LTS: Gần đây, số người dân sinh sống ở gần khu tái định cư thủy điện Bản Vẽ, hoặc Hà Nam gửi đơn thư tố cáo một số cá nhân “mượn danh” là cán bộ Ban tổ chức Trung ương để “ăn quỵt” tiền của họ.
Liệu đây có phải là thủ đoạn của những kẻ mượn danh hão hòng lừa bịp dân chúng?
Dư luận đang rất bất bình với những kẻ lợi dụng lòng tin của nhân dân đối với cán bộ cao cấp nhằm trục lợi bất chính.
Đã đến lúc những chiêu trò như lập công ty “sân sau”, mạo danh cán bộ trung ương để đi xin dự án, vẽ giấc mơ hão cho người dân nhằm trục lời bất chính phải bị loại bỏ khỏi xã hội.
Năm 2004, thủy điện Bản Vẽ được coi là công trình trọng điểm của cả nước. Số lượng di dân lên đến mấy nghìn hộ. Nhu cầu làm các khu tái định cư là gấp rút.
Tuy nhiên, sau hơn 10 năm nhìn lại chất lượng các công trình, dự án ở đây thì lại thấy chất lượng của các khu tái định cư là quá tồi.
Không chỉ vậy, khi công trình xuống cấp, lúc đó mới “phát lộ” tình trạng nhà thầy “B phẩy” quá nhiều. Hầu hết những nhà thầu “B phẩy” này làm ăn gian dối, thậm chí là quỵt tiền của cả người dân địa phương gây bức xúc.
Nhiều gói thầu ở đây đã bị “đưa đẩy” qua tay nhiều công ty, và rồi các dự án đều bết bát.
Nhưng dư luận đặt dấu hỏi, tại sao những công ty năng lực yếu lại được Tổng công ty Xây dựng Hà Nội giao thầu lại.
Phải chăng, doanh nghiệp này phải chuyển lại dự án do “ông cốp” nào đứng sau?
Đến lúc chết vẫn không đòi được tiền thuê đất
Trao đổi với phóng viên, chị Lê Thị Lương, xóm 11, xã Thanh Hương, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, nhà ngay gần khu tái định cư Thanh Hương, nay là xã Ngọc Lâm huyện Thanh Chương.
Chị Lương bất bình cho biết, năm 2005, chồng chị là anh Trần Đăng Hải đã cho 1 công ty có tên Thăng Long thuê khu đất để mở văn phòng đại diện tai đây. Mục đích của doanh nghiệp này là làm “trụ sở” và tập kết vật liệu xây dựng, lán trại…
Thế nhưng, sau khi thuê khu đất, đơn vị này làm ăn cù nhầy không trả tiền thuê mặt bằng.
Với lý do chưa lấy được tiền công trình, dự án, nhà thầu Thăng Long này khất lần rồi… mất hút.
Với tiền thuê đất vào những năm 2005 là 800.000 đồng/tháng, tính quy đổi ra và là hơn 1 chỉ vàng, cả năm, số tiền đó là một gia sản không nhỏ đối với gia đình chị Lương, anh Hải.
Bà Lê Thị Lương tố cáo Công ty cổ phần xây dựng và phát triển hạ tầng Thăng Long quỵt tiền nhà (Ảnh: CH) |
Chị Lương bất bình cho hay, cho đến tận lúc anh Hải mất, gia đình cần tiền hỏi, họ cũng đùn đẩy, người nọ đùn đẩy người kia.
Người cuối cùng của công ty mà chị Lương biết là ông Trần Bá Đĩnh, quê ở Lý Nhân, Hà Nam vào một ngày đẹp trời cũng… mất hút.
Khi công ty Thăng Long rút đi, công trình mà công ty này để lại, người dân vô cùng bức xúc vì chất lượng công trình quá tệ hại.
Các công trình cơ sở hạ tầng mà công ty này thi công đến nay đã bị sạt lở nghiêm trọng, một số công trình không thể sử dụng được.
Giật mình với chiêu “cò gỗ mổ cò thật” của nữ doanh nhân bí ẩn |
Ông Vy Văn Hùng, trưởng bản Nòng, khu tái định cư Thanh Hương (Nay là xã Ngọc Lâm) bất bình cho biết: thực hiện chủ trương chính sách của nhà nước, người dân chúng tôi đã khẩn trương chuyển từ xã Kim Tiến, huyện Tương Dương (Nghệ An) về đây lập nghiệp.
Nhưng chất lượng cơ sở hạ tầng thì xuống cấp nhanh quá, đường xá bong tróc hết, nước sạch không có, hạ tầng tồi tệ. Một số căn nhà do nhà thầu thi công đã cực xuống cấp và người dân sống trong đó nơm nớp lo lắng vì không biết bao giờ nhà sẽ sập.
Quan sát thực trạng cơ sở hạ tầng người dân phản ánh, quả thật, cầu cống thì hỏng, đường nát… điều này khiến dư luận nghi ngờ về chất lượng công trình cũng như trách nhiệm của Ban Quản lý dự án – Công ty Thủy điện Bản Vẽ ở đâu khi để những dự án như thế này ?
Hạ tầng tồi tệ mà Công ty cổ phần xây dựng và phát triển hạ tầng Thăng Long để lại tại khu tái định cư xã Thanh Hương, Thanh Chương, Nghệ An (Ảnh: CH) |
Kẻ dấu mặt là ai?
Từ phản ánh của của người dân, chúng tôi đã liên lạc được với ông Trần Bá Đĩnh, người mà chị Lương cho rằng đó là đại diện của công ty Thăng Long.
