LTS: Phản ánh những vất vả của giáo viên ở những vùng khó khăn, thầy giáo Hữu Sơn đưa ra kiến nghị ở các địa phương, các trường học nên có quỹ thưởng Tết để động viên các thầy cô giáo.
Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Tất cả thầy cô giáo mọi nơi đều trông mong được nghỉ Tết nhiều ngày để được nghỉ ngơi, chăm lo con cái, dọn dẹp nhà cửa… sau cả một học kỳ làm việc tiếp tục, vất vả.
Nhất là các giáo viên dạy xa nhà, ở hải đảo, miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Cô Nguyễn Thị Bích Hạnh, giáo viên Trường Tiểu học Sơn Mùa, thuộc huyện miền núi Sơn Tây (huyện xa nhất của tỉnh Quảng Ngãi) chia sẻ:
"Em có hai cháu nhỏ, chồng làm ở Dung Quất, còn em dạy ở tận trên này, đành phải gửi cho ông, bà nội đã già cả trông giữ, cuối tuần thứ 7, chủ nhật mới về nhà chăm cháu. Thật là cực nhọc.
Năm nay, Tết Nguyên đán, Sở Giáo dục và Đào tạo cho nghỉ có 9 ngày, ít hơn 5-6 ngày so với các năm trước đây.
Giáo viên nữ dạy ở vùng sâu, vùng xa, như chúng em trông được nghỉ nhiều ngày hơn thế để có thời gian chăm nom, gần gũi các con; ông bà nội, ngoại được thư thả và lo chuẩn bị tết cho hai bên nội, ngoại để các cụ mừng”.
Các nhà trường cần cố gắng để các thầy cô đều có thưởng Tết. Ảnh: TTXVN. |
Tôi rất xúc động khi đọc bài thơ bày tỏ nỗi lòng về chậm lương (Mấy khúc tâm tình) của thầy giáo Phan Thúc Định (hiện là giáo viên dạy Văn tại Trường Trung học phổ thông Quỳ Hợp 2, tỉnh Nghệ An) gửi đến ông Nguyễn Xuân Đường, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh này trên trang cá nhân của mình.
Không chỉ có vậy, khi trao đổi với Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh, thầy Định bộc bày thêm:
"Giáo viên miền núi khó khăn, Tết cận kề rồi nhưng chưa thấy lương đâu.
Sáng nay, tôi có lên trường hỏi thì cũng chưa có lương.
Bây giờ lương trả qua thẻ rút tiền tự động ATM mà ở miền núi đi ra ATM rút tiền rất vất vả.
Cả vùng miền núi có một cọc ATM để rút tiền, có khi ngồi chờ mấy ngày mới rút được tiền tiêu.
Nhiều năm chúng tôi ngày 28, ngày 29 Tết cứ ngồi xếp hàng ở cọc ATM mà không rút được tiền mà tiêu.
Có những năm sát Tết, vợ chồng thay nhau xếp hàng túc trực để rút tiền.
Cứ nghĩ đến ngày sát Tết mới có lương, đi xếp hàng rút tiền rất buồn.
Tôi mới cảm tác làm bài thơ nêu nỗi niềm chung giáo viên miền núi".
Vui quá, Tết này hàng nghìn thầy cô ở Quảng Ngãi đã có tiền thưởng rồi! |
Giáo viên miền núi tiền lương cũng có bao nhiêu đâu mà còn phải khổ sở, tất tả với cảnh đi tới và chờ đợi rút tiền, có khi chẳng rút được từ cây ATM, hiện vẫn ít ỏi, thưa thớt ở vùng nông thôn, miền núi.
Hình thức rút tiền qua thẻ có nhiều tiện ích nhưng liệu có phù hợp với điều kiện ở nơi khó khăn, xa xôi hay chưa?
Nếu Ban giám hiệu, các cấp quản lý ở địa phương không đồng ý hợp tác, thỏa thuận với các ngân hàng đặt tại địa phương thì làm gì có chuyện giáo viên nơi đó chịu khổ tới vậy.
Cô giáo V.T.K.D, giáo viên Trường Trung học cơ sở Trương Quang Trọng, thành phố Quảng Ngãi (sau 15 năm “gieo chữ” ở huyện miền núi Sơn Tây, đầu năm học vừa rồi mới được thuyên chuyển về đồng bằng, gần gia đình, con cái) cho biết:
"Em về đây mới 4 tháng, em đã nhận được 940.000 đồng tiền thưởng Tết (thu nhập tăng thêm) của trường, còn các giáo viên lâu năm, làm việc đủ 12 tháng thì gần 3 triệu đồng.
Đây là lần đầu tiên trong đời dạy học em được chút tiền thu nhập tăng thêm, chứ dạy ở trên đó 14 năm, em và các giáo viên khác chẳng có một đồng nào.
