Nhiều năm qua tại Thủ đô Hà Nội đã và đang tồn tại không ít dự án “quây tôn”, “đắp chiếu” đến hàng thập kỷ rất phản cảm và gây nhếch nhác đô thị.
Đáng nói, người dân trong vùng quy hoạch, đặc biệt là những hộ sống gần các dự án “đắp chiếu” này bị rơi vào tình trạng đi không được mà ở cũng không xong.
Trong nhiều nguyên nhân dẫn đến dự án “treo” nhiều năm khiến cỏ mọc um tùm, hoang hóa, có một nguyên nhân chính đó là năng lực tài chính yếu kém của chủ đầu tư.
Thậm chí có chủ đầu tư “tay không bắt giặc”, bằng nhiều cách họ xin được dự án, nhưng không sang nhượng kiếm lời được đành bỏ hoang hoặc “xẻ thịt” cho thuê lại làm bãi đỗ xe, garage ô tô… vì năng lực không có.
Trong khi đó, doanh nghiệp có năng lực tài chính thì không có đất thực hiện dự án.
Cuối năm 2017, Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội đã chỉ đích danh 3 dự án trọng điểm của thành phố cần xem xét thu hồi vì chậm tiến độ, chây ì.
Trong đó có dự án đầu tư tiếp nước, cải tạo khôi phục sông Tích được khởi công vào tháng 5/2011có có tổng mức đầu tư 6.914 tỷ đồng để xây dựng cống lấy nước, kênh dẫn thuộc địa bàn 9 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Ba Vì với diện tích gần 286ha. Đến nay dự án vẫn ì ạch, giậm chân tại chỗ.
Dự án tiếp theo cần nhắc đến là dự án mở rộng Nghĩa trang Yên Kỳ giai đoạn 1 (tại huyện Ba Vì) được khởi công từ tháng 4/2011 có tổng diện tích khoảng 203,18ha, vốn đầu tư xây dựng gần 2.430 tỷ đồng do Công ty Cổ phần Tập đoàn xây dựng và du lịch Bình Minh là nhà đầu tư.
Đến nay nguồn vốn chi trả cho các hộ còn thiếu nên phải tạm dừng công tác giải phóng mặt bằng dự án.
Một thí dụ khác cần phải nhắc đến là khu đất rộng tới 4,2ha ở gần Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội), giao cắt giữa đường Phạm Hùng và Đỗ Đức Dục.
Sau khi chủ đầu tư cũ là Tập đoàn Riviera (Nhật Bản) rút lui do khó khăn về tài chính thì vào cuối năm 2009, Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội giao khu đất này cho Tập đoàn Kinh Bắc triển khai xây dựng tổ hợp nhà cao tầng, trong đó có tòa tháp 100 tầng hình bông lúa với tổng mức đầu tư dự kiến là 1 tỷ đô la Mỹ.
Sau một thời gian, chủ đầu tư đã xin giảm một nửa chiều cao của tòa nhà dự kiến xây dưng, nhưng đến đại hội cổ đông thường niên năm 2017, ban lãnh đạo tập đoàn này cho biết sẽ chuyển nhượng dự án cho một đối tác khác là Công ty cổ phần Đầu tư Mặt trời mọc.
Để giải quyết dứt điểm những dự án “treo” gây phản cảm giữa Thủ đô, lãnh đạo Hà Nội vừa chỉ đạo các quận huyện thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. Đáng chú ý, Hà Nội sẽ thu hồi và hủy các dự án triển khai quá 3 năm.
Điều này được xem là quyết sách quyết liệt với các dự án cố tình chây ì, găm đất, đặc biệt là các lô đất ở vị trí "vàng”.
Cỏ mọc um tùm tại một dự án treo ngay sau tòa nhà Keangnam đã được "xẻ thịt" thành bãi trông giữ xe ngày đêm. Ảnh: Vũ Phương. |
Theo đó, lãnh đạo Thành phố Hà Nội vừa ký ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ngành, quận, huyện triển khai thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 3/1/2018 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý đất đai và xây dựng hệ thống thông tin đất đai.
Đặc biệt, trong đó có yêu cầu kiểm tra, rà soát, hủy bỏ dự án ôm đất quá 3 năm chưa triển khai.
Lãnh đạo thành phố yêu cầu Sở Tài nguyên và môi trường chủ trì, phối hợp với các sở, quận, huyện, thị xã khẩn trương triển khai, hoàn thành việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 trên địa bàn thành phố và các quận, huyện, thị xã; bảo đảm chất lượng, đồng bộ, thống nhất và khả thi.
Tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của các quận, huyện và các đối tượng sử dụng đất; rà soát, đề xuất điều chỉnh hoặc hủy bỏ các dự án, công trình có trong kế hoạch sử dụng đất nhưng đã quá 3 năm chưa thực hiện theo quy định của pháp luật; báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố trước ngày 30/4/2018.
Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Văn Đực - Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành, Uỷ viên Ban chấp hành Hiệp hội bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, về mặt chủ trương thu hồi các dự án chây ì, găm đất gây mất cảnh quan là cần thiết và đúng đắn.
