Chủ nhật, ngày 12/11/2017, tại Hà Nội, trong chuyến thăm chính thức Việt Nam cấp nhà nước, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã nói với lãnh đạo Việt Nam rằng, Mỹ có thể đóng vai trò “trung gian, hòa giải” trong các tranh chấp ở Biển Đông.
Lời đề nghị này đã được truyền thông quốc tế đề cập đến khá rầm rộ, với những nhận xét, đánh giá rất khác nhau.
Người thì cho rằng đề nghị này thể hiện “thiện chí” và sự “khôn khéo” của Hoa Kỳ, là đóng góp tích cực cho tiến trình giải quyết tranh chấp Biển Đông bằng biện pháp hòa bình.
Kẻ thì cho rằng đề nghị này chứng tỏ Hoa Kỳ muốn “rũ bỏ” trách nhiệm của mình; là “vô can” trong những tranh chấp Biển Đông đang diễn biến phức tạp, có nguy cơ cản trở quyền tự do hàng hải, hàng không quốc tế; đe dọa đến nền hòa bình, an ninh, ổn định, hợp tác phát triển trong khu vực và quốc tế…
Tổng thống Donald Trump cho rằng Hoa Kỳ có thể đóng vai trò “trung gian, hòa giải” trong các tranh chấp ở Biển Đông. (Ảnh: TTXVN) |
Để góp phần “giải mã” lời đề nghị được làm “trung gian hòa giải” tranh chấp Biển Đông của Tổng thống Donald Trump, chúng tôi xin cung cấp một số thông tin có liên quan sau đây:
1. Biện pháp “trung gian hòa giải” dưới ánh sáng của luật pháp và thực tiễn quốc tế
Trung gian, hòa giải là biện pháp giải quyết tranh chấp quốc tế mang tính ngoại giao, có sự tham gia của bên thứ ba, với sự chấp nhận của các bên tranh chấp, đã được quy định trong các Công ước La Hay 1899 và 1907.
Nhiệm vụ của bên trung gian là khuyến khích, động viên các quốc gia có liên quan giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, bằng cách tác động để các bên tiếp xúc ngoại giao và tiến hành các cuộc đàm phán chính thức.
Bên trung gian hòa giải này có thể là một hoặc số quốc gia, một hoặc một số cá nhân có uy tín và, cũng có thể là thông qua các tổ chức quốc tế…
Cùng với sự phát triển của luật pháp quốc tế, biện pháp trung gian, hòa giải ngày càng được sử dụng phổ biến, nhất là từ sau khi Hiến chương Liên Hợp Quốc ra đời (ký ngày 26/06/1945 tại San Francisco, có hiệu lực ngày 24/10/1945).
Hiến chương Liên Hợp Quốc đã xác lập hệ thống biện pháp hòa bình giải quyết tranh chấp quốc tế nêu tại Điều 33:
“Các bên đương sự trong các cuộc tranh chấp, mà việc kéo dài các cuộc tranh chấp ấy có thể đe dọa đến hoà bình và an ninh quốc tế, trước hết, phải cố gắng tìm cách giải quyết tranh chấp bằng con đường đàm phán, điều tra, trung gian, hoà giải, trọng tài, toà án, sử dụng những tổ chức hoặc những điều ước khu vực, hoặc bằng các biện pháp hoà bình khác, tùy theo sự lựa chọn của mình.”
Mỹ lập nhóm chuyên gia công tác, đề xuất khu bảo tồn Biển Đông |
Theo Hiến chương Liên Hợp Quốc, trung gian, hòa giải được coi là một trong những biện pháp hòa bình giải quyết tranh chấp quốc tế mà nội hàm của nó là có sự tham gia của bên thứ ba, nhằm giúp các bên tranh chấp giải quyết có hiệu quả các tranh chấp giữa họ với nhau.
