Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được đơn phản ánh của một nhân viên (yêu cầu giấu tên) của Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, về việc những điều được cho là không bình thường ở bộ máy lãnh đạo nhà trường.
Thời gian đào tạo tiến sĩ tối đa là 84 tháng
Theo nhân viên này cho biết, Tiến sĩ Lê Trường Sơn – Giảng viên Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh trong giai đoạn từ năm 2013 đến năm 2016, dù khi ấy chưa có bằng Tiến sĩ, nhưng vẫn được làm Phó Hiệu trưởng phụ trách hệ đào tạo hệ vừa làm vừa học.
Ngoài ra, theo đơn phản ánh, ông Lê Trường Sơn làm luận án Tiến sĩ trễ hạn 4 năm (vào học nghiên cứu sinh khóa 5 (năm 2008), đến năm 2016 mới nhận bằng, như vậy là mất khoảng 8 năm).
Ông Lê Trường Sơn được hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo từ năm 1996 tới nay (khoảng 22 năm), tới nay đã hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo 21%,
Tuy nhiên, ông Sơn vẫn được hưởng mã ngạch giảng viên, nhưng không trực tiếp đứng lớp giảng dạy môn nào, không hướng dẫn và phản biện luận văn, luận án và hầu như không có nghiên cứu khoa học – trừ 4 bài báo làm luận án Tiến sĩ, 1 sách in từ luận án.
Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh thường xuyên sử dụng hệ thống nhắn tin nội bộ của nhà trường, nhắn tới các cán bộ, giảng viên, nhân viên của trường các thông tin mời tham dự những sự kiện cá nhân lãnh đạo trường, gây dư luận xấu trong cán bộ, giảng viên trường.
Ngày 10/1/2018, Giáo sư Mai Hồng Qùy – Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, cô Nguyễn Thị Bích Ngọc – Trưởng phòng Đào tạo sau đại học và thầy Phan Lê Hoàng Toàn – Trưởng phòng Hành chính tổng hợp của nhà trường đã có buổi làm việc với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam về những ý kiến của độc giả nêu ra.
Theo thông tin do cô Nguyễn Thị Bích Ngọc cung cấp, ông Lê Trường Sơn được công nhận là Tiến sĩ vào năm 2016 và có quyết định công nhận trúng tuyển này vào năm 2009. Như vậy, thời gian đào tạo là 7 năm.
Cũng theo cô Ngọc, việc kéo dài thời gian làm luận án Tiến sĩ của ông Sơn và một số nghiên cứu sinh cùng khóa 5 được Trường vận dụng theo Quy chế đào tạo tiến sĩ ban hành kèm theo Thông tư 10/2009/TT-BGDĐ ngày 07/5/2009 của Bộ Giáo dục & Đào tạo và đã được Bộ chấp thuận bằng quyết định.
Còn Giáo sư Mai Hồng Qùy nói, theo khoản 7 Điều 23 Quy chế đào tạo tiến sĩ ban hành kèm theo Thông tư 10/2009/TT-BGDĐ ngày 07/5/2009 của Bộ Giáo dục & Đào tạo cho phép thời gian đào tạo tiến sĩ tối đa kéo dài lên đến 84 tháng (7 năm) kể từ ngày có quyết định công nhận nghiên cứu sinh.
Do vậy, việc làm luận án tiến sĩ trễ hạn của ông Sơn là trong phạm vi quy chế cho phép. Đồng thời, cô Qùy cũng bác bỏ thông tin ông Lê Trường Sơn phụ trách đào tạo, chuyên môn của nhà trường.
Do vậy, việc làm luận án tiến sĩ trễ hạn của ông Sơn là trong phạm vi quy chế cho phép.
Đồng thời, cô Qùy cũng bác bỏ thông tin ông Lê Trường Sơn phụ trách đào tạo, chuyên môn của nhà trường.
Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh (ảnh: P.L) |
Người đang làm nhiệm vụ này là Phó Giáo sư Trần Hoàng Hải – hiện cũng đang giữ chức vụ Phó Hiệu trưởng nhà trường.
Hiện Tiến sĩ Lê Trường Sơn đang làm nhiệm vụ Phó Hiệu trưởng phụ trách hệ vừa học vừa làm của trường.
Phó Hiệu trưởng Lê Trường Sơn chỉ phụ trách các nội dung liên quan đến công tác giáo vụ của hệ vừa làm vừa học, còn các nội dung liên quan đến chương trình, giáo trình, mở ngành, chuẩn đầu ra, chuẩn đầu vào, phương pháp giảng dạy, lịch học, lịch thi,… của hệ vừa làm vừa học đều do Phó Hiệu trưởng phụ trách đào tạo Trần Hoàng Hải.
Lãnh đạo không trực tiếp đứng lớp có được không?
