Thời gian gần đây tại một số trường học trên địa bàn huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc bị phản ánh về việc xã hội hóa nhưng lại ấn định, bình quân hóa mức thu.
Trong đó có một số trường như: Trường Mầm non Gia Khánh B (thị trấn Gia Khánh), Trường Mầm non Tiên Hường (thị trấn Hương Canh),…
Giải thích về việc ấn định, bình quân hóa mức thu, các hiệu trưởng cho rằng khi triển khai các khoản thu đã được phụ huynh, các cấp quản lý thống nhất, đồng ý, tuy nhiên cách đưa vào văn bản các mức thu dẫn đến việc hiểu lầm ấn định, bình quân hóa mức thu.
Tại Trường Mầm non Tiên Hường đã và đang triển khai các khoản thu thỏa thuận năm học 2017 – 2018 như: Tiền xã hội hóa giáo dục 150.000 đồng/học sinh/năm học;
Đồ dùng học liệu, đồ chơi 230.000 đồng/học sinh/năm học đối với mẫu giáo 5 tuổi; mua đồ dùng, dụng cụ vệ sinh…100.000 đồng/học sinh/năm học;
Đồ dùng bán trú, cơ sở vật chất 150.000 đồng/học sinh/năm; Hỗ trợ giáo viên trực trưa 120.000 đồng/học sinh/tháng…
Khuôn viên Trường Mầm non Tiên Hường, thị trấn Hương Canh, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: Nhân Minh |
Theo tờ trình số 21/TTr-MNTN của Trường Mầm non Tiên Hường, thị trấn Hương Canh, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc có ghi, xã hội hóa giáo dục trả tiền may rèm và trang trí lớp học (mức thấp nhất) 150.000 đồng/năm/học sinh.
Ngày 15/11, trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, bà Nguyễn Thị Xuân, Hiệu trưởng Trường Mầm non Tiên Hường cho biết:
“Về tiền xã hội hóa giáo dục 150.000 đồng/năm/học sinh là tiền để may rèm cho các cháu và trang trí lớp học đều được các phụ huynh đồng tình ủng hộ, không ai có ý kiến gì.
Tuy nhiên trong cách triển khai, đưa vào văn bản nhà trường cũng chưa khéo léo dẫn đến việc hiểu lầm.
Trường Hàm Rồng chi chít khoản thu, hiệu trưởng bị phạt 10 triệu đồng |
Về tiền mua đồ dùng, đồ chơi học liệu cho học sinh thì do hội phụ huynh thỏa thuận. Đây là tiền phục vụ các cháu mỗi năm một lần.
Tất cả các khoản đều được các phụ huynh thống nhất, và được nhà trường báo cáo lên cấp trên.
Được sự đồng ý phê duyệt của chính quyền và phụ huynh nhà trường mới tiến hành thu”.
Tại trường Mầm non Gia Khánh B, thị trấn Gia Khánh (huyện Bình Xuyên – Vĩnh Phúc) có các khoản thu tự nguyện đầu năm học 2017 – 2018 ghi rõ:
Tiền cơ sở vật chất bán trú học sinh mới vào trường là 500.000 đồng/học sinh; chăm sóc bán trú, thêm giờ với nhà trẻ 180.000 đồng/học sinh/1 tháng, với mẫu giáo là 140.000 đồng/học sinh/ 1 tháng; Học liệu mẫu giáo 5 tuổi 240.000 đồng/học sinh/năm…
Cùng ngày, trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, bà Nguyễn Thị Thoa, Hiệu trưởng Trường Mầm non Gia Khánh B cho biết:
“Nhà trường có 274 học sinh, 11 nhóm lớp, trước khi triển khai thu các khoản chúng tôi đều tiến hành họp phụ huynh và được sự thống nhất.
Năm nay chúng tôi có thu tiền ăn là 11.000 đồng một ngày và chia làm 2 bữa, tiền chất đốt là 10.000 đồng/cháu/tháng, tiền thuê các cô nấu ăn là 35.000 đồng/cháu/tháng, tiền mua đồ vệ sinh là 5.000 đồng/học sinh/tháng;
tiền nước uống là 100.000 đồng/học sinh/năm, tiền quỹ phụ huynh 100.000 đồng/học sinh/năm, trong đó 50.000 đồng đưa vào quỹ lớp, 50.000 đồng đưa lên ban chấp hành hội phụ huynh học sinh hoạt động, tiền mua học liệu cho học sinh mẫu giáo là 240.000 đồng/học sinh/năm,
Chúng tôi có 4 mức thu, 240 nghìn đồng đối với học sinh 5 tuổi, 230 nghìn đồng đối với học sinh 4 tuổi, 220 nghìn đồng đối với học sinh 3 tuổi, 210 nghìn đồng đối với học sinh nhà trẻ, việc thu này chúng tôi cũng căn cứ vào học liệu do Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Phúc gửi về.
Việc xã hội hóa, vệ sinh trường lớp, giữa phụ huynh và nhà trường cũng mong muốn tốt cho các cháu. Các khoản đóng góp đều trên tinh thần tự nguyện, thỏa thuận do hội phụ huynh đề ra.
Nhà trường chỉ đứng ra nhận thu hộ cho hội cha mẹ học sinh thôi".
Để tăng cường công tác quản lý thu, chi, chấm dứt tình trạng lạm thu dưới mọi hình thức trong các cơ sở giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo Ủy ban nhân dân các cấp, Sở Giáo dục và Đào tạo và các cơ sở giáo dục thực hiện các nội dung: Tiếp tục tăng cường công tác quản lý thu, chi, chấm dứt tình trạng lạm thu dưới mọi hình thức trong các cơ sở giáo dục. Chấm dứt việc lợi dụng danh nghĩa ban đại diện cha mẹ học sinh để thu các khoản ngoài quy định. Ban đại diện cha mẹ học sinh không được thu các khoản: bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường; trông coi phương tiện giao thông của học sinh; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; Hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục, sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường. Ban đại diện cha mẹ học sinh chỉ thu các khoản phục vụ trực tiếp cho hoạt động của ban đại diện. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng yêu cầu xử lý nghiêm đối với người đứng đầu cơ sở giáo dục và trách nhiệm cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục trên địa bàn đã để xảy ra tình trạng lạm thu. |