Vì sao Nga cáo buộc Hoa Kỳ kích động Triều Tiên?

02/12/2017 09:15
PHẠM DOÃN TÌNH
(GDVN) - Vì sao Nga lại có thái độ cứng rắn với Hoa Kỳ, khi mà Washington đang ra sức kêu gọi cộng đồng quốc tế xích lại gần nhau hơn để chống Triều Tiên?

Yonhap hôm 30/11 đưa tin, chỉ vài giờ sau khi Triều Tiên phóng thử quả tên lửa Hawsong-15 gây chấn động thế giới, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã tiến hành một cuộc họp khẩn cấp để bàn về các biện pháp “xử lý” đối với hành động khiêu khích của Bình Nhưỡng.

Phát biểu tại cuộc họp, bà Hikki Haley, Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hợp Quốc đã chỉ trích vụ phóng thử tên lửa của Triều Tiên là hành động khiêu khích thái quá và đã đưa thế giới đến gần hơn với chiến tranh;

Đồng thời Đại sứ Mỹ cảnh báo, nếu chiến tranh xảy ra thì “Triều Tiên sẽ bị tiêu diệt hoàn toàn”.

Ngoài ra, bà Haley còn kêu gọi tất cả các quốc gia thực hiện nghiêm lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc đối với Triều Tiên và cắt đứt mối quan hệ kinh tế, ngoại giao với Bình Nhưỡng nhằm cô lập hoàn toàn nước này.

Tuy nhiên, đáp lại lời kêu gọi của Hoa Kỳ, phía Nga lại cáo buộc Washington đã tạo ra sự kích động nên dẫn đến hành động khiêu khích này của Bình Nhưỡng.

Tên lửa Hawsong-15 của Triều Tiên trong vụ phóng thử hôm 29/11 (Ảnh: AP)
Tên lửa Hawsong-15 của Triều Tiên trong vụ phóng thử hôm 29/11 (Ảnh: AP)

Phát biểu trong chuyến thăm Thủ đô Minsk của Belarus, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng:

“Việc Hoa Kỳ đưa Triều Tiên vào ‘danh sách các quốc gia tài trợ khủng bố’ dường như đã kích thích Bình Nhưỡng vội vã hành động.

Nếu Hoa Kỳ muốn tìm cái cớ để hủy diệt Triều Tiên thì hãy nói thẳng ra và Tổng thống Donald Trump nên xác nhận điều đó”. [1]

Động thái này của Nga đi ngược lại với quan điểm của hầu hết các quốc gia trên thế giới khi chỉ nhắm mục tiêu vào chỉ trích hành động phóng tên lửa của Triều Tiên.

Vậy câu hỏi được đặt ra là: Vì sao Nga lại có thái độ cứng rắn với Hoa Kỳ, khi mà Washington đang ra sức kêu gọi cộng đồng quốc tế xích lại gần nhau hơn để chống Triều Tiên?

Có thể chỉ ra bốn lý do sau đây:

Thứ nhất, do Hoa Kỳ luôn đơn phương đưa ra quyết định gây sức ép đối với Triều Tiên.

Nga phản ứng cứng rắn với Hoa Kỳ là bởi Washington luôn hành động đơn phương trong việc gia tăng sức ép với Bình Nhưỡng, bất chấp mọi lời kêu gọi kiềm chế của các nước, đặc biệt là Trung Quốc và Nga.

Vì sao Nga cáo buộc Hoa Kỳ kích động Triều Tiên? ảnh 2

"Tiếng sấm" sau 2 tháng im lặng, Triều Tiên "cân não" cả Trung Quốc, Hoa Kỳ

Hồi tháng 4, Trung Quốc và Nga đã đưa ra sáng kiến “đóng băng hai chiều” để giúp giải quyết cuộc khủng hoảng Triều Tiên;

Thế nhưng Hoa Kỳ đã phớt lờ sáng kiến này và không ngừng gia tăng sức ép đối với Bình Nhưỡng bằng các cuộc tập chung với các đồng minh Hàn Quốc và Nhật Bản;

Đồng thời Mỹ cũng hối thúc Trung Quốc, Nga và các nước khác thực hiện nghiêm lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc đối với Triều Tiên.

Đáng chú ý hơn, mới đây Hoa Kỳ đã đơn phương liệt Triều Tiên vào danh sách Mỹ gọi là “quốc gia tài trợ khủng bố”, bất chấp mọi sự cảnh báo của lãnh đạo các nước, trong đó có Nga và sự quan ngại của giới chuyên gia về một phản ứng tiêu cực của Bình Nhưỡng.

Và chỉ đến khi xảy ra những “tình huống có vấn đề” - Triều Tiên thử tên lửa và hạt nhân, thì Hoa Kỳ lại đưa ra lời kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và cộng đồng quốc tế tăng cường lệnh trừng phạt và sức ép đối với Bình Nhưỡng.

