Xuân về nhớ Nguyễn Bính, mỉm cười cùng vần thơ

17/02/2018 08:13
Nguyễn Trọng Bình
(GDVN) - Người rủ cô tôi đánh tam cúc/Cười ầm tốt đỏ đè tốt đen.

LTS: Trong không khí ngày Tết, nhà giáo Nguyễn Trọng Bình từ Cần Thơ chia sẻ những cảm nhận về những bài thơ về mùa xuân giàu cảm xúc của "thi sĩ chân quê" Nguyễn Bính.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả.

Trong phong trào Thơ mới Việt Nam giai đoạn 1930 - 1945, có lẽ Nguyễn Bính (1918-196) là một trong những nhà thơ viết về đề tài mùa xuân nhiều nhất.

Có thể kể ra đây hàng loạt những thi phẩm rất nổi tiếng viết về mùa xuân của ông như:

Mưa xuân, Xuân về, Mùa xuân xanh, Thơ xuân, Tết của mẹ tôi, Cô lái đò, Xuân tha hương, Xuân vẫn tha hương, Xuân lại tha hương, Sao chẳng về đây, Trở về quê cũ…

Điều đặc biệt là khi đọc những bài thơ xuân này của Nguyễn Bính người đọc không khỏi ngạc nhiên về cách “nhà thơ chân quê” nhìn về mùa xuân ở rất nhiều phương diện và cung bậc cảm xúc, tình cảm khác nhau.

Ảnh minh họa đăng trên Sknc.qdnd.vn
Ảnh minh họa đăng trên Sknc.qdnd.vn

Mùa xuân và cảnh sinh hoạt ngày Tết

Nói về cảnh sinh hoạt ngày Tết khi xuân về trong Phong trào Thơ mới Việt Nam, nhiều người cũng thường nhắc đến một nhà thơ cùng thời với Nguyễn Bính đó là Đoàn Văn Cừ.

Với hàng loạt những thi phẩm như: Tết, Tết quê bà, Chơi xuân, Chợ làng vào xuân, Chợ tết…, có thể nói, Đoàn Văn Cừ là một bậc thầy trong việc tái hiện cảnh sinh hoạt ngày Tết dịp xuân về.

Hoài Thanh - tác giả Thi nhân Việt Nam cho rằng: “Nghĩ đến Đoàn Văn Cừ  là tôi nghĩ đến Tết. Cái tên Đoàn Văn Cừ trong trí tôi đã lẫn với bánh chưng, mùi thuốc pháo, vị mứt gừng”.

Tuy vậy, nói về cảnh sinh hoạt ngày Tết mà bỏ qua Nguyễn Bính cũng sẽ là một thiếu sót lớn.

So với Đoàn Văn Cừ tuy lượng tác phẩm tái hiện cảnh sinh hoạt ngày Tết của Nguyễn Bính không nhiều bằng nhưng về “chất” thì cũng không hề kém cạnh.

Nguyễn Bính vốn được mệnh danh là nhà thơ “chân quê”, vì vậy mùa xuân và những cảnh sinh hoạt khi xuân về trong thơ ông bao giờ cũng mang một nét đặc trưng của làng quê miền Bắc Việt Nam dân dã, thanh bình và ấm áp.

Từng đàn con trẻ chạy xun xoe

Mưa tạnh trời quang nắng mới hoe

Lá nõn nhành non ai tráng bạc

Gió về từng trận, gió bay đi

Thong thả dân gian nghỉ việc đồng

Lúa thì con gái mượt như nhung

Đầy vườn hoa bưởi hoa cam rụng

Ngào ngạt hương bay bướm vẽ vòng

(Xuân về)

Xuân về nhớ Nguyễn Bính, mỉm cười cùng vần thơ  ảnh 2Chùm ảnh chợ Tết thời bao cấp ở Việt Nam

Với Nguyễn Bính nhắc đến cảnh sinh hoạt ngày Tết không thể không nhắc đến những dịp lễ hội và đi chùa lễ Phật:

Có những ông già tóc bạc phơ

Rượu đào đôi chén bút đề thơ

Những bà tóc bạc hiền như Phật

Sắm sửa hành trang trẩy hội chùa.

(Thơ xuân)

Tháng giêng vừa tết đầu xuân

Xanh um lá mạ, trắng ngần hoa cam

Mưa xuân rắc bụi quanh làng

Bà già sắm sửa hành trang đi chùa

Ông già vào núi đề thơ

Trai tơ đình đám, gái tơ hội hè...

