Năm 2018, mỗi ngày Thành phố Hồ Chí Minh phải thu được 1.200 tỷ đồng

02/01/2018 15:13
Phương Linh
(GDVN) - Chủ tịch Thành phố Hồ Chí Minh nói, số thu trên là không tính ngày Chủ nhật.

Ngày 2/1/2018, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách thành phố năm 2018.

Ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân, ông Tất Thành Cang – Phó Bí thư thường trực Thành ủy,  lãnh đạo Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam thành phố đã đến dự hội nghị quan trọng này.

Năm 2018: Tập trung kéo giảm ùn tắc, tai nạn, ngập nước và ô nhiễm

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Nguyễn Thành Phong – Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, bên cạnh một số thành tựu, kết quả đã đạt được trong năm 2017, thành phố cũng còn nhiều hạn chế, khó khăn cần phải tập trung để khắc phục cho được trong năm nay.

Đó là: Chưa đạt chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế, chỉ tiêu thành lập mới doanh nghiệp. Do cơ sở hạ tầng quá tải, nên ùn tắc giao thông vẫn còn xảy ra, nhất là vào các khung giờ cao điểm. Ngập nước vẫn chưa được giải quyết triệt để, nhất là vào lúc mưa lớn, triều cường.

Việc vi phạm trật tự xây dựng, xây dựng không phép, sai phép vẫn còn xảy ra ở một số địa phương. An toàn vệ sinh thực phẩm, dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

Hội nghị triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách thành phố năm 2018 (ảnh: P.L)
Hội nghị triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách thành phố năm 2018 (ảnh: P.L)

Theo người đứng đầu chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh, trong năm 2018, thành phố đã được Quốc hội thông qua Nghị quyết 54, thí điểm cơ chế chính sách đặc thù phát triển, là một động lực để thành phố tăng tốc, phát triển trong những năm tới.

Thành phố sẽ tập trung thực hiện 7 chương trình đột phá, gắn với việc thực hiện cơ chế chính sách đặc thù, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế thành phố, đảm bảo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, bình đẳng.

Chủ tịch Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh: Thành phố sẽ thực hiện một số công trình hạ tầng đồng bộ, gắn liền với chỉnh trang đô thị, kéo giảm ùn tắc và tai nạn giao thông, ngập nước, ô nhiễm môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh và phúc lợi xã hội, chăm lo tới đời sống người dân.

Mỗi ngày, Thành phố Hồ Chí Minh phải thu trên 1.200 tỷ đồng

Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bên lề hội nghị, ông Nguyễn Thành Phong – Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố cho biết, muốn giảm ngập nước, ô nhiễm môi trường, hạ tầng giao thông cần được chi đến 850.000 tỷ đồng, nhưng ngân sách của thành phố chỉ mới đáp ứng được 30% con số này.

Do đó, muốn làm được việc này thì cần phải huy động được nguồn lực từ bên ngoài, và cần phải tính toán lại.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh - ông Nguyễn Thành Phong (ảnh: P.L)
Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh - ông Nguyễn Thành Phong (ảnh: P.L)

Năm nay, thành phố đặt ra dự kiến phải thu được 376.000 tỷ đồng. Điều đó có nghĩa rằng, chỉ trừ ngày Chủ nhật, thì mỗi ngày, thành phố phải thu trên 1.200 tỷ đồng.

Muốn đạt được mục tiêu này thì phải bắt nguồn từ sản xuất kinh doanh. Chính vì vậy, thành phố phải tập trung vào các giải pháp, cơ chế mà Quốc hội đã cho thí điểm, lắng nghe doanh nghiệp nói để cải thiện môi trường đầu tư.

Cũng theo ông Nguyễn Thành Phong, nghị quyết 54 cho phép thành phố thí điểm cơ chế trong vòng 5 năm, nhưng nhiệm kỳ này cũng chỉ còn 2 năm nữa.

Chủ tịch Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, sự chuyển giao nhiệm kỳ sẽ không làm cắt khúc cơ chế. Do là đến năm 2020 sẽ tiến hành sơ kết nghị quyết này, coi kết quả đạt được là như thế nào. Rồi từ kết quả này, Quốc hội tổng kết thì mới triển khai tiếp.

Phương Linh