Toàn cảnh cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968

11/02/2018 07:22
Đại tá ĐẶNG VIỆT THỦY
(GDVN) - Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân của quân và dân ta đã giành được thắng lợi to lớn về chiến lược, làm phá sản kế hoạch "Chiến tranh cục bộ" của Mỹ.

LTS: Nhân kỷ niệm 50 năm kỷ niệm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968, bắt đầu từ hôm nay, Tòa soạn đăng tải loạt bài viết của Đại tá Đặng Việt Thuỷ về sự kiện hùng tráng này trong lịch sử dân tộc.

Bài này, tác giả chia sẻ bức tranh toàn cảnh của sự kiện lịch sử.

Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Trong kế hoạch tác chiến chiến lược được Bộ Chính trị và Trung ương Đảng thông qua, Mặt trận Đường 9 - bắc Quảng Trị là một trong những hướng chiến lược quan trọng.

Lực lượng chiến đấu của quân đội ta ở mặt trận này vào tháng 12 năm 1967 lên tới bốn sư đoàn (304, 320, 324, 325) và một trung đoàn (270) bộ binh, năm trung đoàn pháo binh (16, 45, 84, 204, 675), ba trung đoàn pháo cao xạ (208, 214, 228), bốn đại đội xe tăng, một trung đoàn và một tiểu đoàn công binh, một tiểu đoàn thông tin và một số đơn vị bộ đội địa phương.

Ngày 6 tháng 12 năm 1967, Quân ủy Trung ương quyết định thành lập Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Mặt trận Đường 9.

Thiếu tướng Trần Quý Hai, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng được cử làm Tư lệnh.

Thiếu tướng Lê Quang Đạo, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị được cử làm Chính ủy.

Đây là chiến trường tác chiến của chủ lực có nhiệm vụ tiêu diệt địch, thu hút, kìm giữ một bộ phận quan trọng lực lượng cơ động của Mỹ ngụy, tạo điều kiện thuận lợi cho các trọng điểm tiến công và nổi dậy, trực tiếp là Trị - Thiên, Huế.

Tiểu đội 11 cô gái sông Hương trong những ngày đánh Mỹ (Ảnh tư liệu chụp lại). Ảnh: TTXVN phát
Tiểu đội 11 cô gái sông Hương trong những ngày đánh Mỹ (Ảnh tư liệu chụp lại). Ảnh: TTXVN phát

Đêm 20 tháng 1 năm 1968, thực hiện kế hoạch nghi binh, thu hút địch, bộ đội ta nổ súng tiến công địch ở Mặt trận Đường 9. Hướng Tây, Trung đoàn 66 (Sư đoàn 304) tập kích huyện lỵ Hướng Hóa. Trung đoàn 2 (Sư đoàn 325) đánh điểm cao 832.

Ngày 23 tháng 1, Trung đoàn 24 (Sư đoàn 304) diệt căn cứ Huội San. Hướng Đông, hai trung đoàn 64 và 48 (Sư đoàn 320), tiểu đoàn 47 (Trung đoàn 270) đánh cắt giao thông trên đường 9, tiến đánh chi khu Cam Lộ.

Tướng Mỹ Oét-mo-len vội vàng tăng lực lượng chống giữ, cho máy bay ném bom dữ dội Khe Sanh và những nơi chúng nghi là vị trí tập kết của quân ta.

Bộ chỉ huy quân Mỹ ở miền Nam Việt Nam, Nhà trắng và Lầu năm góc bị ám ảnh về một "trận Điện Biên Phủ" mới.

Giôn-xơn buộc các tướng Mỹ cam kết giữ bằng được Khe Sanh và thành lập một "phòng tình hình đặc biệt" tại Nhà trắng để theo dõi chiến sự ở Mặt trận Đường 9.

Về phía ta, các đơn vị thuộc Mặt trận Đường 9 đã khắc phục mọi khó khăn, chấp hành mệnh lệnh tiến công theo kế hoạch, tạo thêm thế bất ngờ về chiến lược cho cuộc tổng tiến công trên toàn chiến trường miền Nam.

Giữa lúc đó, từ đêm 29 rạng ngày 30 tháng 1 năm 1968, tức đêm giao thừa Tết Mậu Thân, cuộc tổng tiến công chiến lược của quân và dân ta nổ ra đồng loạt ở nhiều thành phố, thị xã, thị trấn miền Nam.

