“Xứ Đoài Mây Trắng” thủa nào vẫn bay

30/12/2017 06:09
Hồ Thu
(GDVN) - Cầm trên tay cuốn “Xứ Đoài Mây Trắng” của Nguyễn Sơn Đỗng, cứ ngỡ một tập thơ mà lại là một cuốn tiểu thuyết hiện thực trước 1945.

Cầm trên tay cuốn “Xứ Đoài Mây Trắng” của Nguyễn Sơn Đỗng, cứ ngỡ một tập thơ mà lại là một cuốn tiểu thuyết hiện thực trước 1945.

Ở nơi ấy xứ Đoài mây trắng lắm, người Chàng Sơn giống như đám mây kia lăn trôi theo những kiếp người.

Khẳng định "Xứ Đoài Mây Trắng" thì đúng là tiểu thuyết nhưng nhà sử học Dương Trung Quốc lại có cảm giác “chẳng khác gì một pho dã sử mà người viết đã hóa thân vào những nhân vật của mình với lòng khao khát "hồi tưởng về những mảnh đời của những con người Chàng Sơn", vùng đất quê hương mà tác giả luôn cảm thấy tự hào được là Người Xứ Đoài”.

Ngay trong phần Lời tác giả, Nguyễn Sơn Đỗng cũng thừa nhận:

Là thế hệ được thừa hưởng di sản của Xứ Đoài, tự hào là người dân Chàng Sơn, tôi nâng niu từng tấc đất, viên sỏi, hàng cây đã chứng kiến và chuyên chở những mất mát hy sinh của bao thế hệ người dân quê tôi đã tan vào sông núi”.

Bởi vậy, ông viết cuốn tiểu thuyết “Xứ Đoài Mây Trắng” với một tình yêu chất chứa và nỗi mong mỏi, hồi tưởng, tri ân những người còn sống và những người đã khuất.

Bìa cuốn sách "Xứ Đoài Mây Trắng" của Nguyễn Sơn Đỗng
Bìa cuốn sách "Xứ Đoài Mây Trắng" của Nguyễn Sơn Đỗng

Tôi viết cuốn tiểu thuyết này hồi tưởng về những mảnh đời của những con người Chàng Sơn chất phác, thủy chung, thông minh, tài hoa, kiên cường và bất khuất.

Trải qua những tháng năm dài chìm đắm trong kiếp người nô lệ ngoại xâm làm cho khổ đau, nghèo hèn, ti tiện và dốt nát, nhưng người Chàng Sơn quê tôi vẫn sống nhân văn lắm.

Kiên cường và bất khuất như những áng mây bay đầy hào khí hòa cùng cả nước đứng lên làm Cách mạng dân tộc đi đến đích chân trời của độc lập, tự do”, Nguyễn Sơn Đỗng chia sẻ.

Bằng giọng kể mộc mạc, bình dân, Nguyễn Sơn Đỗng đã tái hiện lại một vùng Chàng Sơn - Kẻ Nủa - Xứ Đoài với những người nông dân chất phác, không kém tài hoa nhưng quay quắt trong công cuộc mưu sinh.

Qua kí ức của những nhân vật như ông Quý, Quỳ, Vệ Hai…, Nguyễn Sơn Đỗng giúp người đọc bàng hoàng chứng kiến cái đói, cái nghèo, những dịch bệnh khủng khiếp, sự bất lực của con người trong việc níu giữ những sự sống giữa đời.

Nơi ấy xứ Đoài mây trăng lắm, đặc trưng lắm nhưng người ta vẫn thấy thấp thoáng đâu đó hình ảnh thôn quê Việt Nam, của cái làng thân thuộc nơi mình sống bởi những phong tục tập quán, cưới hỏi, ma chay, cảnh ốm đau, vay giật;

Cảnh hội quê, chợ quê, tết quê, chiều quê; cảnh tát nước, đơm cá, gặt lúa, gặp gỡ bậc chức sắc, kỳ lão, phố thị, người Tây…

Con người thôn quê ở Xứ Đoài cũng giống như bất cứ thôn quê nào khác, có chất phác, thật thà, có tốt đẹp, ngô nghê, có cổ hủ, láu cá, có trong sáng và tăm tối, chân thành và điêu toa, có tài hoa và sa ngã…

Đọc “Xứ Đoài Mây Trắng” có chút liên tưởng tới “Trăm năm cô đơn” bởi sự tương đồng trong lụn bại của một dòng họ và nỗi khát khao bản năng đầy phồn thực giữa làng.

Nhưng khác với “Trăm năm cô đơn”, Nguyễn Sơn Đỗng lí giải đầy đủ cho sự lụn bại của dòng tộc ông cố - ông Quý - Quỳ chứ không vẽ nên huyễn hoặc về một dòng họ bị nguyền rủa.

Người ta thấy thấp thoáng hi vọng của dòng họ này qua cậu cháu Quang đầy tài hoa, luôn nỗ lực tìm tòi tiếp thu cái mới, theo tiếng gọi của cách mạng đã chuẩn bị sẵn sàng cho “thời điểm của chân lý” như ẩn dụ của tác giả trong tên bức tranh ông Quỳ vẽ ở đầu tiểu thuyết.  

Với một người nước ngoài như Giáo sư, Tiến sĩ Bae Yangsoo của Đại học BuSan, Hàn Quốc, một cuốn tiểu thuyết như “Xứ Đoài Mây Trắng” không chỉ giúp ông hiểu được văn hóa và con người Việt Nam còn giúp ông lí giải tư tưởng tam giáo đồng nguyên Phật Nho Lão tạo nên bản sắc riêng của văn hóa Việt Nam, thiết chế làng xã là nhân tố giúp Văn hóa Việt Nam mãi trường tồn bất chấp các cuộc xâm lăng.

Thông qua các xung đột nội tâm ở nhân vật, Nguyễn Sơn Đỗng đã cho chúng ta thấy ở bên ngoài xã hội Việt Nam thời đó đang xảy ra cuộc đấu tranh cam go chống ngoại xâm giành độc lập dân tộc, thì trong mỗi con người là cuộc đấu tranh không kém phần khốc liệt giữa các lề thói phong kiến của Nho giáo quy định trong xã hội như cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy trong hôn nhân và những khát khao cháy bỏng của người con gái trong tình yêu nam nữ, đòi hỏi thực sự là mình”, Giáo sư, Tiến sĩ Bae Yangsoo viết.

Xin mượn lời kết của nhà sử học Dương Trung Quốc:

Tiểu thuyết Xứ Đoài Mây Trắng tập 1 chưa viết đến cái thời điểm Cách mạng bùng nổ với sấm rền chớp giật mà bằng cách diễn đạt khác thường, cái điện tích chứa chất trong con người Chàng Sơn lại hiển hiện thành những ước mơ và hy vọng…

Không biết tác giả sẽ viết tiếp tập 2, rồi có thể tập 3 và nhiều tập nữa cho pho tiểu thuyết của mình như thế nào, nhưng điều chắc chắn như những gì đã diễn ra trên mảnh đất Chàng Sơn cũng như trên khắp đất nước ta trong trường kỳ lịch sử là các thế hệ người Việt Nam vẫn phải nuôi ước mơ và hy vọng khi đối mặt trước những thử thách khốc liệt của thời gian”.

Hồ Thu