Dân kiện cáo, sếp vẫn thăng tiến
Như Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã đưa tin, nhiều cư dân tại cụm chung cư 165 Thái Hà liên tục đấu tranh đòi quyền lợi nhiều năm nay khi chất lượng cuộc sống tại chung cư này đang xuống cấp.
Việc đấu tranh của các cư dân tại cụm chung cư này vượt cấp và kéo dài nhiều năm nay.
Trong đó, người dân trong cụm chưng cư liên tục tố ông Linh có dấu hiệu gian dối lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, vi phạm quy định về xây dựng.
Bàn giao nhà từ tháng 12/2012, nhưng sau gần 4 năm Ban quản lý dự án không tổ chức Hội nghị nhà chung cư lần đầu bầu Ban quản trị (Luật quy định không quá 12 tháng).
Như đã nói ở những bài viết trước, đến lúc cụm chung cư có Ban quản trị tòa nhà, người dân không đồng tình và cho rằng Ban quản trị hoạt động không hiệu quả.
Cư dân cũng tố cáo bể nước sinh hoạt và chữa cháy bị gian dối “ăn bớt” một nửa dung tích (hồ sơ Hoàn công 700m3 nhưng thực địa chỉ có 350m3)
Sai phạm nối tiếp sai phạm, chủ đầu tư 165 Thái Hà xin phạt, cho tồn tại |
Nước sinh hoạt ô nhiễm trầm trọng kéo dài, xây căn hộ thông tầng trái phép, quỹ bảo trì cho 100 hộ tái định cư…
Những sai phạm này cho đến nay vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng cho người dân.
Đồng chủ đầu tư của dự án này là Công ty cổ phần đầu tư địa ốc Sông Hồng do ông Trần Huyền Linh làm Tổng giám đốc – Chủ tịch hội đồng quản trị giai đoạn 2007 – 2016.
Trong thời làm Chủ tịch hội đồng quản trị - Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư địa ốc Sông Hồng, đồng thời cũng là Trưởng ban quản lý dự án Thái Hà ông Trần Huyền Linh liên tục bị người dân tại tòa nhà này khiếu kiện, tố giác thậm chí còn làm giấy yêu cầu hoàn trả tiền mua nhà.
Đó là chưa kể việc ông Linh cho vay vốn không hợp pháp khi còn là đồng chủ đầu tư cụm chung cư Thái Hà.
Việc sai phạm tại cụm chung cư 165 Thái Hà cũng đã được thanh tra bộ xây dựng chỉ ra.
Người dân trong cụm 165 Thái Hà chung cư vẫn nhiều năm đấu tranh đòi quyền lợi khi chất lượng công trình xuống thấp (Ảnh LC) |
Tuy sai phạm và khiếu kiện nhiều nhưng năm 2016 ông Trần Huyền Linh vẫn được bổ nhiệm vào vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị của Tổng công ty cổ phần Sông Hồng, tổng công ty góp vốn vào Công ty cổ phần địa ốc Sông Hồng thời điểm mới thành lập.
Dư luận cho đến nay vẫn thắc mắc về việc bổ nhiệm ông Trần Huyền Linh vào vị trí cao nhất của Tổng công ty có tiếng của ngành xây dựng có đúng không?
Quy trình bổ nhiệm kỳ lạ
Như Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã thông tin, Công ty cổ phần đầu tư địa ốc Sông Hồng được thành lập vào năm 2007 do ông Trần Huyền Linh làm Tổng giám đốc và Chủ tịch Hội đồng Quản trị, tại thời điểm thành lập Tổng công ty Sông Hồng góp vốn 51%.
Đến năm 2010, vốn của Tổng công ty Sông Hồng tại công ty này chỉ còn 26%.
Theo tài liệu báo cáo tài chính mà Báo điện tử Giáo dục Việt Nam tiếp cận được liên tục từ năm 2012 đến năm 2016, Công ty cổ phần đầu tư địa ốc Sông Hồng liên tục báo lỗ.
Trong đó, năm 2012, công ty báo lỗ 520 triệu đồng. Năm 2016, Công ty này báo lỗ 1,8 tỷ đồng.
