Thủ tướng Chính phủ vừa có văn bản trả lời chất vấn Đại biểu Quốc hội Hoàng Quang Hàm, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ về vấn đề nợ công, ODA và biến động của tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Về nợ công và ODA, văn bản trả lời nêu rõ: Theo chức năng và nhiệm vụ được giao, hàng quý, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo quốc gia về ODA và vốn vay ưu đãi, đã có báo cáo Ban Chỉ đạo về tình hình thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và các khoản vay ưu đãi khác của các nhà tài trợ để Ban Chỉ đạo xem xét, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ các giải pháp.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng về tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 và kế hoạch đầu tư năm 2017 nguồn vốn ODA và vay ưu đãi, nhằm xây dựng báo cáo toàn diện, đầy đủ về những kết quả đạt được, những vướng mắc, khó khăn và kiến nghị của các bộ, ngành, địa phương, nhà tài trợ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã triển khai làm việc cụ thể với các chủ dự án, cơ quan chủ quản, nhà tài trợ và các cơ quan liên quan, đề nghị cho ý kiến về nhu cầu và khả năng giải ngân vốn nước ngoài nguồn cấp phát từ ngân sách trung ương sát thực tế nhất có thể trong từng năm 2018, 2019, 2020.
Số lượng dự án và đối tượng được khảo sát, lấy ý kiến là tương đối lớn nên mất nhiều thời gian để tổng hợp báo cáo. Hiện vẫn còn một số cơ quan, tổ chức chưa có ý kiến trả lời.
Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tiến hành soát lại tổng thể nhu cầu giải ngân vốn nước ngoài từ ngân sách trung ương trong các năm 2018-2020, bao gồm:
Các dự án mới ký hiệp định; Các dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư và đang chuẩn bị đàm phán, ký kết hiệp định; Các dự án đang thực hiện phải điều chỉnh tổng mức đầu tư dẫn tới tăng nhu cầu giải ngân vốn nước ngoài so với trước đây; Các dự án chuyển đổi cơ chế tài chính từ bảo lãnh hoặc cho vay lại vốn nước ngoài sang cấp phát từ ngân sách nhà nước; Các dự án sử dụng vốn nước ngoài đã giải ngân từ năm 2016 trở về trước nhưng chưa quyết toán.
Sau khi tổng hợp được nhu cầu giải ngân vốn nước ngoài các năm 2018 -2020 sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về ODA và vốn vay ưu đãi cho ý kiến trước khi báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Chỉnh phủ đã siết chặt quản lý đầu tư vốn ODA nhằm đảm bảo hiệu quả vay vốn. ảnh minh họa: TTXVN. |
Về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 nguồn vốn nước ngoài và tác động đến trần nợ công, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 26/2016/QH14 ngày 10/11/2016, tổng mức vốn đầu tư trung hạn nguồn ngân sách nhà nước tối đa là 2 triệu tỷ đồng, trong đó 300.000 tỷ đồng vốn nước ngoài cấp phát từ ngân sách trung ương, đã bao gồm 30 nghìn tỷ đồng thuộc khoản dự phòng chung của kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Khi xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020 nguồn vốn nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã căn cứ vào thực tế giải ngân nguồn vốn nước ngoài các năm trước và tính khả thi của việc giải ngân nguồn vốn này trong giai đoạn 2016 - 2020, theo đó với số vốn trung hạn 270 nghìn tỷ là cơ bản đáp ứng được yêu cầu giải ngân thực tiễn của các dự án đã có trong kế hoạch trung hạn, đã ký kết hiệp định và đang thực hiện.
Bên cạnh đó, để thực hiện chủ trương tranh thủ và tận dụng cơ hội sử dụng nguồn vốn ưu đãi (như IDA, ADF) trước khi nước ta hoàn toàn tốt nghiệp ODA do đã trở thành nước có mức thu nhập trung bình, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương và triển khai đàm phán, ký kết một số hiệp định dự án mới trong 2 năm 2016 và 2017 với số vốn khả năng có thể giải ngân khoảng 29 nghìn tỷ đồng (phù hợp với khoản dự phòng của nguồn vốn nước ngoài trong kế hoạch trung hạn là 30 nghìn tỷ đồng).
Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng kế hoạch trung hạn nguồn vốn nước ngoài, có một số tình huống phát sinh ngoài dự kiến như: Khoản vốn của các dự án sử dụng vốn nước ngoài đã giải ngân từ năm 2016 trở về trước nhưng chưa quyết toán (14.033,795 tỷ đồng đã được Quốc hội thông qua và sử dụng một phần trong dự phòng trung hạn);
Các dự án đang thực hiện phải điều chỉnh tổng mức đầu tư dẫn tới tăng nhu cầu giải ngân vốn nước ngoài so với trước đây (dự án tuyến đường sắt đô thị của Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh); một số dự án dự kiến chuyển đổi cơ chế tài chính từ cho vay sang hình thức Nhà nước đầu tư trực tiếp (như 4 dự án đường cao tốc của VEC, dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng)...
Như vậy, trong trường hợp những khoản phát sinh ngoài dự kiến tiếp tục được Quốc hội xem xét, thông qua thì việc rà soát lại kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 nguồn vốn nước ngoài là cần thiết.
Trong đó, cần xem xét các phương án hoãn, giãn tiến độ các dự án, điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn phù hợp với giới hạn trần nợ công, nợ Chính phủ và bội chi ngân sách trong các năm còn lại của kế hoạch trung hạn, bảo đảm không ảnh hưởng đến tiến độ, hiệu quả đầu tư cũng như mối quan hệ đối ngoại giữa nước ta và các đối tác phát triển, các nhà tài trợ.
Bên cạnh đó, đến năm 2018 khi nước ta tốt nghiệp hoàn toàn ODA thì các dự án sử dụng nguồn vốn vay kém ưu đãi hơn cần được xem xét thận trọng, tổng mức vốn nước ngoài sẽ giảm dần do hạn mức vay vốn của các địa phương là có hạn.
Tốc độ tăng trưởng biến động theo chu kỳ
Về biến động của tốc độ tăng trưởng kinh tế, văn bản cho biết, tăng trưởng GDP của nước ta trong quý I thường thấp, sau đó tăng lên trong những quý tiếp theo có nguyên nhân chủ yếu do hoạt động sản xuất, kinh doanh quý I bị ảnh hưởng nhiều do trùng với dịp nghỉ lễ, Tết cổ truyền.
Các hoạt động sản xuất (cả công nghiệp và nông nghiệp), kinh doanh, xây dựng, đầu tư, tín dụng thường không bắt đầu sôi động ngay vào đầu năm, chủ yếu tập trung vào quý IV cuối năm, là cơ hội để gia tăng các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng để phục vụ các dịp lễ Tết, đồng thời cũng là thời điểm kết thúc niên độ ngân sách của năm, nhiều nhiệm vụ phải hoàn thành trước khi bước sang năm mới.
Tốc độ tăng trưởng GDP có sự khác biệt giữa các quý trong năm với mức độ khác nhau tùy thuộc vào diễn biến tình hình kinh tế của năm đó. Với những năm có những biến chuyển kinh tế tích cực, tốc độ tăng trưởng GDP cao thì sự khác biệt này là lớn hơn.
Sự biến thiên giữa các quý của tốc độ tăng GDP cũng phù hợp với sự thay đổi theo chu kỳ của các yếu tố khác như sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, đầu tư, xuất nhập khẩu...
Tốc độ tăng trưởng GDP là chỉ tiêu kết quả, chịu sự tác động của yếu tố chu kỳ sản xuất, chu kỳ tăng trưởng và yếu tố mùa vụ của các hoạt động kinh tế.
Hiện tượng tốc độ tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước trong năm, nhưng quý I năm sau thấp hơn quý IV của năm trước đã được các tổ chức quốc tế tại Việt Nam đánh giá là phản ánh đúng chu kỳ và mùa vụ trong tăng trưởng của năm.
