Thời gian qua, tình trạng nhiều tiến sĩ chép sách, đạo văn để làm luận án hay đề tài nghiên cứu khoa học gây bức xúc trong dư luận. Nhiều nạn nhân dám đứng lên tố cáo, tố giác nhưng cũng như những “ngôi sao cô đơn” trong… làng học thuật.
Một trong những nạn nhân ấy, Tiến sĩ Hà Thanh Vân, chuyên gia Văn học đã lên tiếng xung quanh về vấn đề này.
Tiến sĩ Vân được mệnh danh “Sát thủ diệt đạo văn” đã trải lòng về nạn “ăn cắp” các tác “công trình nghiên cứu khoa học” tràn lan.
Tiến sĩ Hà Thanh Vân, chuyên gia Văn học. |
Phóng viên: Thưa chị, chị có thể cho độc giả của Báo điện tử Giáo dục Việt Nam biết, để nhận biết một “công trình nghiên cứu khoa học” bị… sao chép/(đạo văn) cần có những yếu tố nào?
Tiến sĩ Hà Thanh Vân: Đạo văn theo định nghĩa của các từ điển trên thế giới (ví dụ như từ điển “Merriam Webter”) là: Sao chép và hình thành những ý tưởng mới hay ngôn từ mới, khởi nguồn từ ý tưởng và ngôn từ của một ai đó.
Như vậy có thể khẳng định rằng, việc sao chép nguyên văn các các câu, đoạn hay thậm chí toàn bộ trong các công trình khoa học tất nhiên là sẽ bị coi là đạo văn.
Song sử dụng những ý tưởng giống, cũng được xem là đạo văn. Đây là điều mà từ xưa đến nay nhiều nhà khoa học ở Việt Nam cứ lầm tưởng rằng chỉ cần lấy ý, viết khác đi câu chữ là xong, là không đạo văn.
Song trên thế giới, ở các nước phát triển như Anh, Mỹ, Pháp, Đức, chép 1 câu cũng bị coi là đạo văn, lấy ý tưởng người khác diễn đạt lại bằng câu chữ của mình, cũng bị xem là đạo văn. Có thể tránh được đạo văn bằng cách trích dẫn nguyên văn và ghi nguồn.
Theo quy định trích dẫn các nguồn tài liệu ở trong nước có khác gì so với trên thế giới không?
Tiến sĩ Hà Thanh Vân: Quy định trích dẫn các nguồn tài liệu ở trong nước, theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, không có khác gì so với các nước trên thế giới, đều đòi hỏi phải ghi tên tác giả, năm xuất bản, tên sách hay báo, tạp chí, nơi xuất bản, số trang trích dẫn. Tôi cho rằng đó là một quy định đã rất chuẩn mực.
Bản thân chị đã từng bị đạo văn, vậy cảm nghĩ của chị như thế nào về vấn đề này?
Tiến sĩ Hà Thanh Vân: Tôi tất nhiên là không vui rồi. Và càng không vui nữa vì mọi việc đều được bỏ qua.
Song biết làm sao được khi việc chống đạo văn trong các công trình nghiên cứu khoa học ở Việt Nam cho đến nay vẫn chưa thật được xử lý nghiêm minh.
Bản thân tôi cho rằng cần phải lên án việc đạo văn và phải các cơ quan có thẩm quyền có trách nghiệm làm nghiêm túc việc này.
Tình hình thực tế cho thấy ở nước ta, trong giới nghiên cứu khoa học, vẫn còn tâm lý cả nể, thương hại, cho qua.
Tất nhiên là trong phạm vi quyền hạn của tôi, khi tôi chấm luận văn, luận án ở các trường như Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Văn Hiến, Đại học Thủ Dầu Một… thì tôi vẫn cương quyết không cho qua các trường hợp đạo văn.
Chị có cho rằng, ngay việc chị là nạn nhân mà không lên tiếng, vậy những nạn nhân khác có nên lên tiếng về những vụ sao chép các “công trình nghiên cứu khoa học” không?
Tiến sĩ Hà Thanh Vân: Tôi có lên tiếng đấy chứ. Tôi không thông qua công trình của vị Tổng biên tập nọ. Nhưng sau đó ở lần bảo vệ thứ hai, công trình vẫn được thông qua, không hề sửa chữa gì cả, tất nhiên là tôi không được ngồi trong Hội đồng này nữa.
Tôi có một buổi làm việc về vấn đề này với đơn vị đó. Song chả ai bị sao cả.
Chỉ có một lần duy nhất tôi thành công là đến đến thẳng một trường Đại học khi họ tổ chức bảo vệ khóa luận cho sinh viên, yêu cầu ngưng ngay không cho bảo vệ một trường hợp sinh viên đạo văn của chính tôi, và trường đó đã chấp thuận yêu cầu của tôi.
Không chỉ có tôi, nhiều người cũng đã lên tiếng, song đều rơi vào cảnh vô hiệu và chỉ có rất ít trường hợp được giải quyết thấu đáo.
Tôi nghĩ, bất cứ ai bị đạo văn, không riêng gì tôi, đều phẫn nộ và sẵn sàng lên tiếng. Có điều họ chỉ làm việc với các cơ quan chức năng chứ không lên báo vì xu hướng nể nang “xấu che, tốt khoe”.
Để trong giới học thuật có môi trường “sạch” hơn qua các công trình nghiên cứu khoa học, chị đưa ra những đề xuất gì?
Tiến sĩ Hà Thanh Vân: Theo tôi, nên làm ba việc cần thiết:
Thứ nhất đưa tất cả các công trình nghiên cứu khoa học, các luận văn, luận án lên mạng để công khai. Việc này vừa nhằm phổ biến kiến thức khoa học, vừa là động lực để cho các nhà nghiên cứu không dám sao chép.
Thứ hai, nên sử dụng phần mềm chống đạo văn. Các nhà nghiên cứu buộc phải nộp file mềm các công trình nghiên cứu khoa học, các luận văn, luận án để chạy chương trình cho ra kết quả.
Tôi được biết một số trường đại học ở Việt Nam đã triển khai phần mềm này. Nếu trường hợp không có phần mềm này, có thể sử dụng một số phần mềm trực tuyến miễn phí cũng rất có hiệu quả.
Thứ ba, cần có các biện pháp nghiêm minh đối với những trường hợp đạo văn. Không chỉ xử lý người đạo văn mà cả những người chấm cũng phải chịu trách nhiệm nếu họ cho thông qua.
Gần đây Đại học Sư phạm Hà Nội đã kỷ luật cả người hướng dẫn, cả hội đồng chấm luận văn và tước bằng thạc sĩ của một trường hợp đạo văn.
Trân trọng cảm ơn chị!