Xung quanh việc ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn FLC (mã: FLC) công bố một đằng làm một nẻo khiến không ít nhà đầu tư "ngậm đắng" đã nhận được sự quan tâm từ dư luận, đặc biệt các nhà đầu tư chứng khoán.
Không ít nhà đầu tư cho rằng việc ông Trịnh Văn Quyết công khai mua thêm 37 triệu cổ phiếu FLC (23/10/2017), nhưng lại âm thầm bán “chui” đến 57 triệu cổ phiếu FLC (từ 20/10/2017 đến 24/10/2017) là hành vi thiếu trung thực để trục lợi.
Ủy ban Chứng khoán không thể vô can khi các "sếp" lớn bán chui cổ phiếu |
Đáng nói, việc ông Trịnh Văn Quyết công bố mua vào 37 triệu cổ phiếu FLC, tương dương 6% vốn điều lệ FLC khiến không ít nhà đầu tư nhỏ lẻ tin là tín hiệu tốt của doanh nghiệp này nên đã đổ tiền mua vào.
Chỉ trong thời gian ngắn đại gia họ Trịnh công bố mua lượng cổ phiếu trên đã có một lượng vốn lớn đổ vào mua cổ phiếu FLC, giá trị giao dịch trong các ngày này tăng cao hẳn so với trước đó.
Nguy hại hơn nữa đó là các nhà đầu tư nhỏ lẻ chỉ biết ông Quyết công bố mua 37 triệu cổ phiếu, chứ không hề biết đại gia này bán “chui” lượng cổ phiếu lớn hơn hẳn (57 triệu) so với tuyên bố mua vào.
Đến 10/11/2017 khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có quyết định phạt các nhà đầu tư mới biết sự việc ông Quyết bán "chui" 57 triệu cổ phiếu.
Như vậy, có thể thấy một thời gian dài từ ngày 23/10/2017 đến 10/11/2017 (tức khoảng gần 20 ngày) các nhà đầu tư vẫn tin rằng FLC có tín hiệu tốt mà không biết ông Trịnh Văn Quyết đã bán “chui” lượng lớn cổ phiếu.
Nhiều nhà đầu tư chứng khoán cho rằng, một số quyết định xử phạt của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước gần đây mang nặng cơ chế "xin cho" đã vô tình tiếp tay cho các hành vi vi phạm làm méo mó thị trường chứng khoán. Ảnh: Vũ Phương |
Đáng nói, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chỉ xử phạt hành chính đối với ông Trịnh Văn Quyết số tiền 65 triệu đồng vì “không báo cáo” bằng quyết định số 1039/QĐ-XPVPHC (ngày 10/11/2017) khiến giới đầu tư bất bình và cho rằng quyết định trên có dấu hiệu bao che, nương nhẹ, dung túng cho vi phạm của ông Trịnh Văn Quyết.
Bày tỏ trước cách “cầm cân nảy mực” cũng như vai trò của của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ở đâu, khi các quyết định xử phạt đang vô tình tiếp tay cho các hành vi làm méo mó thị trường chứng khoán, Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam đã phản đối bằng cách gửi kiến nghị lên Bộ trưởng Tài - ông Chính Đinh Tiến Dũng (ngày 13/12/2017) đề nghị làm rõ “Ai ở Ủy ban Chứng khoán Nhà nước bỏ qua sai phạm của đại gia để lừa nhà đầu tư, thao túng chứng khoán?”.
Sở hữu tài sản hơn 2 tỷ USD, ông Trịnh Văn Quyết vẫn không được Forbes xếp hạng |
Đại diện Hiệp hội Các nhà đầu tư Tài chính Việt Nam chỉ ra, việc ông Trịnh Văn Quyết công bố mua vào 37 triệu cổ phiếu, nhưng lại bán “chui” 57 triệu cổ phiếu là hành vi lừa đảo nhà đầu tư.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước lại xử lý rất nhẹ chỉ phạt hành chính số tiền 65 triệu đồng và không hề đề cập đến số lợi ông Quyết có được do hành vi vi phạm mà có phải nộp lại. Quyết định xử phạt của Ủy ban Chứng khóa Nhà nước mang nặng cơ chế “xin cho” và vô tình tiếp tay, dung túng cho vi phạm.
Đề nghị Thanh tra Chính phủ vào cuộc để đảm bảo tính khách quan
Sáng 21/12, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Hoàng Hải – Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) cho biết: “Đến thời điểm này, chúng tôi chưa nhận được phản hồi từ Bộ Tài Chính cũng như Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Họ nói đang trả lời nên chúng tôi đang chờ”.
