Hai mô hình, việc làm hay từ trường học ở Quảng Ngãi

17/01/2018 08:52
TẤN NGỌC- ÁI KIỀU
(GDVN) - Hai mô hình, việc làm hay trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đã được Thành Đoàn đánh giá cao về tính giáo dục và nhân văn của nó đối với các em học sinh nơi đây.

LTS: Chia sẻ hai mô hình, việc làm hay, ý nghĩa trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, hai tác giả Tấn Ngọc - Ái Kiều đã gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả.

Khi thầy và trò cùng dọn vệ sinh trong trường

Từ chỗ bộn bề giấy, rác, chai, lọ… thì hơn 4 tháng qua khuôn viên, sân trường, các lối ngõ của Trường trung học phổ thông Bình Sơn (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) trở nên tươm tất, sạch sẽ lạ thường.

Để có được kết quả đó là nhờ vào việc các thầy cô giáo ở đây trực tiếp tham gia dọn vệ sinh quanh khu vực nhà trường.

Hàng tuần, dựa vào bố trí, sắp xếp thời khóa biểu, nhà trường phân công từ 1 đến 2 tổ chuyên môn để thực hiện công việc trên. Cứ xoay vòng hết tổ này đến tổ khác.

Thầy cô giáo cùng nhau dọn vệ sinh quanh nhà trường (Ảnh minh họa: tác giả cung cấp).
Thầy cô giáo cùng nhau dọn vệ sinh quanh nhà trường (Ảnh minh họa: tác giả cung cấp).

Thầy Phạm Thạch Sinh - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Mặc dù có phân công các lớp lao động, thường xuyên nhắc nhở các em về ý thức bảo vệ môi trường xanh, sạch đẹp ngay tại trường, lớp, song nhiều em ý thức chấp hành không cao, hay ăn, uống quà vặt, xả vứt rác, giấy, chai, bao… bừa bãi.

Chính vì vậy, Ban giám hiệu nhà trường đưa ra ý tưởng, tất cả thầy cô giáo cùng tham gia dọn dẹp vệ sinh để làm gương và thay đổi ý thức, hành vi  cho học trò.

Mới lúc ban đầu, một số thầy cô có cảm giác khó chịu, vì công việc ấy trong khuôn viên trường học là nhiệm vụ của các em học sinh, không có chuyện giáo viên phải đi làm thay.

Nhưng sau khi phân tích, thuyết phục, cả hội đồng sư phạm đạt được sự đồng thuận thống nhất cao. Cứ thế triển khai, tiến hành đều đặn ở hàng tuần”.

“Tâm thế tham gia của các thầy, cô đều rất tích cực, chủ động mỗi khi đến phiên tổ mình. Trống tiết, cả tổ đi dọn dẹp, nhặt bao ni- lông, chai, lọ quanh sân trường vừa vui, thoải mái vừa tốt cho sức khỏe người thầy sau những tiết dạy trên lớp”, thầy Phan Thanh Ngọc, tổ trưởng tổ ngoại ngữ nhận xét.  

Em Nguyễn Văn Trung, học sinh lớp 10 của trường, bày tỏ: “Học cấp tiểu học, trung học cơ sở, em và các bạn chưa từng thấy giáo viên ở những cấp ấy làm công hoạt động này bao giờ.

Nay lên học lớp 10, tại ngôi trường này, tận mắt chứng kiến các thầy, cô giáo từ hiệu trưởng, hiệu phó đến giáo viên đi quanh sân trường, các lối ngõ dọn vệ sinh, bỏ rác vào giỏ, rồi đem đổ  vào thùng, chúng em vô cùng cảm động, em và các bạn bắt đầu có ý thức hơn, bớt dần hành vi xấu vứt, xả rác bừa bãi trong trường, lớp….”.

Chính việc làm cụ thể, thiết thực của các thầy cô giáo đã góp phần tạo nên chuyển biến tích cực về ý thức và hành vi trong việc giữ gìn, bảo quản vệ sinh, môi trường của mọi người, nhất là đối tượng học trò.

Thầy trò của Trường trung học phổ thông Vạn Tường (Quảng Ngãi) và một số trường trung học cơ sở ở huyện Mộ Đức (Quảng Ngãi) cũng từng thành công  như mô hình nói trên.

Tính trung thực và nhân văn từ “Gian hàng tự phục vụ”

Hơn 1 năm rưỡi nay, gian hàng nhỏ xinh xắn nằm ở góc của văn phòng Đoàn Trường trung học phổ thông Huỳnh Thúc Kháng, Thành phố Quảng Ngãi đã trở nên quen thuộc với  nhiều học sinh của ngôi trường này.

Giờ giải lao, ra chơi, đông đảo các em đến mua hàng. Gian hàng chủ yếu bán sách, vở, bút bi, bánh, kẹo và một ít đồ ăn nhanh là xúc xích, bánh mỳ ngọt.