(Tỳ bà truyện)

Nguyễn Bính cũng hãy tái hiện cảnh xuân về, Tết đến bằng những hình ảnh rất cổ kính.

Đó là mùa xuân của những “thời trước” trong tiềm thức và trí tưởng tượng rất độc đáo của nhà thơ:

Từng gã thư sinh biếng chảy đầu

Một mình mơ ước chuyện mai sau

Lên kinh thi đỗ làm quan Trạng

Công chúa cài trâm thả tú cầu!

 (Thơ xuân)

Không chỉ tái hiện cái không khí ấm áp mà ai cũng có thể cảm nhận khi mùa xuân về, Nguyễn Bính còn tỏ ra rất tinh tế khi tái hiện những việc làm rất cụ thể nhằm chuẩn bị đón Tết trong mỗi gia đình Việt.

Bài thơ Tết của mẹ tôi là một ví dụ tiêu biểu cho vấn đề này.

Tết đến, có lẽ người phụ nữ với chức phận của một người mẹ, người vợ - người nội trợ trong gia đình - là người vất vả bận bịu nhất.

Họ phải tất bật chuẩn bị đủ mọi việc lớn nhỏ trong nhà để chuẩn bị đón năm mới.

Xuân về nhớ Nguyễn Bính, mỉm cười cùng vần thơ  ảnh 3Phiên chợ Tết quê độc đáo tại vùng di sản

Nguyễn Bính viết:

Tết đến mẹ tôi vất vả nhiều

Mẹ tôi lo liệu đủ trăm chiều

Sân gạch tường hoa người quét lại

Vẽ cung trừ quỷ, giồng cây nêu

Nuôi hai con lợn tự ngày xưa

Mẹ tôi đã tính “Tết thì vừa”

Trữ gạo nếp thơm, mo gói bó

Dọn nhà dọn cửa, rửa bàn thờ…

Mọi thứ đã chuẩn bị xong, cổ bàn rước ông bà đêm giao thừa cũng đã hoàn tất, bà mẹ gọi các con lại để dặn dò:

Mẹ tôi gọi cả các em tôi

Đến bên mà dặn: Sáng ngày mai

Các con phải dậy sao cho sớm

Đầu năm, năm mới phải lanh trai!

Mặc quần mặc áo lên trên nhà

Thắp hương thắp nến lễ ông bà

Chớ có cãi nhau chớ có quấy

Đánh đổ, đánh vỡ như người ta.

Ngày Tết, một trong niềm vui lớn nhất của những đứa trẻ con là được người lớn tặng bao lì xì và người mẹ trong bài thơ này quả thật rất chu đáo:

Sáng ngày mồng một sớm tinh sương

Mẹ tôi cấm chúng tôi ra đường

Mở hàng mỗi đứa “năm xu rưỡi”

Rửa mặt hoa mùi nước đượm hương!

Và sau khi đã chu toàn mọi thứ cho gia đình và chồng con, người phụ nữ - người mẹ, người vợ mới dành cho mình chút thời gian để vui vẻ và thụ hưởng chút ít hương vị ngày Tết:

Mẹ tôi uống hết một cốc rượu

Mặt người đỏ tía vì hơi men

Người rủ cô tôi đánh tam cúc

Cười ầm tốt đỏ đè tốt đen.

Như vậy, có thể nói trong phong trào Thơ mới cùng với Đoàn Văn Cừ, những bài thơ xuân của Nguyễn Bính đã làm cho bức tranh ngày Tết Việt Nam nhất là ở những làng quê thêm phần rộn rã và tràn ngập tiếng cười thi vị.

Mùa xuân và những câu chuyện tình dang dở

Mùa xuân là mùa của tình yêu, mùa của sự viên mãn và hạnh phúc lứa đôi, ấy vậy mà với Nguyễn Bính, mùa xuân có khi lại gắn với những câu chuyện tình dang dở.

Tiêu biểu cho vấn đề này là hai bài thơ bất hủ: Mưa xuânCô lái đò.

Cả hai bài thơ đều là những dòng kí ức buồn về sự lở dở trong tình yêu của những cô gái quê mà nguyên nhân là do người yêu đã quên lời hẹn ước.

Mưa xuân là câu chuyện của cô thôn nữ làm nghề dệt vải mới bước vào tuổi yêu.

Đó là một tình yêu ngây thơ trong sáng và đẹp như “cây lụa trắng” thế nhưng đã nhanh chóng tan vỡ vì sự sai hẹn của người yêu trong đêm hội Chèo.

