Trường trung học công lập 50 tuổi ở Tiên Yên có nguy cơ...giải tán

02/02/2018 08:58
ĐỖ HOÀNG
(GDVN) - Hàng trăm học sinh và thầy cô Trường trung học phổ thông Tiên Yên (Quảng Ninh) hết sức hoang mang trước đề xuất sáp nhập vào trường tư của một doanh nghiệp.

Sau khi Trường trung học phổ thông Tiên Yên họp phụ huynh thông báo về việc trường sẽ được xem xét chuyển từ công lập ra ngoài công lập, nhập vào trường Nguyễn Trãi (ngoài công lập), không chỉ học trò trường Tiên Yên hoang mang mà phụ huynh và thầy cô cũng lo sốt vó.

Học sinh gửi tâm thư

Sau khi biết được thông tin tỉnh Quảng Ninh muốn chuyển đổi mô hình Trường trung học phổ thông Tiên Yên từ công lập ra ngoài công lập, trong đó có phương án sáp nhập với Trường Nguyễn Trãi của Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Hợp Tiến, học sinh Trường Tiên Yên đã viết tâm thư gửi Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ và Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc.

Trong tâm thư, học sinh cho rằng Trường Tiên Yên là trường công lập có bề dày truyền thống hơn 50 năm, thầy cô đều đạt chuẩn, thương yêu học trò, học sinh trường này năm nào tỉ lệ đỗ đại học, cao đẳng cũng cao, đạt nhiều giải thưởng trong các kỳ thi học sinh giỏi của tỉnh và toàn quốc.

Đề xuất chuyển nhập với trường tư khiến hàng trăm thầy trò trường trung học phổ thông Tiên Yên lo lắng
Đề xuất chuyển nhập với trường tư khiến hàng trăm thầy trò trường trung học phổ thông Tiên Yên lo lắng

“Chúng cháu và gia đình rất ngạc nhiên và không hiểu tại sao phải xoá sổ, sáp nhập vào trường tư thục?” – học sinh đặt câu hỏi rồi lý giải do trường xuống cấp, trong khi trường Nguyễn Trãi cơ sở vật chất hoành tráng nhưng thiếu học sinh.

Các em cho rằng việc chuyển đổi trường công lập ra ngoài công lập theo tinh thần Nghị quyết 19-NQ/TW thì điều kiện chuyển đổi phải là ở những nơi có khả năng xã hội hoá cao.

Tuy nhiên, Tiên Yên là huyện miền núi, nhiều học sinh của trường là người dân tộc thiểu số, điều kiện kinh tế, đi lại khó khăn, hằng năm vẫn phải nhận trợ cấp hỗ trợ chi phí học tập.

“Vậy nên nếu phải học tại trường tư thục với mục tiêu đặt lợi ích kinh tế lên hàng đầu thì các bạn ấy có thể tiếp tục đi học hay không?”.

Các em học sinh cho rằng bản thân không dám hình dung ra tương lai của thầy trò mình khi đặt dưới sự quản lý của một doanh nghiệp.

“Chúng cháu sinh ra là con nhà nghèo, đôi lúc phải vừa học vừa làm để được đi học, học ở trường công lập bố mẹ đã phải nuôi vất vả lắm rồi, nếu chuyển sang tư thục thì chúng cháu không biết còn bao nhiêu bạn ở lại và bao nhiêu bạn phải bỏ dở khi chưa hết trung học phổ thông” – học sinh tâm tư.

Trong tâm thư, các em học sinh Trường Tiên Yên thừa nhận Trường Nguyễn Trãi có cơ sở vật chất khang trang hơn trường mình nhưng các cháu thích học trường Tiên Yên hơn.

Bằng chứng cho thấy là học hết lớp 9, hầu hết học sinh ở Tiên Yên đều cố ôn thi, trải qua kỳ thi gay go hơn cả thi đại học để vào được lớp 10 trung học phổ thông Tiên Yên.

“Trong những giây phút hoang mang, sợ hãi và bất bình, chúng cháu gửi tới bác tâm thư này với đầy niềm tin và hi vọng”, kết thúc bức tâm thư, học sinh bày tỏ sự hi vọng và mong chờ sự hồi đáp từ người đứng đầu ngành giáo dục và tỉnh Quảng Ninh.