Bên thứ 3 này có thể là đại diện các quốc gia, tổ chức quốc tế hoặc cá nhân có uy tín lớn trên trường quốc tế.
Họ có thể tham gia tự nguyện hoặc được một trong các bên tranh chấp đề nghị.
Tất nhiên, vai trò của họ chỉ có thể được phát huy khi các bên tranh chấp đều nhất trí chấp thuận.
Trong thực tiễn quan hệ quốc tế, nhiều vụ tranh chấp đã được giải quyết nhờ đóng góp rất lớn của bên trung gian, hòa giải.
Tuy nhiên, trung gian, hòa giải thực chất chỉ là quá trình vận động, thuyết phục; Tạo môi trường thuận lợi cho các bên tranh chấp tiến hành đàm phán ngoại giao; Đưa ra các khuyến nghị để các bên tranh chấp có thể lựa chọn sử dụng cho quá trình đàm phán giải quyết tranh chấp.
Chính vì vậy, bên trung gian, hòa giải không có thẩm quyết định các biện pháp giải quyết tranh chấp.
Những giải pháp do bên trung gian hòa giải đưa ra chỉ có giá trị tham khảo, không mang tính bắt buộc, vì bên trung gian không phải là cơ quan tài phán quốc tế.
Trong nhiều trường hợp, bên trung gian, hòa giải có thể chỉ đóng vai trò là nước chủ nhà để các bên tranh chấp tổ chức các cuộc tiếp xúc, đàm phán, thương thuyết.
Ví dụ, năm 1982, tại trại Davis, Mỹ đã làm trung gian hòa giải giúp Israel và Ai Cập giải quyết tranh chấp về bán đảo Sinai mà Israel đã chiếm của Ai Cập trong cuộc chiến tranh 6 ngày năm 1967.
Sau đó, Israel đã trả bán đảo Sinai cho Ai Cập với điều kiện Ai Cập phải phi quân sự hóa ở bán đảo này.
Hoặc từ năm 1968 đến năm 1973, Cộng hoà Pháp là quốc gia chủ nhà tạo điều kiện cho các bên liên quan trong cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam Việt Nam gồm Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Chính phủ lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam, Việt Nam Cộng hòa và Mỹ đàm phán nhằm chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình tại Việt Nam (Hội nghị Paris 27/1/1973).
Cạnh tranh Trung - Mỹ gia tăng trên Biển Đông, thách thức và cơ hội |
Cũng có trường hợp, bên trung gian, hòa giải có thể đóng vai trò chủ tọa trong các cuộc đàm phán, đưa ra giải pháp giúp các bên lựa chọn giải quyết tranh chấp.
Tất nhiên, dù với tư cách nào, bên trung gian cũng phải tuân thủ vai trò trung gian của mình không thiên vị cho bất cứ bên nào trong vụ tranh chấp, không đựợc lợi dụng để can thiệp vào vụ tranh chấp.
Vì vậy, trung gian, hòa giải luôn luôn được coi là giải pháp dễ được các bên tranh chấp lựa chọn và ngày càng phổ biến trong thực tiễn với tư cách là một trong những giải pháp giải quyết tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình.
Từ thập niên 90 của thế kỷ XX, số vụ tranh chấp có sử dụng trung gian, hòa giải tăng 469% so với giai đoạn trước đó, thậm chí về số lượng còn nhiều hơn toàn bộ giai đoạn 1945-1989.