Theo tìm hiểu, ông Trần Bá Đĩnh, sinh năm 1942, trú tại xóm 6, thôn Lý Nhân, xã Phú Phúc, huyện Lý Nhân, Tỉnh Hà Nam, ông Đĩnh từng là nhân viên của công ty Thăng Long.
Khi đề cập tới vấn đề công ty Thăng Long, chính ông Đĩnh cũng bức xúc và cho biết mình cũng là nạn nhân của công ty này.
Ông Trần Bá Đĩnh, người đứng ra tố cáo ông Trần Trọng Vượng là chủ mưu lừa gạt anh em họ hàng (Ảnh: CH) |
Theo đó, ông Trần Bá Đĩnh cho biết, năm 2005, sau khi nghỉ hưu, ông đang ở nhà thì có người họ hàng tên là Trần Trọng Vượng tìm đến nhà. Anh này có đưa cho ông cái danh thiếp, lúc thì ghi là luật sư – nhà báo công tác tại…. Ban tổ chức trung ương, rồi cái danh thiếp khác lại ghi hàm… vụ phó nào đó.
Về địa chỉ nơi sống, ông Đĩnh chỉ biết ông anh họ của mình sống tại khu vực An Dương, Hà Nội.
Sau 1 hồi thuyết phục, anh Vượng bảo ông Đĩnh thu xếp vào trong Nghệ An trông coi công trình cho Vượng.
Vậy là ông Đĩnh nghe lời, xách túi lên đường vào làm thống kê, trông coi dự án tái định cư Thanh Hương cho ông Trần Trọng Vượng.
Công ty có tên Công ty cổ phần xây dựng và phát triển hạ tầng Thăng Long, có trụ sở tại 252, đường Tam Trinh, Hà Nội.
Vào đó, ông làm việc đúng 22 tháng, sống tại nhà ông Hải, bà Lương, người cho Công ty cổ phần xây dựng và phát triển hạ tầng Thăng Long thuê đất. Tuy nhiên, ông Đĩnh cũng giống như gia đình bà Lương, là bị chính công ty…. lừa.
Ông kể, lúc đó, khi ông đang ở trong lán trại tạm ở nhà chị Lương – Hải thì nhận được điện thoại của ông Vượng gọi vào bảo: anh về ngay Thanh Hóa làm việc, vậy là ông đi.
Đồ đạc bỏ lại cả, ái ngại chuyện tiền nong thì ông Vượng giục, cứ về đi, “thằng” Chiến lo.
Vậy là ông về một dự án khác của ông Vượng là mỏ Crom ở huyện Nông Cống, Thanh Hóa. Rồi ông tiếp tục là chân trông coi, bảo vệ khu mỏ Crom này cho ông Vượng…
Làm thuê suốt mấy năm như vậy cho ông Trần Trọng Vượng, người anh em họ hàng, cùng làng, cùng xóm như vậy nhưng ông Đĩnh không được ông Vượng trả cho 1 đồng tiền lương nào cả, chỉ trả tiền ăn.
Uất ức, ông Đĩnh nhiều lần gọi điện đòi tiền, rồi làm đơn tố cáo ông Vượng đi khắp nơi.
Ông Đĩnh khẳng định, tất cả những việc ông viết trong đơn gửi các cơ quan chức năng là đúng sự thật và sẵn sàng chịu trách nhiệm về việc tố cáo ông Vượng, cũng như vạch mặt những gian dối của công ty Thăng Long…
Tổng hai khoản nợ mà Công ty cổ phần xây dựng và phát triển hạ tầng Thăng Long nợ ông Đĩnh, theo thống kê của ông lên tới 123 triệu đồng (chưa tĩnh lãi do chậm trả).
Trần Trọng Vượng là ai trong những tấm danh thiếp bí ẩn này? (Ảnh: CH) |
Làm việc với Ban Quản lý dự án thủy điện 2 – Cty Thủy điện Bản Vẽ, ông Nguyễn Quốc Toản, Phó Giám đốc đơn vị này cho biết: Dự án tái định cư thủy điện Bản Vẽ ở xã Thanh Hương, huyện Thanh Chương là do Ban 2 làm chủ đầu tư.
Tuy nhiên khi lần dở hồ sơ ra thì “kỳ lạ”, lại không có nhà thầu nào là Công ty cổ phần xây dựng và phát triển hạ tầng Thăng Long. Chỉ có nhà thầu Tổng công ty Xây dựng Hà Nội, có địa chỉ ở số 57, phố Quang Trung, Hà Nội.
Ông Toản nhận định, có thể công ty Thăng Long nào đó chỉ là nhà thầu phụ của Tổng công xây dựng Hà Nội nên chúng tôi không biết.
Ông Toản cũng lấy làm buồn khi có tình trạng nhà thầu bỏ đi mà không trả tiền dân, nhưng không có giải pháp.
Luật sư Ngụy Thành Thắng (Đoàn Luật sư Hà Nội) phân tích: việc lừa gạt người dân địa phương để quỵt tiền thuê nhà, tiền nhân công, vật liệu xây dựng… rồi bỏ trốn là có yếu tố lừa đảo, chiếm dụng, có thể tố cáo ra cơ quan Cảnh sát điều tra để làm rõ các đối tượng này.
Đặc biệt vai trò chủ mưu của ông Trần Trọng Vượng ở đâu?
Ông này là ai, cần phải sớm được các cơ quan chức năng làm rõ trước pháp luật?