Ngày 15/12, học sinh lớp 8 cấp trung học cơ sở của quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh bước vào kỳ thi kiểm tra học kỳ 1, môn ngữ văn.
Ngay sau khi hoàn thành bài kiểm tra này, phần lớn học sinh đều rất hoang mang, lo lắng khi cho rằng, phần 2 (3 điểm) yêu cầu viết 1 văn bản nghị luận dài 1 trang giấy suy nghĩ cá nhân về vấn đề sau:
“Còn gì đáng buồn hơn khi giàu có về vật chất, thì lại nghèo nàn đến thảm hại về văn hóa tinh thần. Một bộ phận thanh niên bây giờ nghĩ nhiều, nói nhiều đến tiền bạc, hưởng thu. Ăn mặc đẹp, sang trọng, tiện nghi hiện đại lắm, nhưng con người thì vô cùng mỏng. Gió thổi nhẹ là bay tứ tán ngay. Ngày trước dân ta nghèo nhưng đức dày, nhân cách vững vàng, phong ba bão táp không hề gì…Cha mẹ bây giờ chiều con quá không để chúng thiếu thốn gì. Vì thế mà chúng rất mong manh, dễ vỡ, dễ hư hỏng”. (Nguyễn Khải).
Phần 2, đề kiểm tra học kỳ 1 ngữ văn khối lớp 8 của học sinh quận 3 (ảnh: CTV) |
Nhiều giáo viên sau khi kết thúc kỳ thi kiểm tra này đã xác minh, câu hỏi này trùng với bộ đề thi Olympic 30/4 của tỉnh Vĩnh Long, khối trung học phổ thông, câu 1 (8 điểm).
Ngày 16/12, một Hiệu trưởng một trường trung học phổ thông ở quận 1, một giáo viên có nhiều năm kinh nghiệm dạy ngữ văn đã chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, đây chỉ là bài kiểm tra cuối học kỳ 1, nói thi là chưa chuẩn, vì chỉ để kiểm tra kiến thức của học sinh sau một học kỳ học.
Theo cô giáo này, việc dùng chung ngữ liệu (thông tin) ở bên ngoài để cho học sinh làm bài là bình thường, vấn đề là nội dung câu hỏi cần phải tương đương với trình độ của học sinh lớp 8, cấp trung học cơ sở.
Trong trường hợp này, câu hỏi này quá mơ hồ, không giản dị để học sinh lớp 8 có thể hiểu được. Cô giáo này cho rằng, câu hỏi cần phải được thể hiện chi tiết và cụ thể hơn, đi thẳng vào trình độ mà các em học sinh lớp 8 có thể hiểu được.
Với một câu hỏi chỉ có 3 điểm, nhưng bắt các em học sinh phải viết văn bản nghị luận 1 trang giấy thi, thì cần phải căn cứ vào thời gian các em được làm bài trong thực tế là bao nhiêu, thì mới đánh giá là khó hay không?
Cũng đồng tình với quan điểm này, cô Đỗ Thị Mỹ Dung – giáo viên Văn Trường trung học cơ sở Chu Văn An cho rằng, người ra đề có thể lấy từ nhiều nguồn, không thành vấn đề, nhưng việc bắt các em học sinh lớp 8 viết nghị luận 1 trang giàu nghèo là hơi cao, học sinh giỏi mới làm nổi.
Thông thường ngữ văn lớp 8 chỉ yêu cầu viết một đoạn từ 10 – 12 câu, còn lớp 8 chưa học nêu quan điểm cá nhân, chỉ chủ yếu là văn thuyết minh từ đầu năm tới giờ. Lớp 7 thường chỉ học nghị luận tư tưởng – đạo lý, lớp 8 bắt viết đoạn là chủ yếu, lớp 9 mới bắt viết 1 trang.
Còn đại diện lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo quận 3 thì đánh giá, việc trích dẫn chỉ quan tâm đến tính giáo dục để học sinh nhận định, suy nghĩ, chứ không quan tâm đã có nơi nào sử dụng hay chưa.
Việc trích dẫn này yêu cầu các em học sinh cấp trung học cơ sở cần thể hiện ở đúng lứa tuổi thực tế của mình, còn cấp trung học phổ thông thì sẽ đòi hỏi cao hơn.