Ngày “ông Công, ông Táo” kể chuyện nghi thức dựng bếp của người Kháng

08/02/2018 11:14
Thanh Thủy
(GDVN) - Người Kháng quan niệm người đi chọn đá về dựng bếp nấu phải là người phụ nữ vì thường cẩn thận, tỉ mỉ hơn đàn ông.
Người Kháng giữ gìn bếp cẩn thận, vì quan niệm rằng đó là nơi mang đến những may mắn. ảnh: BTPNVN.
Người Kháng giữ gìn bếp cẩn thận, vì quan niệm rằng đó là nơi mang đến những may mắn. ảnh: BTPNVN.

Nằm ven sông Đà thuộc địa phận xã Chiềng Ơn, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La là bản Van Pán với khoảng ba chục nóc nhà. Đây là một trong các bản của người Kháng thuộc nhóm Xả Cuông cư trú trên địa bàn xã Chiềng Ơn.

Theo phong tục của người Kháng, đàn ông vẫn là chủ gia đình, nhưng các công việc bếp núc lại do phụ nữ đảm nhiệm. Họ chính là chủ bếp trong mỗi gia đình. 

Hiện nay, ngoài một số ít gia đình dùng bếp kiềng bằng sắt để đun nấu ở bản Van Pán, phần đông các gia đình vẫn sử dụng kiểu bếp truyền thống, kê bằng 3 viên đá (giống kiểu bếp 3 ông đầu rau làm bằng đất nung mà người Việt trước kia hay dùng).

Việc dựng bếp của người Kháng có rất nhiều nghi thức mà đến bây giờ vẫn còn bảo lưu. Theo tục lệ khi nào dựng nhà sẽ dựng luôn bếp.

Đầu tiên, chủ bếp sẽ chọn nơi đặt bếp bên chái phải của nhà. Nơi chọn đặt bếp phải là nơi kín gió nhưng thuận tiện cho việc chế biến làm các món ăn. Phía cạnh bếp sẽ đặt một cầu thang nhỏ để tiện đi lại khi nấu nướng.

Tìm được chỗ phù hợp xong chủ nhà sẽ chọn 4 tấm gỗ ván dài khoảng 1m, dày từ 2,5cm - 3cm, cao 20cm quây thành hình vuông làm nơi đặt bếp đun. 

Người ta sẽ đổ đất vào đầy ô vuông đã quây ván gỗ và lèn đất cho chặt để tạo thành một mặt phẳng. Đất sẽ giúp cách nhiệt, chống cháy mặt sàn bếp khi đun nấu, vì sàn bếp thường làm bằng ván gỗ, các phên tre nứa.
 
Sau đó, người chủ bếp (là phụ nữ trong gia đình) sẽ đi chọn đá ở lòng suối cạn về làm bếp. Người Kháng quan niệm người đi chọn đá về dựng bếp nấu phải là người phụ nữ vì thường cẩn thận, tỉ mỉ hơn đàn ông.

Họ sẽ chọn được những viên đá chắc chắn về làm bếp để bếp không bị vỡ sau một thời gian đun nấu. Người Kháng quan niệm nếu trong lúc đun nấu mà để bếp vỡ sẽ có điều không hay xảy ra.

Cách chọn đá của người Kháng cũng rất độc đáo. Người chủ bếp đi chọn đá sẽ lựa các viên đá có kích cỡ như ý rồi cho các viên đá "chọi" nhau, viên đá nào "thắng" sẽ được chọn về dựng bếp, viên nào "thua" sẽ bị loại (cách chọi đá của người Kháng là dùng viên này đập mạnh vào viên kia.

Viên nào vỡ sẽ bị loại, còn lại viên không vỡ là viên chắc chắn sẽ được chủ bếp chọn mang về).

Sau khi chọn được đá người chủ gia đình mượn cậu mợ đến làm lễ (làm lý theo phong tục của người Kháng) để cắm 3 hòn đá xuống làm thành bếp.

Khi cắm bếp xong, gia đình chủ bếp sẽ làm một mâm cơm gồm xôi đồ, thịt gà, rượu rồi nhờ ông cậu cúng ông cha tổ tiên phù hộ cho con cháu.

Theo  phong tục của người Kháng đây là một nghi lễ mang tính bắt buộc  mà nếu không làm họ cho rằng gia đình chủ bếp sẽ gặp điều không may mắn.

Người làm lễ cúng bếp mới cho chủ bếp (tức ông cậu bà mợ) sẽ cho gia chủ 1 gùi thóc hoặc một đồng bạc với mong muốn cầu mong cho chủ bếp làm ra của ăn của để và có của vào nhà mới.

Sau khi làm lễ xong ông cậu mang con gà, chum rượu về nhà mình và cúng tổ tiên ở nhà ông cậu để phù hộ cho chủ bếp mới luôn gặp những điều tốt lành. Cúng xong các lễ vật đó sẽ được ngả ra để mọi người cùng ăn uống liên hoan mừng nhà mới bếp mới.

Đá dựng bếp và chõ đồ xôi của người Kháng. ảnh: BTPNVN.
Đá dựng bếp và chõ đồ xôi của người Kháng. ảnh: BTPNVN.

Việc dựng bếp của người Kháng trải qua nhiêu nghi thức đặc biệt như vậy nên với họ bếp có một ý nghĩa đặc biệt. Chủ bếp là người luôn quan tâm để giữ lửa cho bếp, rất ít khi để bếp tắt lửa. Thường khi không đun nấu nữa thì chủ bếp vẫn giữ than, củi trong bếp, khi cần đun thổi lửa lên chứ không cần phải nhóm lại.

Đặc biệt, người Kháng kiêng không cho hoặc bán bếp, vì nếu làm vậy sẽ không được tổ tiên đi theo phù hộ, gia đình chủ bếp sẽ gặp phải những điều không may mắn.

Ba viên đá dựng bếp sẽ được sử dụng lâu dài cho tới khi không dùng bếp đó mới thôi. Có khi gia chủ dựng nhà mới mấy lần nhưng những viên đá đó vẫn được sử dụng lại và cứ mỗi lần như vậy người ta vẫn tiến hành các nghi lễ để dựng bếp.

Theo như lời nói của người dân bản Van Pán thì "cái lý là thế thì cứ phải làm", chỉ khác là họ không cần phải đi chọn các viên đá về dựng bếp mà thôi.

Hiện nay bản làng này và nhiều bản làng khác của đồng bào dân tộc huyện Quỳnh Nhai đã được di dời để nhường chỗ cho lòng hồ thủy điện Sơn La.
Thanh Thủy