Xuân về nhớ Nguyễn Bính, mỉm cười cùng vần thơ  ảnh 4Lương ít, tiền không có, thêm một mùa xuân con không về…

Em là cô gái bên khung cửi

Dệt lụa quanh năm với mẹ già

Lòng trẻ còn như cây lụa trắng

Mẹ già chưa bán chợ làng xa

Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay

Hoa xuân lớp lớp rụng vơi đầy

Hội chèo làng Đặng về ngang ngõ

Mẹ bảo: “Thôn Đoài hát tối nay!”

Lòng thấy giăng tơ một một mối tình

Em ngừng tay lại giữa thoi xinh

Hình như hai má em bừng đỏ

Có lẽ là em nghĩ đến anh!

Tình yêu vừa chớm hé trong lòng cô gái trẻ thế nhưng cũng nhanh chóng tan vỡ  vì sự lỗi hẹn của người yêu:

Chờ mãi anh sang chẳng thấy sang

Thế mà hôm nọ hát bên làng

Năm tao bảy tuyết anh hò hẹn

Để cả mùa xuân cũng nhỡ nhàng!

Tuy vậy, tình yêu của “cô gái bên khung cửi” có lẽ cũng chỉ mới dừng lại ở những rung động đầu đời vì vậy mà khi người yêu bội ước cô gái chỉ nhẹ nhàng trách móc chứ cũng không vật vã, đau đớn:

…Anh ạ! Mùa xuân đã cạn ngày

Bao giờ em mới gặp anh đây

Bao giờ hội Đặng đi ngang ngõ

Để mẹ em rằng: hát tối nay?

Cũng giống như “cô gái bên khung cửi”, tình yêu của “cô lái đò” trong bài Cô lái đò cũng lở dở vì sự bội ước của người yêu:

Xuân đã đem mong nhớ trở về

Lòng cô gái ở bến sông kia

Cô hồi tưởng lại ba xuân trước

Trên bến cùng ai đã nặng thề.

Nhưng rồi người khách tình xuân ấy

Đi biệt không về với núi sông

Đã mấy lần xuân trôi chảy mãi

Mấy lần cô gái mỏi mòn trông

Tin lời hẹn ước, mỏi mòn chờ đợi, thế nhưng đã ba mùa xuân trôi qua mà người khách năm xưa vẫn không trở lại; không thể chờ đợi mãi “cô lái đò” đành lỗi ước với người xưa.

Câu chuyện tình yêu thế là kết thúc, “cô lái đò” hôm nào giờ đã theo chồng, vắng cô làm bao khách sang sông thấy nao nao một nỗi buồn!

Xuân này đến nữa đã ba xuân

Đốm lửa tình duyên tắt nguội dần

Chẳng lẽ ôm lòng chờ đợi mãi

Cô đành lỗi ước với tình quân

Bỏ thuyền, bỏ bến bỏ dòng trong

Cô lái đò kia đi lấy chồng

Vắng bóng cô em từ dạo ấy

Để buồn cho những khách sang sông.

Mùa xuân và nỗi niềm của kẻ lưu lạc, tha hương

Xuân về, Tết đến là dịp để mọi người tạm gác lại công việc để nghỉ ngơi vui vẻ; là dịp để những người xa quê trở về đoàn tụ trở và sum hợp với gia đình, dòng tộc…

Xuân về nhớ Nguyễn Bính, mỉm cười cùng vần thơ  ảnh 5Cố hương ơi

Ấy vậy mà khi xuân về, Tết đến cũng không ít người phải đón xuân trong nỗi ngậm ngùi vì vẫn còn tha hương, lưu lạc.

Có lẽ trong thi ca Việt Nam hiện đại không có nhà thơ nào viết về vấn đề này hay và xúc động như Nguyễn Bính.

Hàng loạt ba thi phẩm Xuân tha hương, Xuân vẫn tha hương, Xuân lại tha hương in trong tập Mười hai bến nước xuất bản năm 1942 là những dòng tâm sự u buồn này của thi nhân.

Trong đó đặc biệt hay nhất là bài Xuân tha hương với cặp câu mở đầu được tác giả lặp đi lặp lại rất hay và xúc động:

Tết này chưa chắc em về được

Em gửi về đây một tấm lòng!

Trong những ngày thường, tha hương vốn đã rất buồn thế nhưng ngay đúng những dịp lễ, Tết mà vẫn tha hương, vẫn phải lưu lạc trên xứ người thì nỗi buồn ấy còn chất chứa đến mức nào.

