Mong chương trình, sách giáo khoa mới đừng đẩy học trò vào các lò học thêm

15/01/2018 07:00
Nguyễn Cao
(GDVN) - Ngoài việc phải bỏ tiền cho học thêm cho con em mình thì các bậc phụ huynh còn bị các đơn vị phân phối sách giáo khoa kết hợp với nhà trường “móc túi”.

Trước khi đổi mới chương trình sách giáo khoa 2000, cấp tiểu học gần như không học thêm. Chỉ đến khi học lên cấp 3 (trung học phổ thông) những năm cuối thập kỉ 90 mới đi học thêm để thi vào đại học. 

Chương trình sách giáo khoa năm 2000 đẩy học sinh đến lò học thêm từ khi đi học mẫu giáo

Chắc chắn rằng không có phụ huynh nào lại muốn mỗi năm phải bỏ ra vài triệu đồng, thậm chí hàng chục triệu đồng để gửi con học thêm ở nhà thầy cô. 

Thế nhưng không học thêm thì không theo kịp chương trình học ở lớp. Mỗi tiết học 35 phút với nhiều thủ tục hành chính nữa thì đâu còn nhiều thời gian để giáo viên giảng dạy. 

Dù cố gắng thì thầy cô cũng chỉ dạy được cơ bản của phần lí thuyết còn bài tập thì bắt buộc phải về nhà làm. 

Ngày nay chỉ sau một năm học, những cuốn sách giáo khoa còn chưa kịp cũ đã có thể trở thành giấy vụn, vì sang năm học sách khác. Ảnh minh họa: baoquangninh.com.vn
Ngày nay chỉ sau một năm học, những cuốn sách giáo khoa còn chưa kịp cũ đã có thể trở thành giấy vụn, vì sang năm học sách khác. Ảnh minh họa: baoquangninh.com.vn

Nhưng khổ nỗi làm ở nhà không hết, nhiều bài học sinh phải nhờ cả cha mẹ cũng không được thì điều dĩ nhiên là các em tiểu học phải đi học thêm với thầy cô.

Khi những con chữ được đong đếm bằng đồng tiền thì tình thầy trò cũng nhạt phai như những món hàng bán mua đắt rẻ. 

Nhiều thầy cô vì đồng tiền mà sẵn sàng đối xử không công bằng với học sinh, “đì” học sinh như các phương tiện thông tin đại chúng đã đề cập. Học trò vì học thêm mà cũng không còn tôn kính thầy cô như thuở trước.

Ngoài việc phải bỏ tiền cho học thêm cho con em mình thì các bậc phụ huynh còn bị các đơn vị phân phối sách giáo khoa kết hợp với nhà trường “móc túi” một cách rất…khoa học và hợp lí thêm một lần nữa. 

Đi kèm sách giáo khoa của mỗi “môn chính” là thêm 1 cuốn sách bài tập để các em trực tiếp làm bài, thay vì mua vở bài tập bên ngoài như những ai may mắn không phải học chương trình sách giáo khoa 2000.

Chúng tôi đã tìm hiểu, so sánh các môn học ở các cấp học tiểu học của chương trình hiện hành.

Chỉ có môn Mỹ thuật, Âm nhạc, Thể dục, Thủ công là không có sách bài tập. Còn tất cả các môn còn lại đều có sách bài tập riêng. 

Những tác giả viết sách bài tập cũng chính là tác giả biên soạn sách giáo khoa. 

Mong chương trình, sách giáo khoa mới đừng đẩy học trò vào các lò học thêm ảnh 2

Nhìn sách giáo khoa hiện hành, mơ cho con em được học chương trình cũ

Đó là còn chưa kể tới hàng trăm đầu sách tham khảo, nâng cao, văn mẫu cũng do chính các nhà biên soạn sách giáo khoa viết ra.

Trong sách giáo khoa, mỗi bài học đều có phần lí thuyết và bài tập kèm theo.

Sách bài tập bám vào nội dung sách giáo khoa để ra bài tập tương tự. Phụ huynh buộc phải mua 2 cuốn sách/ 1 môn học, tức là người dân phải tốn 2 lần tiền cho một môn. 

Và điều dĩ nhiên là học sinh phải làm thêm một quyển bài tập ở nhà. Rõ ràng, đây là mấu chốt của việc học sinh phải học thêm với một lượng bài tập khổng lồ ở cả 2 cuốn sách cho 1 môn học.

Trước chương trình 2000, học sinh chỉ phải làm phần bài tập trong sách giáo khoa, trừ các em đội tuyển học sinh giỏi thì có thêm sách nâng cao.

Và khi đó em nào học giỏi / thầy cô nào dạy giỏi là giỏi thực sự, nhưng số này không nhiều. Còn lại dậy và học đại trà theo sách giáo khoa, nhưng dạy thật - học thật - thi thật nên giáo dục đảm bảo chất lượng.

Nghĩ đến sách giáo khoa trong chương trình mới

Khi Bộ Giáo dục và Đào tạo thông qua chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đã có nhiều nhà giáo, nhà khoa học lên tiếng về chương trình, sách giáo khoa tiểu học mới vẫn nặng và không ưu việt hơn chương trình, sách giáo khoa năm 1979. 

Và khi chúng tôi viết những dòng này cũng là lúc Bộ Giáo dục và Đào tạo thông qua các chương trình môn học mới.

Như vậy, chỉ còn mấy tháng nữa là Bộ sẽ thực nghiệm chương trình sách giáo khoa lớp 1 để năm học 2019-2010 đưa vào áp dụng đại trà. 

Bản thân là một nhà giáo, một phụ huynh học sinh nên điều chúng tôi mong muốn nhất là khi thông qua chương trình môn học thì ban soạn thảo sách giáo khoa mới cần cầu thị, lắng nghe những phản biện đúng đắn, trách nhiệm từ dư luận xã hội. 

Mong chương trình, sách giáo khoa mới đừng đẩy học trò vào các lò học thêm ảnh 3

Ban soạn thảo chương trình mới quá kì vọng vào “khả năng sáng tạo” của học sinh

Thông qua những phản biện của cơ sở những người kiến tạo chương trình cần đưa ra bộ sách giáo khoa phù hợp với lứa tuổi, phù hợp với thực tế giáo dục Việt Nam;

Để làm sao con em chúng tôi không phải quay cuồng vì học thêm, giáo viên chúng tôi không sử dụng những chương trình chắp vá, nặng nề như chương trình sách giáo khoa hiện hành. 

Và điều cốt lõi nhất là học sinh phải gắn liền việc học và hành, không lí thuyết suông, dàn trải, cái gì cũng biết mà cuối cùng chẳng biết cái gì. 

Đồng thời làm sao bộ sách giáo khoa mới phải tiết kiệm tối đa tiền ngân sách cũng như kinh phí mà cha mẹ học sinh phải bỏ ra, đừng vét từng đồng bạc lẻ trong túi áo cha mẹ học sinh vì các chiêu trò bán sách.

Nguyễn Cao