Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính cho biết, hiện cả nước có tới 81.492 lãnh đạo cấp phó (từ phó phòng đến thứ trưởng), tính ra cứ 5 cán bộ, công chức lại có 1 lãnh đạo cấp phó nhưng nhiều nơi vẫn thấy thiếu.
Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về học tập, quán triệt các nghị quyết Trung ương 6 khóa XII |
Ngày 29/11, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về học tập, quán triệt các nghị quyết Trung ương 6 khóa XII.
Tại đây, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính đã giới thiệu, quán triệt Nghị quyết số 18-NQ/TW “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.
Đề cập đến thực trạng tổ chức bộ máy hành chính ở nước ta hiện nay, đồng chí Phạm Minh Chính cho biết, các nước trên thế giới trung bình có 12-16 bộ, trong khi Việt Nam hiện có 22 bộ, cơ quan ngang bộ.
Nếu so sánh trong số những nước có điều kiện tương đồng về dân số, quy mô lãnh thổ, nước ta vẫn là nước có số đầu mối bộ, ngành cao nhất.
Cùng đó, cơ cấu tổ chức cán bộ, công chức còn bất cập, số người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách nhà nước rất lớn, nhất là biên chế trong đơn vị sự nghiệp công lập, cán bộ hoạt động không chuyên trách cấp xã, thôn.
Tính đến ngày 1/3/2017, số người hưởng lương và phụ cấp từ ngân sách nhà nước là khoảng 4 triệu người, chưa tính lực lượng Quân đội và Công an.
Đặc biệt, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương chỉ ra, sau 2 năm thực hiện Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế, số người hưởng lương, phụ cấp không những không giảm mà còn tăng lên.
Cụ thể, theo Nghị quyết 39, mỗi năm cả nước phải tinh giản 70.000 người, thế nhưng sau 2 năm thực hiện thì thực tế lại tăng lên 96.000 người.
Bên cạnh đó, số lượng lãnh đạo, cấp phó trong các cơ quan đơn vị còn nhiều, chiếm tỷ lệ cao, bổ nhiệm cấp hàm một số cơ quan trung ương còn nhiều.
Cả nước hiện có 81.492 lãnh đạo cấp phó từ phó phòng đến thứ trưởng, chiếm 21,7% tổng số cán bộ công chức từ trung ương đến cấp huyện.
Theo ông Phạm Minh Chính, cứ 5 cán bộ công chức thì có 1 lãnh đạo cấp phó.
Đã thế, việc quy định “hàm” còn bị lạm dụng.
Có Bộ có 6 hàm vụ trưởng, 7 hàm phó vụ trưởng, có cả hàm trưởng phòng, phó trưởng phòng, thậm chí có đơn vị còn có tới 19 hàm phó vụ trưởng.
Các đại biểu dự hội nghị trực tuyến quán triệt Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII tại điểm cầu Hà Nội |
Không chỉ đang lạm phát cấp phó mà hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính cũng còn rất bất cập.
“Mỗi Bộ có 5-6 cấp phó, thiếu bổ sung rất nhanh nhưng vẫn kêu không đủ người đi họp, rõ ràng cơ chế vận hành có vấn đề, chức năng nhiệm vụ có vấn đề.
Cơ chế chịu trách nhiệm ít, phân cấp không nhiều, cái gì cũng ôm xử lý không hết, nảy sinh tiêu cực là đương nhiên” – ông Phạm Minh Chính phân tích.
Tương tự, đối với hệ thống chính quyền địa phương, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương cho biết, sau 30 năm đổi mới, số đơn vị hành chính cấp tỉnh ở nước ta đã tăng thêm 19, tăng 178 đơn vị cấp huyện, 1.136 đơn vị cấp xã.
Hơn nữa, sự khác biệt giữa các đơn vị hành chính về quy mô dân số, điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội lại chưa được làm rõ.
Dẫn lại ví dụ trước đây quyết định Hà Tây sáp nhập vào Hà Nội, khi đặt vấn đề thì rất nhiều khó khăn nhưng Trung ương quyết định là sáp nhập để mở rộng không gian phát triển, ông Phạm Minh Chính nói:
“Sau 5 năm sáp nhập, tổng kết lại thì khẳng định tính đúng đắn, mọi khó khăn đều được vượt qua”.