So với Thông tư 29 về chuẩn hiệu trưởng trường trung học cơ sở, trung học phổ thông, trường phổ thông nhiều cấp học ban hành năm 2009; Thông tư 14 về chuẩn hiệu trưởng trường tiểu học ban hành năm 2011 là 2 văn bản đầu tiên của ngành Giáo dục về chuẩn hiệu trưởng trường phổ thông thì dự thảo Thông tư quy định về Chuẩn hiệu trưởng trường phổ thông mà Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố ngày 5/2 có nhiều điểm thay đổi.
Theo đó, chuẩn hiệu trưởng mà Ban soạn thảo xây dựng sẽ dự kiến gồm 5 tiêu chuẩn, 21 tiêu chí:
Tiêu chuẩn 1. Chính trị, đạo đức, lối sống, gồm 3 tiêu chí: Chính trị, đạo đức, lối sống;
Tiêu chuẩn 2. Năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, gồm 3 tiêu chí: Năng lực chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm, ngoại ngữ/tiếng dân tộc;
Tiêu chuẩn 3. Năng lực quản trị nhà trường; gồm 8 tiêu chí: Lập kế hoạch phát triển nhà trường, quản lý giáo dục học sinh, quản trị hành chính; quản trị tổ chức nhân sự; quản trị tài chính, quản trị cơ sở vật chất - thiết bị giáo dục, quản trị chất lượng giáo dục, quản lý sự thay đổi;
Tiêu chuẩn 4. Năng lực xây dựng môi trường giáo dục dân chủ, gồm 2 tiêu chí: Xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ cơ sở ở trường học, xây dựng nếp sống văn hóa trong nhà trường;
Tiêu chuẩn 5. Năng lực phát triển quan hệ xã hội, gồm 5 tiêu chí: Quan hệ với cấp quản lý ngành, quan hệ với cha mẹ học sinh, quan hệ với chính quyền địa phương, quan hệ với các cá nhân - tổ chức xã hội, quan hệ với truyền thông.
Theo thầy Nguyễn Tùng Lâm, vai trò của hiệu trưởng chỉ thực sự được phát huy khi cơ sở giáo dục đó được trao quyền tự chủ, có được dân chủ trong trường học và bổ nhiệm qua thi tuyển. (Ảnh: Thùy Linh) |
Dự thảo này cũng quy định đánh giá hiệu trưởng trường phổ thông theo chuẩn sử dụng các nguồn thông tin như ý kiến tự đánh giá của hiệu trưởng (có hồ sơ minh chứng); ý kiến của tập thể giáo viên, nhân viên trong trường; ý kiến của cha mẹ học sinh, cộng đồng; ý kiến đánh giá, kết luận của cơ quan quản lý giáo dục cấp trên trực tiếp...
Đánh giá, xếp loại hiệu trưởng trường phổ thông theo Chuẩn được thực hiện thông qua việc đánh giá từng tiêu chí và xem xét các minh chứng liên quan.
Mỗi tiêu chí được đánh giá thành 3 mức phát triển năng lực, đó là:
Đạt: Hiểu khái niệm, nguyên tắc; thực hiện nhiệm vụ theo quy định một cách độc lập song chưa có nhiều kinh nghiệm;
Khá: Đạt các yêu cầu của mức 1; tổ chức thực hiện công việc hiệu quả, thành thạo; có thể hướng dẫn đồng nghiệp; có nhiều kinh nghiệm;
Tốt: Đạt các yêu cầu của mức 2; vượt qua khó khăn để vươn lên; đổi mới, sáng tạo; thường xuyên đánh giá để điều chỉnh các hoạt động của nhà trường phù hợp với thực tiễn.
Chuẩn Hiệu trưởng = tự chủ + dân chủ+ thi tuyển
Trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch hội đồng giáo dục trường trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) đánh giá, song song với quá trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa thì việc phải chuẩn hóa các tiêu chuẩn đánh giá cán bộ quản lý, giáo viên, giảng viên sẽ góp phần vào công cuộc đổi mới căn bản toàn diện của ngành giáo dục.
