LTS: Chào đón năm mới 2018, cô giáo Phan Tuyết chia sẻ bài viết về những câu chuyện cảm động về những nhà giáo đầy tâm huyết về tình thầy trò xúc động trong ngành giáo dục năm 2017.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Một năm đã trôi qua, ngoài những vấn nạn, những chuyện buồn trong ngành giáo dục thì vẫn có không ít những câu chuyện đẹp về tình thầy trò làm lay động lòng người.
Thầy sẽ vào rẫy mang em về
Những ngày đầu tháng 3, dòng tâm sự buồn trên Facebook của thầy Ninh Văn Dậu - giáo viên Trường Trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng (xã Ia HDreh, huyện Krông Pa, Gia Lai) về việc thầy đã không thể giữ học trò của mình ở lại trường đã khiến nhiều người xúc động.
Câu nói “Thầy và cả lớp vẫn đợi em. Nếu em vẫn chưa chịu vượt rẫy vượt rừng để trở về với trường với lớp, nhất định thầy sẽ vào rẫy “lấy” em về!” đã chạm đến trái tim nhiều độc giả.
Trước sự tha thiết đầy nhiệt tình của thầy, Ksor Gôl đã trở lại trường.
Thầy Dậu bảo thầy rất vui, cảm giác như “vừa giành được huy chương”. Thầy đã “lấy được em về” thật sự!
Thầy Ninh Văn Dậu vào tận rẫy thuyết phục học trò trở lại lớp. (Ảnh: Tuoitre.vn) |
Những thầy giáo cắm bản nghèo, sự tử tế thầm lặng
41 thầy giáo nghèo cắm bản ở Trường tiểu học Tri Lễ 4 huyện miền núi Quế Phong, Nghệ An chính là đại diện cho những bức chân dung đẹp nhất về sự tử tế của con người.
Nơi đây, địa hình khó khăn và đường sá đi lại vô cùng khó khăn đến mức không có cô giáo nào trụ lại được.
Vậy mà 41 thầy giáo đã gắn bó với 6 điểm trường đặt tại các bản của người Mông, có người 15 năm, có người 10 năm, người trẻ nhất thì đã vài năm gắn bó.
Bỏ lại sau lưng cha mẹ già, vợ con, để lên đây cắm bản. Chặng đường các thầy đến với trò luôn gian nan và đầy hiểm nguy rình rập.
Ngày nắng đường bụi tung trời, ngày mưa thì lầy lội, trơn trượt. Vượt qua quãng đường dài gian nan ấy hầu như ai cũng trượt ngã ít nhất vài lần.
Những lúc ấy bùn đất quyện chặt lấy người. Có thầy đã mang thương tích bên mình vì trật khớp gối, người lại gãy tay, rách mặt…
Cung đường khó khăn đến trường của các thầy giáo tại Trường tiểu học Tri lễ 4. (Ảnh: VTV.vn) |
Thế nhưng các thầy không cho phép mình nản chí để lùi bước. Bởi phía trước, sâu trong những bản người Mông, là 400 đứa học trò nghèo khổ, đói khát đang khao khát được học từng con chữ.
Nhưng, muốn các em học tốt thì phải no cái bụng, phải có hứng thú trong học tập.
Các thầy đã đi viện trợ lương thực, xin đồ chơi Trung thu để chở vào phát cho từng đứa trẻ.
Có đứa bé ngỡ ngàng vì lần đầu tiên được ôm một con gấu bông. Nhìn niềm vui trong mắt trong, các thầy quên đi mệt nhọc.
Ở nơi bản làng heo hút nên không có cả sóng điện thoại. Ngày dạy, chăm lo cho trò, đêm về nhớ nhà, nhớ vợ con, các thầy chỉ biết giở điện thoại ra ngắm ảnh.
Nhờ sự gắn bó, sự khát khao được đem cái chữ đến cho học sinh người Mông của 41 thầy giáo ấy mà việc học ở những bản làng heo hút nơi đây đã có nhiều khởi sắc.
Từ chỗ trong bản không có trẻ nào được đến trường, nay đã có 6 bản người Mông đã có học trò được đi học đại học, cao đẳng.
Nếu không có sự hy sinh thầm lặng của các “thầy giáo hiệp sĩ” ấy, 400 học trò sẽ ra vĩnh viễn sống trong cảnh mù chữ cũng chẳng ngoa.
Xúc động câu chuyện thầy giáo đưa cậu bé tí hon 3,9 kg đến trường
Cậu bé K'Rể, dù đã 9 tuổi nhưng mới cao 58 cm và nặng 3,9 kg. Dù đã đến tuổi vào lớp 1 nhưng vì thân hình quá nhỏ bé, nên cha mẹ K’Rể không dám cho em đi học.
Thầy Đặng Văn Cương - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Sơn Ba phải đến tận nhà để vận động, đưa em xuống trường.
Dù không phải người thân trong gia đình, nhưng thầy đã chăm sóc, nuôi dưỡng K'Rể không khác gì cha mẹ ruột.
Thầy Đinh Văn Cương và em K'Rể. (Ảnh: VTV.vn) |
Với sự chăm sóc, nuôi dưỡng và dạy dỗ của các giáo viên, đặc biệt là thầy Đặng Văn Cương, K’Rể đã có nhiều tiến bộ rõ rệt.
Từ một cậu bé nhút nhát, đến nay, em đã mạnh dạn hơn trong giao tiếp với những người xung quanh, biết đọc, biết viết được số "1" và chữ "O".
Lo lắng cho sức khỏe của em, thầy Cương đã tự bỏ tiền túi mua vé máy bay ra Hà Nội để đưa em đến Bệnh viện Nhi Trung ương khám bệnh.
Hàng ngày, ngoài giờ lên lớp, cậu bé tí hon K’Rể được thầy giáo Đặng Văn Cương hết lòng yêu thương, chăm sóc.
Từ việc cùng chơi những trò chơi như bắn bi, đá bóng, đến việc tự tay sửa chữa những đồ chơi.
Thầy được mọi người gọi bằng cái tên vô cùng trìu mến: "Ông bố của những em bé H’Rê".
Năm 2017 đã khép lại với những câu chuyện đẹp về tình thầy trò như thế.
Hy vọng năm mới 2018 tới đây, những câu chuyện đẹp đầy nhân văn làm lay động lòng người sẽ vẫn tiếp tục nở hoa và được lan tỏa rộng rãi trong xã hội, để hình ảnh những nhà giáo chân chính luôn đẹp mãi trong lòng mọi người.
Tài liệu tham khảo:
http://baodatviet.vn/van-hoa/nguoi-viet/41-thay-giao-cam-ban-ngheo-su-tu-te-lang-tham-3342657/
https://baomoi.com/xuc-dong-cau-chuyen-thay-giao-dua-cau-be-ti-hon-3-9kg-den-truong/c/24006922.epi