Ông Ngô Văn Hợi, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh, cho biết sau khi Công ty Hợp Tiến đệ trình đề án chuyển đổi sáp nhập, ngày 3/1, Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo sở này tham mưu đề xuất phương án. Sau đó tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo huyện Tiên Yên phối hợp với doanh nghiệp xây dựng lại đề án.
Chuyển đổi, sáp nhập, ai được lợi?
Thực hiện chỉ đạo của Uỷ ban nhân dân tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo cùng đại diện các sở Tài chính, Nội vụ, Kế hoạch và Đầu tư, Uỷ ban nhân dân huyện Tiên Yên họp bàn đánh giá về đề án chuyển đổi này đã chỉ ra một loạt bất cập.
Cụ thể, khi sáp nhập Trường công lập Tiên Yên với lịch sử hơn 50 năm trưởng thành và phát triển vào Trường Nguyễn Trãi mặc dù vẫn mang tên trường Tiên Yên nhưng cũng gây “tâm tư” cho các thế hệ học sinh, giáo viên và nhân dân.
Các thầy cô Trường Tiên Yên là những đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp vì khi sáp nhập vào Trường Nguyễn Trãi sẽ hoạt động theo Luật doanh nghiệp, không còn chế độ công chức, viên chức nhà nước, nếu chế độ không đảm bảo như viên chức sẽ phát sinh những vấn đề xã hội phức tạp.
Chuyển đổi, sáp nhập quyền lợi của thầy trò Trường Tiên Yên sẽ bị ảnh hưởng |
Điều mà phụ huynh, thầy trò Trường Tiên Yên lo lắng về chất lượng đào tạo khi sáp nhập cũng đã được các sở ngành chỉ ra.
Đó là trong một trường sẽ bao gồm hai đối tượng học sinh công lập có đầu vào tuyển sinh cao và tư thục có đầu vào tuyển sinh thấp.
Khi gộp vào dạy chung sẽ bị ảnh hưởng, không còn được kết quả như trường trung học phổ thông công lập cũ.
Các sở ngành và huyện Tiên Yên cho rằng việc sắp xếp chuyển đổi mô hình có nhiều cái lợi như tinh giản đội ngũ, phù hợp chủ trương, Quảng Ninh đỡ phải chi khoản ngân sách 70-80 tỷ đồng xây trường, phần đất của trường để dành cho Trường trung học cơ sở Tiên Yên mở rộng diện tích.
Đặc biệt, Công ty Hợp Tiến sẽ lợi nhất bởi việc này sẽ giúp duy trì, phát triển nâng cao chất lượng Trường trung học phổ thông Nguyễn Trãi vốn dĩ đã được tỉnh quan tâm về đất đai, thiết bị dạy học, doanh nghiệp đầu tư cơ sở vật chất lớn.
Trong báo cáo ngày 12/1 gửi Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh, Sở Giáo dục và Đào tạo cho rằng sở này cùng đại diện các đơn vị tham dự cuộc họp bàn đã “nhất trí cao” với đề xuất của doanh nghiệp về việc tạo điều kiện chuyển đổi mô hình các cơ sở giáo dục mầm non, trung học phổ thông.
Trong báo cáo gửi Uỷ ban nhân dân tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh cho rằng căn cứ theo quy định việc đề xuất này thuộc thẩm quyền của Uỷ ban nhân dân huyện Tiên Yên chứ không phải của doanh nghiệp.
Vì vậy, theo đề xuất của sở này, ngày 19/1, Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã có văn bản giao huyện Tiên Yên chủ trì xây dựng lại đề án chuyển đổi gửi Sở Giáo dục và Đào tạo trước ngày 9/2.
Chưa phù hợp chuyển đổi
Tỉnh Quảng Ninh cho rằng việc xem xét chuyển đổi Trường Tiên Yên (công lập) ra ngoài công lập, sáp nhập với Trường Nguyễn Trãi (tư thục) là căn cứ theo Nghị quyết 19-NQ/TW. Theo tinh thần của Nghị quyết này, việc chuyển đổi mô hình các cơ sở giáo dục mầm non, trung học phổ thông ra ngoài công lập thực hiện “ở những nơi có khả năng xã hội hoá cao”.
