Biếu quà Tết lãnh đạo huyện, chuyện kể của một cựu Hiệu trưởng

19/02/2018 06:37
Trần Vũ
(GDVN) - Điều quan trọng hơn hết, mỗi thầy cô dù ở cương vị nào trong ngành Giáo dục cũng không nên vì lợi ích vật chất mà làm hoen ố hình ảnh cao đẹp của nghề dạy học.

LTS: Mỗi dịp tết đến xuân về, vấn đề biếu (tặng) quà cho cấp trên, đặc biệt là trong ngành giáo dục lại được đưa ra bàn luận và chia sẻ.

Qua đó, tác giả, Trần Vũ cũng đã đưa ra quan điểm của mình về vấn đề này.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Có thể nói hiệu trưởng (Giám đốc Trung tâm giáo dục thường xuyên, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo Huyện) đi chúc Tết và tặng quà cho lãnh đạo cấp trên vào dịp Tết Nguyên đán không phải là chuyện mới mẻ gì.

Nhưng, câu hỏi đặt ra là cấp dưới không tặng quà Tết cho lãnh đạo cấp trên có được không?

Không tặng quà Tết cho lãnh đạo cấp trên có được không? (Ảnh minh họa: tuoitre.vn).
Không tặng quà Tết cho lãnh đạo cấp trên có được không? (Ảnh minh họa: tuoitre.vn).

Mới đây Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị về tổ chức Tết Nguyên đán 2018 chỉ rõ: “Nghiêm cấm việc biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo cấp trên, cấp trên "tranh thủ" cấp dưới với mọi hình thức”.

Bạn tôi, hiệu trưởng một trường trung học phổ thông là người từng đi tặng quà cho lãnh đạo cấp trên (nay đã nghỉ hưu) trước thềm năm mới Mậu Tuất đã kể chuyện tặng quà Tết cho tôi nghe:

Biếu quà Tết lãnh đạo huyện, chuyện kể của một cựu Hiệu trưởng ảnh 2Trường nào dám không đi Tết từ lãnh đạo huyện đến Giám đốc Sở?

Trước đây, vào những năm chưa có Chỉ thị của Ngành Giáo dục và Đào tạo về việc cấm tặng quà Tết cho lãnh đạo cấp trên những ngày cuối năm Âm lịch, kế toán đơn vị cùng với hiệu trưởng (Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo Huyện) đã ngồi lại cân đối các khoản thu - chi để có khoản mua quà thay cho thiệp chúc Tết nhằm tặng lãnh đạo cấp trên.

Từ khi có Chỉ thị của Ngành Giáo dục và Đào tạo cấm tặng quà Tết, những đơn vị ở xa họ không thuê xe đi chung nữa, mà từng hiệu trưởng cùng với kế toán mỗi trường đến nhà riêng của lãnh đạo để chúc và biếu quà Tết lúc này gọn nhẹ, thiết thực hơn, đó là phong bì thay cho túi quà.

Một lần vào dịp Tết nguyên đán, bạn tôi bận việc nên giao kế toán một mình mang quà Tết đi tặng.

Đến nhà riêng chỉ gặp phu nhân của lãnh đạo, thế là quà Tết của bạn tôi, được ghi chép vào sổ sách rất cẩn thận.

Từ đó trở đi, năm nào bạn tôi cũng có mặt để chúc Tết lãnh đạo, bởi không muốn rắc rối trong quan hệ với cấp trên nào là chuyện xin duyệt dự toán, quyết toán kinh phí mua sắm, sửa chữa cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, đến việc xin cấp kinh phí cho các hoạt động ngoại khóa, hoạt động thi đua - khen thưởng của đơn vị, rồi nhu cầu của đội ngũ cán bộ giáo viên, nhân viên…và quan trọng là chuyện bổ nhiệm lại hiệu trưởng (Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo, Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên).

Biếu quà Tết lãnh đạo huyện, chuyện kể của một cựu Hiệu trưởng ảnh 3Hoàn toàn có thể xử lý hình sự biếu tặng quà Tết trái quy định

Thời đó những vị hiệu trưởng trường trung học phổ thông bán công là vô cùng khó khăn, bởi khi thu không đủ chi cho các mặt hoạt động trong trường lại phải trích một phần để chi quà Tết cho lãnh đạo ngành dọc và lãnh đạo ở địa phương.

