Ngày Hiến chương, Nhà giáo mong đợi điều gì nhất?

20/11/2017 13:42
Trần Thị Tuyết
(GDVN) - Có lẽ món quà mà giáo viên chúng tôi mong đợi nhất là hãy cho chúng tôi cảm giác thật sự được tôn trọng và yêu thương.

LTS: Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam, cô giáo Trần Thị Tuyết từ Cộng hòa Liên bang Đức gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam những tâm sự về nghề giáo trước những thay đổi của xã hội.

Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Ở nhà mình có câu tục ngữ "yêu cho roi cho vọt", là người Việt Nam chắc ai cũng quen thuộc với hình ảnh ông thầy đồ tay lăm lăm cầm chiếc roi, nói gì trò nghe răm rắp.

Người thầy vẫn từng được ví như là người cha, là người mẹ thứ hai của người học.

"Nhất tự vi sư, bán tự vi sư"; "nghề giáo là nghề cao quí nhất trong các nghề cao quí"; "không thầy đố mày làm nên" -  Ở Việt Nam vẫn luôn có những mỹ từ để nói về nghề giáo.

Những mỹ từ đó, có lẽ, không học sinh và phụ huynh nào không biết.

Tuy nhiên, thái độ của xã hội đối với người thầy đã thay đổi khá nhiều. Không khó khăn gì để bắt gặp những lời chê bai, kêu ca về người dạy.

Nghề giáo có lẽ là một nghề đặc biệt bởi đối tượng hướng tới là nhận thức và tư duy của cả một thế hệ. (Ảnh minh hoạ: cand.com.vn)
Nghề giáo có lẽ là một nghề đặc biệt bởi đối tượng hướng tới là nhận thức và tư duy của cả một thế hệ. (Ảnh minh hoạ: cand.com.vn)

Trong một lần đi tìm hiểu sau khi có chỉ thị cấm dạy thêm, tôi đã lặng người nghe các vị phụ huynh kể vanh vách "tội" của giáo viên:

Nào là chỉ thích dạy thêm, thiên vị, nào là phải tặng quà này quà nọ, nào là giáo viên ngoại ngữ gì mà toàn nói sai v.v và v.v.

Là giáo viên, tôi không khỏi chạnh lòng.

Ở nhà, bố mẹ vẫn thích con cái gọi dạ bảo vâng, muốn con trở thành con ngoan, trò giỏi, biết nghe lời.

Văn hóa phương Đông về thứ bậc vẫn luôn hiện hữu trong mỗi gia đình, con cái, không nghe lời bố mẹ thì việc ăn đòn roi vẫn xảy ra, và người ta coi đó là bình thường.

Nhưng thật lạ, phụ huynh luôn kỳ vọng con mình phải được nâng niu trong môi trường giáo dục.

Tôi có quen một chị làm cán bộ quản lý một trường tiểu học ở Hà Nội, trước kia, khi tôi trao đổi về việc giáo dục không đòn roi ở nước ngoài, chị bảo: 

Ở Việt Nam không làm thế được, lớp thì đông, nói học sinh không nghe, trẻ chỉ sợ vụt thôi, ở nhà và ở trường đều thế.

Ngày Hiến chương, Nhà giáo mong đợi điều gì nhất? ảnh 2

Đừng "vật chất hóa" nét đẹp tri ân

Giờ thì khác, không chỉ không được vụt, giáo viên còn bị cấm đoán nhiều thứ khác.

Cô giáo ở lớp cũ của con tôi, chỉ vì không bật quạt điện khi trời không nóng (ngoại trừ với một học sinh) mà sinh chuyện.

Đã có những lời đối đáp mà theo phụ huynh của học sinh đó là cô giáo "coi thường nhu cầu của học sinh", và cô bị khiếu nại lên Ban giám hiệu.

Cực chẳng đã, cô phải xin nghỉ việc trong sự nuối tiếc của học trò.

Nghề giáo có lẽ là một nghề đặc biệt bởi đối tượng hướng tới là nhận thức và tư duy của cả một thế hệ.

Giáo viên không chỉ truyền đạt kiến thức cho trò, họ còn khơi dậy tiềm năng và đam mê của người học.

Hơn ai hết, giáo viên phải có cảm giác tự chủ, được tôn trọng, có niềm tin vào xã hội thì mới có thể truyền được lửa nhiệt huyết, kiến thức và khát vọng cống hiến cho người học.  

Tuy nhiên, càng ngày cái cảm giác tự chủ và được tôn trọng càng giảm xuống.

Các chỉ thị, thay đổi luôn được dội từ trên xuống, giáo viên bị động, chạy như đèn cù.

Các lệnh cấm đoán đại trà, các yêu cầu nhiêu khê, các đợt rà soát, kiểm định, kiểm tra diễn ra liên miên.

Rất nhiều hoạt động trong đó xuất phát từ sai phạm của thiểu số giáo viên, những người có lẽ, nếu quá trình đào tạo và tuyển dụng được làm tốt và minh bạch, đã không có chỗ đứng trong nghề giáo.

Chúng tôi hiểu kỳ vọng mà các vị phụ huynh và cả xã hội đặt lên vai mình. 

Tuy nhiên, giáo dục muốn có hiệu quả phải là giáo dục toàn diện, phải được kết nối hợp lý giữa giáo dục gia đình, nhà trường và xã hội.

Ngày Hiến chương, Nhà giáo mong đợi điều gì nhất? ảnh 3

Có ai biết nội dung bản Hiến chương các nhà giáo không?

Là giáo viên, chúng tôi cũng luôn mong muốn học trò của mình thành người, thành đạt và trở thành người có ích cho xã hội.

Ít ai vì ham lợi mà xin vào làm giáo viên vì về cơ bản không mấy ai sống sung túc được với thu nhập chỉ từ nghề.

Dạy học cũng mệt lắm!

Có những lúc khàn cả tiếng, xơ dây thanh quản, ho khù khụ;

Nhưng chỉ cần nhìn thấy hoặc cảm nhận được sự hiếu học của trò, hay những kiến thức mình truyền đạt được trò đón nhận là vui lắm!

Tôi là như thế và tôi tin đa phần đồng nghiệp của tôi cũng thế!

Tuy nhiên, trường học cũng như một xã hội thu nhỏ, ở đó cũng còn rất nhiều vấn đề cần khắc phục.

Ở đó người thầy cũng là một con người, có buồn, có vui, có người giỏi, có người không, có cả những lúc hành xử còn chưa thật đúng mực.

Hơn ai hết, chúng tôi hiểu được những vấn đề nơi mình công tác, nhưng giáo viên có mấy khi được hỏi ý kiến và được có tiếng nói trong các quyết định liên quan đến giáo dục?

Khi tôi tiếp cận với các giáo viên dạy tiếng Anh tham gia các lớp bồi dưỡng ngoại ngữ trong khuôn khổ Đề án 2020, nghe các thầy cô kêu ca về các tầng áp lực và các khó khăn trong thực tế công việc, tôi cũng không khỏi chạnh lòng.

Ngày 20/11 lại đến, vẫn theo truyền thống, đây là ngày Hiến chương các Nhà giáo.

Nhiều người đau đầu không biết tặng quà gì cho giáo viên của mình/con mình.

Là giáo viên, chúng tôi trân trọng tấm lòng của học sinh và xã hội đối với nghề của mình, nhưng có lẽ món quà mà chúng tôi mong đợi nhất là hãy cho chúng tôi cảm giác thật sự được tôn trọng và yêu thương.

Trần Thị Tuyết