Tháng 8 năm 2016, trong một cuộc họp tại do Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa tổ chức, doanh nhân mà truyền thông quen gọi là “Bầu Đệ” đã chỉ thẳng vào lãnh đạo tỉnh to tiếng:
“Anh ngồi xuống, tôi đến đây là phải được phát biểu, không đến lượt anh nói, đừng bưng bít thông tin, đừng có hỗn". [1]
Trả lời phỏng vấn của truyền thông, ông Trịnh Văn Chiến - Bí thư Tỉnh ủy Thanh hóa cho rằng:
“Tôi đồng ý quan điểm Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp bảo vệ hội viên, nhưng chỉ có thể bảo vệ doanh nghiệp làm đúng, cần lấy các quy định của pháp luật để soi vào đấy”. [2]
Tháng 10/2014 đã xảy ra chuyện ông Huỳnh Uy Dũng (Dũng lò vôi) làm “đơn tố cáo” Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Dương Lê Thanh cung lên Thủ tướng và Tổng Thanh tra Chính phủ.
Ông Đệ làm loạn họp báo, mắng Giám đốc Sở thông tin Thanh Hóa "đừng có hỗn" |
Ngày 23/7, ông Ngô Văn Khánh, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ đã thông báo kết luận các nội dung tố cáo.
Baodatviet.vn ngày 13/10/2014 viết: “Tuy nhiên, ông Dũng “lò vôi” đã thua kiện khi nộp đơn tố cáo chủ tịch tỉnh Lê Thanh Cung”.
Liên quan đến vụ việc “Bộ Tài chính bác kết luận thanh tra vụ ông Dũng 'lò vôi', Chủ tịch tỉnh Bình Dương: Tôi khẳng định thanh tra làm đúng”. [3]
Ông Trương Quang Nghĩa, Bí thư Tỉnh ủy Đà Nẵng cho biết:
“Khi tôi lên (làm Bí thư tỉnh ủy Sơn La) thì có những doanh nghiệp đứng trước cửa Ủy ban nhân dân chỉ mặt mấy ông Phó giám đốc sở, Giám đốc sở hỏi “chúng mày có muốn làm nữa không thì bảo?”.
Điểm sơ qua vài vụ việc để thấy, câu thành ngữ “mạnh vì gạo, bạo vì tiền” hình như chẳng bao giờ sai, nói như ông Trương Quang Nghĩa, những đại gia ấy “nó làm cả nhân sự mà”. [4]
“Nó làm nhân sự” nhưng “nó” đâu có ngồi họp ban hành quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, vậy “nó” thông qua ai và bằng cái gì khiến cho nhân sự phải theo ý “nó”?
Khi dư luận, khi các cựu chiến binh Đà Nẵng bức xúc hỏi “Út “trọc” là ai, Vũ “nhôm” là ai” thì cũng đồng nghĩa với câu hỏi:
“Quyền lực thành phố này thực sự nằm trong tay ai?”.
Quyền lực đó thuộc về nhân dân mà chính quyền là người đại diện hay thuộc về một nhóm người mà “tiền” là đại diện?
Khi truyền thông dành sự chú ý về chuyện Thành ủy Đà Nẵng nhận xe sang do doanh nghiệp tặng và chiếc xe này được nguyên Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh sử dụng, ít người để ý bài viết đăng trên Infonet.vn ngày 24/7/2016.
Bài viết cho biết doanh nhân Phan Văn Anh Vũ (Vũ “nhôm”) đã tặng Công an Đà Nẵng 50 xe mô tô Yamaha Exciter 150cc trị giá hơn 4 tỉ đồng.
Ngoài ra “ông Phan Văn Anh Vũ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Nova Bắc Nam 79 còn quyết định đóng góp 1 tỉ đồng cho Quỹ phòng chống tội phạm của Thành phố Đà Nẵng để khen thưởng cho những người dân tham gia tố giác, đấu tranh phòng chống tội phạm”. [5]
Bộ Công an khám xét nhà Vũ nhôm tại số 82 Trần Quốc Toản (Hải Châu, Đà Nẵng). Ảnh: AN |
Chứng kiến tại buổi trao tài trợ của Vũ “nhôm” cho Công an Đà Nẵng có Thiếu tướng Nguyễn Văn Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị (Bộ Công an) và Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Thành phố Đà Nẵng Nguyễn Ngọc Tuấn. [5]
Từ năm 2013 Đà Nẵng đã là một trong 13 tỉnh, thành phố điều tiết nhiều nhất ngân sách về trung ương.
Năm 2016, thu ngân sách của Đà Nẵng đạt 18.227 tỷ đồng.
