LTS: Bàn về Dự thảo Chương trình môn Ngữ văn Trung học phổ thông, tác giả Bùi Công Thuấn, một nhà giáo đã về hưu, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam chỉ ra một số vấn đề trong Dự thảo gây khó khăn cho giáo viên.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết. Nội dung, văn phong bài viết thể hiện quan điểm của tác giả, tiêu đề bài viết do Tòa soạn đặt.
Đọc Dự thảo Chương trình môn Ngữ văn Trung học phổ thông (gọi tắt là Dự thảo), tôi thấy có nhiều vấn đề rất khó cho thầy cô giảng dạy.
Cái khó nằm ngay trong việc biên soạn chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Sự bất cập giữa mục tiêu giáo dục và nội dung giảng dạy
Ở Trung học phổ thông, chương trình đề ra mục tiêu cụ thể là: “phát triển những phẩm chất cao đẹp như:
Tình yêu đối với thiên nhiên, tình yêu quê hương, đất nước; ý thức đối với cội nguồn, tự hào về lịch sử dân tộc; lòng nhân ái, vị tha; yêu thích cái đẹp, cái thiện và có cảm xúc lành mạnh;
Có hứng thú học tập, ham thích lao động, tinh thần tự học, phát triển ý thức nghề nghiệp;
Trung thực và có ý thức sẵn sàng thực hiện trách nhiệm công dân, góp phần giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa Việt Nam; có tinh thần hội nhập và ý thức công dân toàn cầu”;
"Tiếp tục phát triển năng lực giao tiếp… Kết thúc cấp trung học phổ thông, học sinh biết đọc hiểu các kiểu loại văn bản;
Năng lực thẩm mĩ được phát triển; có được hiểu biết cơ bản về sự đa dạng văn hoá,”…(Dự thảo - trang 8)
(Ảnh minh họa, nguồn: thiquocgia.vn) |
Nhưng kiến thức được dạy là: (Dự thảo – trang 16-17)
Tiếng Việt: 1) Ngữ âm và chữ viết. 2) Từ vựng. 3) Ngữ pháp. 4) Hoạt động giao tiếp
5) Sự phát triển của ngôn ngữ và các biến thể ngôn ngữ.
Văn học: 1) Những vấn đề chung về văn học. 2) Các thể loại văn học. 3) Các yếu tố của tác phẩm văn học. 4) Một số hiểu biết sơ giản về lịch sử văn học Việt Nam.
Sự bất cập là ở chỗ, nếu lấy mục tiêu giáo dục là chính thì nội dung giáo dục phải phục vụ mục tiêu ấy;
Nghĩa là phải chọn tác phẩm văn học có nội dung phục vụ cho mục tiêu ấy, từ đó liên kết giảng dạy ngôn ngữ, thể loại, kỹ năng và tổ chức chuyên đề…
Nhưng nội dung chương trình lại lấy việc dạy kỹ năng đọc, kỹ năng viết, kỹ năng nghe nói làm chính, mục tiêu giáo dục trở thành phụ.
Kết quả giáo dục như thế nào ta có thể hình dung được, bởi các kỹ năng chỉ là phương tiện, không phải mục tiêu.
Mục tiêu môn Ngữ văn phải là giáo dục phẩm chất, tư tưởng, đạo lý, văn hóa dân tộc, để hình thành con người Việt Nam, không phải chỉ dạy học sinh biết đọc, biết viết, biết nghe, biết nói.
Nếu chỉ dạy kỹ năng ngôn ngữ thì đó là chương trình để dạy tiếng Việt cho người nước ngoài.
Một chương trình chưa hoàn thiện
Chương trình có những nội dung trùng lặp ở cả 3 lớp 10, 11, 12 mà không phân biệt mức độ kiến thức, kỹ năng.
Thí dụ: Kiến thức Tiếng Việt, cả ba lớp 10, 11, 12, mục 2.1. “Nghĩa của một số thành ngữ và tục ngữ tương đối khó và ít gặp” (trang 68, 76, 86 Dự thảo), không biết thầy cô sẽ soạn giảng thế nào?
Học sinh chỉ học “sơ giản về lịch sử văn học” ở lớp 12, làm sao có thể: “Biết vận dụng kiến thức về lịch sử văn học và kĩ năng tra cứu để sắp xếp các tác phẩm, tác giả theo tiến trình lịch sử văn học;”?
Cho đến nay, sự phân kỳ lịch sử văn học Việt Nam cũng còn nhiều vấn đề chưa thống nhất giữa các nhà nghiên cứu, học sinh lớp 12 làm sao đạt được yêu cầu này?
Tôi nghĩ, lịch sử văn học Việt Nam cần phải được dạy kỹ, bởi không có lịch sử thì sao có truyền thống? Không có lịch sử Việt thì sao có truyền thống văn hóa Việt được?
