Tháng 7/2017, Ban Chỉ đạo đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thông qua chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. Căn cứ chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, Ban Phát triển các chương trình môn học đã xây dựng dự thảo chương trình môn học ở các cấp học.
Tại cuộc họp báo thông tin về dự thảo nội dung các chương trình môn học, hoạt động giáo dục trong chương trình giáo dục phổ thông mới, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới thông tin khái quát về chương trình.
Theo đó, chương trình giáo dục phổ thông mới có 20 môn/hoạt động giáo dục.
Trong đó, có những môn học bắt buộc xuyên suốt từ lớp 1 đến lớp 12 như tiếng Việt/ngữ văn, Toán, Giáo dục công dân, Giáo dục thể chất, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp....
Ông Thuyết thông tin, chương trình giáo dục phổ thông mới có 4 đặc điểm. Đầu tiên, các chương trình môn học có nội dung gắn với mỗi cấp học và những yêu cầu cần đạt cụ thể (mức độ biểu hiện cụ thể của năng lực cần hướng tới).
Chương trình tập trung phát triển năng lực học sinh; trong đó năng lực là sự kết hợp tố chất, phân hóa phát triển kỹ năng của học sinh. Ngay từ lớp 1 trên cơ sở thể lực học sinh được sắp xếp các học phần khác nhau (điền kinh, bơi lội, cầu lông...).
Chương trình mới thực hiện tích hợp các môn và liên môn. Một số môn học tích hợp mới như: lịch sử và địa lý (cấp Trung học cơ sở), khoa học (cấp tiểu học), khoa học tự nhiên (trung học cơ sở), giáo dục kinh tế và pháp luật;
Một số môn học/hoạt động giáo dục lần đầu tiên được đưa vào chương trình dưới hình thức bắt buộc là hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, tin học; hay môn học tự chọn ở cấp trung học phổ thông như môn nghệ thuật.
Đặc biệt, hoạt động giáo dục bắt buộc xuyên suốt tất cả 3 cấp học là Hoạt động trải nghiệm.
Từ năm 2020 trở đi – khi chương trình giáo dục phổ thông mới được triển khai ở cấp trung học phổ thông, sẽ có những thay đổi về cách đánh giá, thi cử (Ảnh: Thùy Linh) |
Tại cuộc họp báo, khi phóng viên hỏi về định hướng đổi mới đánh giá, thi cử để phù hợp với nội dung đổi mới chương trình, ông Thuyết cho hay:
"Trước mắt, từ nay đến năm 2020, hình thức kỳ thi trung học phổ thông quốc gia vẫn được giữ ổn định.
Từ năm 2020 trở đi – khi chương trình giáo dục phổ thông mới được triển khai ở cấp trung học phổ thông, sẽ có những thay đổi về cách đánh giá, thi cử, tuy nhiên "thay đổi thế nào thì không hề đơn giản"".
Ông cho biết thêm, hiện nay, Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục thuộc Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã được giao để nghiên cứu về đổi mới hình thức đánh giá, thi cử, và sẽ có báo cáo đánh giá gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo trong thời gian sớm nhất.