Chào 2018 - Niềm vui của dân và nỗi buồn của Thủ tướng

01/01/2018 06:00
Xuân Dương
(GDVN) - Thời thế sẽ tạo anh hùng, vấn đề là để trở thành anh hùng không thể không hy sinh, vấn đề cũng còn ở chỗ hy sinh thầm lặng hay...

Đất nước bước sang những năm cuối của thập kỷ thứ hai, thiên niên kỷ thứ ba.

Những sự kiện xảy ra dồn dập nửa cuối năm 2017 như Hội nghị thượng đỉnh APEC tại Đà Nẵng, vụ bắt giam ông Đinh La Thăng, vụ khởi tố mấy chục người thuộc các ngành ngân hàng, dầu khí,… cho thấy quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước trong cuộc chiến chống nội xâm, quyết tâm làm trong sạch đội ngũ lãnh đạo các cấp, trong việc bảo đảm sự phát triển vững chắc kinh tế đất nước và giữ bình yên cuộc sống của người dân.

Bệ phóng cho những thành công trong năm 2018 và các năm tiếp theo có thể thấy qua một vài số liệu thống kê đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề cập trong Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ngày 28/12/2017:

Chưa bao giờ tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt con số 425 tỷ USD như năm 2017;

Chưa bao giờ xuất khẩu rau quả đạt cao hơn cả dầu thô, lên đến 3,34 tỷ USD như năm 2017;

Chưa bao giờ nông sản Việt Nam xuất khẩu đa dạng đến nhiều quốc gia như năm 2017 với tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt 36 tỷ USD.

Nhìn tổng thể, tăng trưởng GDP năm 2017 đạt 6,81%, vượt kế hoạch đề ra và là mức khá cao so với khu vực và trên thế giới.

GDP bình quân đầu người ước tính đạt 53,5 triệu đồng, tương đương 2.385 USD, tăng 170 USD so với năm 2016. [1]

Chào 2018 - Niềm vui của dân và nỗi buồn của Thủ tướng ảnh 1

Năm 2017: Những chuyện vui buồn

Đến năm 2017, Việt Nam đã tham gia hơn 70 tổ chức uy tín trên thế giới và khu vực như:

Liên hợp quốc (LHQ), Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU), Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (Asia-Pacific Economic Cooperation - APEC), … 

Tại các tổ chức này, Việt Nam luôn thể hiện vai trò tích cực và có nhiều hoạt động thực tiễn được các nhà bình luận và các chính khách quốc tế đánh giá cao.

Điều quan trọng nhất là sự đồng lòng hưởng ứng của người dân với quyết tâm chính trị của Đảng, Quốc hội và Chính phủ.

Thành công của năm 2017 là nhờ những quyết sách chiến lược linh hoạt phù hợp với tình hình trong nước và trên thế giới của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tuy nhiên yếu tố quan trọng nhất là lòng dân bởi “khó vạn lần dân liệu cũng xong”.

Việc nhiều nguyên thủ quốc gia của các cường quốc như Mỹ, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản,… đến Đà Nẵng tham dự APEC cho thấy vị thế chính trị cao của Việt Nam trên trường quốc tế là một sự thật không thể phủ nhận.

Trong quan hệ quốc tế, có người nhân vụ Trịnh Xuân Thanh làm rùm beng về quan hệ đối ngoại của Việt Nam với một quốc gia nào đó.

Nói một cách công bằng, dù dưới bất kỳ lý do gì, chứa chấp các tội phạm kinh tế, những kẻ phạm tội đào tẩu hòng tránh hình phạt không phải là cách bạn bè thân thiết nên làm.

Trong một số trường hợp đặc biệt, để giữ gìn kỷ cương, phép nước, để răn đe những kẻ rắp tâm phản bội dân tộc, chạy trốn ra nước ngoài hoặc cấu kết với nước ngoài gây tổn hại kinh tế, an ninh quốc gia và cuộc sống nhân dân, hoạt động trấn áp tội phạm cần phải được đặt ở mức ưu tiên hàng đầu.

Chào 2018 - Niềm vui của dân và nỗi buồn của Thủ tướng ảnh 2

Dân ta, không một ai phải đứng bên lề của sự phát triển

Sự chuyển mình trong chỉ đạo điều hành một Chính phủ minh bạch, kiến tạo, sự quyết tâm của Tổng Bí thư, của lãnh đạo các ban ngành của Đảng qua chiến dịch “lò nóng - củi tươi” đã mang lại không khí phấn khởi trong dân chúng dù vẫn còn đâu đó những điều người dân chưa hài lòng.

