LTS: Chứng kiến những hiệu quả từ tổ tư vấn học đường tại Trường Trung học cơ sở Tân An (thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận), cô giáo Phan Tuyết mong muốn những thầy cô làm công tác này sẽ được tạo điều kiện tốt hơn để công tác này phát huy hiệu quả lâu dài.
Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Trường Trung học cơ sở Tân An (thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận) có hơn một ngàn học sinh đang theo học.
Với số lượng học sinh đông như thế, việc đưa các em vào nề nếp học tập và sinh hoạt của trường cũng là điều không dễ dàng gì.
Bên cạnh đó, do bận rộn với cuộc sống mưu sinh nên khá nhiều gia đình ít quan tâm đến con cái mà phó thác hoàn toàn cho nhà trường.
Ở lứa tuổi này, học sinh khá nhạy cảm vì sự phát triển tâm sinh lý của tuổi mới lớn nên nhiều em thường gặp phải những khúc mắc trong cuộc sống mà chẳng biết chia sẻ với ai.
Tâm lý bất ổn dễ sinh ra ức chế nếu không được điều chỉnh, giải tỏa kịp thời rất dễ dẫn đến hậu quả đáng tiếc như nhẹ thì chán học, bỏ học; nặng thì trầm cảm,.. thậm chí tự kỷ, gây hậu quả nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống.
Hình ảnh minh hoạ giáo viên tư vấn cho học sinh trên trang thptquangbinh.hagiang.edu.vn. |
Nhận thấy sự cần thiết phải hỗ trợ học sinh kịp thời cả vật chất lẫn tinh thần cho Trường Trung học cơ sở Tân An đã thành lập tổ tư vấn học đường và nhiều thầy cô giáo của trường đã tình nguyện chung tay làm việc này.
Trao đổi với chúng tôi, cô Nguyễn Quỳnh Phương - Phó Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Tân An cho biết:
“Nhà trường thành lập tổ tư vấn đã được dăm năm nhưng hoạt động hiệu quả cũng chỉ vài năm trở lại đây.
Tổ tư vấn do thầy Lê Sĩ Đông giáo viên Văn làm tổ trưởng cùng một số giáo viên trẻ trong lực lượng đoàn viên của trường.
Những giáo viên này vừa trẻ khỏe lại đầy nhiệt huyết với nghề nên rất có trách nhiệm.
Với lợi thế các thầy cô đều dạy môn xã hội như Văn, Giáo dục công dân, có cô học chuyên khoa tâm lý nên sự am hiểu về tâm sinh lý lứa tuổi của học sinh cũng rất nhạy bén".
Để tổ tư vấn hoạt động hiệu quả, cô Quỳnh Phương cho biết nhà trường lên kế hoạch cụ thể như kế hoạch năm, đợt, tháng và tuần.
Ban giám hiệu thường kiểm tra, động viên và nhắc nhở thường xuyên nên tổ tư vấn làm việc khá hiệu quả.
Trò quậy phá, không vâng lời không phải trò chưa ngoan
Có rất nhiều chuyện làm học sinh bất ổn, chán nản và buông xuôi như chuyện ba mẹ giận nhau, ba mẹ li hôn không quan tâm, xích mích, mâu thuẫn với nhau, thất vọng trong tình cảm, có suy nghĩ lệch lạc về giới tính, những khó khăn, vướng mắc trong tình bạn, những băn khoăn, vướng mắc xung quanh vấn đề ứng xử với cha mẹ, thầy cô, người thân trong gia đình.
Học sinh bị nghiện game, bị bạo hành gia đình. Học sinh có nguy cơ bỏ học, khó khăn về học tập...
Nhiều em có tâm trạng băn khoăn, lo lắng, rất mong muốn được giúp đỡ về nhiều mặt như: phương pháp học tập, đặc biệt là những vấn đề về tâm lý, tình cảm sâu sắc tế nhị, cách ứng xử với những vấn đề phức tạp trong cuộc sống…
Khi gặp những chuyện bức xúc, những khó khăn, các em thường có những biểu hiện bất thường như quậy phá trong giờ học, liên tục vi phạm nội quy, đánh bạn, thường xuyên nghỉ học, vô lễ với thầy cô, chán nản không muốn học…
Nếu chỉ nhìn bên ngoài dễ nhầm tưởng các em là những học trò hư, bất trị.
Với suy nghĩ này, thầy cô lại dùng biện pháp mạnh dễ đẩy các em trở thành những học trò cá biệt.
Vì khi không có người thấu hiểu, cảm thông để chia sẻ, giúp đỡ các em lấy lại sự cân bằng trong suy nghĩ thì các em dễ có tâm lý bất cần và càng chống đối hơn.
Do công tác tư vấn chỉ là công tác kiêm nhiệm, vì thế ngoài giờ lên lớp, các thầy cô trong tổ phân công nhau luân phiên túc trực nơi phòng làm việc để tiếp giải quyết công việc khi cần.
Công việc tư vấn khá nhạy cảm nên các thầy cô trong tổ tư vấn làm việc mọi lúc mọi nơi.