Điểm khác biệt lớn nhất trong chương trình môn Ngữ văn mới là gì? |
Chương trình chỉ đề cập đến Văn bản Nghị luận, Văn bản văn học và Văn bản thông tin mà không đề cập đến Văn bản Hành chính là một kiểu loại văn bản giao tiếp quan trọng trong đời sống hàng ngày.
Học thơ Haiku mà không ôn lại Lục bát, Song thất lục bát, Đường luật, thơ tự do, không học thêm các thể thơ hiện đại (thí dụ: Thơ Tân hình thức, Thơ Trình diễn…), thì sao học sinh tiếp cận được nghệ thuật đương đại?
Học Kịch bản Chèo mà không học thể loại Kịch nói chung, thể loại Cải lương và tuồng, thì sự hiểu biết của học sinh về nghệ thuật sân khấu dân gian Việt Nam và thế giới sẽ khập khiễng…
Chương trình sử dụng rất nhiều kiến thức Lý luận văn học về những vấn đề liên quan đến tác phẩm, tác giả, người đọc như:
Chi tiết, nhân vật, cốt truyện, nội dung, nhan đề, chủ đề, hình tượng nghệ thuật, yếu tố tự sự; chủ thể sáng tạo, cảm hứng chủ đạo;
Đặc điểm thể loại tiểu thuyết hiện đại và tiểu thuyết chương hồi, truyện thơ;
Thơ trữ tình, yếu tố hình thức trong thơ; Ký trữ tình (tuỳ bút, bút kí, tản văn); Kịch bản Chèo, Bi Kịch; Tác phẩm và người đọc...
Và không có bài nào đề cập đến bút pháp, hoặc trào lưu văn học…
Vấn đề là, cho đến nay chưa có một bộ sách Lý luận văn học nào được Bộ Giáo dục và Đào tạo chính thức công nhận để thầy cô căn cứ vào đó mà sọan giảng.
Giới lý luận văn học Việt Nam cũng chưa thể có một cái nhìn chung dưới những lý thuyết văn học khác nhau, dù đang có những nỗ lực để làm việc này.
Sách về Lý luận văn học trước đây, giờ đã không còn phù hợp. Cho nên chương trình không nói gì đến các đặc trưng và chức năng của văn chương, các phương pháp sáng tác, Chủ nghĩa Hiện thực Xã hội chủ nghĩa…
Một khái niệm “Hình tượng văn học” cũng đủ gây tranh cãi.
Vấn đề thế nào là thơ hay, yếu tố nào làm cho tác phẩm nổi tiếng sẽ là một cuộc tranh cãi không có hồi kết!
Những năm đầu thế kỷ XXI đã có một thời “loạn” tiêu chí đánh giá tác phẩm.
Thầy cô dựa vào lý thuyết phê bình nào (phê bình Marxist, Phê bình Phân tâm học, Thi pháp học, Phê bình Mới, Cấu trúc luận, Giải Cấu trúc…) để đọc và đánh giá tác phẩm?
6 tác phẩm bắt buộc của môn Ngữ văn mới chỉ làm rõ được 1 trong 5 phẩm chất |
Lý thuyết tiếp nhận, Thuyết Người đọc sẽ được áp dụng thế nào để “Phân tích và đánh giá được khả năng tác động của tác phẩm văn học đối với người đọc và tiến bộ xã hội”?
Thế có nghĩa là, mỗi thầy cô sẽ tự nghiên cứu biên soạn, trăm người sẽ tiếp cận trăm nguồn khác nhau, sự sai biệt trong nội dung bài dạy của hàng vạn thầy cô sẽ rất lớn.
Ấy là, ngoài 6 tác phẩm bắt buộc, thầy cô được chọn ngữ liệu để giảng dạy, mỗi người một sở thích, vạn người vạn sở thích, người thích nghệ thuật cổ điển, người thích văn chương Lãng mạn, người thì thích Siêu thực, và biết đâu, thầy cô trẻ lại thích Hậu hiện đại, như thế, nội dung giảng dạy sẽ vượt ra ngoài tầm kiểm soát, ai sẽ chịu trách nhiệm?
Một hình thức quá tải khác?
Chẳng hạn, yêu cầu viết ở lớp 11: “Viết được văn bản nghị luận về một tác phẩm nghệ thuật (bộ phim, bài hát, bức tranh hoặc pho tượng); nêu và nhận xét về nội dung, một số nét nghệ thuật đặc sắc”, tôi cho là quá sức ngay cả với thầy cô.
Phim ảnh, bài hát, bức tranh, pho tượng là những thể loại nghệ thuật khác nhau.
Chỉ người có chuyên môn về loại nghệ thuật nào mới có thể đánh giá tác phẩm nghệ thuật loại đó.
Bởi mỗi loại nghệ thuật có chất liệu riêng, có ngôn ngữ riêng, có bút pháp riêng, có quá trình sáng tạo riêng.