Trong thực tiễn giải quyết tranh chấp lãnh thổ, trung gian hòa giải đã giải quyết thành công nhiều vụ việc như:
Tranh chấp giữa Algeria và Marocco 1963-1964, các nước láng giềng Mali và Ethiopia đã đứng ra làm trung gian hòa giải và đồng thời giám sát việc ngừng bắn;
Vai trò trung gian của Hoa Kỳ đối với tiến trình hòa giải tranh chấp lãnh thổ tại Trung Cận Đông từ năm 1973 cho đến nay;
Liên minh Châu Âu (EU) trung gian hòa giải thành công cho tranh chấp lãnh thổ giữa Slovenia và Croatia năm 2010;
Hai quốc gia châu Phi Etrirea và Djibouti đồng ý để Qatar đứng ra làm trung gian hòa giải cho tranh chấp lãnh thổ biên giới gần Ras Doumeira năm 2010…
(Theo Các biện pháp giải quyết tranh chấp quốc tế theo quy định của Hiến chương Liên Hợp Quốc - Ngô Hữu Phước, Tạp chí Khoa học pháp lý Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh số 4/2009).
2. Các loại tranh chấp trong Biển Đông và những phương thức giải quyết tranh chấp:
Nằm ở rìa Tây Thái Bình Dương, phía Đông Việt Nam, là một vùng biển nửa kín, rộng trên 3 triệu km2, với khoảng 300 triệu dân sinh sống xung quanh, Biển Đông có vị trí rất quan trọng về địa - chính trị, địa - kinh tế, địa - chiến lược… của khu vực và quốc tế.
Xuất phát từ vị trí chiến lược đó mà Biển Đông đã và đang tồn tại những tranh chấp liên quan đến những lĩnh vực khác nhau trong quan hệ xã hội của cộng đồng khu vực và quốc tế:
Về mặt quân sự, kinh tế, chính trị, Biển Đông là nơi đã và đang diễn ra những tranh chấp giữa các siêu cường, đặc biệt là giữa Trung Quốc và Mỹ, về địa - chiến lược, địa - kinh tế, địa - chính trị:
Trung Quốc thực hiện chiến lược độc chiếm Biển Đông, dùng Biển Đông làm bàn đạp để vươn lên tranh giành vị trí siêu cường quốc tế, bằng cách áp dụng linh hoạt nhiều thủ thuật, thủ đoạn, bao gồm cả quân sự, ngoại giao, kinh tế… thích hợp cho từng giai đoạn lịch sử và bối cảnh chính trị cụ thể của khu vực và quốc tế.
Trong giai đoan lịch sử của những năm 50, 70, 80 của thế kỷ trước, Trung Quốc đã sử dụng vũ lực để đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa và một phần quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Lệnh cấm đánh cá trong Biển Đông nhằm vào ai và để làm gì? |
Trong giai đoạn hiện nay, Trung Quốc đang tính toán mở rộng sự xâm lấn đó bằng những thủ thuật, thủ đoạn mới, được dư luận cảnh báo đó là những cuộc “xâm lược mềm”.
Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI), bao gồm tầm nhìn về một lục địa Á-Âu được liên kết với nhau bởi “5 kết nối” (sự phối hợp chính sách, kết nối cơ sở hạ tầng, thương mại không bị cản trở, hội nhập tài chính và các trao đổi giữa nhân dân với nhân dân).
Đây là một trong những phương thức thích hợp với thời cuộc mà Trung Quốc đã tính toán nhằm thực hiện “Trung Hoa mộng”.
Còn Mỹ thì sao? Có thể thấy rằng, cho đến nay, có nhiều ý kiến nhận xét, đánh giá khác nhau về chính sách và cách xử lý của Mỹ dưới thời Donald Trump đối với tình hình Biển Đông.
Có không ít người cho rằng, theo cách nhìn nhận của một “Tổng thống- thương gia”, có 3 nhân tố có tác động đến chính sách của Mỹ đối với khu vực Đông Bắc Á, Đông Nam châu Á, khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, vấn đề tranh chấp Biển Đông và quan hệ với các đồng minh, đối tác:
Một là, sau khi nhậm chức, ông Donald Trump đã bắt tay thực thi chủ trương “làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”, tạo việc làm cho người Mỹ, bằng biện pháp đầu tư hướng nội, co cụm lại trong chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch…để không để cho các đối tác kinh tế nước ngoài thao túng, đặc biệt là Trung Quốc.