Trước đó, theo tài liệu còn lưu lại, cuối năm 2012, khi cụm chung cư 165 Thái Hà được bán hết, chủ đầu tư đã tiến hành chia lãi. Tuy nhiên, dù là cùng chủ đầu tư, nhưng Tổng công ty cổ phần Sông Hồng chỉ được nhận 103 tỷ đồng còn Công ty cổ phần đầu tư địa ốc Sông Hồng nhận 381 tỷ đồng gấp gần 4 lần Tổng công ty Sông Hồng được hưởng.
Trong đại hội cổ đông bất thường của Tổng công ty cổ phần Sông Hồng, ông Trần Huyền Linh được bổ nhiệm làm Chủ tịch hội đồng quản trị (Ảnh: Báo xây dựng) |
Bên cạnh đó, người dân còn thắc mắc về công tác bổ nhiệm của ông Trần Huyền Linh vào vị trí Chủ tịch hội đồng quản trị Tổng Công ty cổ phần Sông Hồng có nhiều biểu hiện đáng ngờ.
Ông Trần Huyền Linh là ai mà dám đem tiền nhà nước cho tư nhân vay? |
Từ vị trí Tổng giám đốc của một công ty mà Tổng công ty cổ phần sông Hồng góp vốn, không hiểu theo quy trình nào mà ông Trần Huyền Linh đã ngồi vào vị trí cao nhất của một Tổng công ty nhà nước góp vốn đến 73% .
Về công tác đảng, theo nguồn tin của Báo giáo dục Việt Nam, ông Trần Huyền Linh được kết nạp Đảng từ năm 2009, được bầu là bí thư chi bộ năm 2011.
Ông Linh chưa bao giờ được quy hoạch cấp ủy hay thường vụ.
Thế nhưng, dù có nhiều sai phạm khi còn là chủ đầu tư cụm chung cư Thái Hà và công việc kinh doanh liên tục thua lỗ trong nhiều năm nhưng ông Linh vẫn được Bộ Xây dựng đề nghị thành ủy Hà Nội hiệp thương vào vị trí Bí thư đảng ủy của Tổng công ty cổ phần Sông Hồng.
Dư luận đang đặt ra câu hỏi, phải chăng có quy trình nào khác để bổ nhiệm ông Trần Huyền Linh hay đây là sự dễ dãi của Bộ Xây dựng cũng như các cơ quan công tác Đảng của thành ủy Hà Nội?
Có hay không sự thôn tính?
Như đã thông tin, theo báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán công bố, Tổng công ty cổ phần Sông Hồng kết thúc năm 2016 với mức lỗ sau thuế 187 tỷ đồng – kết quả tồi tệ nhất kể từ khi cổ phần hóa, đẩy lỗ lũy kế lên 425,5 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu qua đó từ dương 126 tỷ đồng thời điểm đầu năm xuống âm 78,5 tỷ đồng.
Liệu một trong những đứa con đầu tiên của ngành xây dựng có bị thôn tính? (Ảnh: Hoàng Vững) |
Tình hình tại Tổng công ty Sông Hồng bi đát đến mức Bộ Tài chính vừa qua phải phát đi cảnh báo về hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp này.
Dù vậy, theo nguồn tin Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, cùng với chủ trương thoái toàn bộ vốn nhà nước, một cuộc chiến ngầm đang diễn ra rất quyết liệt nhằm thâu tóm tổng công ty có tuổi đời hơn nửa thế kỷ.
Một trong những sự kiện đáng chú ý đó chính là việc bổ nhiệm ông Ông Trần Huyền Linh, người trước đó là Tổng giám đốc (sau là Chủ tịch chủ tịch hội đồng quản trị) Công ty cổ phần Đầu tư địa ốc Sông Hồng vào vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty cổ phần Sông Hồng thay thế ông Đặng Tiên Phong, người bị miễn nhiệm.
Và trong năm 2016, khi ông Linh được bổ nhiệm làm Chủ tịch hội đồng quản trị, vốn chủ sở hữu từ dương xuống âm như đã nói ở trên.