân đội Zimbabwe Constantino Chiwenga (Ảnh: CNN)

Trong khi đó, hôm 13/11, Tổng tư lệnh quân đội Zimbabwe Constantino Chiwenga tuyên bố rằng, quân đội sẽ phải hành động để tiến tới chấm dứt các cuộc thanh trừng trong nội bộ.

Để bảo vệ thành quả cách mạng của chúng ta, quân đội sẽ không ngại ra tay”, ông Chiwenga nói.

Đáp lại động thái của quân đội nước này, Liên minh Quốc gia Zimbabwe và Mặt trận Yêu nước (ZANU-PF) - đảng cầm quyền của Tổng thống Mugabe đã ra một tuyên bố:

ZANU-PF ủng hộ đường lối “ưu tiên chính trị hơn vũ lực” và cáo buộc tướng Chiwenga đang phá hoại sự hòa bình, ổn định của Zimbabwe.

ZANU-PF còn khẳng định, sẽ không nhượng bộ trước sức ép từ quân đội, đồng thời gọi việc ông Chiwenga tuyên bố sẽ can thiệp vào cuộc thanh lọc trong nội bộ đảng cầm quyền là “hành vi tạo phản”.

Hiện quân đội Zimbabwe vẫn đang kiểm soát toàn bộ thủ đô Harare và đang cố gắng không để xảy ra xung đột với các lực lượng ủng hộ Tổng thống Mugabe.

Tuy nhiên, người dân ở Harare đang tỏ ra hết sức lo lắng và không dám ra ngoài vì sợ xảy ra những điều bất trắc.

Các nước Mỹ và Anh hôm 15/11 cũng đã đưa ra lời khuyến cáo đối với công dân của họ ở Harare hãy nên ở trong nhà, vì những nguy hiểm của sự “bất ổn chính trị” của Zimbabwe có thể gây ra, cho đến khi tình hình trở nên rõ ràng và có thông báo tiếp theo. [3]

Ông Mugabe năm nay 93 tuổi, là người đứng đầu đất nước Zimbabwe kể từ khi quốc gia này giành được độc lập từ thực dân Anh vào năm 1980.

Ông là Thủ tướng đầu tiên của Zimbabwe và sau đó trở thành Tổng thống của nước này.

Trước đây, ông Mugabe vẫn được người dân Zimbabwe và châu Phi tôn kính, coi là một vị anh hùng chống thực dân.

Tuy nhiên, sau những năm tháng được người dân tôn kính, ông Mugabe bắt đầu củng cố quyền lực của mình bằng cách kết hợp chính sách điều hành đất nước hà khắc với buông lỏng cho tệ nạn tham nhũng và hối lộ hoành hành.

Chính sách này đã đem lại hiệu quả rất cao khi ông Mugabe ngày càng củng cố được quyền lực tối thượng của mình, bởi vậy ông đã từng tuyên bố rằng “chỉ có thần” mới có thể đưa ông rời khỏi vị trí lãnh đạo đất nước.

Tuy nhiên, chính sách này của ông Mugabe đã đẩy đất nước rơi vào tình trạng suy giảm kinh tế nghiêm trọng trong khoảng hơn 10 năm trở lại đây, khi lạm phát siêu phi mã gia tăng khiến đồng tiền nước này có tỷ lệ hối đoái ở mức siêu tưởng: 35 triệu tỷ đô la Zimbabwe chỉ tương tương với 1 USD vào năm 2015.

Năm 2008, lạm phát ở Zimbabwe lên tới 500 tỷ % và về cơ bản đã quét sạch tiền tiết kiệm của người dân gửi bằng đồng nội tệ ở ngân hàng. [4]

Zimbabwe đã từng là một đất nước nông nghiệp giàu có và được biết đến như là giỏ “bánh mứt” của châu Phi.

Nhưng chỉ sau một chương trình thu giữ đất đai của nông dân da trắng, dẫn đến sản lượng nông nghiệp của nước này giảm mạnh, lạm phát tăng vọt và đẩy nền kinh tế rơi vào thảm kịch.

Hàng triệu người phải rời khỏi đất nước để đến tị nạn tại Nam Phi và một số quốc gia châu Phi khác.

Trái ngược với thảm kịch đói nghèo của người dân, ông Mugabe cùng gia đình lại có một cuộc sống xa hoa, với những buổi tiệc tùng lãng phí và những chuyến đi du lịch, mua sắm đắt tiền ở nước ngoài cùng bà vợ Grace.

Theo một số tài liệu tình báo mà hãng tin Reuters tiếp cận được trong năm nay, ông Mnangagwa - vị Phó Tổng thống Zimbabwe vừa bị phế truất, đã có những quan điểm tích cực, đi ngược lại với chính sách hà khắc và dung túng cho tệ nạn tham nhũng, hối lộ của ông Mugabe;

Đồng thời, cũng đã có kế hoạch nhằm khôi phục lại nền kinh tế đang kiệt quệ bằng cách đưa hàng ngàn nông dân da trắng bị thu hồi đất trước đây được tiếp nhận trở lại và vá các mối quan hệ đã đứt gãy giữa Zimbabwe với Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF).

Tuy nhiên, ông Mnangagwa chưa kịp có cơ hội để thực hiện dự định của mình thì đã bị Tổng thống Mugabe phế truất.

Với chính sách lãnh đạo độc đoán và không vì dân, ông Mugabe đã đẩy đất nước Zimbabwe từ chỗ là vựa lúa mì của châu Phi trở thành một đất nước nghèo đói và bất hạnh.

Điều này chính là nguyên nhân cơ bản và tất yếu dẫn đến cuộc đảo chính của quân đội nước này nhằm lật đổ sự lãnh đạo của Tổng thống Mugabe.

Còn nguyên nhân được cho là từ việc ông Mugabe phế truất Phó Tổng thống Mnangagwa chẳng qua chỉ là giọt nước tràn ly.

 Bài viết thể hiện quan điểm, góc nhìn của cá nhân tác giả.

Tài liệu tham khảo:

[1] CNN/ Zimbabwe in turmoil after apparent military coup.

[2] Sputnik/ Tanks Pour Into Zimbabwe Capital After Military Chief Threatens to ‘Step In’.

[3] Reuters/ Soldiers on Harare streets as ruling party accuses Zimbabwe army chief of treason.

[4] Reuters/ Zimbabwe's army seizes power, targets 'criminals' around Mugabe.

PHẠM DOÃN TÌNH