0 giờ 30 phút ngày 30 tháng 1 năm 1968, tiểu đoàn 2 (Trung đoàn 174) bộ đội chủ lực Tây Nguyên tiến công thị trấn Tân Cảnh.

Liền sau đó, cuộc tiến công nổ ra đồng loạt ở các thị xã Buôn Ma Thuột, Pleiku, Kon Tum.

Được các lực lượng vũ trang hỗ trợ, hàng vạn đồng bào các dân tộc bị địch gom vào các "khu tập trung", "ấp chiến lược" đã nổi dậy trở về buôn làng cũ.

Ở Khu 5, các lực lượng vũ trang địa phương đồng loạt tiến công các thị xã Nha Trang, Quy Nhơn, Tuy Hòa, Hội An và 40 quận lỵ, thị trấn.

Mỹ ngụy rất hoang mang khi bị ta tiến công đồng loạt và bất ngờ. Chúng ra lệnh báo động toàn miền Nam, thiết quân luật ở các thành phố, thị xã...

Chúng khủng bố dữ dội hòng ngăn chặn và đẩy lùi các lực lượng vũ trang ta và các đoàn quân quần chúng tay không tiến vào thành thị.

Đêm 30 rạng ngày 31/1/1968, cuộc tổng tiến công nổ ra mãnh liệt ở Huế, Sài Gòn và nhiều thị xã, thị trấn khác.

Huế là một trong ba mục tiêu trọng điểm của cuộc tiến công chiến lược Tết Mậu Thân 1968.

Lực lượng vũ trang tiến đánh thành phố có tám tiểu đoàn bộ binh, một tiểu đoàn pháo hỏa tiễn ĐKB, ba tiểu đoàn đặc công, sáu đội biệt động và một số đại đội bộ đội địa phương.

Cánh bắc là hướng tiến công chủ yếu. Cánh nam là hướng công kích quan trọng và là hướng chủ yếu đánh quân dịch phản kích.

Các chiến sĩ phân đội 1 và 2 quân Giải phóng Trị - Thiên - Huế nghiên cứu sa bàn trước khi tấn công trung đoàn 7 thiết giáp Ngụy. Ảnh tư liệu: Nguyễn Hồng Sáu/TTXGP
Các chiến sĩ phân đội 1 và 2 quân Giải phóng Trị - Thiên - Huế nghiên cứu sa bàn trước khi tấn công trung đoàn 7 thiết giáp Ngụy. Ảnh tư liệu: Nguyễn Hồng Sáu/TTXGP

2 giờ 33 phút ngày 31 tháng 1, tiểu đoàn ĐKB bắn mãnh liệt vào các vị trí địch ở Tam Thai, Phú Bài mở đầu cuộc tiến công thành phố Huế.

Từ phía Nam, các đơn vị đặc công, bộ binh đồng loạt nổ súng đánh chiếm căn cứ trung đoàn 7 thiết giáp ngụy ở Tam Thai, tiểu đoàn công binh ngụy ở Nam Giao, tiểu khu Thừa Thiên, khách sạn Thuận Hóa, sở chỉ huy cảnh sát dã chiến ngụy.

Các đơn vị cánh bắc tiến công sở chỉ huy sư đoàn 1 ngụy ở Mang Cá, sân bay Tân Lộc, khu Đại Nội.

Sau ba giờ chiến đấu, bộ đội ta đã làm chủ khu Đại Nội, kéo lá cờ giải phóng lên đỉnh cột cờ ở Ngọ Môn, kiểm soát nhiều khu phố ở tả ngạn và hữu ngạn sông Hương.

Đến ngày 3 tháng 2, phần lớn các mục tiêu quân sự của địch trong thành phố đã bị quân ta đánh chiếm.

Riêng sở chỉ huy sư đoàn 1 ngụy đóng ở Mang Cá địch còn giữ được. Hàng nghìn đồng chí, đồng bào bị địch giam giữ trong các nhà tù được giải thoát.

Nhân dân thành phố Huế nổi dậy, mạnh nhất là từ ngày thứ tư của cuộc tiến công. Nhiều nơi, nhân dân tổ chức tiếp tế cho bộ đội, nuôi dưỡng thương binh, giúp bộ đội củng cố trận địa.

