LTS: Nhân kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, Đại tá Đặng Việt Thủy tiếp tục gửi đến quý độc giả bài viết về trận đánh vào tòa sứ quán Mỹ tại Sài Gòn trong chiến dịch này.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Tòa sứ quán Mỹ tại Sài Gòn trước đó tọa lạc tại số nhà 39 - 41 đường Hàm Nghi.
Ngày 30 tháng 3 năm 1965, đơn vị 21 biệt động Quân giải phóng đã tấn công, dùng bộc phá đánh sập cả 5 tầng lầu, làm nhiều sĩ quan, nhân viên Mỹ, chư hầu chết và bị thương.
Sau đó, Mỹ cho xây dựng mới tòa sứ quán ở góc đường Thống Nhất (nay là đường Lê Duẩn) giáp với đường Mạc Đĩnh Chi.
Tin của UPI và AP viết: "Tòa nhà 6 tầng của của sứ quán Mỹ với kiểu kiến trúc kỳ dị, có tường kín và đặc biệt chống hỏa lực, được xây dựng từ năm 1965 và mới chính thức mở cửa vào tháng 7 năm 1967, thì tháng 1 năm 1968 đã bị tấn công.
Sứ quán Mỹ là nơi mà lá cờ sao và vạch của Hoa Kỳ chính thức cắm trên đất Việt Nam, đó là trung tâm và biểu tượng cho sự nỗ lực của người Mỹ.
Mọi người khi được tin Việt Cộng tấn công sáng ngày 31 tháng 1 năm 1968 (tức mồng 1 Tết), đều hiểu rõ ràng Việt Cộng đã tấn công vào trái tim bộ máy của Mỹ giữa Sài Gòn..."
(Những điều ít biết về Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (Hỏi và đáp), Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Hà Nội - 2010, trang 79, 80).
Trong Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 ở Sài Gòn, lực lượng biệt động thành lúc đầu được Bộ Tư lệnh Miền giao nhiệm vụ tấn công 8 mục tiêu trọng yếu.
Trước giờ nổ súng 48 tiếng đồng hồ, mới bổ sung thêm 2 mục tiêu, trong đó có sứ quán Mỹ.
Công tác chuẩn bị rất gấp, Bộ chỉ huy phân khu giao cho Ngô Thanh Vân (Ba Đen).
Lúc này anh đang phụ trách công tác bảo đảm chiến đấu cho các lực lượng tấn công các mục tiêu đã được phân công như Dinh Độc Lập, Bộ tư lệnh hải quân ngụy...
Do thời gian quá gấp gáp, Ngô Thanh Vân rút các chiến sĩ từ cơ quan tập hợp 17 người thành đội cảm tử.
Anh phân công cho Ba Bảo đến nhà ông Tư Rầu, cơ sở Chi lấy vũ khí chuyển về 59 đường Thanh Giản (nay là Điện Biên Phủ), để kịp trang bị cho các "chiến sĩ mới".
Tòa sứ quán Mỹ tại Sài Gòn trước đó tọa lạc tại số nhà 39 - 41 đường Hàm Nghi. (Ảnh: vi.wikipedia.org) |
Cuộc tấn công giữ được yếu tố bất ngờ diễn ra đúng như phương án chuẩn bị, và các tin phương Tây đã tường thuật:
"... 2 giờ 45 phút (giờ Sài Gòn) ngày 31 tháng 1 năm 1968 (tức sáng mồng 1 Tết), mở đầu là một tổ đi trên xe ô tô Pơgiô, xe không bật đèn, từ đường Mạc Đĩnh Chi chạy chậm lại rồi rẽ vào đại dinh Thống Thất và đỗ ngay trước 1 tòa nhà sứ quán.
Một tiếng nổ lớn, tường bảo vệ của sứ quán bị vỡ nhiều mảng. Hạ sĩ quan quân cảnh Đêmiơn và thượng sĩ Xibớt (gác cổng) vội lùi vào phía trong.
Đêmiơn thét vào điện thoại vô tuyến cầm tay: "Họ vào trong rồi! Họ vào trong rồi! Cứu tôi với!".
Ngay sau đó, Đêmiơn bị một viên đạn vào đầu, còn Xi bớt bị đạn trúng ngực, cả hai đều chết ngay.
Một xe quân cảnh Mỹ đang đi tuần được tin phóng đến sứ quán Mỹ. Nhưng gần tới nơi thì nó bị một tràng tiểu liên xả tới.