Trong nội dung chương trình, không có bài nào dạy học sinh những tri thức này, làm sao học sinh có thể viết nổi một bài bình về tranh Lập thể của Picasso, tranh Siêu thực của Dali, làm sao học sinh có thể phân tích được cấu trúc giai điệu, hòa âm phối khí của một ca khúc, nghệ thuật trình tấu để viết một bài phê bình âm nhạc?…
Thị trường âm nhạc Việt Nam đang loạn về chuẩn mực: Nhạc lai căng, nhạc Underground thô tục, nạn đạo nhạc… ngay cả Hội Nhạc sĩ Việt Nam cũng chưa xử lý được.
Những yêu cầu mới đối với môn Ngữ văn liệu có thành hiện thực? |
Số nhà phê bình nghệ thuật được đào tạo cũng rất hiếm hoi, làm sao học sinh 12 có thể gánh vác được nhiệm vụ nặng nề ấy?
Một yêu cầu khác về viết ở lớp 11: “Viết được văn bản nghị luận phân tích, đánh giá một tác gia hay hiện tượng văn học”.
Yêu cầu này cũng là quá sức với học sinh 11. Bởi nội dung chương trình, học sinh 11 không được tiếp cận với một tác giả với tư cách tác gia.
Mà muốn đánh giá về một tác gia, cần phải đọc tất cả tác phẩm của tác giả ấy, nắm được nội dung, chủ đề, tư tưởng, quan điểm nghệ thuật, phương pháp sáng tác, hoàn cảnh sống, hoàn cảnh xã hội đã ảnh hưởng đến sáng tác, và cả mục đích sáng tác nữa.
Với Nguyễn Du, 250 năm qua vẫn chưa hết nghiên cứu về ông.
Ngay cả các tác gia hiện đại như Nguyễn Tuân, Nam Cao, Nguyễn Huy Thiệp… nếu không được giảng dạy và hướng dẫn nghiên cứu, học sinh cũng không thể làm được!
Nghiên cứu tác gia là công việc của một chuyện gia nghiên cứu văn học.
Về một hiện tượng văn học chẳng hạn, cũng đòi hỏi một trình độ nghiên cứu chuyên nghiệp (năng lực đọc, năng lực phân tích, đánh giá, tổng hợp, lý giải và đề xuất vấn đề…) mới có thể có được một bài viết đạt yêu cầu.
Thí dụ hiện tượng “Thơ trẻ”, “thơ khó hiểu”, hiện tượng cách tân thơ Việt đầu thế kỷ XXI, hoặc văn chương sex, tiểu thuyết ngôn tình mấy năm gần đây… những hiện tượng như thế là ngoài sức đọc, sức hiểu, khả năng nghiên cứu và khả năng viết của học sinh 11.
Một yêu cầu như thế có phải là quá tải không?
Một yêu cầu Nói và nghe ở lớp 10: “3.b. Biết tham gia một cuộc phỏng vấn, xác định được mục đích và phương thức phỏng vấn, biết chuẩn bị nội dung và phương tiện để tiến hành phỏng vấn một cách hiệu quả.”
Tôi cho rằng đây là yêu cầu tốt nghiệp của sinh viên trường cao đẳng phát thanh truyền hình, báo chí.
Ban soạn thảo chương trình mới quá kì vọng vào “khả năng sáng tạo” của học sinh |
Những sinh viên này được học kỹ về thực hiện một bài phỏng vấn, xác định rõ mục đích và phương thức phỏng vấn, cách đưa tin, có đủ trang bị đủ thiết bị thu âm, biên tập chương trình, và thực hiện trong những hoàn cảnh đặc thù.
Yêu cầu học sinh lớp 10 tham gia thực hiện một cuộc phỏng vấn có hiệu quả, phải chăng là quá sức với học sinh lớp 10?
Bởi vì, để thực hiện một cuộc phỏng vấn, cần một nhóm chừng 5 em học sinh được hướng dẫn, được trang bị kỹ năng, máy móc, và phải tốn nhiều thời gian mới thực hiện được.
Nếu một lớp 45 học sinh, chia là 9 nhóm, thì thời gian đâu để thầy cô hướng dẫn thực hiện? Phải chăng chương trình muốn tạo điều kiện cho các em chơi vui, như vậy nào có ích gì?
Và hình như chương trình muốn học sinh trở thành rất nhiều "nhà”.
Chẳng hạn một nhà nghiên cứu biết viết báo cáo nghiên cứu, một nhà phê bình nghệ thuật đa năng, một nhà hùng biện biết “phát biểu để cổ vũ người khác”;
Một chuyên gia biết thuyết trình “về một vấn đề liên quan đến cơ hội và thách thức của đất nước (ví dụ: yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thanh niên Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa, chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông,...)”…
Tôi ngạc nhiên sao chương trình không dạy các em để trở thành nhà thơ, nhà văn?
Trên đây chỉ là một góc nhìn khác về Dự thảo Chương trình Ngữ văn Trung học phổ thông, mong được góp một tiếng với Bộ Giáo dục và Đào tạo để có một chương trình đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục như Nghị quyết 29-NQ/TW đề ra…