Dưới sự lãnh đạo của các tổ chức Đảng, nhân dân đã thành lập chính quyền cách mạng, các đoàn thể quần chúng, tổ chức tự vệ, diệt ác, trừ gian.

Có nơi quần chúng tự vệ vũ trang cùng bộ đội đánh địch phản kích.

Những buổi lễ trao súng cho bộ đội, tiễn đưa thanh niên tòng quân diễn ra sôi nổi ở các phường, các khu phố.

Nhân dân nhiều làng, xã thuộc các huyện Hương Trà, Hương Thủy, Phú Vang, Phú Lộc, Quảng Điền... đã nổi dậy, cùng các lực lượng vũ trang địa phương vây diệt đồn bốt địch, truy bắt bọn ác ôn, giành quyền làm chủ.

Để chiếm lại thành phố, địch đã điều một số tiểu đoàn thuộc sư đoàn 1 lính thủy đánh bộ Mỹ, chiến đoàn dù và một chi đoàn thiết giáp ngụy từ ngoài đánh vào, phối hợp với bộ phận còn lại của sư đoàn 1 ngụy ở Mang Cá phản kích.

Ngày 12 tháng 2, chúng tăng cường thêm một chiến đoàn lính thủy đánh bộ ngụy và một tiểu đoàn kỵ binh bay Mỹ.

Bom na-pan, bom hơi cay, pháo đạn Mỹ phá hủy nhiều khu phố đông dân, nhiều khu di tích lịch sử, giết hại hàng trăm dân thường.

Bộ Tư lệnh Quân khu Trị - Thiên điều Trung đoàn 3 (Sư đoàn 324) và Trung đoàn 18 (Sư đoàn 325) vào thành phố cùng nhân dân và các lực lượng còn lại trong thành phố chiến đấu.

Bộ đội ta và nhân dân kiên cường bám trụ đánh địch.

Nhiều trận đánh diễn ra ác liệt ở cửa An Hòa, cửa Chánh Tây, cửa Đông Ba, cống Thủy Quan, sân bay Tân Lộc.

Ở cửa Đông Ba, một tiểu đội của ta chặn đánh quyết liệt một tiểu đoàn Mỹ, giữ vững vị trí trong tám ngày.

Đêm 23 tháng 2 năm 1968, sau 25 ngày chiến đấu, bộ đội ta được lệnh rút khỏi thành phố.

Trong cuộc tiến công thành phố Huế, lực lượng vũ trang tham gia không lớn.

Nhưng với quyết tâm cao của Khu ủy, Bộ Tư lệnh quân khu, các đơn vị và nhân dân, có kế hoạch chuẩn bị chu đáo, giữ được bí mật, bất ngờ, sử dụng tốt lực lượng và có cách đánh thích hợp, phát huy sức mạnh tổng hợp của lực lượng chính trị và quân sự, hướng tiến công và nổi dậy ở Huế đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đạt được mục tiêu cao.

Nữ du kích canh gác bên dòng Ô Lâu, Thừa Thiên, Huế (1968). Ảnh: Tư liệu: TTXVN
Nữ du kích canh gác bên dòng Ô Lâu, Thừa Thiên, Huế (1968). Ảnh: Tư liệu: TTXVN

Ta đã đánh chiếm được 39 mục tiêu quan trọng trong thành phố, tiêu diệt và làm tan rã 2 vạn quân ngụy, thu và phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh (phá gần 50 máy bay, thu 2.500 súng các loại).

Ngụy quyền các cấp ở Huế bị suy sụp, tan rã... Ta giải phóng 296 thôn với 227 nghìn dân, trong đó có 240 thôn đã thành lập được chính quyền cách mạng, phát triển được gần 10.000 du kích, có 2.500 du kích bổ sung cho chủ lực.

Thắng lợi của cuộc tiến công và nổi dậy ở thành phố Huế có sức cổ vũ lớn đối với quân và dân ta trên các chiến trường, tác động mạnh đối với bọn đầu sỏ Mỹ ngụy.

Đây còn là một hướng chiến lược phối hợp rất quan trọng, trực tiếp với chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh, Quảng Nam - Đà Nẵng và Sài Gòn.

