Như Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã đưa, thời gian gần đây trên youtube xuất hiện rất nhiều quảng cáo nhãn hàng của các thương hiệu lớn bị chèn các nội dung “ấu dâm”, dung tục.
Đầu năm 2017, qua rà soát một phần nội dung trên trang YouTube, Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) phát hiện nhiều video với nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam.
Đồng thời trên clip có nội dung xấu độc trên YouTube lại xuất hiện quảng cáo của các nhãn hàng đang kinh doanh tại thị trường Việt Nam, ví dụ như sản phẩm Vaseline, Comfort (Unilever); sản phẩm Pampers, Ariel (P&G); Sendo (FPT), Yamaha…
Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cũng khẳng định sẽ kiểm tra và xử phạt YouTube do không thực hiện quy định về quảng cáo đối với trang thông tin điện tử xuyên biên giới.
Tuy nhiên, tình trạng quảng cáo chứa các nội dung xấu, thậm chí có tính chất “ấu dâm” vẫn lan tràn trên mạng internet.
Trước thực trạng này, trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư-Tiến sĩ Bùi Thị An (Đại biểu Quốc hội khóa 13) nhận định: “Ở Việt Nam hay bất kỳ quốc gia nào trên thế giới cũng vậy, trẻ em luôn phải được bảo vệ tốt nhất, không chỉ là vấn đề thân thể, mà phải bảo vệ các em trước sự tác động của các thông tin độc hại, nhất là khi mà trẻ có thể tiếp cận các thông tin trên internet từ khi còn rất nhỏ.
Khi đã xảy ra chuyện quảng cáo dung tục, có tính ấu dâm như báo chí đã nêu thì các cơ quan chức năng cần đưa ra các tiêu chí cụ thể và xử phạt thật nghiêm khắc với quảng cáo phản cảm, gây hại cho trẻ nhỏ”.
Phó Giáo sư Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội khóa XIII cho rằng cần phải xử lý nghiêm khắc, chấm dứt ngay những hành vi quảng cáo gây hại cho trẻ nhỏ. Ảnh: Ngọc Quang/giaoduc.net.vn. |
Cần chế tài xử lý mạnh, chấm dứt hoàn toàn quảng cáo có sai phạm
Trên thực tế những quảng cáo bị gắn các nội dung có tính "ấu dâm", bình luận khiếm nhã, dung tục... trên Youtube, ít nhiều cũng đã gây ra tác hại đối với trẻ nhỏ, khiến cho nhiều gia đình hoang mang, lo lắng.
Chị Minh Thư (Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh) thường xem các video ngộ nghĩnh của em bé trên YouTube. Tuy nhiên, khi chuyển xuống phần bình luận, chị Thư không khỏi tá hoả vì các video này tràn ngập comment khiếm nhã, bệnh hoạn về trẻ nhỏ.
Tại sao YouTube dễ dàng cung cấp nội dung ấu dâm, dung tục tại Việt Nam? |
Không chỉ chị Thư, bé Bin (5 tuổi) - con chị, cũng thường xem đi xem lại các video này: “Trước mỗi lần xem video, YouTube luôn chạy quảng cáo các nhãn hàng như sữa Abbott. Bé thích xem cả quảng cáo lẫn clip”.
Theo chị Thư, gần đây Bin đã biết đọc. Một lần, phát hiện con bập bẹ đọc các comment nội dung nhạy cảm, từ những kẻ ấu dâm, chị Thư cấm tiệt con sờ đến iPad, hoặc khi xem phải có bố mẹ ngồi bên cạnh.
“Video với nội dung, bình luận nhạy cảm như vậy, tại sao Abbott lại chọn quảng cáo”, chị Thư đặt ra câu hỏi.
Nhiều phụ huynh khác cũng vô cùng bức xúc khi phát hiện trên YouTube đang tồn tại nhiều video, bình luận có nội dung ấu dâm, gây ảnh hưởng xấu đến tâm lý của con trẻ.
Chị Mai (ở Long Biên, Hà Nội) thắc mắc: “Không hiểu sao nhiều thương hiệu lớn lại để cho quảng cáo của mình bị gắn thêm các nội dung khiếm nhã, gây hại cho trẻ như vậy?”.
Vô vàn các quảng cáo có bình luận dung tục chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất lớn tới trẻ nhỏ, và điều này một lần nữa đặt ra vấn đề cần phải có sự vào cuộc tích cực, quyết liệt của các cơ quan chức năng, nhằm ngăn chặn triệt để tình trạng này.
Rất nhiều quảng cáo trên Youtube bị gắn các nội dung bình luận dung tục, có tính "ấu dâm" gây hại cho trẻ nhỏ. |
Qua tìm hiểu, một số thương hiệu lớn của Việt Nam cho biết, họ không ký hợp đồng thực hiện quảng cáo trên YouTube, Google. Vậy thì tại sao lại xảy ra tình trạng trên? Liệu đây có phải là một âm mưu nhằm gán tiếng xấu cho các thương hiệu của Việt Nam?
Sau khi nhận được những thông tin này, rất nhiều doanh nghiệp tỏ thái độ bất bình và cho biết sẽ ngay lập tức yêu cầu các bộ phận liên quan làm việc với youtube, google nhằm chấm dứt ngay tình trạng trên. Đặc biệt là yêu cầu YouTube phải cam kết không xuất hiện trên các kênh tiêu cực, tuân thủ thuần phong mỹ tục Việt Nam.
Một số doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam cũng đã nhận được cảnh báo từ công ty tổng ở nước ngoài về việc quảng cáo trên YouTube và những nội dung phản cảm, mang tính ấu dâm.
Phó Giáo sư Bùi Thị An nêu quan điểm: “Đây không phải là việc nhỏ, vì nó hoàn toàn có thể gây tác động xấu đến hàng triệu trẻ em của Việt Nam. Do đó, các cơ quan chức năng dứt khoát phải xử lý kiên quyết sự việc này. Dù là bất kỳ ai, bất kỳ doanh nghiệp nào, khi hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam thì phải tuân theo luật pháp của Việt Nam.
Khi anh kinh doanh, quảng cáo mà lại gây ra những sự việc như vậy thì chính anh phải chịu trách nhiệm. Theo tôi, phải xử phạt thật nghiêm khắc và đồng thời nếu cần thiết phải thu hồi giấy phép kinh doanh của những đơn vị để xảy ra sự việc này, chỉ có như vậy thì mới chấm dứt được sự nguy hại cho trẻ nhỏ”.