Ủy ban Chứng khoán có dễ dãi trước hành vi bán "chui" cổ phiếu của Chủ tịch FLC? |
Rất nhiều trường hợp bán “chui” cổ phiếu, nhưng quyết định xử phạt của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chỉ phạt ở mức vi phạm hành chính vài chục triệu đồng.
Còn theo Nghị định như 145/2016/NĐ-CP thì buộc phải nộp lại số lợi bất hợp pháp do hành vi vi phạm mà có. Thậm chí, trường hợp nào vi phạm nghiêm trọng cần xử lý hình sự.
Ông Hải nói thẳng: “Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi bán chui lượng cổ phiếu lớn như ông Trịnh Văn Quyết của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước là không chấp nhận được. Có dấu hiệu bỏ xót hoặc không đúng hành vi vi phạm của Chủ tịch FLC.
Cần phải có cơ quan thanh tra độc lập, bởi nếu tranh tra của Bộ Tài Chính thì cũng khó đảm bảo khách quan.
Có thể đề nghị Thanh tra Chính phủ vào cuộc thanh tra về các quyết định xử phạt của thanh tra Ủy ban chứng khoán Nhà nước, như thế mới đảm bảo tính độc lập, khách quan”.
Đại gia giàu nhất, nhì sàn chứng khoán được cho là có hành vi "thiếu đàng hoàng" khi bán "chui" 57 triệu cổ phiếu FLC. Ảnh: FLC Faros. |
Ông Nguyễn Hoàng Hải cũng cho rằng: “Có thể một số trường hợp bán “chui” cổ phiếu do họ không nắm được hết luật, bán số lượng ít và không phải là cổ đông lớn thì việc xử phạt hành chính là hợp lý.
Còn trường hợp ông Quyết là cổ đông lớn đã có động tác hô mua lượng lớn cổ phiếu rồi bán “chui” thì không thể xử lý hành chính là xong mà phải xem hành vi đó là lừa đảo nhà đầu tư.
Ông Trịnh Văn Quyết hiểu luật, là cổ đông lớn lại bán “chui” lượng lớn cổ phiếu như vậy rõ ràng là cố tình.
Trong khi đó Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chỉ phạt ông Quyết về việc bán không báo cáo thì rất vô lý và buồn cười”.
Cũng theo ông Phó Chủ tịch VAFI, nhiều quyết định của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có dấu hiệu bất thường, cùng hành vi, nhưng có người phạt nặng, có người phạt nhẹ gây mất niềm tin với các nhà đầu tư vào thị trường chứng khoán.
Các quyết định xử phạt của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước là trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và cần có cơ quan thanh tra độc lập để đảm bảo Ủy ban Chứng khoán không thể muốn làm gì cũng được.
Ông Hải cũng đặt câu hỏi: Ông Trịnh Văn Quyết bán 57 triệu cổ phiếu thu về hàng trăm tỷ đồng trong một thời gian ngắn mà thanh tra, giám sát của Sở giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh lại không hề hay biết?
Trong khi đó, trao đổi với phóng viên, Chuyên gia kinh tế Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong cho rằng: “Có thể nói hành vi công bố mua lượng lớn cổ phiếu lớn nhưng lại bán “chui” cổ phiếu ra là hành vi gian lận.
Việc anh công khai việc mua vào lượng lớn nhưng lại âm thầm bán ra là lừa dối thị trường, lừa dối nhà đầu tư và khoản lợi thu về là không chính đáng.
Cần thiết phải đối chiếu các văn bản pháp luật để buộc phải nộp lại khoản lợi này để thị trường chứng khoán lành mạnh đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các nhà đầu tư”.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cũng đặt vấn đề: “Việc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phạt hành vi của ông Trịnh Văn Quyết bán “chui” cổ phiếu có đảm bảo đúng luật, bỏ lọt hành vi vi phạm hay không phải làm rõ?
Qua việc này có thể thấy anh là chủ tịch một công ty lớn mà lại làm như vậy sẽ mất niềm tin đối với các nhà đầu tư, ảnh hưởng đến thương hiệu, hình ảnh công ty. Anh công bố mua, nhưng lại âm thầm bán ra khác nào nói một đằng làm một nẻo.
Việc bán “chui” cổ phiểu sẽ gây nhiễu thị trường làm cho thị trường chứng khoán méo mó làm ảnh hưởng và gây thiệt hại cho các nhà đầu tư chân chính”.