Ở Sài Gòn - Gia Định, những ngày giáp Tết Nguyên đán, các đội đặc công nhận nhiệm vụ tiến công các mục tiêu chính trong nội thành đã phân tán thành nhiều tổ, bằng nhiều đường khác nhau, hòa nhập vào dòng người đi sắm Tết, bí mật ém quân và đưa thêm chất nổ, vũ khí vào các gia đình cơ sở.

Các tiểu đoàn mũi nhọn của các phân khu cũng bắt đầu hành quân hướng về các mục tiêu trong nội thành.

Nhưng do thời gian nhận lệnh khác nhau, có đơn vị phải hành quân rất xa, trình độ lãnh đạo, chỉ huy của các đơn vị không đồng đều; mặt khác, địa hình vùng ven Sài Gòn khá trống trải, nhiều sình lầy, đồn bốt địch dày đặc, nên nhiều tiểu đoàn mũi nhọn không đến được vị trí tập kết để tiếp ứng cho các đội đặc công, biệt động theo kế hoạch.

Đêm 30 rạng 31 tháng 1 năm 1968, tiếng súng tiến công Sài Gòn cùng lúc nổ vang ở tòa đại sứ Mỹ, dinh Độc Lập, bộ tổng tham mưu ngụy, bộ tư lệnh hải quân ngụy, sân bay Tân Sơn Nhất và nhiều nơi khác.

Đội biệt động số 11 gồm 17 chiến sĩ do đồng chí Ngô Thành Vân chỉ huy, cải trang như một tốp lính ngụy, đi xe ô tô, tiếp cận tòa đại sứ Mỹ.

Sau khi dùng chất nổ phá vỡ mảng tường chắn phía trước, đội chia thành ba mũi chiếm giữ cổng trước, cổng sau, khu nhà nhân viên sứ quán và phát triển lên tầng hai tòa nhà chính.

Lính Mỹ bảo vệ tòa đại sứ phản kích quyết liệt, nhưng đều bị đánh lui.

9 giờ sáng ngày 31, quân cảnh Mỹ dùng máy bay lên thẳng đổ quân xuống tầng thượng, phối hợp với một bộ phận quân địch từ tòa nhà của đại sứ Pháp đánh sang.

Các chiến sĩ biệt động anh dũng giữ từng cầu thang, từng căn phòng và đã chiến đấu đến người cuối cùng.

Quân giải phóng tiến vào quận lỵ Gò Dầu (1968). (Ảnh Tư liệu TTXVN)
Quân giải phóng tiến vào quận lỵ Gò Dầu (1968). (Ảnh Tư liệu TTXVN)

Đội biệt động số 3 gồm 15 chiến sĩ (có 1 nữ) tiến đánh dinh Độc Lập của tổng thống ngụy quyền.

Bị địch phát hiện, các chiến sĩ nhanh chóng cho xe vượt lên, dùng thuốc nổ phá sập cổng chính.

Các tổ đi sau phải triển khai lực lượng chiến đấu với hai tiểu đoàn ngụy ngay trên đường phố Nguyễn Du. Đến 5 giờ sáng, tám chiến sĩ hy sinh, bốn chiến sĩ bị thương nặng. Ba chiến sĩ còn lại kiên cường bám từng góc phố, từng căn nhà, tiếp tục đánh địch.

Các đội biệt động số 6 và 9 tiến đánh bộ tổng tham mưu ngụy. Quân địch có máy bay trực thăng yểm trợ phản kích dữ dội.

Các chiến sĩ biệt động và một bộ phận tiểu đoàn 2 Quyết Thắng vừa vào tiếp ứng bám trụ các vị trí đã chiếm, đánh lui nhiều đợt phản kích của địch, diệt hàng trăm tên.

Do lực lượng bị tổn thất nặng và thiếu đạn bổ sung, sáng ngày 31, các chiến sĩ còn lại phải rút ra đánh địch ở vòng ngoài.

Đội biệt động số 4 gồm 12 chiến sĩ ém quân tại gia đình chiến sĩ biệt động Trần Phú Cương ở đường Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Đội chiếm được Đài phát thanh Sài Gòn, đánh lui nhiều đợt phản kích của địch, 10 chiến sĩ anh dũng hy sinh. Hai đồng chí còn lại được cơ sở nuôi giấu đưa về căn cứ.