Thế là thêm thượng sĩ Tômát, hạ sĩ Mơbớt... bị trúng đạn chết ngay trong 5 phút đầu của cuộc tấn công...".
Mấy tên gác cổng và quân cảnh Mỹ bị chết tại chỗ, chính là do các chiến sĩ Văn, Chín... dùng tiểu liên tiêu diệt, cùng tiếng bộc phá nổ phá tường bảo vệ, mở đầu cho toàn đội triển khai đội hình đánh chiếm mục tiêu.
Tổ mũi nhọn do Ngô Thanh Vân trực tiếp chỉ huy cùng 3 chiến sĩ đột phá vào bên trong sứ quán, bắt một số tên, rồi nhanh chóng đánh chiếm tầng 1, phát triển lên các tầng 2 và 3 Tòa đại sứ.
Một nhiệm vụ quan trọng đặt ra cho các chiến sĩ đánh Đại sứ quán Mỹ là phải bắt sống đại sứ Bâncơ (Bunker).
Tổng tiến công, nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 mãi là biểu tượng sáng ngời |
Vì vậy, Ngô Thanh Vân đã tổ chức lục soát khắp các phòng, nhưng các nhân viên an ninh sứ quán Mỹ đã lén đưa được Bâncơ rời khỏi biệt thự của y bằng một chiếc xe bọc thép sang ẩn nấp trong một hầm bí mật ở một địa điểm khác.
Cùng lúc đó, đạn súng cối và tiểu liên của ta bắn vào các biệt thự dùng để tiếp quan chức và nhân vật quan trọng Mỹ. Địch phản kích quyết liệt.
Khi đội biệt động của ta bắt đầu tiến công sứ quán Mỹ, có 4 cảnh sát Sài Gòn đứng gác phía ngoài trước cổng. Nhưng cảnh sát Sài Gòn cũng hoàn toàn mất tinh thần, trốn chạy hết cả, bỏ mặc sứ quán.
Bên trong sứ quán Mỹ, lúc này diễn ra cuộc chiến đấu quyết liệt. Các chiến sĩ biệt động đã phát triển dồn bọn Mỹ lên phía trên cùng tòa nhà.
Nhưng trời đã sắp sáng, quân số của đội đã hy sinh quá nửa, đạn tiêu hao đã gần hết, anh em chỉ nổ súng khi địch đến gần, để kéo dài thời gian chờ tăng viện...
Trong khi đó, Oétmôlen và Bâncơ ở Sài Gòn nhận chỉ thị từ Oasinhtơn: "Phải giải tỏa sứ quán ngay lập tức".
4 giờ sáng, Bâncơ gọi điện đến sở chỉ huy cảnh sát Sài Gòn yêu cầu tăng viện. Nhưng viên đại úy cảnh sát phụ trách đồn số 1 từ chối, viện cớ trong đêm tối rất khó khăn.
4 giờ 20 phút, Oétmôlen lại lệnh cho tiểu đoàn quân cảnh Mỹ 716...
Sở chỉ huy quân cảnh Mỹ cũng do dự: "Việc đó cần phải có xe bọc thép và trực thăng mới làm được và phải chờ đến sáng...".
Quãng thời gian đó, các chiến sĩ biệt động của ta vẫn tiếp tục làm chủ 5 tầng nhà. Có mấy chiếc trực thăng Mỹ đến, cứ lượn trên vùng trời, không liên lạc được với bên dưới...
Đến chừng 5 giờ sáng, một trực thăng của lục quân Mỹ đến, định đổ một toán quân thuộc sư đoàn không vận 101 xuống, nhưng bị bắn trả mạnh; trực thăng do dự một hồi rồi quay lui.
Một tiểu đoàn quân cảnh Mỹ mới được điều đến tìm cách bò vào gần sứ quán khi trời đã sáng, nhưng đều bị đánh bật ra...
Trời sáng, bọn Mỹ điều thêm xe bọc thép và quân cảnh đến tăng viện; bọc chặt các cổng và xung quanh sứ quán; trực thăng đổ thêm lính đặc nhiệm xuống sân thượng đánh từ trên xuống...