Trung Quốc là một đối tác kinh tế, vừa có ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế của Mỹ bởi chính sách bảo trợ thương mại đối với các doanh nghiệp trong nước, giữ giá đồng nhân dân tệ ở mức thấp, khiến cán cân thương mại song phương đã thặng dư tới hơn 350 tỷ USD gây thâm hụt ngân sách cho Mỹ…
Đây cũng vừa là một thị trường tiềm năng, béo bở, với hơn 1,3 tỷ dân, đang khát về công cụ sản xuất kỹ thuật, công nghệ cao để xây dựng thành công “chủ nghĩa xã hội đặc thù Trung Quốc”;
Nhu cầu này đáp ứng đòi hỏi của quy luật phát triển kinh tế nhằm giải quyết mâu thuẫn giữa năng lực sản xuất và nhu cầu của dân chúng, được cho là chủ yếu của xã hội Trung Quốc hiện nay, mà Mỹ không thể không duy trì, khai thác.
Thứ hai, chủ trương “Phi hạt nhân hóa” bán đảo Triều Tiên đang đứng trước nguy cơ bị phá sản bởi những cuộc thử vũ khí hạt nhân, nhiệt hạch và tên lưa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân của Bắc Triều Tiên vẫn liên tục diễn ra, bất chấp mọi sức ép về kinh tế, quân sự, ngoại giao… của Mỹ và công đồng quốc tế.
Sức mạnh hạt nhân của Bắc Triều Tiên đang trực tiếp thách thức, đe dọa đến an ninh, quốc phòng của Mỹ và các đồng minh ở khu vực Đông Bắc Á.
Trung Quốc đã vi phạm UNCLOS 1982 thế nào với đảo nhân tạo ở Trường Sa? |
Trong tình hình đó, Mỹ (kể cả Nhật Bản, Hàn Quốc) đều nhận thức rằng:
Trung Quốc, với tư cách là một đồng minh, là chỗ dựa của Bắc Triều Tiên trong lịch sử và hiện tại, mới có khả năng buộc Bắc Triều Tiên phải chấp hành Nghị quyết của Liên Hợp Quốc…
Vì vậy, phải duy trì quan hệ “bất đối kháng” với Trung Quốc, thậm chí phải tính đến việc phải có một số nhân nhượng nào đó ở Biển Đông.
Tuy nhiên, trong thực tế, tính toán đó của Mỹ đã không mang lại kết quả mong muốn, có lợi cho Mỹ.
Bắc Triều Tiên vẫn không chấp nhận xuống thang, vẫn tiếp tục “sinh tồn” trong vòng vây của hầu hết cộng đồng quốc tế, vẫn không chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán nếu không đáp ứng các điều kiện của họ;
Bình Nhưỡng vẫn tiếp tục sản xuất và thử nghiệm vũ khí hạt nhân, tên lửa đạn đạo với chi phí khổng lồ, tốn kém mà không phải bất kỳ một nước nghèo nàn lạc hậu nào cũng có thể gánh chịu được, nếu không có sự “hà hơi tiếp sức” nào đó từ bên ngoài?
Chắc hẳn hơn ai hết, Mỹ phải rất tường tận điều này.
Phải chăng Bắc Triều Tiên và Biển Đông là hai con bài nằm trong tay của 2 siêu cường Trung - Mỹ trong ván cờ “địa - chính trị” đang lúc gay cấn nhất…?
Thứ ba, có lẽ, đây là yếu tố rất ít được đề cập hay không đề cập đến.
Mặc dù, trong lịch sử nhân loại, các cuộc chiến tranh đẫm máu xảy ra đều xuất phát từ động cơ làm giàu trên xương máu đồng loại của những tập đoàn lái buôn vũ khí quốc tế.
Hiện nay, ai là “lái buôn vũ khí” hẳn dư luận ít nhiều đều đã nhận ra.