Ở vòng ngoài, đội biệt động số 1 dẫn đường và phối hợp với Trung đoàn 101 bộ binh tiến đánh tổng kho Hạnh Thông Tây, căn cứ bộ tư lệnh pháo binh địch ở Cổ Loa, căn cứ bộ tư lệnh thiết giáp ngụy ở Phù Đổng.

Tiểu đoàn 3 bộ binh (Trung đoàn Phú Lợi) có các đội đặc công quận Dĩ An, Thủ Đức phối hợp đánh chiếm khu vực Hàng Xanh, Thị Nghè.

Tiểu đoàn 5 và Trung đoàn 320 bộ binh có các đội biệt động số 7, số 8 phối hợp tiến công các khu kho hậu cần lớn của địch ở Nhà Bè, Hưng Vĩnh Lộc.

Các sư đoàn chủ lực Miền đã áp sát Sài Gòn, tiến công một số căn cứ địch, ngăn chặn và kiềm chế hoạt động của các sư đoàn chủ lực Mỹ ngụy Sư đoàn 9 tập kích trung tâm huấn luyện Quang Trung, kiềm chế sư đoàn 25 bộ binh Mỹ ở Đồng Dù.

Sư đoàn 5 tập kích sân bay Biên Hòa, khu kho Long Bình, sở chỉ huy bộ tư lệnh dã chiến Mỹ.

Sư đoàn 7 đánh thiệt hại nặng một tiểu đoàn Mỹ ở Phú Giáo, kiềm chế sư đoàn 1 bộ binh Mỹ.

Quân giải phóng phát loa báo tin lực lượng cách mạng đã làm chủ quận 6 Sài Gòn (1968). Ảnh: Tư liệu: TTXVN
Quân giải phóng phát loa báo tin lực lượng cách mạng đã làm chủ quận 6 Sài Gòn (1968). Ảnh: Tư liệu: TTXVN

Nhân dân Sài Gòn - Gia Định, với truyền thống yêu nước và được rèn luyện qua nhiều năm đấu tranh cách mạng đã hết lòng đùm bọc, nuôi dưỡng, cứu chữa thương binh, giúp đỡ to lớn về vật chất và tinh thần đối với các chiến sĩ ta.

Cuộc tiến công đồng loạt và bất ngờ bằng lực lượng tinh nhuệ của quân đội ta vào nhiều mục tiêu quan trọng của địch trong thành phố Sài Gòn cùng những đòn tiến công của chủ lực ta đánh vào các căn cứ của địch ở vùng ven thành phố là cách đánh rất táo bạo, rất hiểm, có tiếng vang lớn ở trong nước, sang tận nước Mỹ và trên thế giới.

Ta đã đưa chiến tranh cách mạng vào sào huyệt đầu não của địch, làm rối loạn hậu phương của chúng, gây tác động toàn diện và sâu sắc đối với ngụy quân, ngụy quyền cũng như đối với quân Mỹ và tập đoàn cầm quyền Mỹ.

Trong cuộc tiến công vào Sài Gòn và các thành phố, thị xã, bộ đội đặc công, biệt động bằng tinh thần anh dũng vô song của mình đã tạc vào lịch sử dáng đứng anh hùng của người chiến sĩ Việt Nam.

Ở các thị xã, thị trấn khác thuộc đồng bằng Nam Bộ, ta đã tiến công 13 trong 14 thị xã (trừ thị xã Long Xuyên).

Ở thị xã Mỹ Tho, Bến Tre ta đánh và giữ được các vị trí đã chiếm trong ba ngày đêm. Vĩnh Long ta làm chủ 6 ngày đêm.

Cần Thơ đánh trong nội ô 2 ngày đêm, sau đó chiến đấu quyết liệt 60 ngày đêm vùng ven thành phố. Ở các thị xã khác chỉ giữ được một ngày đêm rồi rút ra đánh địch vùng ngoài.

Lực lượng tiến công thị xã Trà Vinh gặp khó khăn ngay từ đầu, không vào được thị xã đã quay trở ra đánh địch giải phóng nhiều vùng nông thôn.

Phối hợp với mũi tiến công của các lực lượng vũ trang vào các thành thị, nhân dân các xã ấp đã nổi dậy diệt ác, trừ gian, giải tán dân vệ, giành quyền làm chủ.