Tuy nhiên, theo các thầy cô và phụ huynh, Tiên Yên là huyện vùng cao của tỉnh Quảng Ninh, đời sống còn khó khăn, có tới 20 thôn được xếp vào loại đặc biệt khó khăn, quá nửa học sinh là dân tộc thiểu số, không thể là nơi có khả năng xã hội hoá cao để xem xét chuyển đổi.
Trường trung học công lập 50 tuổi ở Tiên Yên có nguy cơ...giải tán |
Theo điều 12 Thông tư 12/2011/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc sáp nhập, chia tách trường trung học phải đảm bảo các yêu cầu phù hợp với quy hoạch mạng lưới giáo dục, đảm bảo quyền lợi của giáo viên và học sinh.
Thế nhưng việc “xoá sổ” này không những bị thầy trò, phụ huynh phản đối mà còn không phù hợp quy hoạch phát triển giáo dục và đào tạo tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 vì theo quy hoạch này không có trường trung học nào phải sáp nhập.
Ông Hoàng Mạnh Hưng, Phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện Tiên Yên, cho rằng quy hoạch là do con người xây dựng, nếu thực hiện sáp nhập thì trước khi phê duyệt đề án tỉnh phải điều chỉnh quy hoạch.
Theo ông Hưng, đây không phải xoá sổ Trường Tiên Yên mà chỉ là chuyển đổi mô hình, chuyển đổi chủ đầu tư và địa điểm (Trường Nguyễn Trãi của Công ty Hợp Tiến). “Trường Nguyễn Trãi cơ sở vật chất thừa, chưa lấp đầy học sinh mới phải thực hiện đề án này nhằm lấp đầy” – ông Hưng nói.
Quyền lợi đảm bảo bằng… cam kết
Ông Hưng cho rằng đề án này lấy học sinh làm trung tâm, phải đảm bảo quyền lợi cho học sinh, khi chuyển ra ngoài công lập thì trường này vẫn có một bộ phận học sinh công lập được nhà nước hỗ trợ học phí.
Trả lời câu hỏi, khi chuyển ra ngoài công lập, giáo viên không còn là viên chức thì quyền lợi có đảm bảo không, ông Hưng cho rằng đây là bài toán phải giải, chế độ của giáo viên sẽ được đảm bảo, doanh nghiệp phải cam kết việc này. “Doanh nghiệp đã cam kết thì phải thực hiện cho đàng hoàng” – ông Hưng nói.
Do Trường Nguyễn Trãi cơ sở vật chất thừa nên đã xuất hiện đề án chuyển đổi, sáp nhập |
Theo ông Hưng, việc chuyển đổi này là rất mới nên cần thực hiện thận trọng, huyện đã đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo lùi thời gian trình đề án đến hết tháng 5. Sau khi xây dựng xong, huyện sẽ xin ý kiến giáo viên về đề án.
Ông Ngô Văn Hợi, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ninh thừa nhận khi đưa ra bàn thảo việc chuyển đổi, sáp nhập Trường Tiên Yên với Trường Nguyễn Trãi có ý kiến cho rằng sẽ nảy sinh nhiều vấn đề rất phức tạp vì chưa có tiền lệ.
Ông Phạm Văn Mạn, Giám đốc Công ty Hợp Tiến cho biết đề án này được ông đề xuất xuất phát từ thực tế huyện Tiên Yên có tới 5 cơ sở giáo dục trung học mà Trường Tiên Yên đã quá cũ nát.
Theo ông Mạn, khi chuyển đổi, sáp nhập chất lượng đào tào sẽ tốt hơn hẳn. Ông Mạn cho rằng Trường Tiên Yên chỉ ra đời trước, chứ nếu so sánh thì về công tác đào tạo mỗi năm Trường Nguyễn Trãi hơn hẳn 10 lần.
Khi được hỏi thành tích học tập của Trường Nguyễn Trãi có hơn Trường Tiên Yên không, ông Mạn cho rằng thành tích học tập chưa thể nói được vì học sinh Nguyễn Trãi là học sinh loại 2.
Trả lời câu hỏi tại sao không tuyển chọn học sinh đầu vào cao, ông Mạn cho rằng không tuyển được vì Trường Nguyễn Trãi phải đóng học phí, còn Trường Tiên Yên được cấp tiền. “Cứ cho cơ sở giáo dục đấy tự chủ về tài chính xem là học sinh sang hết chỗ tôi ngay. Học sinh, phụ huynh người ta muốn sang chỗ tôi lắm” – ông Mạn nói.