Khi thì cùng học trò chuyện trò ngoài sân, lúc thì trong lớp (khi vắng học sinh), lúc lại trên sân trường ngoài ghế đá, khi lại ngồi trang nghiêm trong phòng làm việc...
Gần học sinh để thấu hiểu
Cô Mai, một giáo viên trong tổ tư vấn cho biết: “Cái khó của công việc này là học sinh ít tìm đến mình. Vì thế khi tiếp cận, nhiều em cũng ít mở lòng. Điều này đòi hỏi giáo viên phải kiên trì”.
Cô Mai cho biết, các thầy cô ở tổ tư vấn thường được giáo viên chủ nhiệm, tổ giám thị và một số học sinh thông tin cho biết đối tượng cần tư vấn.
Một số em khác, do chính trong quá trình giảng dạy các thầy cô nắm được.
Sau khi có đối tượng tư vấn, giáo viên cũng xếp học sinh vào từng nhóm để có biện pháp giúp đỡ kịp thời.
Ví như các em gặp khó khăn về tình cảm, thầy cô sẽ tìm hiểu kĩ căn nguyên rồi khuyên nhủ, động viên giúp các em hiểu và bình tâm trở lại.
Nếu khó khăn về kinh tế, thầy cô liên hệ với khuyến học của trường quan tâm giúp đỡ các em về vật chất, giải quyết ngay khó khăn trước mắt để giúp các em ổn định học tập.
Nếu nguyên nhân lại từ phía phụ huynh thì thầy cô sẽ liên hệ phụ huynh gặp gỡ.
Không dừng ở việc tư vấn cho học sinh, tổ tư vấn còn làm luôn việc tư vấn cho phụ huynh khi thấy có vấn đề liên quan như việc ba mẹ bỏ nhau các em bị tổn thương và không có ai chăm sóc, giáo viên nói chuyện để phụ huynh hiểu thêm con mình và gần gũi các em hơn.
Tư vấn những chuyện lớn nhưng chuyện nhỏ vẫn không thể bỏ qua.
Cô Phương kể, có học sinh lớp 7,8 nhưng không biết vệ sinh cá nhân. Bạn bè lánh xa vì gần em thấy hôi, đầu có chí (chấy).
Giáo viên tổ tư vấn đã gặp gỡ và hướng dẫn cho em cách giữ gìn vệ sinh thân thể cho sạch. Các cô còn đi mua thuốc chí (chấy) hướng dẫn các em cách gội cho hiệu quả…
Thầy Đông nói mình thường kết bạn với học sinh, thông qua những lời nói chuyện qua lại của các em, thầy sẽ biết được chuyện gì đang xảy ra. Nhờ thế cũng giúp các em xóa bỏ đi hiềm khích với nhau.
Do thầy cô đã tạo được niềm tin nên bước đầu đã có khá nhiều em tìm đến thầy cô xin được tư vấn.
Một số chuyện gặp mặt trực tiếp các em khó bày tỏ thì thông qua tin nhắn trên Facebook, Zalo, nhiều em đã trút cả nỗi lòng của mình.
Những biến chuyển tích cực
Trong năm qua và học kì I năm này tổ tư vấn đã nói chuyện với gần 80 trường hợp mà trong đó có 6 phụ huynh và 6 học sinh khiếm thị.
Những học sinh trước đây thường xuyên đánh bạn, hút thuốc, uống rượu, vi phạm nội quy trong trường, nay nhờ công tác tư vấn kịp thời của các thầy cô tổ tư vấn các em đã có nhiều biến chuyển tích cực.
Học sinh chăm học hơn và không ngang ngạnh như trước. Nhờ thế, việc thực hiện nội quy trường lớp cũng đi vào ổn định.
Một số học sinh khó khăn về kinh tế được giúp đỡ kịp thời nên tình trạng học sinh nghỉ học của trường cũng giảm hẳn.
Một điều hết sức vui mừng là học sinh đã tự tìm đến với thầy cô xin được tư vấn.
Thầy Đông cho biết đây là tín hiệu vui vì các em đã đặt trọn niềm tin vào thầy cô của mình. Điều này sẽ là động lực để các thầy cô làm tốt hơn nhiệm vụ của mình.
Một số băn khoăn
Công tác tư vấn học đường hiện nay chỉ là công tác kiêm nhiệm. Vì thế, ngoài giờ lên lớp, thầy cô phải ở lại trường để dành thời gian gần gũi học sinh mới nắm bắt và giải quyết được công việc.
Giáo viên chỉ làm bằng nhiệt huyết, lòng yêu nghề, tình thương yêu với học sinh chứ hoàn toàn không có một chế độ nào cả. Ngay việc gọi điện cho phụ huynh cũng phải bỏ tiền túi ra.
Cô Quỳnh Phương cho biết vài năm trước nhà trường cũng hỗ trợ thêm cho giáo viên một ít nhưng cũng chỉ mang tính động viên là chính.
Mong muốn của giáo viên bây giờ là nhà nước cần có chế độ riêng cho giáo viên làm công tác tư vấn học đường để khuyến khích thầy cô làm việc tốt hơn.
Ngoài ra, cần cấp thêm tài liệu để thầy cô tham khảo, tìm hiểu sẽ giúp cho công việc tư vấn học đường hiệu quả hơn.