Đe dọa chiến tranh hay gây chiến tranh, xung đột lớn, nhỏ đều xuất phát từ nhu cầu tiêu thụ các loại vũ khí tồn kho đang là nhân tố gây ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế của một số cường quốc có năng lực chế tạo, sản xuất vũ khí chiến tranh.
Khủng hoảng Bắc Triều Tiên, Biển Đông hay Trung Đông, hoạt động của IS, tranh chấp tôn giáo, sắc tộc… phải chăng đều có bàn tay của các tập đoàn lái súng tầm cỡ quốc tế?
Khi đánh giá đến chính sách của Mỹ, Trung Quốc… không thể không tính đế các nhân tố nói trên.
Vì vậy, mặc dù có nhiều nghi ngờ bởi tính cách bất thường, phi truyền thống của vị Tổng thống thứ 45 của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, nhất là ở giai đoạn đầu khi Tổng thống Donald Trump mới lên cầm quyền, nhiều ý kiến vẫn cho rằng chính sách của Mỹ thời Donald Trump đối với Biển Đông về cơ bàn không có gì thay đổi.
Có chăng cũng thể hiện ở sách lược được áp dụng cho những thời điểm cụ thể làm sao có lợi nhất cho nước Mỹ đang đứng trước nguy cơ bị “soán vị” bởi “giấc mộng Trung Hoa” sắp trở thành hiện thực dưới thời đại Tập Cận Bình.
Về pháp lý có liên quan đến chủ quyền lãnh thổ và xác lập phạm vi các vùng biển và thềm lục địa, Biển Đông đang tồn tại 2 loại tranh chấp chủ yếu:
Tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa;
Và tranh chấp về ranh giới các vùng biển và thềm lục địa do các quốc gia ven Biển Đông khi vận dụng quy định của Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 để xác định phạm vi các vùng biển và thềm lục địa của mình đã tạo ra những vùng chồng lấn.
Như vậy, trong Biển Đông đang tồn tại 3 loại tranh chấp khác nhau cả về nội dung lẫn hình thức; nguyên tắc pháp lý và phương thưc giải quyết cũng rất khác nhau.
Hai loại tranh chấp sau chúng tôi đã nhiều lần phân tích trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, nên xin không nhắc lại.
3. Một số nhận xét:
Dựa vào những thông tin được nêu ở điểm 1 và 2 nói trên, chúng tôi nhận thấy rằng:
3.1. Mỹ là bên tranh chấp về vị trí địa - chính trị, địa - kinh tế, địa - chiến lược của Biển Đông.
Đây là loại tranh chấp đã và đang diễn ra rất khốc liệt giữa Mỹ và Trung Quốc, và có thể nói, nó là “gốc rễ” tạo nên tình trạng căng thẳng hay lắng dịu trong Biển Đông.
Tuy vậy, để giải quyết tranh chấp này không phải dễ; bởi vì các bên tranh chấp thường không trực tiếp đối đầu mà chủ yếu dựa vào các đồng minh, đối tác hay nấp dười hình thức là các dự án thuần túy kinh tế, kỹ thuật…
Tình trạng tranh chấp này có thể được kiểm soát, kiềm chế bởi sức mạnh đoàn kết của cộng đồng quốc tế, thông qua tổ chức Liên Hợp Quốc và các tổ chức quốc tế khác, nhằm điều chỉnh và cân bằng các quyền và lợi ích giữa các quốc gia tranh chấp, trên cơ sở thượng tôn pháp luật.
3.2. Đối với 2 loại tranh chấp như những thông tin mà chúng tôi đã cung cấp ở trên, Mỹ không phải là bên tranh chấp.
Vì vậy, về mặt lý thuyết, Mỹ có thể đóng vai trò làm trung gian, hòa giải. Thậm chí sẽ là người trung gian, hòa giải tranh chấp Biển Đông đáp ứng điều kiện cần và đủ.
