Ngày 12/1, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam kết hợp với phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Phúc, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và trường Phổ thông trung học Trần Hưng Đạo (huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc) tổ chức Hội thảo “Khởi nghiệp trong thời đại công nghiệp 4.0”.
Tại đây, tôi may mắn được gặp và trao đổi với cô giáo Nguyễn Thị Thanh Hòa, giáo viên dạy toán của trường Trần Hưng Đạo - người đạt giải nhất trong cuộc thi giáo viên dạy tích hợp môn toán học trong toàn quốc.
Qua trò chuyện, có thể nhận định, cô Hòa là một giáo viên yêu nghề và tâm huyết trong từng bài giảng của mình.
Bằng sự khiêm nhường vốn có, cô giáo Hòa kể về việc cô tham gia dự án dạy tích hợp với chủ đề cấp số nhân và đã đạt giải cao cấp tỉnh, cấp toàn quốc.
Cô Hòa - người bên phải đã đạt giải nhất về dạy tích hợp liên môn toàn quốc (ảnh Trinh Phúc). |
Theo đó, trong năm học 2016 – 2017, cô Hòa được tham gia dự án dạy tích hợp với chủ đề cấp số nhân thuộc về bộ môn đại số và giải tích lớp 11.
Cô giáo Hòa đã tham gia dạy cấp tỉnh đạt giải nhất. Sau khi đạt giải nhất cấp tỉnh, cô được cử đi dự thi dạy học tích hợp môn toán toàn quốc và may mắn cũng đạt giải nhất.
Kể về bài dạy đạt nhiều giải cao, cô Hòa tiết lộ, bài dạy cấp số nhân tham gia cuộc thi toàn quốc về dạy tích hợp cô đã sử dụng tích hợp một số kiến thức liên quan đến bộ môn sinh học, vật lý, hóa học và các trò chơi trong cuộc sống.
Trước khi dự thi, cô Hòa đã dạy bài này ở lớp 11A6 của trường và gây được sự hứng thú cho các em, điều này đã giúp cô tự tin rất nhiều.
Tâm sự về quá trình chuẩn bị cho bài dạy tích hợp liên môn, cô Hòa nhớ lại: “Năm ngoái, để dạy bài này, tôi đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm tài liệu.
Để có đủ kiến thức, tôi tham khảo tài liệu và trao đổi cùng các đồng nghiệp dạy môn sinh, hóa, lý để có đủ những kiến thức cần thiết.
Với kiến thức học hỏi được từ đồng nghiệp, tôi đã lồng vào bài dạy tích hợp liên môn của mình và rất mừng được học sinh rất hưởng ứng và thích thú.
Đặc biệt, trong đó có những trò chơi liên quan đến thực tế mà học sinh rất là thích thú tham gia tạo cho tiết học sôi động và đầy hứng khởi hơn thường lệ”.
Chia sẻ kinh nghiệm để có một bài dạy tích hợp liên môn hấp dẫn, cô giáo Hòa thổ lộ rằng: “Để dạy bài học tích hợp tốt đòi hỏi giáo viên phải tìm hiểu kiến thức cơ bản của nhiều môn học và các tình huống trong thực tế cuộc sống liên quan đến chủ để bài dạy.
Sau đó tìm cách chuyển hóa vào kiến thức bộ môn toán, lồng vào bộ môn toán sao cho hấp dẫn để học sinh dễ tiếp thu.
Muốn được như vậy, cần phải có sự ủng hộ, sự giúp đỡ của đồng nghiệp giảng dạy các bộ môn khác.
Người dạy phải cầu thị học nhiều kiến thức khác nhau liên quan đến môn toán mà bản thân người dạy không thể tự biết được.
Và tôi phải tự học hỏi tham khảo ý kiến từ các đồng nghiệp của tôi”.
Chia sẻ với phóng viên về điểm khó nhất để dạy một bài tích hợp, cô Hòa nói rằng, vấn đề cô cảm thấy khó nhất gặp phải đó là về thời gian của một tiết học quá ngắn.
Như trong phân phối chương trình bài cấp số nhân chỉ có một tiết dạy và để lồng bài dạy tích hợp liên môn đòi hỏi cần đến 2 tới 3 tiết học.
Như vậy, về thời gian dạy trên lớp như cô Hòa trao đổi thì không thể đảm bảo dạy tích hợp được.
Trên thực tế chỉ lồng vào được một ít kiến thức liên môn. “Nếu đảm bảo dạy một bài cấp số nhân tích hợp thì phải dạy thêm tiết” – cô Hòa nhấn mạnh.
Có được thành công về bài dạy tích hợp liên môn này, đòi hỏi người giáo viên phải nghiên cứu sâu và có quá trình chuẩn bị lâu dài.
Với cô Hòa, để có được thành công về bài dạy học liên môn với chủ đề cấp số nhân cô phải tốn rất nhiều thời gian chuẩn bị.
Cô Hòa không chỉ chuẩn bị về giáo án mà còn phải soạn giảng các bài tập cho học sinh làm bài tập nhóm.
Phải tìm hiểu kiến thức ở nhiều môn học có liên quan đến môn toán để truyền đạt cho học sinh.
Khi xây dựng giáo án đi thi, cô Hòa đã mất rất nhiều thời gian. Cô đã chuẩn bị từ hè cho đến tháng 11/2017 tham gia thi.
Theo cô Hòa: “Công phu là thế nhưng khó nhất vẫn là tìm ý tưởng cho bài dạy, đặc thù của môn toán luôn mang tính chất rất khô khan”.
Định hướng nghề nghiệp trong thời đại mới cách mạng công nghiệp 4.0 |
Phân tích sâu về nhận định của mình, cô giáo này cho rằng: “Kiến thức các mộn khác liên quan đến môn toán cũng có.
Nhưng trong các tài liệu của các môn học khác hầu như không có kiến thức tích hợp hoàn toàn.
Do đó, mình phải tự đi tìm hiểu, tự đi tìm kiếm trên các sách báo khác và cả trên mạng”.
Đánh giá về việc dạy học tích hợp liên môn, cô giáo Hòa cho rằng, việc dạy này hơi lại lẫm.
Ví dụ dạy toán tự dưng lồng thêm bài vật lý, bài hóa, bài sinh hoặc có thêm kiến thức văn học chẳng hạn.
Học sinh mới đầu rất lạ lẫm nhưng sau đó được tiếp thu vài lần sẽ cảm thấy rất thích thú.
Vì ngoài kiến thức môn toán các em còn tiếp thu được các môn học khác lồng vào, bổ sung, còn được chơi trò chơi.
Thức thách lớn nhất của việc dạy tích hợp liên môn theo cô giáo Hòa đó chính là sách giáo khoa hiện nay.
“Riêng môn toán, kiến thức sách giáo khoa nó đơn thuần và hầu như không tích hợp nhiều.
Việc đi tìm kiếm tài liệu với giáo viên cực kỳ khó khăn” – cô Hòa nói.
Nhưng qua thực tiễn giảng dạy, cô giáo này khẳng định: “Nếu có sự vào cuộc từ trên xuống, từ nhiều khâu, như khâu làm sách, rồi việc tự ý thức tìm hiểu kiến thức của giáo viên, tôi nghĩ việc áp dụng dạy học tích hợp liên môn sẽ thành công và mang lại hiệu quả, gây hứng thú cho học sinh”.