Đối với thông tin liên quan đến việc không trực tiếp đứng lớp giảng dạy của Tiến sĩ Lê Trường Sơn, Giáo sư Mai Hồng Qùy xác nhận việc này là đúng.
Ông Sơn khi còn là giảng viên thuộc Khoa Luật Thương mại thì vẫn đứng lớp bình thường, chỉ khi lên làm quản lý ở phòng và làm Phó Hiệu trưởng thì không còn trực tiếp đứng lớp.
Việc ông Sơn không trực tiếp đứng lớp một phần là do bận với công tác quản lý, một phần có nguyên nhân khách quan từ phía Khoa Luật Thương mại.
Do số lượng giảng viên cơ hữu của Khoa rất đông đã đủ để thực hiện toàn bộ kế hoạch giảng dạy của Khoa, việc phân công giảng dạy cho giảng viên kiêm nhiệm quản lý có thể làm phá vỡ kế hoạch giảng dạy của Khoa do các giảng viên kiêm nhiệm rất bận rộn với công việc quản lý.
Do vậy, Khoa không phân công giờ giảng cho ông Sơn.
Các khoa không phân công giảng dạy cho chức danh lãnh đạo trường, do cũng có nhiều khó khăn khác nhau, nên nhà trường cũng không nhắc nhở việc này.
Trên thực tế, Ông Lê Trường Sơn tuy không trực tiếp đứng lớp giảng dạy, nhưng vẫn thực hiện các nhiệm vụ giảng dạy khác theo quy định tại Điều 4 Quyết định số 64/2008/QĐ-BGDĐT như Biên soạn tài liệu, tham gia đánh giá kết quả học tập của người học (tham gia các hội đồng thi và xét công nhận tốt nghiệp), thực hiện một số nhiệm vụ giảng dạy theo quy định tại khoản 3 Điều 5 Thông tư số 47/2014/TT-BGDĐT như chấm thi tốt nghiệp, tham gia hội đồng chấm luận án tiến sĩ, bên cạnh đó ông Sơn còn tham gia biên soạn giáo trình và một sách chuyên khảo, các bài báo khoa học trên các tạp chí chuyên ngành, các đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ,…
Thầy Phan Lê Hoàng Toàn – Trưởng phòng Hành chính tổng hợp của trường giải thích, hiện việc giảng dạy cho sinh viên theo tín chỉ, do các khoa không phân công, chứ nếu phân công có giảng mà lại bận thì nhiều khi làm ảnh hưởng đến việc học của các em sinh viên.
Các lãnh đạo Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thầy Lê Trường Sơn được tuyển dụng vào trường làm từ năm 1994, với ngạch là giảng viên và liên tục giữ ngạch giảng viên từ đó đến nay.
Theo quy định tại Điều 58 Luật Viên chức, Điều 1 Nghị định số 54/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ về chế độ thâm niên đối với nhà giáo, điểm a khoản 3 Điều 1 Thông tư liên tịch số 68/2011/TTLT-BGDĐT, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 54/2011/NĐ-CP thì thầy Lê Trường Sơn thuộc đối tượng được giữ ngạch giảng viên và hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo.
Hiệu trưởng Trường Đại học Luật thành phố cũng nói, trong thời gian tới trường sẽ tiến hành rà soát, hoàn thiện các quy định của trường về việc trực tiếp giảng dạy của các cán bộ lãnh đạo cho đúng với quy chế của Bộ Giáo dục & Đào tạo và phù hợp với tình hình thực tế của Trường.
Về thông tin thường xuyên sử dụng hệ thống nhắn tin nội bộ của nhà trường, nhắn tới các cán bộ, giảng viên, nhân viên của trường các thông tin mời tham dự những sự kiện của cá nhân một số lãnh đạo Trường, Thầy Phan Lê Hoàng Toàn xác nhận là có việc này.
Tuy nhiên, theo thầy Toàn cho biết, tất cả các giảng viên và cán bộ Trường đều có thể sử dụng hệ thống nhắn tin nội bộ này để chuyển tới các cán bộ, giảng viên trong trường các thông tin mời tham dự các sự kiện cá nhân của họ nếu có nhu cầu, do ưu điểm nhanh, đầy đủ của hệ thống nhắn tin này.
Trên thực tế, những năm qua, rất nhiều các thông tin mời tham dự tiệc, liên hoan, ma chay, hiếu hỉ,… của cá nhân các cán bộ chủ chốt, giảng viên, nhân viên trong trường đã được truyền tải qua hệ thống tin nhắn nội bộ của Trường. Đây là một hoạt động bình thường trong thời gian qua.
Bà Mai Hồng Qùy chia sẻ: Lúc bình thường thì không ai thấy phản cảm, nhưng giờ thì cần phải xem lại.