Lực lượng đấu tranh chính trị của quần chúng ở nông thôn được tổ chức thành đội ngũ, có lãnh đạo chặt chẽ, sẵn sàng cùng nhân dân các thị xã, thị trấn và các lực lượng vũ trang giành chính quyền...

Trên Mặt trận Đường 9, sau khi đột phá tiêu diệt một số cứ điểm ở phía Tây, ngày 6 tháng 2 năm 1968, bộ đội ta tiến công cứ điểm Làng Vây do do bốn đại đội biệt kích ngụy đóng giữ.

Do mệnh lệnh đến chậm, Trung đoàn 24 (Sư đoàn 304), Trung đoàn 101 (Sư đoàn 325) phải vừa chuẩn bị triển khai đội hình tiến công địch trong hành tiến.

Bộ đội thiết giáp lần đầu tiên ra trận, được bộ đội công binh và bộ binh giúp đỡ đã sử dụng xe tăng lội nước PT76 bí mật tiến dọc sông Sê Pôn chiếm lĩnh vị trí tập kết đúng thời gian quy định.

Quân địch hoàn toàn bị bất ngờ và hốt hoảng khi thấy xe tăng ta dẫn đầu bộ binh xung phong.

Trận đánh kết thúc giòn giã. Ta tiêu diệt 400 tên (có 3 cố vấn Mỹ), bắt 253 tên, thu toàn bộ vũ khí, đồ dùng quân sự.

Đây là trận đánh hiệp đồng binh chủng tiêu diệt một tiểu đoàn địch trong công sự vững chắc lần đầu tiên trên chiến trường miền Nam, đánh dấu bước phát triển mới về trình độ tác chiến của bộ đội chủ lực cơ động.

Từ ngày 10 tháng 2, bộ đội ta chuyển sang vây lấn Tà Cơn, cụm cứ điểm lớn của quân Mỹ trên tuyến phòng thủ phía Tây đường số 9 thuộc khi vực Khe Sanh (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị)...

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 của quân và dân ta đã giáng đòn bất ngờ rất lớn vào quân Mỹ ngụy.

Ta đã đánh vào cơ quan đầu não địch, vây hãm nhiều ngày bọn địch ở Khe Sanh, đồng thời đánh địch ở nhiều vùng nông thôn, gây cho địch tổn thất lớn, làm cho địch trên chiến trường dao động mạnh...

Ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ bị lung lay.

Ngày 31 tháng 3 năm 1968, tổng thống Mỹ Giôn-xơn bác bỏ đề nghị của tướng Oét-mo-len đòi tăng thêm 20 vạn quân viễn chinh nữa, thông báo quyết định hạn chế hoạt động của Mỹ ở Việt Nam, ngừng ném bom miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở trên, đồng ý cử người đàm phán với ta ở Pa- ri (Pháp) và tuyên bố không ra ứng cử tổng thống nhiệm kỳ hai.

Tướng Oét-mo-len bị cách chức tư lệnh chiến trường và bị triệu hồi về Mỹ. Chiến lược quân sự "tìm và diệt" bị hủy bỏ, thay bằng chủ trương chiến lược "quét và giữ".

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân của quân và dân ta đã giành được thắng lợi to lớn về chiến lược.

Chỉ trong một thời gian ngắn, ta đã diệt và làm tan rã 150.000 tên địch, trong đó có 43.000 tên Mỹ, phá hủy 34% vật tư dự trữ chiến tranh của Mỹ ở miền Nam, phá hủy 4.200 "ấp chiến lược" giải phóng thêm 1,4 triệu dân.

Ta đã giáng một đòn quyết định làm phá sản chiến lược "Chiến tranh cục bộ" của đế quốc Mỹ, buộc chúng phải xuống thang chiến tranh, mở đầu quá trình đi xuống về chiến lược của đế quốc Mỹ trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, tạo ra bước ngoặt quyết định của chiến tranh.

Tài liệu tham khảo:

- Bộ Quốc phòng - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, "Lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam (1944 - 1975)", Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Hà Nội - 2005.

- Bộ Quốc phòng - Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế, "Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968", Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Hà Nội - 2008.

Đại tá ĐẶNG VIỆT THỦY