Điều này khiến Nga không thể bằng lòng, khi luôn phải chạy theo để xử lý những vấn đề mà Hoa Kỳ “đạo diễn”.

Thứ hai, Moscow không muốn Washington lợi dụng vấn đề Triều Tiên để tăng cường thêm sự hiện diện quân sự ở gần biên giới với Nga.

Nga và Triều Tiên là hai nước láng giềng có chung 40 km đường biên giới, bởi vậy mọi sự hiện diện quân sự ở bán đảo Triều Tiên đều tạo ra những quan ngại đối với lợi ích và an ninh của Nga.

Vì sao Nga cáo buộc Hoa Kỳ kích động Triều Tiên? ảnh 3

3 lý do và động lực đằng sau vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên

Mới đây, một quan chức cấp cao của Nga cho biết, Moscow sẽ không bao giờ cho phép Hoa Kỳ hay bất cứ quốc gia nào đẩy Triều Tiên vào một cuộc xung đột quân sự.

Vì điều này có thể tạo ra sự nguy hiểm đối với khu vực biên giới của Nga.

Để ngăn chặn nguy cơ này, Nga đã từng sẵn sàng đứng ra làm trung gian cho việc giải quyết cuộc khủng hoảng Triều Tiên, tuy nhiên, Hoa Kỳ đã không tỏ ra thiện chí khi nghi ngờ vào vai trò hữu ích của Nga.

Phát biểu bên lề cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hồi tháng 9, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson đã nói rằng:

“Nếu Nga muốn khôi phục lại vai trò của một nhà hoạt động đáng tin cậy trong việc giải quyết tình hình bán đảo Triều Tiên, họ cần phải chứng minh ý định tốt này bằng cách duy trì cam kết với các nỗ lực quốc tế về an ninh hạt nhân và kiểm soát vũ khí”. [2]

Chính sự thiếu tin tưởng nhau này, cùng những động thái của Hoa Kỳ khi liên tục gây sức ép với Triều Tiên dẫn đến những căng thẳng trong khu vực, rồi việc Hoa Kỳ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) ở Hàn Quốc càng khiến cho Nga quan ngại hơn.

Tình hình hiện tại trên bán đảo Triều Tiên sẽ tiếp tục là một lý do để Hoa Kỳ tăng cường thêm sự hiện diện quân sự ở khu vực này, điều mà Nga hoàn toàn không mong muốn.

Bởi vậy, một sự chỉ trích đối với Hoa Kỳ khi liệt Triều Tiên vào “danh sách các quốc gia tài trợ khủng bố” - một động thái được coi là đã kích động Bình Nhưỡng tiến hành vụ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa vừa qua, cũng là điều dễ hiểu.

Thứ ba, Nga thấu hiểu nỗi đau của các lệnh trừng phạt mà Triều Tiên đang phải hứng chịu.

Trước đây, Nga cũng đã từng bị Hoa Kỳ và phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt, khiến cho nền kinh tế rơi vào tình trạng điêu đứng trong nhiều năm.

Bởi vậy, Nga không bao giờ hứng thú khi thấy các lệnh trừng phạt được áp đặt ở bất kỳ nơi nào.

Đối với Triều Tiên, Nga lại càng không mong muốn điều đó, mặc dù hồi tháng 10 Tổng thống Nga Putin đã ký sắc lệnh áp đặt cấm vận đối với Triều Tiên về các danh mục nguyên vật liệu, công nghệ và một số mặt hàng xa xỉ.

Tuy nhiên, việc ông Putin ký sắc lệnh này, phần nhiều xuất phát từ việc chấp hành nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, hơn là từ ý chí của Nga.

Tổng thống Nga Putin (Ảnh: AP)
Tổng thống Nga Putin (Ảnh: AP)

Hồi tháng 9, khi Hoa Kỳ đề xuất lệnh trừng phạt lần thứ 9 đối với Triều Tiên sau vụ thử hạt nhân lần 6, Nga và Trung Quốc đã phản đối việc cấm vận toàn diện đối với Triều Tiên, buộc Hoa Kỳ phải có sự nhượng bộ.

Chính phủ Nga luôn khẳng định rằng, hành động gia tăng sức ép lên Bình Nhưỡng sẽ không bao giờ mang lại kết quả, mà cần phải tìm kiếm một giải pháp ngoại giao để giải quyết vấn đề.

Trả lời phỏng vấn sau bài phát biểu của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hôm 19/9, khi tuyên bố sẽ “hủy diệt Triều Tiên hoàn toàn”, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng:

“Nếu bạn chỉ đơn giản là lên án, trừng phạt và đe dọa thì sẽ phản tác dụng đối với những quốc gia mà chúng ta muốn gây ảnh hưởng”.

Mới đây, khi Hoa Kỳ kêu gọi về một lệnh trừng phạt bổ sung đối với Triều Tiên sau khi nước này tiến hành vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa hôm 29/11, Ngoại trưởng Nga Lavrov khẳng định:

Các lệnh trừng phạt đã đạt đến giới hạn cuối cùng, và giờ đã đến lúc cần phải tiến tới các cuộc đàm phán để giải quyết khủng hoảng.