Tuy nhiên, việc thu hồi đối với đất dự án quá 3 năm không triển khai cũng cần phải thực hiện từng bước và xem xét trên nhiều khía cạnh cả chủ quan và khách quan. Chứ không thể cứ 3 năm là thu hồi, như thế sẽ gây khó cho doanh nghiệp”.
Khu đất năm ở đường Phạm Hùng, Tập đoàn Kinh Bắc dự định xây tòa tháp cao 100 tầng, nhưng rồi sau gần 10 năm vẫn không thực hiện được. Ảnh: Vũ Phương. |
Ông Nguyễn Văn Đực cũng cho biết thêm: “Thực ra việc các dự án chậm triển khai bị xem xét thu hồi đã có chính sách, chủ trương rồi.
Nhưng rõ ràng mỗi mảnh đất, mỗi dự án lại có lịch sử, điều kiện, hoàn cảnh khác nhau nên việc xem xét ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của doanh nghiệp nên các cơ quan quản lý nhà nước cũng cần cân nhắc và xem xét thấu đáo”.
Không ít nguyên nhân được phía chủ đầu tư nêu ra lý giải cho việc chậm triển khai dự án, trong đó có vấn đề liên quan tới thủ tục hành chính.
Ông Nguyễn Văn Đực chỉ ra một số nguyên nhân: “Việc hoàn thiện các thủ tục hành chính của cả một dự án cũng rất mất thời gian, thậm chí mất cả vài tháng, vài năm.
Có nhiều trường hợp, doanh nghiệp gặp khó khăn dù được giao đất, nhưng hết vốn đầu tư. Trong khi đó, ngân hàng lại không cho vay. Muốn vay được phải có giấy phép xây dựng, mà muốn có giấy phép xây dựng phải tốn thêm một khoản tiền nữa. Trong khi đó, còn chưa kể đến tiền thuế sử dụng đất…
Có dự án được chủ đầu tư đem thế chấp ngân hàng vì một lý do nào đó, doanh nghiệp không còn điều kiện trả ngân hàng lấy lại sổ đất, có doanh nghiệp phá sản. Đất dự án trở thành của ngân hàng, trường hợp này Nhà nước thu hồi ra sao”.
Doanh nghiệp làm dự án kiểu "rùa bò", giữ đất chờ hưởng lợi? |
Theo ông Nguyễn Văn Đực, việc thu hồi đất dự án cần phải xem xét trên nhiều khía cạnh cả lý và tình làm sao để khuyến khích hỗ trợ doanh nghiệp tối đa thay vì quản lý cứng nhắc, cứ 3 năm mà không triển khai được là thu hồi.
Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Sỹ Liêm – Phó Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng: “Về nguyên tắc việc rà soát và thu hồi đối với các dự án đã được giao đất nhưng vẫn quây tôn, bỏ hoang là rất đáng hoan nghênh và cần phải làm quyết liệt.
Anh không đủ năng lực làm thì phải nhường cho doanh nghiệp khác chứ không thể cứ găm đất mãi được. Những dự án như thế khiến bộ mặt Thủ đô nhếch nhác, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân trong vùng quy hoạch”.
Tuy nhiên, ông Phạm Sỹ Liêm cũng chỉ ra không ít khó khăn đối với cơ quan quản lý nhà nước. Trong trường hợp Hà Nội cương quyết thu hồi các dự án chậm tiến độ nhiều năm thì công tác bồi thường cũng là vấn đề nan giải bởi liên quan đến ngân sách.
“Ví dụ Hà Nội thu hồi dự án nào đó thì trước tiên phải tạm ứng cho doanh nghiệp một khoản đền bù, còn doanh nghiệp, đơn vị nào được sử dụng mảnh đất đó sẽ có trách nhiệm trả số còn lại.
Tạm ứng một vài dự án còn xoay xở được, nhưng cả thành phố biết bao dự án treo như vậy, làm sao đủ tiền tạm ứng đền bù? Hơn nữa, đất thu hồi xong sẽ làm gì, giải quyết ra sao?”, ông Liêm nói.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cũng chỉ ra: “Không nhất thiết cứ phải làm ồ ạt, thu hồi tất cả các dự án trong một thời điểm mà nên làm tuần tự từng dự án.
Theo đó, có thể phân tích, xếp loại từng dự án theo thứ tự và tiến hành thu hồi dần. Sau khi có kết quả phân tích, đánh giá từ đó mới quyết định có thu hồi hay chỉ nhắc nhở, cảnh cáo… hoặc cho thêm thời gian”.
Đáng nói để xảy ra tình trạng đất dự án để hoang hóa, “quây tôn” cả thập kỷ có trách nhiệm của không chỉ doanh nghiệp.
Về việc này, ông Phạm Sỹ Liêm cho rằng: “Không hẳn là lỗi hoàn toàn của doanh nghiệp mà còn có lỗi của chính quyền sở tại, các ban ngành liên quan.
Mỗi dự án cần phải xem xét thấu đáo nguyên nhân chậm triển khai do đâu?Nếu phát hiện cá nhân nào vi phạm gây khó cho doanh nghiệp cần phải xử lý nghiêm”.