LTS: Từ một số tâm sự của chính các em học sinh, cô giáo Thảo Ly cho rằng việc các thầy cô giáo dạy thêm chính học sinh của mình trên lớp đang gây ra rất nhiều tiêu cực.
Qua đó, cô Thảo Ly đề xuất các phương án để giải quyết vấn đề này một cách triệt để.
Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Chẳng phải ngẫu nhiên mà Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT lại quy định, giáo viên “không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mà giáo viên đang dạy chính khóa khi chưa được sự cho phép của Thủ trưởng cơ quan quản lý giáo viên đó”.
Bởi dạy thêm chính học sinh của mình trên lớp sẽ sinh ra khá nhiều chuyện tiêu cực.
Giáo viên sẽ thiên vị những học sinh đi học thêm hơn, sẽ đối xử không công bằng với các em, sẽ tìm mọi cách để chèn ép, bắt buộc các em phải đi học thêm với mình.
Mọi tiêu cực bắt nguồn từ dạy thêm chính học trò của mình (Ảnh minh họa, nguồn: Congan.com.vn) |
Cách đây không lâu, nhiều người bị sốc, bị choáng váng vì tâm thư của học sinh gửi thầy cô một trường trung học phổ thông ở Quảng Ngãi:
“Theo em được biết thầy cô không được phép dạy thêm và học sinh có quyền học hoặc không.
Nhưng không đi học thêm thì gặp rất nhiều khó khăn. Trên lớp thầy cô không dạy đủ kiến thức và không thể học kịp các bạn đi học thêm.
Đầu năm học chúng em đã bị hù dọa đủ các kiểu để đăng ký học thêm như: có giáo viên bắt chúng em ai đi học thêm giơ tay ngay trong giờ học chính.
Đi học thêm thầy cô sẽ giải hoặc gợi ý những bài sẽ cho ra đề kiểm tra. Không đi học thêm thầy cô chèn ép. Có trường hợp không học thêm thì không bao giờ được học sinh giỏi”.
Mới đây nhất, một phụ huynh ở huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi đã vô tình đọc được nhật ký của con gái.
Con chị H. là L.N học lớp 9, ở Quảng Ngãi buồn chán vì bị thầy cô ép khi không đi học thêm:
“Con tôi tâm sự chỉ vì không đi học thêm mà bị đối xử khác với học sinh khác, bị hắt hủi.
Con rất áp lực và chỉ muốn 'đi theo' ông bà nội.
Cháu viết là nhiều lúc muốn thoát khỏi cuộc sống này, và khi lên lớp thường vào nhà vệ sinh để khóc cho thỏa lòng.
Nhiều lúc cháu giơ tay phát biểu nhưng cô không bao giờ gọi, tại vì con chỉ là đứa... không đi học thêm tại nhà cô".
Ngoài thực tế còn vô vàn chuyện thầy cô dùng đủ mọi “chiêu” để dồn ép, thúc bách học trò của mình phải đi học thêm.
Không ít gia đình phụ huynh chấp nhận đóng thêm một tháng vài trăm ngàn đồng (nhưng không đi học) để con được yên thân đi ôn luyện nơi khác.
Có không ít em nhờ đi học thêm chuyên cần nên điểm số luôn nằm trong tóp cao nhất lớp.
Sự hậm hực, ghét bỏ (cũng như ưu ái) của thầy cô thể hiện rõ trong từng cử chỉ, hành động của mình mỗi ngày lên lớp nên không tránh khỏi việc các em bị áp lực và tổn thương.
Vì sợ chuyện này nên đa phần học sinh đều phải đi học dù không có nhu cầu.
Vì thế có thể nói để tình trạng dạy thêm biến tướng như hiện nay đều bắt nguồn từ việc giáo viên dạy thêm chính học sinh của mình.
Thế nên, cấm dạy thêm chính học sinh của mình dưới mọi hình thức là một quyết định đúng đắn. Nếu làm được điều này, học thêm sẽ không còn là vấn nạn.
Trong thực tế, đã có khá nhiều giáo viên nếu không dạy chính học sinh của mình trên lớp sẽ chẳng thể dạy ai vì chuyên môn yếu, vì uy tín không đủ để kéo học sinh nơi khác về dạy.
Vì thế, dù không cấm dạy thêm những giáo viên kiểu này vẫn bị “thất nghiệp”.
Nhưng dẹp dạy thêm bằng cách nào? Chẳng có gì là khó khi các cấp, các ban ngành liên quan có được sự quyết tâm.
Về phía nhà trường, hiệu trưởng phải là người tiên phong, cương quyết, làm việc không vị nể.
Bởi điều này chắc chắn sẽ gặp phải sự phản ứng quyết liệt từ phía giáo viên những người đang dạy và tổ chức dạy thêm.
Cùng với hiệu trưởng, ngành giáo dục địa phương, ủy ban nhân dân các xã phường, huyện thị liên quan đồng loạt ra quân bằng cách kiểm tra chính xác họ tên, lớp của những học sinh đang theo học tại nhà giáo viên, tại trung tâm dạy thêm, xử lý mạnh tay những thầy cô vi phạm để làm gương.
Làm tốt điều này chẳng giáo viên nào dám vi phạm.
Nhưng những giáo viên không dạy thêm học sinh chính khóa của mình thì chẳng có lý do gì để cấm họ cả.
Bởi những học sinh đã tìm thầy cô để học thì chính những thầy cô giáo ấy phải có sự nổi trội thật đặc biệt để các em tin tưởng và gửi gắm ước nguyện.
Chúng ta hiện không thể cấm dạy thêm khi chương trình dạy học còn quá tải và nặng nề.
Không thể cấm học thêm khi lực học của khá nhiều học sinh đang yếu (do căn bệnh thành tích nhiều em không được phép ở lại lớp), các em cần được phụ đạo, cần được bồi dưỡng để theo kịp chương trình.
Không thể cấm học thêm khi trường chuyên lớp chọn còn nhiều, học sinh muốn được vào học ở những ngôi trường tốt nhất.
Đây cũng là nguyện vọng chính đáng của khá nhiều học sinh.
Không thể cấm học thêm khi xã hội ta còn nặng nề về chuyện thi cử, chuyện bằng cấp, nội dung thi thường vượt khá xa những kiến thức được dạy trong chương trình sách giáo khoa.
Vì những lý do đó, chúng ta chỉ nên cấm việc dạy thêm tràn lan, biến tướng thể hiện rõ nhất là việc dạy thêm chính học sinh của mình trên lớp.