“Chúng tôi đã nhấn mạnh nhiều lần rằng, việc siết chặt các biện pháp trừng phạt về cơ bản đã kết thúc;

Và các nghị quyết đưa ra về các biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên cần phải có một yêu cầu để làm mới lại tiến trình chính trị, một yêu cầu để tiến tới các cuộc đàm phán.

Nhưng người Mỹ đã hoàn toàn bỏ qua yêu cầu này, và tôi coi đây là một sai lầm lớn”, ông Lavrov nói. [3]

Thứ tư, quan hệ giữa Nga và Triều Tiên đang được tăng cường đáng kể, khi xuất hiện nhiều “sợi dây” liên kết kinh tế giữa hai nước.

Triều Tiên được cho là nước có nguồn khoáng sản tự nhiên khá phong phú, trữ lượng cao, trở thành một quốc gia có tiềm năng để phát triển các ngành khai thác mỏ quặng quy mô lớn nếu điều kiện cho phép.

Tổng thống Nga Putin và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (Ảnh: KCNA)
Tổng thống Nga Putin và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (Ảnh: KCNA)

Theo trang tin kinh tế Quartz của Mỹ, Triều Tiên sở hữu hơn 200 loại khoáng sản khác nhau như than đá, quặng sắt, kẽm, đồng, vàng, bạc, magie, graphite…, có trữ lượng cực lớn, trong đó magnesit có trữ lượng lớn thứ hai trên thế giới chỉ sau Trung Quốc, trữ lượng mỏ vonfram đứng thứ 6 thế giới.

Nguồn tài nguyên quý giá ẩn giấu này có thể đạt doanh thu khi khai thác từ 6.000 - 10.000 tỷ USD, mang tới rất nhiều lợi thế cho Triều Tiên trong tương lai. [4]

Chính giá trị về lợi ích kinh tế này đã trở thành động lực khiến Nga không thể từ bỏ Triều Tiên, bất chấp sức ép từ các lệnh trừng phạt đối với Bình Nhưỡng.

Giới phân tích gần đây đã nhận thấy rằng, Trung Quốc đang dần đứng về phía Hoa Kỳ, khi từ bỏ việc hỗ trợ Bình Nhưỡng trong việc nhập khẩu than đá, tài chính hay dầu mỏ.

Trong khi đó, Nga lại tìm cách tăng cường các hoạt động kinh tế với Triều Tiên, ngoài các mặt hàng và lĩnh vực bị cấm.

Theo đó, các doanh nghiệp của Nga đã tìm cách khai thác các vị trí mở trong các hoạt động liên quan đến các cảng biển của Triều Tiên và cảng Vladivostok của Nga, cũng như xây dựng một bến phà mới kết nối hai nước đã được khánh thành hồi đầu năm nay.

Ngoài ra, Nga còn đang thúc đẩy thực hiện dự án xây dựng đường ống dẫn khí đốt chạy qua Triều Tiên nhằm xuất khẩu mỗi năm 10 tỷ m3 khí đốt sang Hàn Quốc.

Để tạo thuận lợi cho dự án này, Hạ viện Nga đã thông qua thỏa thuận hủy bỏ 90% nợ của Triều Tiên (tương đương 10 tỷ USD) và đầu tư hiện đại hóa 3.500 km đường sắt cho Triều Tiên với chi phí gần 40 tỷ USD.

Nói cách khác, Nga đang lấp dần vào chỗ trống, nơi mà Trung Quốc đang bỏ lại, và dường như đây cũng là một phần trong chiến lược “trục xoay Á - Âu” của Nga, nhằm định hướng lại chiến lược của nước này trong các mối quan hệ chính trị, kinh tế và thương mại giữa lúc Nga đang bị phương Tây dồn ép.

Như vậy, có thể nhận thấy rằng, Nga đang có thái độ rất dứt khoát, cứng rắn và đi ngược lại với ý chí của Hoa Kỳ đối với vấn đề Triều Tiên hiện nay.

Một động thái được cho là nhằm giảm bớt sức ép cho Bình Nhưỡng, đồng thời cũng nhắn nhủ tới Washington rằng, Nga cũng như các nước khác, không phải là “quân cờ” trong tay Mỹ.

Tài liệu tham khảo:

[1] BBC News/ North Korea: Russia accuses the United States of attacking Kim Jong-un.

[2] Soha News/ Báo Mỹ: Khác Trung Quốc, Nga đồng cảnh ngộ và hiểu nỗi đau của Triều Tiên nên không thể tin tưởng.

[3] http://www.scmp.com/news/world/russia-central-asia/article/2122350/washington-wants-kim-jong-un-lose-it-russia-rejects.

[4]  https://nypost.com/2017/07/03/north-korea-is-sitting-on-6-trillion-in-mineral-resources

PHẠM DOÃN TÌNH