LTS: Sau ý kiến về việc giảm tải chương trình của các em học sinh (học 2 buổi/ngày) của Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết - cô Phan Tuyết cho rằng, các em học sinh hiện nay vẫn đang quá tải vì lịch học kín mít.
Qua đó, cô Phan Tuyết cũng cho rằng, đối với các em học sinh tiểu học chỉ nên tổ chức học tối đa 8 buổi/tuần nhằm đảm bảo chất lượng học tập và giảng dạy.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông tổng thể cho rằng học sinh học 2 buổi/ngày là cách thức để giảm tải chương trình.
Giáo sư lý giải rằng cùng một khối lượng nội dung học tập, khi tăng thời gian thực hiện thì việc học sẽ nhẹ nhàng hơn.
Nói như Giáo sư học cả ngày là giảm tải chương trình thì thật sự Giáo sư chưa hiểu hết việc phân thời khóa biểu và giảng dạy ở dưới cơ sở.
Buổi sáng, học sinh học 4 tiết chính khóa, buổi chiều thường học 3 tiết bổ sung. Học sinh cứ phải ngồi học miệt mài cả ngày đến 7 tiết hết lý thuyết rồi đến thực hành như thế sao có thể gọi là giảm tải được? Đó là chưa nói đến việc các em còn phải đi học dự giờ vào sáng thứ 7.
Các em học sinh đang bị quá tải vì lịch học kín mít (Ảnh minh họa: báo tin tức). |
Học cả tuần không trừ thứ bảy
Trong thực tế ở các trường học hiện nay, học sinh đang quá tải vì việc học cả ngày. Thời khóa biểu một ngày 7 tiết rải đều 10 buổi trong tuần.
Do lịch học kín hết tuần nên thao giảng dự giờ buộc phải dời qua sáng thứ 7 gây nên sự mệt mỏi cho học sinh và cho cả giáo viên.
Theo quy định một tháng 2 lần sinh hoạt chuyên môn tổ, 2 lần sinh hoạt chuyên môn trường. Học sinh học 10 buổi/tuần nên việc thao giảng dự giờ mỗi trường làm mỗi khác.
Có trường cho phép các tổ chuyên môn bố trí dạy thao giảng tổ vào một tiết trong tuần. Riêng thao giảng toàn trường, học sinh mới phải đi học thứ 7.
Điều này sẽ giãn lịch học thứ 7 cho các em nhưng lại gây ra khá nhiều chuyện rắc rối. Ví như giáo viên đi dự giờ buộc phải bỏ lớp để các em tự quản.
Vắng thầy cô, học sinh làm ‘giặc” ngay trong lớp. Em la hét, em chạy nhảy lung tung, có em đánh nhau, rượt đuổi trong lớp gây náo loạn cả dãy phòng học. Đã có không ít chuyện buồn xảy ra do các em quậy phá, đánh nhau dẫn đến sứt đầu, mẻ trán.
Có trường lại dồn cả vào sáng thứ 7, tuần dự giờ tổ, tuần lại hội giảng trường. Suốt cả tuần đi học, thứ 7 cũng phải đến trường nên khá nhiều học sinh tỏ ra mệt mỏi, uể oải không muốn học.
Vào lớp, mặc giáo viên nhắc nhở, mặc thầy cô dự giờ đứng bên, có em cứ nằm dài trên bàn vì mệt. Em lại ngó lơ và chẳng chú ý gì đến bài học dù cho thầy cô nhắc đến mấy lần.
Cứ chứng kiến cảnh học sinh các trường mỗi khi nghe thầy cô thông báo “ngày mai hoặc (chiều nay) các con được nghỉ học” tiếng hò reo, tiếng vỗ tay vang trời mới cảm nhận hết sự khát khao của các em khi được nghỉ xả hơi một buổi.
Tiểu học chỉ nên tổ chức tối đa học 8 buổi/tuần
Chương trình mới xây dựng cho bậc tiểu học học 2 buổi/ngày mà không quy định rõ học bao nhiêu buổi/tuần.
Thế nên sẽ có rất nhiều địa phương vẫn theo cách phân công chuyên môn kiểu cũ bắt học sinh phải đi học 10 buổi/tuần và với kiểu phân công thế này, học sinh lại phải đi học dự giờ cả ngày thứ 7.
Điều này không chỉ làm cho các em mệt mỏi mà giáo viên cũng chẳng còn thời gian để đầu tư, học hỏi chuyên môn nhằm nâng cao tay nghề trong giảng dạy.
Đó là chưa nói đến việc khi chương trình mới được áp dụng thì các trường sẽ phải tăng cường tổ chức việc sinh hoạt chuyên môn dưới nhiều hình thức như sinh hoạt tổ, sinh hoạt trường, sinh hoạt liên trường, sinh hoạt cụm trường…để giao lưu, học hỏi và rút kinh nghiệm.
Nếu học sinh chỉ phải học 8 buổi/tuần, các em cũng bớt đi áp lực, giáo viên cũng sẽ dành một buổi thao giảng dự giờ, buổi còn lại để họp tổ chuyên môn, họp hội đồng nhà trường.
Có như thế, học trò không bị quá tải mà giáo viên cũng có được thời gian nhất định để tìm tòi, học hỏi nâng cao tay nghề chuyên môn của mình.