Không được tiếp ứng, các chiến sĩ biệt động rơi vào tình thế bị vây chặt. Ngô Thanh Vân cùng các chiến sĩ Mang, Vinh, Út Nhỏ trong tay còn 1 khẩu AK, 2 khẩu B40 và một khẩu súng ngắn đã bắn hết đạn, lùng tìm bắt tên đại sứ Bâncơ đền mạng.
Nhưng khi Vinh dùng B40 bắn phá bức tường để vào phòng tên đại sứ, không may phía sau có tường chắn, đường đạn quá gần, anh đã hy sinh sau tiếng nổ.
Bọn Mỹ từ tầng trên tràn xuống. Mang dùng B40 bắn trả, đẩy lui được đợt tấn công của địch, nhưng anh cũng trúng đạn, hy sinh.
Trong tòa nhà lúc này, chỉ còn Vân và Út, không liên lạc được với tổ bên ngoài nữa. Địch lại dùng cả hơi độc xả ra tấn công.
Út Nhỏ bị thương rất nặng, sau đó hy sinh. Còn có một mình, súng hết đạn, Ngô Thanh Vân rút xuống tầng trệt.
Triển lãm ảnh, tư liệu kỷ niệm 50 năm Tổng tiến công Xuân 1968 |
Anh nhặt được quả thủ pháo còn lại trên người chiến sĩ Đực đã hy sinh, đi tìm anh em.
Nhưng các chiến sĩ Tươi, Ninh, Thanh, Chúc, Sáu, Tài, Châu... đều đã hy sinh chỉ còn vài người bị thương rất nặng.
Bọn địch ập đến đông và rất gần. Vân định rút nụ xòe, lao vào tốp địch gần nhất trước khi hy sinh, nhưng trúng đạn, bất tỉnh... rơi vào tay địch.
Anh bị địch tù đày, tra tấn dã man cho đến ngày miền Nam hoàn toàn được giải phóng mới thoát khỏi nhà tù Mỹ ngụy.
Trận tấn công vào sứ quán Mỹ hôm đó kết thúc vào khoảng 6 giờ sáng. Nhưng vì kinh hoàng, mãi đến 9 giờ 45 phút sáng cùng ngày, hãng UPI của Mỹ còn điện từ Sài Gòn về Nhà Trắng ở Oasinhtơn:
"Đơn vị cộng sản cảm tử đã chiếm giữ 5 tầng nhà của tòa nhà hiện đại sơn trắng trong nhiều giờ..." (Những điều ít biết về Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Sách đã dẫn, trang 83).
Việc ta đánh chiếm và trụ lại trong Tòa đại sứ Mỹ tới hơn sáu giờ đồng hồ đã gây một tiếng vang lớn, làm chấn động nước Mỹ. Tất cả các cấp chỉ huy quân sự, ngoại giao ở Sài Gòn và cả nước Mỹ bàng hoàng, sửng sốt.
9 giờ 30 phút sáng hôm đó, Oét mô len có mặt tại đại sứ quán chứng kiến "khu sứ quán thật là hỗn độn, xác người Mỹ và người Việt Nam vẫn nằm ngổn ngang.
Nhưng không giống như hầu hết các chiến trường, các nhà báo, các nhà quay phim vô tuyến truyền hình Mỹ hình như có mặt khắp nơi.
Nét mặt họ ánh lên nỗi buồn bực và tâm trạng không tin tưởng như thể tận cùng của thế giới đã đến nơi rồi".
Oétmôlen báo cáo với tổng thống Giônxơn rằng, Mỹ đã làm chủ tình hình.
Tổng thống Mỹ nói chua chát: "Việt Cộng đã đi dạo mát trong sứ quán của ta rồi" (Oét mô len: Một quân nhân tường trình, dẫn theo Lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tập V, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội - 2001, trang 81).
Sự chiến đấu kiên cường, hy sinh anh dũng của các chiến sĩ Biệt động Sài Gòn đã đánh mạnh vào tâm lý của lính Mỹ và công chúng Mỹ, khiến họ tin rằng không thể giành chiến thắng bằng quân sự trước một đối phương như thế.
Cuộc tấn công của các chiến sĩ Biệt động Sài Gòn vào "Nhà Trắng phương Đông" trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 mãi mãi sáng ngời trong trang sử vàng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Tài liệu tham khảo:
- Bộ Quốc phòng - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954 - 1975, Tập V, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội - 2001.
- Những điều ít biết về Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (Hỏi và đáp), Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Hà Nội - 2010.