Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước vừa công bố danh sách 1.226 giáo sư, phó giáo sư được xét duyệt năm 2017. Con số này cao kỷ lục trong suốt lịch sử 41 năm nhà nước tổ chức xét phong/công nhận đạt tiêu chuẩn phó giáo sư, giáo sư.
Trả lời báo chí về việc số lượng giáo sư, phó giáo sư năm 2017 tăng đột biến, Giáo sư Trần Văn Nhung - Tổng thư ký Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước cho hay, năm 2017, số ứng viên nộp hồ sơ là 1.537, trong đó có 151 ứng viên giáo sư và 1.386 ứng viên phó giáo sư.
Có 2 lý do khiến số ứng viên năm nay tăng đột biến. Đầu tiên là thời hạn nộp hồ sơ chậm hơn 6 tháng so với năm trước. Hạn nộp hồ sơ ứng cử chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2017 là ngày 5/11, năm trước là ngày 25/5.
Việc kéo dài thời hạn nộp hồ sơ vì chờ quy chế mới thay thế Quyết định 174 quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư.
Thời hạn nộp dài hơn nên số ứng viên ứng cử chức danh giáo sư, phó giáo sư tăng.
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến cho rằng nên để các trường quyền chủ động định ra các tiêu chuẩn và tự bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư của chính trường đó. (Ảnh minh họa: Báo Đảng Cộng sản) |
Lý do thứ hai có thể các ứng viên mong muốn được xét theo quy định hiện hành, trước khi có sự thay đổi về tiêu chuẩn chức danh, nên số lượng đăng ký tăng lên.
Qua ba cấp Hội đồng Chức danh giáo sư xét duyệt, tổng số ứng viên đạt tiêu chuẩn là 1.226 (bằng 79,76% số hồ sơ). Trong đó giáo sư là 85 (đạt 56,29% số đăng ký), phó giáo sư là 1.146 (đạt 82,68% số đăng ký).
Ngay sau khi con số này được công bố, nhiều chuyên gia băn khoăn rằng, bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư nên do Hội đồng chức danh nhà nước đảm nhiệm hay giao về từng trường.
Về vấn đề này, trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến – Nguyên Vụ phó vụ giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho hay:
Theo tư duy truyền thống, khi vai trò trong giáo dục tập trung nhiều ở bộ chủ quản thì mới đặt ra các chức danh lớn như giáo sư, phó giáo sư là của Nhà nước, đều do Nhà nước phong, Nhà nước có thể điều động từ trường này sang trường khác, quản lý chung.
Nhưng xu hướng mới hiện nay với những thay đổi của thực tế với nhiều loại hình trường khác nhau, các trường có sự phân tầng theo mục tiêu khác nhau thì phải có nhiều loại giáo sư, phó giáo sư.
Theo đó, giáo sư, phó giáo sư phải gắn liền với trường. Đây là xu hướng chung của thế giới và nếu để các trường có quyền tự phong hàm giáo sư, phó giáo sư thì rất có thể sẽ hạn chế được chuyện tiêu cực trong phong hàm, vì chỉ có nhà trường mới hiểu rõ nhất trình độ cán bộ của mình.
Đặc biệt, ông Khuyến nhấn mạnh: “Những đãi ngộ mà các chức danh giáo sư, phó giáo sư được hưởng là trường quy định chứ không dùng ngân sách nhà nước đãi ngộ”.
Không có chuyện giáo sư suốt đời
Với quan điểm của mình, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến cho rằng nên để các trường quyền chủ động định ra các tiêu chuẩn và tự bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư của chính trường đó.
Nhìn nhận từ kinh nghiệm các nước, các trường đại học lớn trên thế giới đều áp dụng cách gọi là giáo sư của trường này trường kia. Cứ mỗi nhiệm kỳ lại công nhận lại chứ không có chuyện giáo sư suốt đời.
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến – Nguyên Vụ phó vụ giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) (Ảnh: Xuân Trung) |
Do vậy, ông Khuyến đề xuất: “Các trường có thể phong hàm giáo sư, phó giáo sư theo nhiệm kỳ 3 năm, 5 năm.
Sau nhiệm kỳ đó, nếu người đó không có công trình đóng góp nữa thì trường không công nhận là giáo sư, phó giáo sư nữa.
Chứ như ở ta hiện nay, giáo sư, phó giáo sư thì đến chết vẫn giữ chức danh đó.
Rồi có khi không làm công tác giảng dạy, nghiên cứu ở đơn vị nào, thậm chí ra làm cho doanh nghiệp cũng vẫn là giáo sư, phó giáo sư. Đó là chuyện vô lý”.
Hơn nữa, học hàm thì cần gắn với trường học và khi không còn đóng góp nữa thì không còn là giáo sư, phó giáo sư nữa.
Do đó, để đảm bảo chất lượng giáo sư, phó giáo sư thì ngoài việc giao quyền tự chủ cho các trường, Nhà nước nên đưa ra các chuẩn tối thiểu phải đạt được đối với chức danh này. Căn cứ vào đó, hội đồng từng trường sẽ xây dựng chuẩn riêng cho trường mình.
Theo báo Tiền phong thông tin, trong số 85 giáo sư được xét duyệt lần này thì có 56 giáo sư có bài báo đăng trên tạp chí ISI và Scopus với số lượng 924 bài, trung bình 16,5 bài/giáo sư có bài trên tạp chí ISI/Scopus, chiếm gần 66%. Như vậy, khoảng 34% giáo sư được xét duyệt năm 2017 không có bài báo khoa học đăng trên các tạp chí nổi tiếng quốc tế. Đối với phó giáo sư, trong số 1.141 người được xét duyệt thì có 532 người có bài báo đăng trên các tạp chí nổi tiếng thế giới, chiếm 46,6%, tức là trên 53% phó giáo sư được xét duyệt năm nay không có bài báo khoa học trên các tạp chí ISI/Scopus. |