Kích thích đầu tư tư nhân
Phó Giáo sư-Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân - Giám đốc Học viện cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng phân tích, năm 2018, tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục ổn định do kế thừa những thành công của năm trước.
Kinh tế Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng từ 6,5% - 6,7% theo như Quốc hội đã đề ra.
Quá trình tái cơ cấu kinh tế qua 5 năm thực hiện (từ năm 2012 – 2017) đã đi vào phát huy tác dụng. Việc tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, xử lý nợ xấu đang thu được những kết quả tốt.
Phó Giáo sư Trần Hoàng Ngân. (Ảnh: Đức Duy/VietNam+) |
Hiệu quả của hoạt động tài chính ngân hàng ngày càng phát huy hiệu quả. Lãi suất hiện nay của các ngân hàng đang có xu hướng giảm dần nên sẽ hỗ trợ cho việc sản xuất kinh doanh.
Phó Giáo sư Trần Hoàng Ngân đánh giá tình hình tăng trưởng kinh tế tốt đã làm cho tỉ lệ nợ công với GDP tiếp tục nằm trong tầm kiểm soát. Chính phủ đã xử lý bước đầu về vấn đề tái cơ cấu các tổng công ty, các doanh nghiệp nhà nước.
Các doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hóa và hình thành Ủy ban quản lý vốn nhà nước sẽ góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn nhà nước.
Luật Đầu tư công ngày càng hoàn thiện để bước đầu quản lý chặt chẽ nguồn vốn. Hiện nay, đầu tư xã hội là nguồn vốn từ đầu tư nước ngoài và vốn đầu tư tư nhân nên chiếm tỉ trọng lớn hơn so với đầu tư công.
Phó Giáo sư Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh, làm sao để hoạt động của doanh nghiệp tư nhân đúng nghĩa là thành phần kinh tế quan trọng của việc phát triển kinh tế đất nước theo tinh thần Nghị quyết Trung ương.
Nhà nước cần có chính sách đồng bộ và căn bản để hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp tư nhân. Qua đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải có những thương hiệu mạnh.
Năm 2018, một trong những rủi ro cần quản trị, cần phải lưu ý đó là các dòng vốn đầu tư gián tiếp của nhà đầu tư nước ngoài thông qua thị trường mua bán chứng khoán, cổ phiếu; nếu không quản lý tốt sẽ rất nguy hiểm.
Những dòng vốn này sẽ “vào – ra” bất chợt sẽ gây ra những cú sốc trên thị trường chứng khoán nên cần phải quản lý dòng tiền này của các nhà đầu tư gián tiếp.
Kinh tế Việt Nam ghi nhận sự tăng trưởng ở mức 6,81% và cao nhất trong 10 năm qua. Đây cũng là lần đầu tiên thực hiện được 13 chỉ tiêu của Quốc hội đã đề ra.
Thế mạnh nông nghiệp, du lịch đang… thăng hoa
Phó Giáo sư Trần Hoàng Ngân cho rằng, vấn đề quan trọng là phát triển đồng đều ở tất cả các ngành, các lĩnh vực, kể cả công nghiệp, xây dựng. Đặc biệt là lĩnh vực dịch vụ, nông nghiệp có sự phục hồi tốt.
Phát triển mạng công nghệ 4.0 sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. (Ảnh: Siemens) |
Năm nay, phải kể đến ngành du lịch là năm tăng trưởng cao nhất và Việt Nam quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao, đứng đầu khu vực Châu á.
Doanh nghiệp lỡ cơ hội vì còn quá nhiều thủ tục "loằng ngoằng" |
Nhiều tổ chức uy tín quốc tế trao tặng những giải thưởng danh giá đã góp phần định vị thương hiệu và hình ảnh cho ngành du lịch Việt Nam. Các giải thưởng cho khách sạn nghỉ dưỡng tốt nhất thế giới Intecontinental Đà Nẵng, giải thưởng khách sạn mới hàng đầu quốc tế…
Trong năm, Việt Nam đã đón 13 triệu lượt khách quốc tế, tăng 30% và 74 triệu lượt khách du lịch nội địa, tăng gần 20%. Tổng thu trực tiếp từ các du khách đạt trên 23 tỉ USD, đóng góp khoảng 7,5% vào GDP.
Phó Giáo sư Trần Hoàng Ngân cho rằng, những tiềm năng, thế mạnh của kinh tế Việt Nam vẫn còn nhiều lĩnh vực để phát triển và nhất là ngành du lịch. Cơ quan nhà nước cần tiếp tục đẩy mạnh để phát triển hơn nữa.
Đối với ngành nông nghiệp, cần chú ý vấn đề về thị trường, sản phẩm, nông nghiệp công nghệ cao. Đã đến lúc ưu tiên nhiều nhất cho lĩnh vực công nghệ, chú ý đến chất lượng sản phẩm để thị trường xuất khẩu trong nước bền vững chứ không chỉ quan tâm đến số lượng.
Năm 2017, ngành nông nghiệp chịu nhiều tổn thất do thiên tai nhưng tổng giá trị xuất khẩu toàn ngành đạt mức kỷ lục 36,37 tỉ USD.
Kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt trên 3,5 tỉ USD, vượt 500 triệu USD so với mục tiêu đề ra. Ngành xuất khẩu rau quả xuất siêu gần 2 tỉ USD, góp phần làm tăng giá trị trong ngành nông nghiệp.
Giá trị xuất khẩu thủy sản đạt hơn 8,3 tỉ USD, dẫn đầu trong nhóm ngành nông lâm thủy sản. Tính chung, toàn ngành nông, lâm, thủy sản tăng trưởng 2,9% cho GDP.
Việt Nam là nước nông nghiệp nên cần phải có những sản phẩm chất lượng, có tính công nghệ, tính khoa học kỹ thuật. Có nghĩa, yếu tố khoa học công nghệ phải “nằm” trong sản phẩm nhiều hơn để làm sao nâng được tỉ trọng của công nghệ trong sản phẩm.
Phó Giáo sư Trần Hoàng Ngân cảnh báo, đây chính là vấn đề quan trọng trong điều kiện cạnh tranh mạng công nghệ 4.0 thì yếu tố về vấn đề ứng dụng công nghệ trong sản xuất, trong quản trị cần phải được đầu tư và quan tâm đúng mức.