Đại học Huế sẽ được nâng tầm như hai Đại học Quốc gia

03/01/2018 06:14
An Nguyên
(GDVN) - Mặc dù quy mô, số lượng ngành đào tạo khá lớn nhưng tỷ lệ sinh viên Đại học Huế ra trường và có việc làm chưa cao, nhất là ngành nông lâm, giáo dục thể chất.

Ngày 2/1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn công tác của Chính phủ đã có buổi thăm và làm việc với lãnh đạo, giảng viên, sinh viên Đại học Huế.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Đại học Huế phải tăng cường tự chủ và đổi mới hơn nữa. Ảnh: QT
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Đại học Huế phải tăng cường tự chủ và đổi mới hơn nữa. Ảnh: QT

Tham dự buổi làm việc còn có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ…

Với hơn 60 năm hình thành, phát triển, Đại học Huế là đại học lớn ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên với 8 trường đại học thành viên, đào tạo đa ngành, lĩnh vực như: sư phạm, khoa học, y dược, nông lâm, nghệ thuật, kinh tế...

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu dồn lực tập trung phát triển 3 đại học lớn

Năm 2016, Đại học Huế được xếp hạng 350 các trường đại học hàng đầu châu Á và đứng thứ tư trong các trường đại học ở Việt Nam.

Hiện Đại học Huế có gần 3.900 cán bộ, viên chức và lao động, trong đó có gần 250 Giáo sư, Phó Giáo sư.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những thành tích mà Đại học Huế đạt được thời gian qua, nhấn mạnh đến bề dày lịch sử đáng tự hào của mảnh đất giàu truyền thống văn hóa, địa linh nhân kiệt.

Đồng thời, chỉ ra những tồn tại hạn chế, cần phải khắc phục.

Cụ thể như: mặc dù số ngành đào tạo khá lớn, 119 ngành đào tạo đại học, 81 chuyên ngành đào tạo thạc sỹ, 52 chuyên ngành đào tạo tiến sỹ, nhưng tỷ lệ sinh viên Đại học Huế ra trường và có việc làm chưa cao, nhất là ngành nông lâm, giáo dục thể chất.

Về “lối ra” cho các Đại học Việt Nam, Thủ tướng cho rằng, hướng đi quan trọng là tự chủ đại học và Đại học Huế cần phải đổi mới theo lộ trình đó.

Thực tế, dù là một trong năm trung tâm đại học lớn nhất nước nhưng Đại học Huế vẫn còn lúng túng và nhiều tâm tư đối với xu hướng tự chủ đại học.

Thủ tướng nhấn mạnh, các trường thành viên của Đại học Huế phải mạnh dạn đứng ra tự chủ về hoạt động giảng dạy, nghiên cứu, chủ động về tài chính, về cơ chế, nhân sự và mọi mặt trong hoạt động.

Tăng cường kết nối với các nhà tuyển dụng để sinh viên của Đại học Huế ra trường không phải đi tìm và xin việc mà phải tạo lập khởi nghiệp.

“Chúng ta phải vận dụng mô hình một cách phù hợp tại Đại học Huế, chứ không phải tư tưởng bao cấp như trước đây”, Thủ tướng nói.

Theo đó, cái gì Nhà nước phải làm, cái gì Nhà nước phải đặt hàng, cái gì chúng ta phải tự chủ trang trải, chúng ta đặt bao nhiêu đơn đơn vị sự nghiệp trong Đại học Huế là phù hợp trong xu hướng mới?

Tự chủ tài chính Đại học công lập sẽ dễ thu hút nhân tài là giảng viên hơn

Cơ chế tự chủ đại học phải được mở rộng hơn và thực chất hơn, đó là xu thế quản trị đại học của thế giới.

Thủ tướng cũng đề nghị, Huế phải là Trung tâm đổi mới, Đại học Huế phải là trung tâm đổi mới trong sự phát triển giáo dục Đại học.

“Các sản phẩm của Đại học Huế phải được đo lường thường xuyên, công khai và được trong nước, quốc tế chấp nhận”, Thủ tướng nói.

Về kiến nghị của Đại học Huế trong việc đầu tư xây dựng khu đô thị Đại học Huế, Thủ tướng cho hay, chính phủ sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng đô thị đại học ở trường bia.

Nhà nước sẽ hỗ trợ giải phóng mặt bằng và chính phủ sẽ tìm nguồn vốn ODA khoảng 100 triệu USD để xây dựng khu đô thị đại học này.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng yêu cầu Đại học Huế sớm trình đề án tái cơ cấu để Thủ tướng quyết định.

An Nguyên