Về dạy dưới này rồi, em thấy thương giáo viên miền núi, vì ở trên đó họ chịu quá nhiều thiệt thòi so với giáo viên đồng bằng”.
Ngày Tết, không có hoạt động giáo dục nhưng các đơn vị trường học phải bố trí, phân công cán bộ, giáo viên, nhân viên trực trường theo quy định của Nhà nước, địa phương nhằm đảm bảo an ninh, tài sản, của công…
Nghỉ dài ngày, phải cần đến nhiều thầy cô giáo, mỗi người trực một buổi hoặc 1 ngày, thay phiên nhau, chế độ trực lễ, tết được tính 300% lương.
Có đơn vị áp dụng Luật Lao động, quy định của Bộ Tài chính, thầy cô giáo đi trực “được nhờ”.
Có nhà trường, địa phương áp dụng theo mức chi tiêu nội bộ, chế độ của người đi đi trực bị giảm sút nhiều.
Những thầy cô không được phân công trực tết vẫn được hưởng nguyên lương.
Nhìn chung, các thầy cô đều vui vẻ, thoải mái khi nhận nhiệm vụ, phân công của Ban giám hiệu trong việc trực tết.
Tuy vậy, gần chục năm nay Trường liên cấp, Tiểu học- Trung học cơ sở Sơn Bua, thuộc huyện miền núi Sơn Tây (Quảng Ngãi) đưa ra quy định “lạ”, các thầy cô giáo nào không đi trực tết thì phải nộp 50.000 đồng/ người.
Có giáo viên thắc mắc, phản ứng, hiệu trưởng trường này giải thích, số tiền ấy là để trả cho bảo vệ… trực thay cho mấy cô.
Giả sử họ không tham gia trực tết (vì nhiều lý do: ở xa, đi lại khó khăn, con nhỏ ốm đau…), phân công bảo vệ hoặc giáo viên khác trực tết thì lấy kinh phí cấp tính chế độ cho người trực, cớ sao lại “chặn đầu” các giáo viên không trực thu tiền?
Cô giáo 30 năm ngoài đảo kể chuyện quà tết là gói mì chính, chai nước mắm |
Ở các trường, địa phương khác có chuyện “lạ” như thế không nhỉ?
Đề nghị lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sơn Tây (Quảng Ngãi) sớm kiểm tra, làm rõ cách làm nói trên (từ năm 2017 trở về trước) của Hiệu trưởng trường Sơn Bua.
Ăn Tết xong, trở lại trường lớp, các cán bộ quản lý, thầy cô giáo ở hải đảo, miền núi, vùng khó khăn thường “gánh” thêm nỗi lo khác, không ít học sinh con em của đồng bào dân tộc thiểu số đi học theo kiểu “giã gạo”, thậm chí bỏ học luôn theo cha mẹ, bạn bè vào rừng hái đót, chặt keo, đi biển…
Nhiều năm nay, sau Tết, 6 huyện miền núi của tỉnh Quảng Ngãi từng “nhức mình” về tình trạng ấy.
Các nhà trường, giáo viên phải mất nhiều ngày đi đến từng nhà phụ huynh, học sinh ở các bản làng xa xôi để vận động, thuyết phục các em ra lớp.
Có em tỉnh ngộ ra. Có một số em bỏ học luôn. Ôi, giáo viên miền núi thật tội nghiệp, đủ cái khổ, đủ cái lo… về trường lớp, về học sinh, về bản thân mình.
Đúng là, mọi so sánh đều trở nên khập khiễng.
Nhưng không thể không so sánh sao được, khi cùng nghề nghiệp, trường lớp như nhau, thế mà, có một bộ phận giáo viên ở thành phố lớn, nơi kinh tế phát triển thì sống, làm việc trong sung túc, đủ đầy, nhà lầu, xe con (nhờ vào dạy thêm).
Còn hầu hết thầy cô giáo ở miền núi, hải đảo, vùng khó khăn thì phải sống, công tác trong điều kiện tứ bề khó khăn, chật vật, ngày Tết, ngoài lời chúc ra, không có một đồng thu nhập tăng thêm, một chút quà gọi là, tượng trưng.
Chính như vậy, tôi đề xuất, tất cả các địa phương khi giao kinh phí về cho các đơn vị trường học trên phạm vi cả nước nên quy định có một gói riêng (bất khả xâm phạm) để thưởng Tết cho thầy cô giáo (tất nhiên mức độ gói ít, nhiều còn phụ thuộc vào kinh tế địa phương, căn cứ vào số lượng học sinh, giáo viên và hạng trường…).
Các khoản kinh phí khác giao quyền tự chủ hoàn toàn cho nhà trường, trường nào cuối năm tiết kiệm được nhiều thì chia nhiều, trường nào tiết kiệm được ít thì chia ít.
Như vậy mới công bằng và hợp lý. Để Tết đến, Xuân về những năm tới, tất cả nhà giáo đều cùng vui…