3 lý do và động lực đằng sau vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên

01/12/2017 06:36
PHẠM DOÃN TÌNH
(GDVN) - Triều Tiên đã bất ngờ đáp trả chính sách gây sức ép tối đa của Hoa Kỳ đối với nước này bằng một vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa gây chấn động thế giới.

Sau thời gian 75 ngày có một “khoảng lặng” trên bán đảo Triều Tiên, khi Bình Nhưỡng đã không có bất cứ một hành động khiêu khích nào, thì vào rạng sáng 29/11, nước này đã bất ngờ phóng một quả tên lửa đạn đạo liên lục địa Hawsong-15 có uy lực mạnh nhất từ trước đến nay.

Vụ phóng tên lửa này của Bình Nhưỡng lại khiến cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên tăng nhiệt hơn bao giờ hết, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ “xử lý” Triều Tiên.

Vậy, lý do nào dẫn đến hành động khiêu khích này của Bình Nhưỡng, khi mà hơn hai tháng qua họ đã “im lặng” để không “đổ thêm dầu vào lửa”?

Có thể chỉ ra ba lý do chính sau đây:

Thứ nhất, vụ thử tên lửa Hawsong-15 là nhằm đáp trả chính sách gây áp lực ngày càng gia tăng của Hoa Kỳ đối với Triều Tiên.

Trong nhiều thập kỷ qua, Hoa Kỳ luôn kêu gọi Triều Tiên từ bỏ chương trình phát triển tên lửa và vũ khí hạt nhân để đảm bảo tiến trình “phi hạt nhân hóa” bán đảo Triều Tiên;

Thế nhưng Washington lại luôn áp đặt chính sách đối đầu chống Bình Nhưỡng, khiến nước này không khỏi lo lắng cho sự tồn vong của họ.

Ngoài các biện pháp trừng phạt mà Liên Hợp Quốc áp đặt đối với Bình Nhưỡng, mà trong đó chủ yếu là vai trò của Hoa Kỳ, thì Washington còn liệt Triều Tiên vào cái Mỹ gọi là “danh sách các quốc gia tài trợ khủng bố”.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thị sát tên lửa Hawsong-15 trước khi di chuyển ra bãi thử (Ảnh: AP)
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thị sát tên lửa Hawsong-15 trước khi di chuyển ra bãi thử (Ảnh: AP)

Mặc dù, vào năm 2008, Hoa Kỳ đã đưa Triều Tiên ra khỏi danh sách này, nhưng sau những căng thẳng gần đây xung quanh việc Triều Tiên tiến hành các vụ thử tên lửa và hạt nhân, thì vào ngày 20/11 Tổng thống Donald Trump đã đưa Triều Tiên trở lại “danh sách đen”.

Việc đưa Triều Tiên trở lại “danh sách các quốc gia tài trợ khủng bố” sẽ giúp cho Hoa Kỳ có cái cớ để áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt lên Triều Tiên và gây sức ép đối với các bên liên quan nhằm cô lập hoàn toàn Bình Nhưỡng.

5 nước thường trực Hội đồng Bảo an Liên vẫn ôm cả kho vũ khí hạt nhân để "răn đe" các nước còn lại, nhưng lại đi ép các nước khác không được phát triển loại vũ khí này cho dù chỉ để tự vệ, với Bình Nhưỡng mà nói là một chuyện bất công và không thuyết phục.

Ngoài ra, trong hơn hai tháng qua, Bình Nhưỡng không có thêm bất kỳ hành động nào mà Mỹ cho là khiêu khích, nhưng Washington vẫn tiếp tục tăng áp lực lên Triều Tiên.

Ngay sau khi Hoa Kỳ tuyên bố đưa Triều Tiên trở lại “danh sách các quốc gia tài trợ khủng bố”, giới phân tích đã bày tỏ sự quan ngại về một điểm khởi đầu cho những căng thẳng mới trên bán đảo Triều Tiên.

