Thời gian gần đây, lợi dụng chính sách mở cửa hội nhập của đất nước, bọn tội phạm đã tổ chức cho nhiều phụ nữ xuất cảnh hợp pháp dưới hình thức đi du lịch, thăm thân, xuất khẩu lao động và môi giới kết hôn với người nước ngoài để đẩy mạnh hoạt động mua bán người.
Xác định công tác xác minh, tiếp nhận nạn nhân bị mua bán từ nước ngoài trở về là một hoạt động quan trọng, góp phần giảm bớt nỗi đau cho các nạn nhân và gia đình của họ; đồng thời là bước đầu tiên trong quá trình hỗ trợ nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng.
Với vai trò là cơ quan chủ trì tổ chức thực hiện công tác này, thời gian qua Cục Xuất nhập cảnh (Bộ Công an) đã chủ động triển khai các giải pháp, không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác, trong đó có việc xác minh, tiếp nhận nạn nhân bị mua bán thông qua môi giới hôn nhân trái phép tại địa bàn các tỉnh, thành phố phía Nam.
Nhờ đó, công tác xác minh, xác định, tiếp nhận nạn nhân về cơ bản đã đi vào nề nếp, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan (lực lượng xuất nhập cảnh, biên phòng, cảnh sát điều tra, lao động - thương binh và xã hội, các tổ chức quốc tế…).
Việc phối hợp triển khai giữa các cơ quan chức năng được thực hiện chặt chẽ, đồng bộ dựa trên 02 văn bản quy phạm pháp luật quan trọng, đó là:
Thông tư liên tịch số 03/2008/TTLT-BCA-BQP-BNG-BLĐTBXH ngày 08/5/2008 hướng dẫn trình tự, thủ tục xác minh, tiếp nhận phụ nữ, trẻ em bị buôn bán từ nước ngoài trở về.
Sau đó được thay thế bởi Thông tư liên tịch số 01/TTLT-BCA-BQP-BLĐTBXH-BNG ngày 10/02/2014, hướng dẫn trình tự, thủ tục và quan hệ phối hợp trong việc xác minh, xác định, tiếp nhận và trao trả nạn nhân bị mua bán.
Tiếp nhận nạn nhân trở về (Ảnh: Báo Lào Cai) |
Các nạn nhân khi được cơ quan chức năng nước bạn giải cứu, trao trả, đã được cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài và cơ quan chức năng khẩn trương xác minh, thu xếp các thủ tục về nước.
Sau khi nhập cảnh được hỗ trợ nhu cầu thiết yếu, hỗ trợ tiền tàu xe đi về nơi cư trú hoặc được chuyển giao cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để đưa vào các cơ sở hỗ trợ nạn nhân.
Tính từ đầu năm 2011 đến nay, Cục Quản lý xuất nhập cảnh đã nhận được yêu cầu xác minh 640 trường hợp khai là nạn nhân bị mua bán do cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tiếp nhận thông tin và đề nghị.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, đã xuất hiện một số khó khăn, vướng mắc như: Về công tác xác minh, xác định nạn nhân, thông tin về thân nhân của nạn nhân do phía nước ngoài, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cung cấp thường không đầy đủ, chính xác nên công tác xác minh chưa hiệu quả.
Trên thực tế, số lượng nạn nhân có thể lớn hơn nhiều so với số liệu đã xác minh, nhưng cơ quan chức năng chưa nắm được do các nguyên nhân sau: Do mặc cảm, sợ ảnh hưởng đến danh dự và cuộc sống cá nhân nên nhiều nạn nhân bị mua bán không khai báo.
Vì vậy các cơ quan chức năng nước sở tại hoặc cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài không biết họ là nạn nhân và thường đề nghị Cục Quản lý xuất nhập cảnh xác minh nhân thân như các trường hợp cư trú bất hợp pháp khác.
Nhiều trường hợp không có đủ cơ sở, tài liệu chứng minh họ là nạn nhân bị mua bán.Có trường hợp vừa là nạn nhân, vừa là tội phạm (trước đây đã từng là nạn nhân, bị lừa bán nhưng sau đó lại trở thành tội phạm, quay lại lừa bán người khác), do đó việc xác định họ là nạn nhân hay tội phạm gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, các yêu cầu xác minh về nạn nhân thường đòi hỏi khẩn trương, nhưng đa số nạn nhân lại sống ở vùng nông thôn xa xôi hoặc miền núi hiểm trở nên nhân lực và phương tiện để phục vụ cho công tác xác minh của địa phương chưa đáp ứng kịp thời.
Mặt khác, phần lớn họ đều xuất nhập cảnh trái phép qua đường tiểu ngạch nên cơ quan chức năng địa phương không quản lý được việc nạn nhân có ra nước ngoài hay không.Việc xác minh để xác định họ là nạn nhân sau khi về nước cũng gặp nhiều khó khăn do nạn nhân về địa phương thường mặc cảm, không khai báo với cơ quan chức năng.