Phụ huynh xin dừng chuyển đổi

Trao đổi với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, bà H.V.A., Trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh Trường trung học phổ thông Tiên Yên cho biết sau cuộc họp phụ huynh hôm 24/1, được trường thông báo việc chuyển đổi, sáp nhập các phụ huynh cũng hết sức lo lắng.

Bà H.V.A. cho biết một số phụ huynh đã cùng nhau ký đơn gửi Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cùng các cơ quan chức năng của huyện Tiên Yên và tỉnh Quảng Ninh đề nghị cho dừng triển khai việc chuyển đổi này.

Trường trung học công lập 50 tuổi ở Tiên Yên có nguy cơ...giải tán ảnh 2Bao giờ hệ thống trường tư bằng hệ thống trường công?

Trong đơn, phụ huynh cũng cho rằng Tiên Yên là huyện nghèo, 50% học sinh là con em dân tộc thiểu số, không phải là nơi có điều kiện xã hội hoá cao.

Phụ huynh cho rằng, Trường Nguyễn Trãi (tư thục) đã có mặt tại Tiên Yên từ 12 năm nay, nhưng việc thu hút học sinh không thuận lợi.

Theo đó, chỉ có học sinh không thể thi đỗ vào Trường Tiên Yên mới chịu sang trường này học hoặc đi học nghề.

Thực tế, nếu trường đó tốt thì hững gia đình có điều kiện sẽ cho con qua đó học dù kinh phí có cao.

Nhưng chưa có trường hợp nào xin chuyển con từ trường Tiên Yên qua trường Nguyễn Trãi.

Hơn nữa khi nhập về Trường Nguyễn Trãi, học sinh phải tham gia giao thông ở trục quốc lộ 18A, đi qua cầu nhỏ hẹp, khi tan học, với số lượng cả nghìn học sinh đổ ra đường sẽ nảy sinh nguy cơ mất an toàn giao thông.

Phụ huynh cho rằng chủ trương chuyển đổi cần bám sát quyền lợi người dân, lắng nghe ý kiến người dân.

Trong đơn phụ huynh cho rằng họ không đồng tình với chủ trương chuyển đổi, đề nghị các cấp, các ngành nhanh chóng dừng triển khai việc này nhằm ổn định tâm lý cho con em.

“Nếu tiếp tục kéo dài, tâm lý học sinh, phụ huynh, giáo viên rất hoang mang và rất có thể có những hậu quả khôn lường xảy ra” – phụ huynh bày tỏ lo lắng trong đơn.

Mới đang xây dựng đề án

Ông Ngô Văn Hợi, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ninh cho biết, ngày 29/1, sở đã nhận được đơn kiến nghị dừng triển khai chuyển đổi của phụ huynh.

Trường trung học công lập 50 tuổi ở Tiên Yên có nguy cơ...giải tán ảnh 3Về hai hệ thống trong giáo dục

Theo ông Hợi, trước đó, từ đầu tháng 1/2018, Sở Giáo dục và Đào tạo có nhận được công văn chỉ sở này tham mưu giải quyết đề xuất của Công ty trách nhiệm hữu hạn Hợp Tiến (chủ đầu tư trường trung học Nguyễn Trãi tại xã Tiên Lãng, huyện Tiên Yên) xin chuyển đổi mô hình quản lý sáp nhập Trường Tiên Yên với Trường Nguyễn Trãi.

Trường hợp này thẩm quyền đề xuất thuộc về địa phương nên tỉnh đã giao cho huyện Tiên Yên xây dựng đề án. “Hiện mới chỉ dừng ở việc xây dựng đề án chứ tỉnh chưa có quyết định chính thức” – ông Hợi nói.

Theo ông Hợi, khi xây dựng đề án, huyện Tiên Yên cần phải xin ý kiến của người dân và thầy cô, sau khi có đề án Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ thẩm định.

“Nếu chuyển đổi phải có trường tốt hơn, chất lượng đào tạo cao hơn hẳn thì chúng tôi mới trình tỉnh xem xét phê duyệt” – ông Hợi cho hay.

ĐỖ HOÀNG