Ông Sourabh Gupta, chuyên gia về Chính sách Kinh tế và Chiến lược châu Á - Thái Bình Dương trong một cuộc trả lời phỏng vấn trên truyền hình RT đã cho rằng:

“Việc đưa Triều Tiên trở lại ‘danh sách các quốc gia tài trợ khủng bố’ chỉ làm cho con đường giải quyết cuộc khủng hoảng bằng đối thoại bị đẩy ra xa hơn và mở đường cho các hành động quân sự”, ông Gupta nói. [1]

Tên lửa Hawsong-15 bắt đầu rời bệ phóng (Ảnh: AP)
Tên lửa Hawsong-15 bắt đầu rời bệ phóng (Ảnh: AP)

Đúng như nhận định của giới phân tích, Triều Tiên đã bất ngờ đáp trả chính sách gây sức ép tối đa của Hoa Kỳ đối với nước này bằng một vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa gây chấn động thế giới.

Thứ hai, vụ thử tên lửa còn nhằm khẳng định Triều Tiên đang miễn nhiễm với các lệnh trừng phạt.

Hồi tháng 9 vừa qua, sau khi Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân lần 6, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã thông qua một lệnh trừng phạt mới do Mỹ soạn thảo đối với Triều Tiên, nhằm ngăn chặn và kiềm chế các nguồn lực chủ yếu giúp cho sự phát triển kinh tế của nước này.

Theo đó, các mặt hàng may mặc của Triều Tiên bị cấm xuất khẩu; hạn chế nhập khẩu các sản phẩm từ dầu mỏ, khí thiên nhiên hóa lỏng và ngưng tụ, chỉ còn ở mức 4 triệu thùng một năm đối với đầu thô và 2 triệu thùng một năm đối với các sản phẩm từ lọc dầu; cấm các nước ký hợp đồng mới với lao động Triều Tiên.

Lệnh trừng phạt còn cho phép các nước được quyền kiểm tra các tàu chở hàng đến Triều Tiên nếu có nghi ngờ chở các mặt hàng bị cấm hoặc vũ khí.

Đây được coi là lệnh trừng phạt cứng rắn nhất từ trước đến nay mà Triều Tiên phải hứng chịu.

Tên lửa Hawsong-15 đang phóng lên trong vụ thử nghiệm (Ảnh: AP)
Tên lửa Hawsong-15 đang phóng lên trong vụ thử nghiệm (Ảnh: AP)

Theo ước tính, việc áp đặt lệnh trừng phạt này, kết hợp với các lệnh trừng phạt trước đó có thể khiến Triều Tiên thiệt hại khoảng 4 tỷ USD doanh thu hàng năm - một con số có thể khiến nước này phải chịu áp lực kinh tế rất lớn mà buộc phải từ bỏ chương trình phát triển tên lửa và hạt nhân đang theo đuổi. [2]

Tuy nhiên, ngay ở thời điểm đó, giới phân tích đã nhận định, dù lệnh trừng phạt có làm tổn hại đến nền kinh tế Triều Tiên đi bao nhiêu nữa thì nước này cũng sẽ không từ bỏ tham vọng sở hữu vũ khí hạt nhân.

Ngay cả Tổng thống Nga Putin khi đó cũng đã từng nói rằng:

Người dân Triều Tiên có phải ăn cỏ đi chăng nữa thì cũng sẽ không bao giờ từ bỏ chương trình phát triển tên lửa và vũ khí hạt nhân của họ”.

Điều này đến nay đã thành hiện thực, khi Triều Tiên vẫn cho thấy một sức chịu đựng “dẻo dai” trước sức ép nặng nề của các lệnh trừng phạt và họ vẫn không ngừng đạt được những bước tiến quan trọng trong chương trình phát triển tên lửa và vũ khí hạt nhân.

Vụ thử tên lửa Hawsong-15 mới nhất này đã chứng tỏ rằng, Triều Tiên thực sự đang miễn nhiễm với các lệnh trừng phạt.

Thậm chí, khi sức ép càng nặng nề, lại càng thôi thúc nước này quyết tâm hơn trong việc đẩy nhanh tiến độ phát triển, hoàn thiện chương trình tên lửa và vũ khí hạt nhân của họ.

Thứ ba, Triều Tiên muốn răn đe Mỹ và cho thế giới biết rằng họ đã tiệm cận đến việc hoàn thiện chương trình phát triển tên lửa và vũ khí hạt nhân.

Trước thời điểm Triều Tiên phóng quả tên lửa mới Hawsong-15 hôm 29/11, Bộ trưởng Bộ Thống nhất Hàn Quốc Cho Myoung-gyon và các chuyên gia đều dự đoán rằng:

Triều Tiên sẽ phải mất từ 2 đến 3 năm nữa mới có thể hoàn thành chương trình tên lửa và hạt nhân của nước này.