Năm 2017, dự toán thu ngân sách của thành phố này là 20.850 tỷ đồng.
Một thành phố năng động, được đánh giá là “đáng sống”, tiền thu ngân sách nhiều như thế thì vì sao cả cơ quan Đảng và Chính quyền lại phải nhận “tài trợ” từ doanh nghiệp?
Và có trớ trêu không khi chính quyền thành phố Đà Nẵng dùng số tiền đó vào mục đích “chống tội phạm”?
Nhận “quà” của người ta rồi thì không thể “vô ơn”, liệu chính quyền Đà Nẵng - đứng đầu là Chủ tịch thành phố Huỳnh Đức Thơ - có rơi vào tình trạng mà dân chúng nói là “há miệng mắc quai”?
Nô lệ của mặt trời, khu vườn thượng uyển thơm ngát hương và rộn tiếng chim |
Nếu không “mắc quai” thì vì sao Vũ “nhôm” lại có thể tự tung tự tác đến thế?
Vì sao lại có thể “hỗn” với lãnh đạo thành phố đến mức một vị đại tá quân đội phải lên tiếng trong cuộc gặp mặt giữa Bí thư Trương Quang Nghĩa với cựu chiến binh thành phố?
Cũng cần biết thêm từ năm 2010 ông Huỳnh Đức Thơ đã là Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư - cơ quan nắm toàn bộ hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp tại thành phố này.
Tiếp đó là thời kỳ “vàng” khi ông làm Phó Chủ tịch (năm 2014) rồi Chủ tịch thành phố (năm 2015).
Cho đến nay sau khi bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương kỷ luật cảnh cáo (Quyết định số 629-QĐ/UBKTTW ngày 4/10/2017), ông Thơ còn nhận tiếp kỷ luật cảnh cáo về chính quyền do Thủ tướng chính phủ ban hành (Quyết định 1852/QĐ-TTg).
Thế nhưng các hình thức kỷ luật ấy vẫn chưa ảnh hưởng đến các chức vụ của ông đang đảm nhận.
Đây phải chăng là một sự ưu ái hay còn những vấn đề gì đó mà công chúng chưa thể biết?
Do mới quay về thành phố nên Bí thư Trương Quang Nghĩa có thể chưa nắm được chính xác nội tình, chưa có dẫn chứng khẳng định chuyện doanh nhân (hay là thượng tá?) thao túng các dự án, mua chuộc cán bộ Đà Nẵng, dẫu sao ông cũng đã khá chua xót khi phát biểu:
“Nếu như có việc này thì đây là sự sỉ nhục đối với chính quyền, đối với hệ thống công quyền của chúng ta, tại sao để thế được”. [6]
Dân chúng nói “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn”, một khi Vũ “nhôm” đã góp tiền vào quỹ khen tặng những “người dân tham gia tố giác, đấu tranh phòng chống tội phạm” thì những đồng tiền đó có thực sẽ được “tặng” cho người tham gia tố giác, đấu tranh hay sẽ được dùng để “lái” những lá đơn tố cáo các đối tượng theo ý người cấp tiền?
Cứ cho rằng có những lá đơn của người dân tố cáo tham nhũng - cả quan chức lẫn doanh nhân - được gửi tới, cơ quan chức năng Đà Nẵng sẽ xử lý thế nào khi mà Chủ tịch thành phố bị kỷ luật cả về Đảng lẫn chính quyền?
Trên thế giới sự câu kết giữa quan chức và mafia không phải là chuyện lạ.
Trùm buôn bán ma túy người Columbia - Pablo Escobar - được đánh giá là một trong 5 trùm mafia nổi tiếng nhất thế giới.
Với những đồng tiền bẩn thu được từ việc mua bán “cái chết trắng”, Pablo Escobar dễ dàng bước vào chính trường Colombia.
Hắn mua chuộc quan chức chính phủ, xây dựng hàng loạt chung cư cho người nghèo, xây sân bóng đá, trường học, tái tạo rừng cây...
Thậm chí để tránh sự truy nã của Mỹ, hắn còn thỏa thuận với chính quyền sẽ ngồi tù 5 năm nhưng nhà tù phải do chính hắn xây dựng, lính canh nhà tù cũng do chính Escobar tuyển chọn.
Tại Nhật Bản, mafia (Yakuza) có sức ảnh hưởng rất lớn, thậm chí cả trong chính trường nước này.
Báo Danviet.vn viết:
“Trùm Yoshio Kodama từng cấp tiền cho Đảng Dân chủ Tự do (LDP) trong những ngày tháng đầu thành lập…
Bộ trưởng Giáo dục Nhật Bản từng bị cáo buộc nhận hối lộ từ các công ty ma của Yakuza.
