LTS: Từ câu chuyện mà bản thân là người trực tiếp tham gia, thầy giáo Thanh An thẳng thắn cho rằng, phong trào thi đua viết sáng kiến kinh nghiệm trong ngành giáo dục những năm qua rất tốn kém mà không đi vào thực chất.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Chính phủ ban hành Nghị định 88/2017/NĐ-CP về việc Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 56/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ về đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức đã được dư luận đồng tình và hưởng ứng, nhất là đối với những viên chức đang công tác trong ngành giáo dục.
Khi thực hiện theo Nghị định 88/2017/NĐ-CP thì chỉ giáo viên nào muốn được xếp loại viên chức cuối năm loại xuất sắc mới phải viết.
Tuy nhiên, thực tế giáo viên viết sáng kiến kinh nghiệm trong năm nay vẫn rất nhiều. Bởi có sáng kiến kinh nghiệm là có rất nhiều quyền lợi cho bản thân người viết.
Ảnh chụp màn hình 1 trang chuyên giới thiệu sáng kiến kinh nghiệm sau kết quả tìm kiếm từ khóa "sáng kiến kinh nghiệm" trên Google. |
Năm học trước, Nghị định 56/2015/NĐ-CP đang được áp dụng nên tất cả các giáo viên trong các trường học phải thực hiện viết sáng kiến kinh nghiệm hoặc 1 giải pháp hữu ích.
Nhưng giải pháp hữu ích thì không có quyền lợi gì mà chỉ là “yêu cầu cần” để giáo viên có thể được xếp hoàn thành nhiệm vụ.
Vì thế, phần lớn giáo viên các trường đều viết sáng kiến kinh nghiệm. Phần vì nếu đạt giải thì quyền lợi sẽ rất nhiều mà viết sáng kiến kinh nghiệm thì đỗ hay trượt chỉ là chuyện hên xui;
Và một phần cũng nhờ vào sự quen biết của mỗi giáo viên với lãnh đạo nhà trường, lãnh đạo phòng giáo dục. Nhất là Nghị định 56/2015/NĐ-CP khác với trước đây là chỉ cần cấp cơ sở (cấp trường) công nhận là được đánh giá viên chức, xét các danh hiệu cao.
Trường chúng tôi có một ông thầy dạy môn công nghệ 7, ông thầy này cũng gần về hưu rồi nên nhiều năm qua gần như không tham gia các phong trào của ngành, của trường. Ông thầy này chỉ làm tròn nhiệm vụ là dạy số tiết mà ban giám hiệu phân công.
Mỗi khi ban giám hiệu, tổ chuyên môn động viên tham gia phong trào thì ông thầy này lại nói vui rằng tôi già rồi, các phong trào để cho các thầy, cô giáo trẻ thi đua, phấn đấu.
Những tiết dạy công nghệ thông tin theo quy định của nhà trường thì ông này nhờ giáo viên trẻ soạn sẵn và coppy vào máy tính. Ngày dạy, nhờ giáo viên mở máy để sẵn và khi dạy thì chỉ có một nhiệm cụ duy nhất là Enter bàn phím.
Trong trường thì việc gì cũng phải nhờ giáo viên khác làm từ giáo án, đề kiểm tra, đề thi nhưng được cái là người địa phương và trong trường có rất nhiều giáo viên là học trò cũ nên uy tín ông thầy này có một vị thế nhất định.
Đặc biệt, em gái của ông thầy này lại đang là chuyên viên phụ trách chuyên môn của phòng giáo dục nên kể cả ban giám hiệu nhà trường cũng có phần ngán ngại, ít khi dám đụng đến những hạn chế của người này.
Mỗi năm một sáng kiến mới sinh ra dối trá |
Năm học trước, sau khi nhờ một giáo viên trẻ chỉnh sửa sáng kiến kinh nghiệm không biết lấy ở đâu về xong thì ông thầy này nhờ tôi xem lại và đặt vấn đề là nhờ viết và bổ sung cho dài đề tài thêm chút nữa.
Vì là giáo viên cùng trường lại là thế hệ đàn em nên tôi miễn cưỡng đồng ý nhưng chỉ với một điều kiện là sửa cho đúng bố cục và chỉnh sửa câu, chữ cho phù hợp.
Phần nội dung tôi không nhận sửa bởi không phải là chuyên môn của tôi. Thế là ông thầy này nói với giáo viên trẻ đã sửa lần trước chuyển email cho tôi.
Nhận được email tôi thấy thất vọng vô cùng về nội dung của sáng kiến kinh nghiệm. Bởi trong số hơn 4 trang của sáng kiến kinh nghiệm này thì mất hơn 1 trang là lấy giáo án bài học để minh họa.
Phần còn lại thì rất yếu về nội dung, phương pháp trình bày một một văn bản cũng không đúng với cách thức của một văn bản khoa học.
Nhưng, vì đã nhận lời nên tôi cũng chỉnh sửa lại những lỗi cơ bản về câu chữ và sắp xếp các đề mục cho đúng bố cục một sáng kiến kinh nghiệm mà cấp trên đã hướng dẫn.
Trong thâm tâm tôi vẫn nghĩ rằng sáng kiến kinh nghiệm này viết cho có lệ để đúng với hướng dẫn của Nghị định 56/2015/NĐ-CP mà thôi, làm sao mà có giải được.
Bởi có hơn 4 trang giấy thì phần giáo án bài học minh họa với mở đầu, kết luận đã chiếm mất ¾ dung lượng rồi. Còn 1 trang giấy trình bày giải pháp, kết quả thì ai mà công nhận giải?
Nhưng tôi đã nhầm vì suy nghĩ của mình đã hoàn toàn sai với kết quả sau đó.