Qua tổng hợp cho thấy, cơ cấu giá trị GDP của một năm cũng có sự khác biệt, bình quân giá trị GDP quý I chiếm khoảng 18%; quý II chiếm 24%; quý III chiếm 26% và quý IV chiếm 32% tổng giá trị GDP cả năm. Quý IV có tỷ trọng lớn nhất, có vai trò quan trọng nhất quyết định kết quả tăng trưởng của cả năm.
Việc tính toán GDP theo quý là nhằm phục vụ công tác điều hành kế hoạch năm. Để đánh giá kết quả và chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế thì cần đánh giá cả năm, trung hạn và dài hạn.
Mặc dù đạt được nhiều kết quả quan trọng trong năm 2017, nền kinh tế nước ta vẫn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế và đứng trước nhiều khó khăn thách thức như:
1- Quá trình cơ cấu lại nền kinh tế diễn ra chậm; việc triển khai cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực, vùng lãnh thổ chưa đồng bộ ở các bộ, ngành, địa phương; cơ chế, giải pháp đã được đề ra nhưng cách thức tổ chức thực hiện còn nhiều bất cập; chưa xây dựng được tiêu chí đánh giá việc tổ chức thực hiện.
Cơ cấu lại khu vực doanh nghiệp nhà nước còn gặp nhiều vướng mắc, trở ngại; cơ cấu lại nông nghiệp tuy đạt được kết quả bước đầu nhưng kinh tế hộ nhỏ lẻ vẫn chiếm tỷ trọng cao, tích tụ đất đai đã có chủ trương nhưng chuyển biến chậm, sử dụng tài nguyên đất nông nghiệp chưa hiệu quả, mô hình nông nghiệp hiệu quả cao chưa được quan tâm có thể dẫn tới phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo phong trào, tạo dư thừa cung sản phẩm nông nghiệp...
Nguyên nhân chủ yếu là do chưa có quy định rõ ràng về cơ quan chịu trách nhiệm trong thực hiện, cũng như trách nhiệm của người đứng đầu; chậm đổi mới trong tư duy, cách nghĩ, cách làm.
2- Chất lượng tăng trưởng kinh tế tuy đã có cải thiện một bước nhưng vẫn ở mức thấp so với yêu cầu. Hiệu quả đầu tư chưa cao, tỷ trọng vốn đầu tư toàn xã hội trên GDP chiếm 33,42%, cao hơn so với năm 2016; hệ số ICOR tuy có giảm nhẹ nhưng vẫn còn ở mức cao.
Năng suất lao động xã hội của toàn nền kinh tế tăng 5,87%, tuy cao hơn so với năm 2016 nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu nâng cao năng suất, chất lượng và cải thiện sức cạnh tranh của nền kinh tế so với các nước trong khu vực.
3- Vấn đề giới hạn của nợ công, nợ xấu, nợ đọng xây dựng cơ bản... đã làm hạn chế và thu hẹp không gian chính sách, nhất là chính sách tài khóa, tiền tệ, không còn dư địa để áp dụng; các chính sách, giải pháp mới về thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững cũng gặp nhiều khó khăn do khả năng đáp ứng về nguồn lực gặp nhiều khó khăn, hạn chế.
4- Trong các lĩnh vực sản xuất, công tác thị trường và dự báo cung cầu nông sản còn yếu, thiếu cơ chế hỗ trợ hiệu quả, chưa gây dựng được những hạt nhân dẫn dắt và cơ chế liên kết sản xuất với thị trường để giảm rủi ro.
Các ngành công nghiệp phụ trợ, công nghiệp chế biến vẫn chậm phát triển; mức tăng chỉ số sản xuất công nghiệp vẫn ở mức thấp do ngành khai khoáng sụt giảm; một số sản phẩm công nghiệp khó cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu, gặp khó khăn về giá cả, chất lượng hàng hóa.
Sản xuất và xuất khẩu chủ yếu vẫn tập trung ở khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất chủ yếu vẫn phụ thuộc vào nhập khẩu.