Mở đầu buổi làm việc, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã đề nghị Tiến sĩ ngành Ngôn ngữ học Trần Phương Nguyên, công tác tại Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ cùng bật ghi âm để buổi làm việc được khách quan.
Tiến sĩ Nguyên trình bày, bài viết “Tiến sĩ làm luận án bằng cách… sao chép sách đồng nghiệp” đã ảnh hưởng đến cuộc sống cá nhân và bà cảm thấy mệt mỏi, bị tổn thương.
Tiến sĩ Trần Phương Nguyên trong buổi làm việc với Phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam. |
Tiến sĩ Trần Phương Nguyên kể năm 2012, bà làm đề tài nghiên cứu cấp Bộ thì trong nhiều nghiên cứu sinh, Tiến sĩ Nguyên được hỗ trợ kinh phí để thực hiện đề tài.
Kinh phí thực hiện đề tài đã được dự toán tất cả với 300 triệu đồng.
Sau đó, Tiến sĩ Trần Phương Nguyên có in thành sách. Tiến sĩ Nguyên cho rằng, nếu sách Tiến sĩ Nguyên viết ra và nâng cấp thành đề tài Luận án tiến sĩ vẫn là phù hợp.
Tiến sĩ Nguyên khẳng định, sách và đề tài Luận án Tiến sĩ là sự sao chép từ sách của Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Khang là không đúng.
Tiến sĩ Nguyên cho biết, luận án “Cảnh huống ngôn ngữ ở cộng đồng Chăm tại Thành phố Hồ Chí Minh” được bảo vệ tại Học viện Khoa học xã hội thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam là sự nâng cấp của sách là không đúng và khác nhau.
Các tiêu đề khác nhau và có thể sử dụng số liệu của sách để làm đề tài là được phép.
Tiến sĩ Trần Phương Nguyên xác nhận, thi đỗ nghiên cứu sinh vào năm 2010.
Đến năm 2012 làm đề tài Luận án tiến sĩ và năm 2014 hoàn thành đề tài.
Tiến sĩ Nguyên luôn khẳng định, bố cục của sách được in hoàn toàn khác so với Luận án tiến sĩ.
Phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đặt câu hỏi: “Bố cục sách khác với luận án nhưng có thể giống nhau về nội dung được không?”.
Tiến sĩ Nguyên lập luận, chỉ trùng một phần nội dung và số liệu ở mục “Giao tiếp trong gia đình”.
Phóng viên tiếp tục đặt câu hỏi, giữa cuốn sách và đề tài Luận án tiến sĩ, theo đánh giá của tác giả thì trùng bao nhiêu phần trăm?.
Tiến sĩ Nguyên không trả lời được câu hỏi này và cho rằng: “Rất khác nhau, không giống lắm”.
Nói về sao chép sách của đồng nghiệp, Tiến sĩ Nguyên dẫn chứng ở chương “Cơ sở lý luận…” là dẫn dắt về mặt lý thuyết.
Từ những lý thuyết này để áp dụng vào trong thực trạng và lý thuyết này là của Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Khang viết ra.
Tiến sĩ Nguyễn Phương Nguyên luôn khẳng định, những vấn đề liên quan đến khái niệm do chính Tiến sĩ Nguyên viết đều có trích dẫn.
Phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam hỏi: “Chị nắm rõ nguyên tắc trích dẫn nguồn tài liệu, đúng không?”.
Tiến sĩ Nguyên giải thích, nếu trong bài viết thì phải để trong ngoặc kép (“”). Còn nếu trong chương lý thuyết, từ xưa đến nay hầu như tất cả mọi người không ai nghĩ ra một lý thuyết nào.
“Tức là, lý thuyết đó phải của một người đi trước, một công trình ghê gớm lắm. Còn khi mình chỉ dựa vào lý thuyết đó thôi thì được nêu ra và nêu ra thì mình cũng phải nói lý thuyết đó là của ai”, Tiến sĩ Nguyên nói.
Tiến sĩ Trần Phương Nguyên đưa vào trong Luận án tiến sĩ cũng muốn nói nó là của ai, gồm những gì và gồm có những phần gì để từ đó mới liên hệ với thực tế.
Tiến sĩ Nguyên xác định, tất cả lý thuyết (của Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Khang) đều trích dẫn hết vì không thể suy nghĩ ra các lý thuyết này mà chỉ làm ra vấn đề đó dựa trên lý thuyết.
Không chỉ riêng Tiến sĩ Nguyên mà tất cả các Luận án họ đều viết như thế và nêu vấn đề ra như vậy.
Phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam tiếp tục đặt câu hỏi: “Theo nguyên tắc trích dẫn được Quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo theo hệ thống Harvard, sau trích dẫn phải có đóng ngoặc - mở ngoặc, hoặc thụt đầu dòng và dẫn theo của ai phía sau…”.
Tiến sĩ Nguyên nói: “Đó chỉ là bài ngắn thôi, còn đây là một vấn đề…, mọi người cũng đều trích dẫn như thế này!”.
Phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam hỏi: “Trong cuốn Luận án, chị có trích dẫn nguồn mà không ghi tên tác giả là thầy Khang không?”.
Tiến sĩ Nguyên trả lời: “Chị nghĩ cũng có thể sơ suất một vài chỗ nào đó, về cơ bản lý thuyết chị nghĩ không ra được, còn những chương kia chị tự làm…”.
Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam chốt vấn đề: “Chị có cam đoan dẫn nguồn chứ không sao chép không?”. Tiến sĩ Nguyên nói: “… có thể chị trích dẫn một vài chỗ chưa phù hợp!”.
Trong các bài tiếp theo, chúng tôi sẽ chỉ rõ các điểm chưa phù hợp này cùng bạn đọc để cho thấy có hay không sự sao chép.