Thầy Tùng Lâm nhìn nhận, từ xưa đến nay, chúng ta đánh giá cán bộ quản lý thường dựa theo phong trào thi đua thông qua cơ sở vật chất, một số hoạt động bề nổi của cơ sở giáo dục đó mà chưa tập trung vào những vấn đề năng lực, phẩm chất cũng như năng lực sư phạm của hiệu trưởng.
Chân dung Hiệu trưởng tương lai qua phác thảo của Bộ Giáo dục |
Ngoài ra, vai trò của người hiệu trưởng vừa là người quản lý vừa là lãnh đạo nên cần có bản lĩnh, tầm nhìn để dẫn dắt tập thể thì ở các Thông tư trước đó chưa được đề cập.
Do đó, trước xu thế phát triển và hội nhập với những yêu cầu ngày càng cao, các hoạt động của nhà trường thay đổi nhanh chóng, thầy Lâm cho rằng, các tiêu chí, tiêu chuẩn được đưa ra trong dự thảo lần này tương đối toàn diện, vừa kế thừa vừa sát thực tế hơn so với Thông tư trước đó.
Đặc biệt, mục tiêu mà dự thảo lần này đưa ra là để hiệu trưởng, phó hiệu trưởng trường phổ thông tự đánh giá, tự phấn đấu, học tập nâng cao phẩm chất, năng lực trước khi các cơ quan quản lý đánh giá.
Tức là dự thảo đã đề cao vai trò của việc tự đánh giá, tự rút kinh nghiệm để dần dần hoàn thiện. Đây là một tín hiệu rất tốt.
Bởi lẽ, theo thầy Tùng Lâm, các nhà quản lý trường học không phải chỉ là nhà quản lý bình thường mà còn phải là nhà sư phạm, nhà giáo dục tức là đặc biệt chú ý tới năng lực sư phạm của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng.
Mà sản phẩm của hiệu trưởng chính là nhân cách đội ngũ giáo viên và nhân cách học trò chứ không phải đơn giản chỉ là những quyết định mà hiệu trưởng ký. Tức là cần đề cao quản trị trường học thì dự thảo cũng đã nêu ra, đây là dấu hiệu đáng mừng.
Tuy nhiên, nhiều người lo ngại rằng, dự thảo lần này với nhiều tiêu chí, tiêu chuẩn quá cao so với đội ngũ cán bộ quản lý hiện nay nhưng qua quá trình được tiếp xúc với nhiều hiệu trưởng thông qua nhiều hội thảo, giao lưu với các nhà trường, thầy Tùng Lâm chia sẻ:
“Tôi thấy nhu cầu đổi mới ở các nhà trường đã thôi thúc các hiệu trưởng rất lớn nhất là các hiệu trưởng trẻ. Khi họ thật sự muốn thay đổi thì họ dần đáp ứng tiêu chí, tiêu chuẩn.
Còn đối với các vị vẫn lãnh đạo theo lối mòn tức là dựa vào thành tích thì đó là do cán bộ quản lý chưa được tự chủ.
Do vậy, tôi kiến nghị, cần giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục thì lúc đó mới đánh giá được năng lực của hiệu trưởng chứ như hiện nay nhiều hiệu trưởng luôn chờ Sở, Phòng nói gì, làm vậy thì làm sao đánh giá được năng lực, bản lĩnh hiệu trưởng đó”.
Có nghĩa là, vai trò của người hiệu trưởng chỉ thực sự được phát huy khi cơ sở giáo dục đó được trao quyền tự chủ, thực hiện được dân chủ trong trường học.
Và song song với việc giao quyền tự chủ cho các trường thì việc bổ nhiệm hiệu trưởng phải thực hiện qua hình thức thi tuyển.
Qua thi tuyển mới đánh giá được năng lực của cán bộ đó trong việc giải quyết những vấn đề đang được đặt ra của cơ sở giáo dục đó.