Chưa bao giờ có nhiều lãnh đạo, cựu lãnh đạo địa phương và trung ương bị kỷ luật với hình thức cách hết mọi chức vụ trong Đảng như 2017;

Chưa bao giờ tình trạng cả nhà làm quan, cả họ làm quan, tình trạng cấu kết giữa doanh nhân với quan chức chính quyền và tổ chức chính trị lộ rõ như hiện nay.

Tuy vậy, có một điều “chưa bao giờ” không thể không nhắc tới, đó là việc thực hiện giáo huấn của Hồ Chủ tịch:

Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng.

Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó.

Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”. [2]  

Công khai khuyết điểm trong chỉ đạo, điều hành, xử lý nghiêm khắc cán bộ mắc sai phạm từ đảng viên thường đến Ủy viên Bộ Chính trị đương nhiệm là điều chưa có tiền lệ.

Thừa nhận khuyết điểm cả trong chỉ đạo lẫn điều hành, từng bước sửa chữa khuyết điểm chính là cách tốt nhất để lấy lại niềm tin của dân vào cơ quan lãnh đạo và người lãnh đạo.

Không phải ngẫu nhiên báo chí đăng nguyên văn ý kiến của nhiều vị nguyên lãnh đạo Ủy ban Kiểm tra Trung ương (ông Vũ Quốc Hùng), Ban Tổ chức Trung ương (ông Nguyễn Đình Hương) đề cập đến trách nhiệm của hai cơ quan cao nhất là Ban Tổ chức Trung ương và Bộ Nội vụ trong việc để xuất hiện tình trạng quy hoạch những người không đủ tiêu chuẩn vào vị trí lãnh đạo.

Cũng không phải ngẫu nhiên các đại án kinh tế đã và đang xét xử được quy cho hoạt động yếu kém của bộ máy công vụ khiến nhu cầu cải cách thể chế kinh tế trở nên bức thiết,…

Việc Đảng, Nhà nước công khai khuyết điểm, xử lý sai phạm của lãnh đạo - trong đó có một số lãnh đạo cao cấp - các cơ quan Đảng, chính quyền lại được dân chúng ủng hộ, lại khiến niềm tin được củng cố hoàn toàn không phải là nghịch lý bởi đó chính là điều Hồ Chủ tịch đã đề cập.

Rõ ràng người dân mong muốn một chính thể minh bạch, một nhà nước pháp quyền chứ không phải những khẩu hiệu hoa mỹ, không phải một chính quyền mà không ít nơi “nói nhưng không làm, làm không đến nơi đến chốn, thậm chí làm ngược với nói”.

Chào 2018 - Niềm vui của dân và nỗi buồn của Thủ tướng ảnh 3

Lò nóng và củi tươi đang cháy!

Không một thể chế chính trị nào không có khiếm khuyết, không một chính khách hoặc vĩ nhân nào không có lúc mắc sai lầm, vấn là có dám thừa nhận, sửa chữa và công khai xin lỗi hay là tìm mọi cách che giấu sự thật.

Nếu người/bộ máy lãnh đạo để xảy ra những sự xáo trộn chính trị dẫn đến sự phá hoại kinh tế, gây mất ổn định xã hội, gây bất bình trong dân chúng thì chắc chắn đó là lãnh đạo tồi, cần phải bị thay thế.

Nếu làm tổn hại lợi ích quốc gia, dân tộc, kìm hãm sự phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học kỹ thuật, nếu gây cảnh nồi da xáo thịt như các cuộc “cách mạng màu” xảy ra tại một số nước thì đó không chỉ là lãnh đạo tồi mà còn là tội phạm.

Những người như thế không những phải bị thay thế mà còn phải bị lên án, phải bị trừng phạt bất kể đương chức hay đã “hạ cánh an toàn”.

Đã qua chưa một chặng đường với không ít sai lầm phải trả giá, đặc biệt trong lĩnh vực nhân sự và quản lý kinh tế?

Câu hỏi này được đặt ra với một sự thận trọng tối đa và vì thế chưa thể có câu trả lời chính xác ngay lúc này.

Liệu có sai không nếu cho rằng chúng ta mới chỉ bắt đầu các hành động chống tham nhũng một cách quyết liệt kể từ sau Đại hội 12?

Mặc dù các văn bản, nghị quyết của Bộ Chính trị về chống tham nhũng đã có cách đây cả một phần tư thế kỷ nhưng cũng suốt thời gian đó, tham nhũng không những không bị đẩy lùi mà còn ngày càng tinh vi hơn, khó kiểm soát hơn.