Gian hàng tự phục vụ (Ảnh minh họa: tác giả cung cấp).
Gian hàng tự phục vụ (Ảnh minh họa: tác giả cung cấp).

Nó độc đáo ở chỗ, không có người bán, hàng đã niêm yết sẵn giá, học sinh đến đây, chỉ cần chọn món hàng mình cần rồi bỏ số tiền bằng với giá đã niêm yết vào chiếc tủ nhỏ có dán dòng chữ “Kết nối yêu thương” bên cạnh.

Nhiều em học sinh là khách hàng quen thuộc của gian hàng này vào giờ ra chơi bộc bạch:

Chúng em có thể mua hàng ở rất nhiều nơi, song lại thích nơi này. Tuy gian hàng không đa dạng như ở các tiệm tạp hóa, nhưng khi mua hàng ở đây, không có người bán, tự lựa hàng rồi bỏ tiền vào thùng, nó giúp em rèn luyện tính tự giác và đức tính trung thực.

Hơn nữa, lợi nhuận dành để giúp các cho bạn nghèo vượt khó, đó là sự quan tâm, chia sẻ của chúng em với các bạn lớp, trường mình”.

Tất cả mọi thứ đặt vào lòng tin, sự tử tế, ý thức tự giác của học sinh.

Mô hình gian hàng tự phục vụ ở Trường Huỳnh Thúc Kháng khiến rất nhiều học sinh cảm thấy thích thú vì các em có thể tự làm mọi việc thay vì phải chờ đợi, phụ thuộc vào người bán hàng mà hơn thế là ý nghĩa mà mô hình này  lại. 

"Em và các bạn rất thích mô hình này vì nó hay và có ý nghĩa. Vào đây mua hàng, em thấy rất thoải mái, mua rất nhanh vì không phải chờ đợi tính tiền.

Các món hàng ở đây giá cũng rẻ hơn ở ngoài nên các mọi người luôn mua để ủng hộ gian hàng, lại có thêm khoản lãi để giúp các bạn nghèo”, em Phạm Ngọc Luân Lý, học sinh lớp 12C9 cho biết.

Bí thư Đoàn Trường trung học phổ thông Huỳnh Thúc Kháng Đặng Xuân Hùng cho biết, gian hàng ra đời vào tháng 10/2016.

Đây là một trong hai công trình thanh niên của Đoàn trường chào mừng Đại hội Đoàn các cấp nhiệm kỳ 2017 - 2022.

Xuất phát từ thực tế, các em học sinh có nhu cầu mua các dụng cụ học tập, quà ăn vặt, nhưng lại không được phép mở căng tin trong trường học. Học sinh có nhu cầu phải ra bên ngoài, dễ gây tai nạn giao thông và mất thời gian.

Vì thế, Đoàn trường mới có sáng kiến xây dựng gian hàng tự phục vụ. Mục đích của nó là vừa xây dựng ý thức tự giác, tính trung thực cho học sinh vừa có khoản kinh phí để giúp đỡ cho học sinh nghèo.

Tất cả lợi nhuận thu được từ việc bán hàng (khoảng 10%) đều dành cho hoạt động từ thiện, tặng quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học khá, giỏi. 

Đặt tất cả lòng tin vào học sinh, nhưng học sinh chưa bỏ thiếu một đồng nào cũng chẳng hề bị mất bất cứ thứ gì.

Học sinh đến Gian hàng tự phục (Ảnh minh họa: tác giả cung cấp).
Học sinh đến Gian hàng tự phục (Ảnh minh họa: tác giả cung cấp).

Ngoài ra, các em cũng có ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, sau khi sử dụng các sản phẩm, vỏ bao bì luôn bỏ đúng nơi quy định.

Năm học 2016 - 2017, doanh thu từ gian hàng là 60 triệu đồng, trong đó lợi nhuận thu được 6 triệu đồng, Đoàn trường đã trích ra 3 triệu đồng trao 6 suất quà cho học sinh, mỗi suất trị giá 500.000 đồng.

Nhận thấy được ý nghĩa của mô hình này, các khối, lớp đến ủng hộ ngày càng đông hơn. 

Theo thầy Đặng Xuân Hùng, kết thúc học kỳ 1 của năm học 2017 - 2018, doanh thu từ gian hàng đã đạt mức doanh thu của năm học trước.

Đoàn trường sẽ tiếp tục trao quà cho các học sinh có hoàn cảnh khó khăn trong lễ Sơ kết học kỳ I sắp tới.

Có thể nói, đây là mô hình đầu tiên ở các trường học trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi được Thành Đoàn Quảng Ngãi ghi nhận, đánh giá cao về tính giáo dục và nhân văn của nó đối với các em học sinh nơi đây.

TẤN NGỌC- ÁI KIỀU