Tuy nhiên, liệu đề nghị này có trở thành hiện thực hay không? Thiết nghĩ chúng ta nên xem xét các khả năng sau đây:
Thứ nhất: Mỹ thừa biết rằng Trung Quốc đã nhiều lần công khai lập trường không chấp nhận sự can dự của bên thứ 3 vào tranh chấp Biển Đông, nhất là Mỹ; chỉ chấp nhận đàm phán song phương, không chấp nhận “quốc tế hóa” vấn đề Biển Đông.
Trong trường hợp này, vai trò “trung gian, hòa giải” theo lời đề nghị của Mỹ thực chất chỉ là một thủ thuật ngoại giao, tạo sức ép dư luận quốc tế để đối phó với những thách thức đối với vai trò của Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương do Trung Quốc tạo ra ngày càng quyết liệt.
Thứ hai: Cũng có khả năng đây cũng là tính hiệu thể hiện phản ứng của Mỹ trước lập trường của Trung Quốc về vấn đề “phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên” mà Mỹ cho là Trung Quốc chưa thực hiện đầy đủ “cam kết” của mình.
Thứ ba: Lời đề nghị này cũng có thể được coi là thông điệp gửi đến các đồng minh và đối tác của mình trong khu vực tái khẳng định lập trường và trách nhiệm của Mỹ đối với tranh chấp Biển Đông trong khả năng Mỹ có thể phát huy được.
Thứ tư: Có lẽ Mỹ muốn tìm hiểu thêm chủ trương giải quyết tranh chấp Biển Đông bằng biện pháp hòa bình mà Việt Nam vẫn luôn luôn công khai tuyên bố trước dư luận, được thể hiện như thế nào trong thực tế?
Và việc Việt Nam hưởng ứng hay không hưởng ứng lời đề nghị này của Mỹ phải chăng cũng là câu trả lời cho những băn khoăn, nghi hoặc của dư luận ?
Với những gì mà chúng tôi vừa đề cập ở trên, chúng tôi tin tưởng rằng các bên liên quan và dư luận sẽ xem xét, đánh giá một cách thận trọng và khách quan về đề xuất mới này của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump.
Chúng tôi cũng hy vọng rằng, với sự quan tâm, chia sẻ trách nhiệm, với thiện chí thật sự của các bên liên quan, đặc biệt là các cường quốc, các tổ chức quốc tế, tranh chấp Biển Đông sẽ từng bược được giải quyết, trên cơ sở thượng tôn pháp luật, nhằm vừa tôn trọng các quyền và lợi ích chính đáng của các bên liên quan, vừa bảo vệ hòa bình, an ninh, ổn định của khu vực và thế giới.
Tài liệu tham khảo:
- Ngô Hữu Phước: CÁC BIỆN PHÁP GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP QUỐC TẾ THEO QUY ĐỊNH CỦA HIẾN CHƯƠNG LIÊN HIỆP QUỐC; Tạp chí Khoa học pháp lý Trường ĐH Luật Tp. Hồ Chí Minh số 4/2009;
- Tiến sỹ Trần Công Trục, Thạc sỹ, Luật sư Hoàng Việt, Thạc sỹ, Luật sư Phùng Anh Tuấn: Philippines kiện Trung quốc về tranh chấp Biển Đông, các sự kiện và phân tích pháp lý, Nhà Xuất bản Thông tin và Truyền thông, 2016.
- Ngô Di Lân: Việt Nam: ‘Nước chiến trường’ trên bàn cờ Biển Đông, Posted on 19/11/2017 by The Observer.
- Nadège Rolland, “Eurasian Integration “a la Chinese”: Deciphering Beijing’s Vision for the Region as a “Community of Common Destiny”“, The Asan Forum, 05/06/2017(Giải mã khái niệm ‘Cộng đồng chung vận mệnh’ của Trung Quốc) , Posted on 17/11/2017 by The Observer.