Sẽ cần một thời gian thực hiện và cũng cần một thời gian để nhìn lại.

Có điều có thể chắc chắn là bằng những hành động hợp lòng dân, bằng sức mạnh đoàn kết của dân tộc, bằng trí tuệ và bản lĩnh vượt qua mọi thách thức mà cha ông truyền lại, thế hệ người Việt hôm nay sẽ không mắc lỗi với lịch sử.

Sẽ nhất định đưa đất nước chúng ta tiến bước vững chắc theo định hướng “dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh”.

Những thế lực nuôi mộng ngăn cản tiến trình đó sớm muộn cũng sẽ trở thành “rác lịch sử”.

Chào 2018 - Niềm vui của dân và nỗi buồn của Thủ tướng ảnh 4

Cái gì Dân muốn thì Trời cũng phải thuận theo

Tiếp nối những thành công của năm 2017, trong năm 2018 Tổng Bí thư đã nêu 6 nhiệm vụ cần tập trung xử lý. [3]

Để thực hiện thành công 6 nhiệm vụ đó, có nhiều việc cần làm. Xin nêu vài việc nhỏ:

Thứ nhất: Về Giáo dục và Đào tạo:

Vốn trung ương quản lý là 64,4 nghìn tỷ đồng, giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo là 604 tỷ đồng, chiếm chưa đến 1% tổng vốn ngân sách (0,93%) và giảm 71,7% so với 2016.

Trong khi ngân sách quốc gia dành cho giáo dục là 20% thì Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ quản chưa đến 1%, số còn lại do các địa phương, bộ, ngành quản lý có phải là chiến lược hợp lý khi chúng ta đang thực hiện chiến lược đổi mới toàn diện giáo dục - đào tạo nước nhà.

Thứ hai: Với tinh thần “chống tham nhũng không có vùng cấm” của Đảng, với quyết tâm xây dựng một Chính phủ “minh bạch, kiến tạo, liêm khiết”, người dân hy vọng trong năm 2018, sẽ không có “vùng cấm” trong các phiên chất vấn của Quốc hội với các thành viên Chính phủ.

Không khó để thấy cho đến nay các phiên chất vấn mới chỉ tập trung vào một số bộ, ngành trong khi Chính phủ có 22 bộ và cơ quan ngang bộ.

Ý kiến của Ủy viên Trung ương, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa về hai tội phạm (Út trọc, Vũ nhôm) có nên được xem là một gợi ý?

Thứ ba: Để xây dựng một quốc gia hùng cường thì nỗ lực sản xuất, tăng năng suất lao động phải đi kèm với tiết kiệm, chống lãng phí.

Ít có quốc gia nào trên thế giới ngân sách lại được sử dụng tới 72% chi thường xuyên như Việt Nam.

Việc không thể trì hoãn là giảm bớt đầu mối bằng cách sáp nhập các cơ quan hành chính, các bộ, ngành từ trung ương xuống địa phương.

Bên cạnh đó cũng nên tính phương án sáp nhập các tổ chức chính trị - xã hội như Đoàn thanh niên, Hội Phụ nữ, Công đoàn, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh,… thành các bộ phận thuộc Mặt trận Tổ quốc (như cục, vụ trong bộ).

Chào 2018 - Niềm vui của dân và nỗi buồn của Thủ tướng ảnh 5

Hãy tống cổ những kẻ móc túi người Việt

Chính phủ làm công việc quản lý chứ không “bán bia, bán sữa” là định hướng chính xác, làm được việc đó thì không nhất thiết phải có 22 đầu mối như hiện nay.

Đối với cấp tỉnh, năm 1976 cả nước có 38 đơn vị hành chính cấp tỉnh (35 tỉnh và 3 thành phố);

Năm 1989 số tỉnh thành phố là 44, năm 1991 là 53 và từ 2008 đến nay là 63 (58 tỉnh và 5 thành phố trực thuộc Trung ương).

Sau 30 năm đối mới tính từ Đại hội VI của Đảng (năm 1986), số tỉnh của Việt Nam tăng từ 44 lên 63 nghĩa là tăng thêm 19 tỉnh, thành phố, nghĩa là ngân sách chi cho đội ngũ cán bộ và cơ sở vật chất tăng thêm khoảng 30%.

Đó là thành tích hay là sự lãng phí rất lớn ngân sách quốc gia, kèm theo đó là biết bao tiêu cực sinh ra trong công tác bổ nhiệm, luân chuyển, miễn nhiệm cán bộ.

Tiết kiệm là ở đây và lãng phí cũng chính là ở đây.

