Kỳ họp thứ 8 Hội đồng nhân dân Thành phố Hải Phòng khoá 15 vừa thông qua đề án Quy hoạch phát triển giáo dục phổ thông và mầm non đến năm 2025, định hướng đến 2030.
Trở thành trung tâm giáo dục khu vực
Đề án quy hoạch phát triển giáo dục Hải Phòng có mục tiêu chung là đưa Hải Phòng trở thành trung tâm giáo dục và đào tạo chất lượng cao hàng đầu vùng duyên hải Bắc Bộ.
Theo đề án, đến năm 2020, bậc mầm non có 97% trẻ học mẫu giáo ở 339 trường mầm non, duy trì thành quả phổ cập giáo dục tiểu học, duy trì bền vững kết quả phổ cập trung học cơ sở.
Trường tiểu học Minh Khai (quận Lê Chân), một trong những điểm sáng của ngành giáo dục Hải Phòng |
Đến năm 2025, có 100% trẻ học mẫu giáo, hầu hết học sinh học bậc tiểu học được học chất lượng tốt, 99,9% học sinh đi học đúng độ tuổi trung học cơ sở.
Mỗi xã, phường có từ 1-2 trường mầm non, 1 trường tiểu học và 1 trường trung học cơ sở công lập.
Phát triển trường học liên thông nhiều cấp học, đảm bảo đủ điệu kiện tổ chức học tập cho tất cả các đối tượng, các loại hình trường công lập, trường quốc tế. Hạn chế mở các cơ sở nhóm, lớp, điểm trường lẻ.
Xây dựng trường chuẩn quốc gia và mô hình trường tiên tiến, đến năm 2025 mỗi cấp học có ít nhất 1 trường quốc tế.
Đến năm 2030, Hải Phòng sẽ thành lập mới 144 trường học phổ thông và mầm non với quỹ đất hơn 180 hec-ta.
Nguồn kinh phí xây dựng trường học, mua sắm thiết bị, đào tạo bồi dưỡng giáo viên đến 2030 ước tính lên tới hàng nghìn tỷ đồng.
Gia hạn cho giáo viên hợp đồng thêm 1 năm
Đánh giá về quy hoạch phát triển giáo dục Hải Phòng, đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố cho rằng đề án cần gắn với quy hoạch sử dụng đất và bố trí nguồn lực hàng năm để tổ chức thực hiện hiệu quả. Có cơ chế cho các địa phương chuyển đổi các trường nhỏ lẻ để tập trung xây dựng các trường lớn, bố trí quỹ đất xây dựng trường mầm non tại các khu công nghiệp.
Nhiều đại biểu cho rằng còn tình trạng phát triển các trường học tự phát, không theo quy hoạch, nhất là các trường mầm non, trường nghề. Trên thực tế, thành phố có nhiều trường dạy nghề không trong quy hoạch.
Tăng lương giáo viên, miễn học phí thành điểm nóng góp ý sửa Luật Giáo dục |
Đại biểu đề nghị giao cho các địa phương quản lý nguồn thu xã hội hóa, quan tâm chế độ, chính sách cho nhân viên nấu ăn tại các trường mầm non công lập.
Có đại biểu phản ánh tình trạng thiếu biên chế giáo viên ở một số địa phương, số lượng giáo viên không đồng đều ở các cấp học, đề nghị cần có lộ trình phù hợp để giảm biên chế giáo viên.
Một số đại biểu cho rằng thành phố nên hoãn thời gian dừng trả lương cho giáo viên hợp đồng ngoài biên chế. Cụ thể, toàn thành phố còn 299 trường hợp hợp đồng ngoài biên chế này, trong đó có 259 trường hợp thuộc ngành giáo dục, 40 trường hợp ở cơ quan hành chính và đơn vị khác.
Đây là những trường hợp được các quận, huyện, sở ngành, đơn vị tuyển dụng sai từ năm 2014 trở về trước. Từ năm 2016, Uỷ ban nhân dân thành phố đã chỉ đạo thực hiện chấm dứt hợp đồng lao động đối với tất cả những trường hợp này trước 31/12/2017.
Tuy nhiên, sau khi có ý kiến của các đại biểu, ông Lê Văn Thành, Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố đã nhất trí kéo dài thời gian trả lương giáo viên hợp đồng ngoài biên chế đến hết 31/12/2018.
Hội đồng nhân dân thành phố yêu cầu Uỷ ban nhân dân thành phố giao cho sở Nội vụ và các sở, ngành, địa phương có liên quan đề xuất phương án giải quyết phù hợp, đảm bảo quyền lợi cho giáo viên, nhất là giáo viên đã hợp đồng nhiều năm.