Sáng kiến này được nộp lên cho ban giám hiệu nhà trường và được hiệu trưởng và tổ trưởng chuyên môn tham gia chấm.
Cả 2 vị này đều cả nể ông thầy này lớn tuổi và có cả lí do cả nể người em của ông thầy này đang công tác ở phòng giáo dục nên cuối cùng xếp loại A cấp trường và nộp về phòng giáo dục để chấm cấp huyện.
Thế rồi, khi về Phòng không biết người em gái phân công ai chấm trong số các chuyên viên của phòng giáo dục mà cuối năm thì sáng kiến này là 1 trong rất ít sáng kiến kinh nghiệm của trường chúng tôi gửi đi đã đạt được giải C cấp huyện.
Giáo viên vào mùa tìm kiếm sáng kiến kinh nghiệm |
Vậy là cuối năm, nghiễm nhiên ông thầy này được hội đồng thi đua khen thưởng nhà trường xét viên chức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Ông được xét danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở (Bởi các hướng dẫn thi đua hiện nay thì sáng kiến kinh nghiệm đứng ở vị trí số 1).
Chưa hết, khi xếp loại đảng viên cuối năm tiếp tục được xếp loại đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nữa.
Vậy nên, năm học này ông thầy này cảm thấy rất hưng phấn sau “thắng lợi” của năm trước nên tiếp tục đăng kí viết sáng kiến kinh nghiệm.
Ai cũng có thể biết rằng kết quả rồi lại được lặp lại y như năm học trước. Những phần thưởng kép được lặp đi lặp lại cũng đồng nghĩa với rất nhiều quyền lợi đi kèm từ mấy trang giấy trình bày vu vơ…
Có một nghịch lí trong ngành giáo dục mà ai trong ngành cũng biết.
Đó là trong các phong trào thi đua của giáo viên thì sáng kiến kinh nghiệm là một phong trào “nhàn” nhất, đầu tư thời gian, công sức ít nhất, thậm chí là xin của giáo viên ở địa phương khác nhưng lại được xếp loại đứng đầu thi đua.
Trong khi các phong trào khác như thi giáo viên giỏi thì cũng phải thi sáng kiến kinh nghiệm, thi lý thuyết, thi thực hành ở trường khác và phải đối mặt trực tiếp với ban giám khảo, với học sinh của đơn vị bạn.
Phong trào ôn thi học sinh giỏi thì giáo viên ôn thi phải ôn rõng rã hơn nửa năm trời. Nhưng cách tính quy đổi để xét thi đua cuối năm thì sáng kiến kinh nghiệm vinh dự được đứng ở hàng cao nhất.
Giáo viên giỏi cấp huyện trở lên hoặc giáo viên ôn thi học sinh giỏi có học sinh giỏi cấp tỉnh từ giải 3 mới được quy đổi thành sáng kiến kinh nghiệm;
Còn giải nhất cấp huyện thì cũng coi như bỏ đi, không được xét danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở. Điều này được thể hiện rõ tại mục 2, điều 10 của Thông tư số 35/2015/TT-BGDĐT như sau:
2. Cá nhân đạt một trong các thành tích quy định tại Khoản 2 Điều 11 Thông tư này hoặc đạt một trong các thành tích sau được tính là sáng kiến áp dụng xét, công nhận danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở”:
a) Giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp huyện trở lên; giáo viên trung học phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên cấp tỉnh đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp trường trở lên;
Sáng kiến đối với danh hiệu thi đua cao vẫn còn nguyên giá trị |
b) Giáo viên trực tiếp giảng dạy, bồi dưỡng được 01 học sinh đạt giải nhất, nhì, ba trong các kỳ thi cấp tỉnh.
Riêng giáo viên công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, các huyện nghèo được áp dụng hưởng chính sách như quy định đối với vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có học sinh đạt giải trong các kỳ thi cấp huyện trở lên;
c) Giáo viên,giảng viên là tác giả chính bài báo đăng trên tạp chí khoa học chuyên ngành trong nước hoặc quốc tế;
d) Công chức, viên chức và người lao động tham gia soạn thảo đề án, dự án, quy chế của đơn vịđã được ban hành theo quyết định phân công của người có thẩm quyền;
Chính vì thế nên các trường học bây giờ nếu giáo viên nào bị phân công ôn học sinh giỏi hay thi giáo viên giỏi cấp huyện, cấp tỉnh thì phần lớn giáo viên tìm cách chối từ không tham gia vì có quá nhiều áp lực mà quyền lợi lại ít.
Nhưng sáng kiến kinh nghiệm chả cần vận động thì giáo viên vẫn đăng kí viết ầm ầm.
Sự lãng phí tiền bạc của các cấp khi bố trí giám khảo chấm sáng kiến kinh nghiệm, công nhận giải và phát thưởng, rồi cuối năm lại phải xét thi đua ở các thứ hạng cao cho thấy ngành giáo dục đang đổ một khoản kinh phí khổng lồ cho sáng kiến kinh nghiệm mà hiệu quả chẳng được cái gì hoặc có cũng vô cùng mờ nhạt.
Chủ yếu là làm đẹp cho bảng thành tích của một vài cá nhân trong đơn vị và tạo sự bất công bằng trong phấn đấu thi đua ở trường học. Đây rõ ràng là một kẽ hở trong đánh giá cuối năm và xét các danh hiệu thi đua cho giáo viên.
Hàng năm, ngành giáo dục luôn phải chứng kiến không biết bao nhiêu là điều giả dối của phong trào thi viết sáng kinh nghiệm nhưng nó vẫn mặc nhiên tồn tại từ năm này qua năm khác.