Đó là đề xuất của Giáo sư Phạm Phụ - Trường Đại học Bách Khoa Thành phố Hồ Chí Minh đưa ra tại hội thảo “Hoàn thiện chính sách, pháp luật về tự chủ đại học” do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức trong ngày 25/12 tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Phát biểu tại hội thảo, Giáo sư Phạm Phụ - Trường Đại học Bách Khoa Thành phố Hồ Chí Minh đã đưa ra đề xuất của mình: Cần tăng mức học phí ở bậc Đại học tại Việt Nam như hiện nay, nhằm có điều kiện tăng mức đầu tư cho sinh viên trong mỗi năm học.
Giáo sư Phạm Phụ đã đưa ra dẫn chứng: Chi phí đầu tư cho sinh viên hiện nay ở Việt Nam còn quá thấp, chỉ vào khoảng 1.000 USD/năm, trong khi ở Đài Loan là 7.000 USD và Hoa Kỳ là 22.000 USD/năm.
Hội thảo “Hoàn thiện chính sách, pháp luật về tự chủ đại học” tổ chức ở Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh: P.L) |
Nếu mức thấp như hiện nay, Việt Nam sẽ không thể đào tạo ra lao động có sức cạnh tranh. Muốn tăng mức đầu tư thì cần phải tăng trách nhiệm của người học Đại học.
Ví dụ: Có thể tăng mức học phí lên tăng khoảng 2,5 lần so với mức hiện nay đang áp dụng.
Giáo sư Phạm Phụ còn cho rằng, việc sinh viên hiện nay vay từ ngân sách vẫn còn quy mô quá nhỏ, chỉ đủ tiền trả học phí, nên cần phải phát triển thêm quỹ để cho sinh viên vay vốn, thậm chí có thể đi vay quốc tế để lập quỹ.
Học phí đại học rẻ và miễn phí thường có mặt trái ẩn phía sau |
Đồng tình việc này, Giáo sư Nguyễn Thị Cành – Trường Đại học Kinh tế Luật đã nêu quan điểm: Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung cho phép các trường tự quyết mức học phí, nhưng cơ chế định giá lại do Chính phủ quy định là rất mâu thuẫn.
Còn Phó Giáo sư Đỗ Văn Dũng – Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật thành phố, muốn các trường Đại học tự chủ hiệu quả, quan trọng nhất là cần thay đổi tư duy quản lý.
“Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học cần phải xóa bỏ cho được cơ chế Bộ chủ quản” – Phó Giáo sư Đỗ Văn Dũng chia sẻ.
Phó Giáo sư Phan Thanh Bình – Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, hai vấn đề quan trọng nhất trong tự chủ đại học chính là tài chính và nhân sự.
Cái gốc của vấn đề tự chủ chính là tạo ra môi trường thoải mái, để các nhà tri thức tuy duy, tạo ra năng lượng cho xã hội.
Theo Phó Giáo sư Phan Thanh Bình, trong môi trường đại học, sự thăng hoa tư duy trí tuệ là cực kỳ quan trọng. Còn khi bước ra ngoài đời, trường Đại học cần phải tuân theo luật pháp của Nhà nước.
Chính vì thế, Phó Giáo sư Phan Thanh Bình nhấn mạnh: Cái gốc của vấn đề tự chủ, nó nằm ở chỗ thăng hoa cuối cùng của mỗi thầy cô giáo, sinh viên trong môi trường đại học.