Thậm chí, khi tiếp nhận có trường hợp khai không đúng tên tuổi, địa chỉ gây khó khăn cho công tác bàn giao và hỗ trợ nạn nhân.
Ngược lại với tình trạng trên, có trường hợp không phải là nạn nhân bị mua bán, nhưng khi bị bắt lại khai là nạn nhân của tội phạm mua bán người để tránh bị xử phạt vì hành vi xuất nhập cảnh hoặc làm việc trái phép.
Ngoài ra, còn có nguyên nhân chủ quan là các cán bộ làm công tác này ở đơn vị địa phương phần lớn không chuyên trách, thường xuyên luân chuyển, ít được đào tạo, tập huấn dẫn đến kỹ năng điều tra, xác minh chưa đáp ứng được yêu cầu.
Về công tác tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân:Phía nước ngoài thường thông báo việc trao trả nạn nhân rất gấp hoặc không nêu cụ thể về thời gian trao trả nên các lực lượng tiếp nhận không chủ động có kế hoạch phối hợp để tiếp nhận.
Công tác giúp đỡ nạn nhân buôn bán người trở về hòa nhập cộng đồng được coi là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng (Ảnh Báo Lào Cai) |
Một số trường hợp nạn nhân có giấy tờ xuất nhập cảnh hợp lệ, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài thường bố trí chuyến bay cho họ về nước mà không thông báo cho cơ quan xuất nhập cảnh để tiếp nhận theo quy định.
Khi trao trả qua cửa khẩu đường bộ, phía nước ngoài thường trao trả lẫn lộn cả nạn nhân và người cư trú trái phép, không trao đổi cụ thể nên việc tiếp nhận kéo dài do phải phỏng vấn sơ bộ để phân loại, xác định ai là nạn nhân bị mua bán.
Trong khi đó, điều kiện, cơ sở vật chất phục vụ công tác tiếp nhận nạn nhân chưa đáp ứng yêu cầu thực tiến; kinh phí để tổ chức tiếp nhận và hỗ trợ ban đầu cho nạn nhân hạn hẹp.
Qua hơn 5 năm thực hiện công tác xác minh, tiếp nhận nạn nhân bị mua bán từ nước ngoài trở về, có thể thấy, để công tác xác minh, xác định và tiếp nhận nạn nhân được nhanh chóng và hiệu quả, Chính phủ, các cơ quan chức năng của Việt Nam cần xây dựng, thống nhất với các nước có đông nạn nhân bị mua bán về tiêu chí xác định nạn nhân; cơ chế phối hợp trong việc trao đổi thông tin, hồi hương nạn nhân trong đó nêu cụ thể về:
Đầu mối liên lạc và cách thức trao đổi giữa hai bên; các yếu tố thông tin cần trao đổi về nạn nhân, các tài liệu và bằng chứng để xác định nạn nhân; các thông tin về thời gian, địa điểm trao trả nạn nhân...
Đối với các cán bộ trực tiếp làm công tác xác minh, xác định nạn nhân của các cơ quan chức năng liên quan trong nước cũng cần thường xuyên được tập huấn, trao đổi kinh nghiệm và xây dựng cơ chế trao đổi thông tin, liên lạc với nhau để có thể phối hợp được chặt chẽ và kịp thời, vì các yêu cầu xác minh, tiếp nhận nạn nhân thường rất gấp.Đồng thời phải tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, tổ chức phi Chính phủ để có thêm nhiều nguồn lực thực hiện.
Cùng với đó, để nâng cao hiệu quả công tác, đáp ứng yêu cầu công tác xác minh, tiếp nhận nạn nhân bị mua bán từ nước ngoài trở về trong bối cảnh tình hình tội phạm mua bán người diễn biến ngày càng phức tạp, đề nghị Ban Chỉ đạo 138/CP, Bộ Công an tăng cường hướng dẫn, đôn đốc công an các đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm túc công tác xác minh, xác định nạn nhân theo quy định tại 01/TTLT-BCA-BQP-BLĐTBXH-BNG ngày 10/02/2014 của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Ngoại giao và theo các thỏa thuận song phương Chính phủ Việt Nam đã ký với các nước.
Tổ chức tập huấn về công tác xác minh, xác định, tiếp nhận nạn nhân tại một số địa phương trọng điểm; tiếp tục xây dựng các thỏa thuận hợp tác với các nước trong việc xác minh, tiếp nhận nạn nhân; tăng cường công tác vận động, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, phương thức thủ đoạn hoạt động của bọn tội phạm mua bán người cho nhân dân dọc biên giới hai nước, đặc biệt là các địa bàn có nguy cơ cao để người dân nâng cao ý thức cảnh giác và có biện pháp phòng ngừa với loại tội phạm này.