Bộ Lao động đồng ý để doanh nghiệp đảm nhận 40% chương trình đào tạo nghề

17/12/2017 07:46
Phạm Hương
(GDVN) - Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Quân vừa ký ban hành Thông tư về đẩy mạnh hợp tác trong tổ chức chương trình đào tạo nghề.

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Quân vừa ký ban hành Thông tư về đẩy mạnh hợp tác trong tổ chức chương trình đào tạo.

Trong đó, chú trọng liên kết giữa các trường cao đẳng, trung cấp với doanh nghiệp để đào tạo theo đơn đặt hàng.

Thông tư nêu rõ, nhà nước khuyến khích cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp liên kết để tổ chức đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội;

Trong đó doanh nghiệp và cơ sở giáo dục nghề nghiệp hợp tác trong xác định chuẩn đầu ra, xây dựng chương trình, phát triển đội ngũ giảng viên doanh nghiệp, tổ chức tuyển sinh/tuyển dụng, tổ chức đào tạo tại doanh nghiệp, ký kết hợp đồng đào tạo với người học…;

Khuyến khích các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hợp tác để tổ chức và công nhận kết quả đào tạo một số modun, môn học lý thuyết và thực hành (bao gồm cả đào tạo từ xa, tự học có hướng dẫn).

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Quân vừa ký ban hành Thông tư về đẩy mạnh hợp tác với doanh nghiệp trong đào tạo nghề. (Ảnh minh họa, nguồn: TTXVN)
Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Quân vừa ký ban hành Thông tư về đẩy mạnh hợp tác với doanh nghiệp trong đào tạo nghề. (Ảnh minh họa, nguồn: TTXVN)

Theo quy định, nhà trường và doanh nghiệp có thể liên kết tổ chức đào tạo trong đó doanh nghiệp có thể đảm nhận đến 40% chương trình đào tạo.

Với quy định này, các trường sẽ tập trung đào tạo các học phần cơ bản, các modul thực hành cơ bản, còn lại doanh nghiệp chịu trách nhiệm đào tạo các modul kỹ năng nghề tại doanh nghiệp cho sinh viên.

Giải pháp này sẽ giúp giảm chi phí đầu tư trang thiết bị cho các trường, huy động được đội ngũ thợ có tay nghề của doanh nghiệp vào quá trình đào tạo.

Nhà trường chịu trách nhiệm quản lý chất lượng, đánh giá và công nhận kết quả.

Bộ Lao động đồng ý để doanh nghiệp đảm nhận 40% chương trình đào tạo nghề ảnh 2Trường nghề sẽ phải thay đổi để thích ứng với cuộc cách mạng 4.0

Thông tư cũng giao quyền tự chủ hơn cho các trường trong hợp tác đào tạo, tự chịu trách nhiệm của các bên có nhu cầu liên kết đào tạo mà không có bất kỳ quy định thủ tục hành chính nào khi đăng ký liên kết đào tạo;

Tạo cơ hội cho các trường linh hoạt phát triển năng lực tự chủ nhằm thúc đẩy giáo dục nghề nghiệp phát triển theo hướng "cầu" của thị trường lao động, đảm bảo chất lượng đào tạo, góp phần đáp ứng nhu cầu nhân lực của xã hội.

Đặc biệt các ngành, nghề thực hiện liên kết đào tạo được xác định linh hoạt hơn cho phù hợp với nhu cầu nhân lực của địa phương, của doanh nghiệp và năng lực của các trường.

Việc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư quy định về liên kết tổ chức thực hiện chương trình đào tạo trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại thời điểm này, tạo điều kiện và cơ hội cho các doanh nghiệp cùng các trường có một hành lang pháp lý rõ ràng, linh hoạt, thuận lợi theo nhu cầu;

Đồng thời, góp phần tích cực vào việc đào tạo nguồn nhân lực cần thiết, kịp thời trong nước và quá trình hội nhập.

Phạm Hương