Tuy nhiên, tất cả đều đã sửng sốt khi Triều Tiên bất ngờ phóng tên lửa Hawsong-15 có tầm bay cao đến 4.500 km và tầm bay xa có thể lên đến 13.000 km nếu bay theo quỹ đạo tiêu chuẩn. [3]

Với tầm bay xa của loại tên lửa liên lục địa mới này, Triều Tiên đã đặt gần như toàn bộ nước Mỹ trong tầm ngắm.

Các chuyên gia cũng dựa vào hình ảnh của vụ phóng tên lửa để đưa ra nhận định rằng:

Tên lửa Hawsong-15 mang nhiều đặc điểm được cải tiến vượt trội so với các mẫu thử nghiệm trước đó và dường như nó mang cấu hình của một động cơ mới để tăng thời gian đốt cháy nhiên liệu;

Hoặc sử dụng động cơ hai tầng kế tiếp tương tự như phiên bản tên lửa Hawsong-13 nhưng có sự cải tiến đáng kể.

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu trên truyền hình sau vụ thử tên lửa của Triều Tiên (Ảnh: AP)
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu trên truyền hình sau vụ thử tên lửa của Triều Tiên (Ảnh: AP)

Ngoài ra, các chuyên gia cũng chỉ ra rằng, tên lửa Hawsong-15 đã sử dụng nhiên liệu rắn nên rút ngắn đáng kể thời gian triển khai và mở rộng khu vực có thể phóng tên lửa, khiến cho các vệ tinh của Hoa Kỳ và đồng minh không kịp phát hiện.

Có thể nhận thấy rằng, Triều Tiên đã có những bước tiến mang tính đột phá về chương trình phát triển tên lửa của nước này, trong một khoảng thời gian rất ngắn kể từ vụ phóng tên lửa Hawsong-14 hôm 15/9.

Mặc dù giới chuyên gia vẫn cho rằng, nếu tên lửa Hawsong-15 mang đầu đạn hạt nhân thật sự thì tầm bay xa sẽ không đạt được như vụ phóng thử vừa rồi, bởi sức nặng của đầu đạn hạt nhân sẽ làm giảm từ 20 - 30% cự ly so với lúc không mang đầu đạn. [4]

Tuy nhiên, dù cự ly thực tế của tên lửa Hawsong-15 khi mang đầu đạn hạt nhân có giảm đi như tính toán, thì loại tên lửa này vẫn đủ sức răn đe đối với nước Mỹ.

Điều này cũng chứng minh rằng, Triều Tiên đã tiệm cận đến sự hoàn thiện về chương trình phát triển tên lửa và vũ khí hạt nhân của nước này.

Từ những đánh giá về ba lý do dẫn đến việc Triều Tiên tiến hành vụ phóng tên lửa vừa qua, có thể nhận thấy rằng:

Nếu Mỹ thật sự muốn có một tiến trình “phi hạt nhân hóa” bán đảo Triều Tiên, thì chỉ có một cách duy nhất là chấp nhận thực hiện sáng kiến “đóng băng hai chiều” mà Trung Quốc và Nga đã đưa ra hồi tháng 4.

Thực hiện giải pháp này, Hoa Kỳ sẽ ngừng các cuộc tập trận chung với đồng minh cũng như tạo sức ép đối với Triều Tiên.

Đổi lại, Triều Tiên sẽ ngừng các vụ thử tên lửa và hạt nhân để hai bên có thể ngồi vào bàn đàm phán nhằm tìm ra cách thức giải quyết cuộc khủng hoảng.

Trái lại, nếu chỉ vì một toan tính nào đó bởi lợi ích của Hoa Kỳ, thì hy vọng về một tiến hòa bình và “phi hạt nhân hóa” bán đảo Triều Tiên sẽ không bao giờ trở thành hiện thực.

Tài liệu tham khảo:

[1] Dependent/ North korea Trump latest terrorism list world less safe place.

[2] CNN/ North korea un security council vote.

[3] The diplomat/ North Korea Fires Intercontinental Ballistic Missile: What We Know.

[4] Yonhap/ N. Korea reveals photos of Hwasong-15 ICBM.

PHẠM DOÃN TÌNH