Thứ tư: Sinh thời Hồ Chủ tịch căn dặn: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc; Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”.  

Lâu nay chúng ta luôn nói “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Tuy nhiên nhìn vào số lượng cán bộ lãnh đạo - trong đó có cả cán bộ cao cấp - bị kỷ luật, không thể không nêu câu hỏi:

Công tác cán bộ đã thực hiện nghiêm chỉnh tư tưởng của Hồ Chủ tịch”?

Hy vọng Trung ương, Tổng Bí thư và Ủy ban Kiểm tra Trung ương sẽ dành thời gian, trí tuệ và quyết tâm để xem xét lĩnh vực quan trọng nhất và cũng “nhạy cảm” nhất này.

Thứ năm: Một trong ba quy luật cơ bản của phép biện chứng duy vật trong triết học Mác - Lênin là Quy luật lượng - chất.

Theo đó “Những thay đổi về lượng đến một mức độ nhất định, sẽ kéo theo những thay đổi về chất”.

Đội ngũ đảng viên lên tới hơn 4,5 triệu người rõ ràng là một sự thay đổi đáng kể về lượng, vậy sự thay đổi ấy sẽ ảnh hưởng thế nào đến “chất”?

Nghị quyết số 04-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành ngày 30/10/2017 chỉ rõ 27 biểu hiện suy thoái thuộc 3 nhóm tư tưởng - chính trị, đạo đức-lối sống, và những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ Đảng.

Chào 2018 - Niềm vui của dân và nỗi buồn của Thủ tướng ảnh 6

Ai đang phá hoại cuộc xây dựng chính quyền liêm chính, kiến tạo?

Từ nhận định trên của Trung ương có thể thấy sự tăng nhanh về lượng (số lượng đảng viên) đã chạm ngưỡng báo động, đã khiến quá trình “chuyển hóa về chất” diễn ra nhanh hơn theo chiều hướng quan chức “chuyển hóa” thành những ông/bà chủ tư bản thực sự chứ không cần núp bóng người thân.

Do hầu hết chức vụ chủ chốt trong cơ quan công quyền là đảng viên nên cho việc “ghép nhóm” trở nên dễ dàng hơn vì có nhiều lựa chọn, kéo theo việc quản lý quyền lực trở nên khó khăn hơn.

Khi “một bộ phận không nhỏ” đúng là không còn nhỏ, theo quy luật nó sẽ ảnh hưởng đến tiến trình thay đổi về bản chất thể chế,… nghĩa là hoạt động quản trị quốc gia.

Việc kết nạp mới và chỉnh đốn lực lượng hiện có cũng cần được quan tâm đúng mức.

Chỉ khi nào những “bệ đỡ” cũ trong công tác cán bộ, trong chỉ đạo, điều hành bị xóa bỏ - cả trong lời nói lẫn việc làm - thì mới hy vọng tạo được “bệ phóng” cho bước nhảy vọt về chất thể chế chính trị, mới có thể đưa nền kinh tế từ chỗ là quốc gia chuyên gia công, làm thuê thành một quốc gia sáng tạo.

Trong khi người dân có lý do để vui vì sự chuyển mình của đất nước thì Thủ tướng cũng có lý do để buồn vì con số GDP bình quân đầu người 2.385 USD.

Một đất nước chính trị ổn định suốt mấy chục năm, tài nguyên thiên nhiên được ví là “rừng vàng, biển bạc”, con người thông minh và đang trong thời kỳ “dân số vàng” thế thì vì sao lại thua kém nhiều nước trong khu vực chứ chưa nói trên thế giới?

Dẫu còn nhiều điều để nói, song chân lý “nước Việt Nam hào kiệt đời nào cũng có” là bất di bất dịch.

Thời thế sẽ tạo anh hùng, vấn đề là để trở thành anh hùng không thể không hy sinh, vấn đề cũng còn ở chỗ hy sinh thầm lặng hay tuyên bố hùng hồn, rằng “suốt đời tôi hy sinh cho dân, cho nước”?

Điều mà người viết từng trăn trở trong bài “Thắng không cần làm vua, thua dân lập đền thờ”.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://www.gso.gov.vn/default.aspx?tabid=621&ItemID=18668

[2] http://www.tapchicongsan.org.vn/Home/PrintStory.aspx?distribution=651&print=true

[3]http://giaoduc.net.vn/Xa-hoi/Toan-van-phat-bieu-cua-Tong-Bi-thu-tai-lan-dau-tien-du-hop-Chinh-phu-post182597.gd

Xuân Dương