Bởi địa phương là cấp quy hoạch và quản lý cán bộ, xem xét bổ nhiệm và bổ nhiệm lại hiệu trưởng (Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo, Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên), do vậy mỗi dịp Xuân về Tết đến họ không thể quên đi chúc Tết lãnh đạo huyện.

Trong số những người đi chúc Tết lãnh đạo nói ở trên, có một vài vị hiệu trưởng trường trung học phổ thông cũng đi, nhưng không có quà Tết mang theo.

Khi tìm hiểu những vị này thì được biết không phải họ không cân đối được nguồn thu, mà họ là những người có lòng tự trọng, có chuyên môn vững vàng, mọi công việc được giao họ đều hoàn thành, tỉ lệ học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông hàng năm đều đạt mức bình quân của tỉnh trở lên.

Họ được sự tín nhiệm của cán bộ, giáo viên ở mức cao mỗi khi Sở Giáo dục và Đào tạo về trường lấy ý kiến.

Cho nên, họ đâu có gì phải sợ cấp trên cách chức hoặc không bổ nhiệm lại và họ nói thẳng là đi chúc Tết chứ không phải đi để tặng quà cho lãnh đạo cấp trên.

Còn ở các cơ sở trường học, để được yên thân dạy học hoặc được dạy thêm ở ngoài nhà trường, để dễ dàng xin thuyên chuyển công tác, xin tiếp nhận về trường hoặc để được giảm nhẹ mức độ xử lý nếu vi phạm quy chế chuyên môn, được ưu ái khi xét thi đua - khen thưởng, nâng bậc lương trước thời hạn, thì giáo viên đều phải có quà Tết cho cho hiệu trưởng (Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo, Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên) để trả ơn…

Còn phụ huynh học sinh cũng thế, để xin điểm, xin chuyển trường, chuyển lớp cho con hoặc để con được xét lên lớp khi phải thi (kiểm tra) lại hoặc rèn luyện trong hè …

Họ cũng không quên ơn, quên quà Tết cho hiệu trưởng (Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo, Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên) và cho cả giáo viên chủ nhiệm lớp, khi nguyện vọng cá nhân của họ được giải quyết.

Biếu quà Tết lãnh đạo huyện, chuyện kể của một cựu Hiệu trưởng ảnh 4Tết đến, cấp trên đừng có "tranh thủ" cấp dưới, cấm biếu quà lãnh đạo

Có thể nói, chuyện kể về quà Tết tặng cho lãnh đạo của bạn tôi, là một minh chứng cho dù nghề dạy học là nghề cao quý trong xã hội, nhưng không tặng quà Tết cho lãnh đạo cấp trên là không thể, nếu như còn có người nhận do không có lòng tự trọng và quá tham lam.

Do vậy, thiết nghĩ Ngành Giáo dục và Đào tạo ngoài việc cấm tặng quà Tết cho lãnh đạo cấp trên nên cấm cả hiệu trưởng (Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo, Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên) nhận quà của giáo viên và giáo viên chủ nhiệm nhận quà của phụ huynh học sinh đi trả ơn vào dịp Tết.

Mặt khác cơ quan quản lý giáo dục các cấp cũng cần mạnh tay xử lý kỷ luật những cá nhân do đã ban ơn không đúng quy định, để nhận quà Tết của của cấp dưới hoặc của phụ huynh học sinh.

Điều quan trọng hơn hết, mỗi thầy - cô giáo dù ở cương vị nào trong ngành Giáo dục và Đào tạo không nên vì lợi ích vật chất mà làm hoen ố hình ảnh cao đẹp của nghề dạy học.

Nhất là không để cấp dưới cũng như phụ huynh học sinh đánh giá nhân cách của mình qua những món quà Tết mà họ tặng không phải vì tình cảm.

Bởi, nếu nhận quà như thế thì làm sao người thầy có thể mạnh miệng giảng dạy cho học trò những bài học về lòng tự trọng, về phòng chống tham nhũng, về đức tính liêm khiết của con người, dù trong dân gian có câu: “Mùng ba Tết Thầy” là nét đẹp văn hóa, là thể hiện tấm lòng “Tôn sư trọng đạo” của dân tộc ta.

Bài viết ghi lại câu chuyện mà tác giả được biết, văn phong, quan điểm, nhận thức là của riêng tác giả.

Trần Vũ