Dù từ chối dính líu nhưng sau này ông thừa nhận đã lấy hơn 32 triệu đồng (?) từ công ty ma kể trên.
Eriko Yamatani, phụ trách Ủy ban An toàn Công cộng kiểm soát Cục Cảnh sát Quốc gia được cho là “giao du” với Yakuza”. [7]
Bất kỳ nơi đâu trên thế giới, các tổ chức, cá nhân hoạt động bất chấp luật pháp, thao túng quan chức chính quyền, điều khiển cơ quan công quyền thì đó không còn là hoạt động lách luật kinh doanh đơn thuần.
Gọi đúng bản chất, đó không phải là doanh nghiệp mà là các băng nhóm hoặc tập đoàn mafia.
Ông Vũ Ngọc Hoàng - nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương - đã có lý khi xếp “nhóm lợi ích” với các dạng mafia qua ý kiến:
“Lợi ích nhóm” tiêu cực, các dạng ma-phi-a, tham nhũng có tổ chức,…”. [8]
Lâu nay chúng ta dùng cụm từ “nhóm lợi ích” để chỉ một số cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống nhà nước câu kết với nhau hoặc với các đối tượng khác nhằm trục lợi cho phe nhóm mình.
Tuy nhiên khi xuất hiện các “nhóm lợi ích” có đủ sức mạnh thao túng chính sách, có thể “làm nhân sự” - như lời Bí thư Trương Quang Nghĩa - thì có nên ngại khi gọi đó là mafia chính trị?
Vấn đề không phải là từ ngữ mà là bản chất sự việc.
Nếu bộ máy chuyên chính chưa xem “nhóm lợi ích” như tổ chức mafia thì phải chăng mới chỉ nhìn nhận tác hại của “nhóm lợi ích” về khía cạnh kinh tế, xã hội hơn là nguy cơ với thể chế, với sự tồn vong của nhà nước, về mối đe dọa cuộc sống bình an của dân chúng?
Sau nhiều sự việc “bằng cái móng tay” phải báo cáo Thủ tướng, phải chờ Thủ tướng quyết định thì người dân lại biết thêm chuyện khác.
Đó là chuyện doanh nghiệp thị uy với chính quyền tỉnh qua lời Bí thư Thành ủy Đà Nẵng:
“Nó (Sơn La) cũng có những doanh nghiệp mà cái tiếng thì nó cũng như thế này (như Đà Nẵng) và thứ 6 tuần trước tôi cũng kể nguyên văn lại cho Tổng Bí thư”.
Infonet.vn ngày 21/12/2017 viết: “Tổng Bí thư đã trực tiếp yêu cầu Bộ Công an điều tra và trả lời với Tổng Bí thư và Bộ Chính trị về chuyện này!”
Tại một thành phố được gọi là “đáng sống” tình trạng như thế thì tại những nơi chưa được gọi là “đáng sống” tình trạng sẽ như thế nào?
Và thêm nữa, một khi dám thị uy với cả chính quyền tỉnh, thành phố thì liệu những kẻ sống ngoài pháp luật, sống trên pháp luật ấy có “nể” nhân dân, có để cho người dân lương thiện được sống bình an?
Một cá nhân làm thế nào để tác động khiến Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng có những vi phạm, khuyết điểm đến mức bị Trung ương kỷ luật tập thể nếu không có những thế lực và cá nhân đứng sau chống lưng?
Chỉ khi nào chỉ rõ được cá nhân hay tập thể đó là ai thì người dân mới tin vào quyết tâm chống tham những của cơ quan chức năng.
Chắc chắn khi Tổng Bí thư đã vào cuộc thì mọi việc sẽ được làm sáng tỏ, nhưng trong thâm tâm, người dân vẫn mong muốn Tổng Bí thư dành thời gian cho những việc quốc gia đại sự chứ không phải chỉ là những việc mà chính quyền cấp tỉnh, cấp bộ có thể giải quyết.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://vtc.vn/mang-giam-doc-so-thong-tin-thanh-hoa-dung-co-hon-bau-de-lam-loan-hop-bao-d269988.html
[4] http://giaoduc.net.vn/Xa-hoi/Bi-thu-Da-Nang-len-tieng-ve-Vu-Nhom-Ut-troc-post182389.gd
[7] http://danviet.vn/the-gioi/the-gioi-ngam-ki-bi-cua-mafia-nhat-ban-677322.html
[8] http://www.tapchicongsan.org.vn/Home/PrintStory.aspx?distribution=33662&print=true