Trong những bài thơ viết về đề tài tha hương của mình, Nguyễn Bính thường đề “gửi chị Trúc” và bài thơ thường là tâm sự của một đứa em đi xa gửi thư về thăm chị cùng gia đình, hàng xóm.

Xuân tha hương là bài thơ điển hình cho lối viết này của ông.

Bài thơ là tâm trạng và nỗi buồn chất ngất của một “cái tôi” lưu lạc nơi xứ người vì biết rằng có “nguy cơ” Tết này mình không thể về lại quê nhà thăm người chị thân yêu.

Vì sao như vậy? Tất cả cũng chỉ vì cuộc sống khốn khó, tất cả cũng chỉ vì cái nợ “cơm, áo, gạo, tiền”:

Tết này chưa chắc em về được

Em gửi về đây một tấm lòng…

…Áo rét ai đan mà ngóng đợi

Còn vài hôm nữa hết mùa đông

Cột nhà hàng xóm lên câu đối

Em đọc tương tư giữa giấy hồng

Gạo nếp nơi đây sao trắng quá

Mỗi ngày phiên chợ lại thêm đông

Thiên hạ đua nhau mà sắm Tết

Một mình em vẫn cứ tay không…

Tha hương đã lâu nhưng danh phận vẫn chưa có gì, Tết đến không thể về lại quê hương thăm người thân, điều này đã làm thi nhân thật sự rất não nùng:

Tết này chưa chắc em về được

Em gởi về đây một tấm lòng

Chao ôi, Tết đến em không được

Trông thấy quê hương thật não nùng…

Tuy vậy, não nùng nhất có lẽ là sự bạc bẽo của nhân tình thế thái:

Cố nhân chẳng biết làm sao ấy

Rặt những tin đồn chuyện bướm ong

Thôi em chả dám đa mang nữa

Chẳng buộc chân vào với chỉ hồng

Nàng bèo bọt quá em lăn lóc

Chấp nối nhau hoài cũng uổng công…

(Một trăm con gái thời nay ấy

Đừng nói ân tình với thuỷ chung)

Có thể nói, cái hay và độc đáo của bài thơ chính là từ tâm sự của một “cái tôi” cụ thể nhưng cũng đã khái quát một cách trọn vẹn tình cảnh và nỗi niềm của rất nhiều số phận tương tự trong cuộc đời.

Chỉ bằng một vài câu thơ nhưng Nguyễn Bính đã nói lên không biết bao nhiêu là tâm tư, nỗi niềm của những kiếp người tha hương khi mùa xuân về.

Thay lời kết

Có thể nói, đọc thơ xuân của Nguyễn Bính dù là với cung bậc nào người đọc cũng thấy nao nao một cảm giác nhớ nhung, thân thuộc bởi cái không khí cùng những nếp sinh hoạt quen thuộc trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc.

Mùa xuân trong thơ ông không đơn giản chỉ là những cảnh xuân mà quan trọng hơn đó còn là tình xuân.

Phải chăng đó cũng chính là cái tình của một người luôn trân trọng cái nét đẹp dịu dàng, đằm thắm bao đời của làng quê Việt Nam; cái tình của một người “nhà quê” tuy có “đi tỉnh” nhiều lần nhưng cái “hương đồng gió nội”, cái “hồn” dân tộc, “hồn quê” hương không bao giờ mất đi!?

Bên cạnh đó, cho dù thơ xuân của Nguyễn Bính có không ít thi phẩm khi đọc lên làm chúng ta không khỏi ngậm ngùi vì sự lỡ dở trong tình yêu hay nỗi “mặc cảm” chia lìa của kẻ tha hương khi xuân về Tết đến.

Tuy vậy, tất cả nói cho cùng đó cũng chính là tâm trạng và nỗi buồn chung của một thế hệ trí thức Việt Nam trước 1945.

Và riêng với Nguyễn Bính, đó còn là nỗi buồn của một cái tôi rất có ý thức về thân phận, luôn “tự vấn” lại mình chứ không hẳn chỉ là nỗi buồn của kẻ “giang hồ mê chơi quên quê hương”:

- Xuân sang xao xuyến lòng tôi quá

Tôi đã xây tròn sự nghiệp chưa?

Hay:

- Chẳng đợi mà xuân vẫn cứ sang

Phồn hoa đô hội hết huy hoàng

Sáng nay sực tỉnh sầu đô thị

Tôi đã về đây rất vội vàng!

Nguyễn Trọng Bình