Không hiểu vì sao thông tin liên quan đến mất hồ sơ Trịnh Xuân Thanh bị lọt

02/12/2017 07:42
Trinh Phúc
(GDVN) - "Tại phiên họp 19 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương không nêu nội dung này mà tách ra bằng một thông báo riêng và Ủy ban yêu cầu bảo mật thông tin".

Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11, ngày 1/12, báo chí đặt câu hỏi tới Bộ Nội vụ về việc liên quan đến việc thất lạc hồ sơ Trịnh Xuân Thanh, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã có kết luận khẳng định Thứ trưởng Trần Anh Tuấn không làm lộ tài liệu mật mà chính việc làm lộ thông tin buổi làm việc đề nghị kỷ luật ông Tuấn mới là thông tin mật.

Qua vụ việc này Bộ rút ra bài học gì? Có xử lý người làm lộ thông tin đề xuất kỷ luật Thứ trưởng Trần Anh Tuấn không?”.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng (ảnh Trinh Phúc).
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng (ảnh Trinh Phúc).

Trả lời báo chí, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết: "Về thông tin mất hồ sơ liên quan đến Trịnh Xuân Thanh tại các phiên họp báo Chính phủ trước đó lãnh đạo Bộ Nội vụ đã trả lời.

Quy định về quản lý hồ sơ trước hết thực hiện theo pháp luật về lưu trữ, theo quy chế làm việc của Bộ Nội vụ và các bộ.

Theo đó, cơ quan trình chịu trách nhiệm quản lý hồ sơ và nộp lưu hồ sơ theo quy định. Khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận có nêu Bộ Nội vụ nếu cần thiết mời Bộ Công an vào điều tra.

Trên cơ sở kết luận của Bộ Công an, tôi nghĩ các cơ quan có thẩm quyền cần có kết luận rõ ràng. Mất hồ sơ ra làm sao?

Trong hồ sơ giải quyết vụ việc có thành phần hồ sơ, ý kiến trình của cơ quan tham mưu, ý kiến chỉ đạo của cấp có thẩm quyền.

Việc  thất lạc hồ sơ tất cả những cái đó rất khó đánh giá được, căn cứ vào kết luận của cơ quan công an, các cơ quan có thẩm quyền sẽ có kết luận cụ thể”.

Không hiểu vì sao thông tin liên quan đến mất hồ sơ Trịnh Xuân Thanh bị lọt  ảnh 2Bộ Nội vụ nói gì về vụ thất lạc hồ sơ Trịnh Xuân Thanh?

Ông Thăng cũng cho biết thêm, tại phiên họp trước đã nêu, việc quy định thế nào là tài liệu mật có quy định của Nghị định Chính phủ năm 2012, Thông tư hướng dẫn của Bộ Công an cũng năm 2012 quy định danh mục tài liệu mật.

Và đặc biệt trong Quy định 181 tháng 5 năm 2017 nêu rất rõ, tài liệu mật liên quan đến quá trình điều tra, kiểm tra, thanh tra chưa được phép công bố.

“Còn lại tại phiên họp 19 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương không nêu liên quan đến việc lộ thông tin của Bộ Nội vụ về Trịnh Xuân Thanh.

Mà vụ việc này bằng thông báo riêng, mà thông báo này Ủy ban kiểm tra Trung ương yêu cầu bảo mật thông tin.

Yêu cầu Bộ Nội vụ như vậy không hiểu nhà báo lấy thông tin ở đâu?. Tài liệu này không công bố có nghĩa là mật. Đề nghị Bộ Công an, Ủy ban kiểm tra Trung ương xem xét lại việc này”- ông Thăng nhấn mạnh.

Trước đó, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đưa tin ngày 30/8, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8, vấn đề báo chí quan tâm là việc điều tra, xử lý trách nhiệm cá nhân liên quan đến thất lạc hồ sơ của Trịnh Xuân Thanh tại Bộ Nội vụ.

Thứ trưởng Bộ Nội Vụ - ông Nguyễn Duy Thăng cho biết: “Việc hồ sơ Trịnh Xuân Thanh đến thời điểm này xảy ra đã hơn một năm, Ủy ban kiểm tra Trung ương đã có kết luận.

Trong quá trình xử lý, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Bí thư đã có đề cập đến nội dung mất hồ sơ.

Việc quản lý hồ sơ theo quy định của luật viên chức. Vấn đề này chờ kết luận của Bộ Công An và các cơ quan có thẩm quyền thì Bộ Nội vụ sẽ thông báo cụ thể".

Trinh Phúc