Ám ảnh bài tập sau Tết

23/02/2018 06:32
Phan Tuyết
(GDVN) - Do trước Tết không làm nên mấy ngày sau Tết, bé Hằng (học sinh lớp 2) phải mang bài vở ra làm. Vì nhiều quá nên vừa làm Hằng vừa khóc.

LTS: Những ngày nghỉ Tết, giáo viên thường giao nhiều bài tập cho học sinh để các em vẫn đảm bảo việc học trên lớp.

Tuy nhiên, cô giáo Phan Tuyết phản ánh thực tế với khối lượng bài tập lớn, nhiều học sinh bị ám ảnh và vật vã với việc học mà không thể tận hưởng không khí ngày Tết.

Toà soạn trân trọng gửi đến cùng độc giả bài viết.

Năm nay, phần lớn học sinh các trường đều được nghỉ Tết khoảng 2 tuần.

Do sợ trò quên bài vở, nhiều thầy cô đã giao cho các em một lượng bài tập về nhà khá lớn.

Để hoàn thành nhiệm vụ, nhiều học sinh đã miệt mài làm quên cả chơi Tết.

Số khác đối phó bằng cách nhờ người lớn trợ giúp để dành thời gian cùng gia đình du xuân.

Nhiều học sinh ám ảnh về bài tập Tết. (Ảnh: Tiin.vn)
Nhiều học sinh ám ảnh về bài tập Tết. (Ảnh: Tiin.vn)

Vật vã với khối lượng bài tập về nhà quá lớn

Ngày học cuối cùng trước khi nghỉ Tết, cậu bé Hưng (một học sinh trường tiểu học tại Đồng Nai) mang về cả sấp bài tập nói rằng:

Con phải hoàn thành trước Tết để còn đi chơi. Nếu không làm bây giờ, qua năm mải chơi không hoàn thành bài vở lên trường con sợ cô giáo la lắm”.

Thế rồi ngày nào Hưng cũng miệt mài ngồi làm ở góc phòng trông đến tội.

Nhìn sấp bài tập đếm sơ cũng ngót mấy chục bài toán với đủ các dạng mà ba mẹ em cũng toát hết mồ hôi.

Ba Hưng nói rằng “mới lớp 3 mà học gì nhiều thế không biết? Thôi, bỏ hết, Tết là xả hơi nên chơi thoải mái”.

Thế nhưng cu Hưng nào dám vì “cô nói ai không làm xong bài tập sẽ bị phạt, bị ghi vào sổ thi đua cuối năm đừng mơ phần thưởng ba nhé”.

Chẳng riêng gì bé Hưng, nhiều học sinh lớp 2, 3 cũng được giao bài tập về nhà với số lượng lớn.

Do trước Tết không làm nên mấy ngày sau Tết bé Hằng (học sinh lớp 2) phải mang bài vở ra làm.

Ám ảnh bài tập sau Tết ảnh 2Ăn Tết mất vui vì... bài tập về nhà

Vì nhiều quá nên vừa làm Hằng vừa khóc.

Thương con không dám đi chơi, chị Hòa mẹ em đã phải làm hộ con cho nhanh.

Thế là nhờ sự trợ giúp đắc lực của mẹ, 50 bài tập về nhà chỉ trong phút chốc đã hoàn thành.

Khác với hai bé tiểu học, những cô cậu học sinh bậc Trung học cơ sở và Trung học phổ thông bài tập vừa nhiều vừa khó.

Có em ngày ngày mang bài tập ra làm vật vã mãi không xong.

Có phụ huynh xót con “ngày Tết thấy thiên hạ tung tăng vui chơi, con mình cứ chúi đầu chúi mũi mãi vào bài vở nghĩ cũng tội con.

Học quanh năm miệt mài vài ngày Tết sao nhà trường cũng không cho chúng nó nghỉ ngơi?

Có em vốn lười học nay cầm lượng bài tập khổng lồ như thế lại càng thấy ngao ngán.

Thế nhưng "cái khó ló cái khôn", một số học sinh đã tìm những anh chị sinh viên nhờ giải giúp.

Sợ học sinh quên bài

Liên lạc với một số giáo viên tìm hiểu về việc giao bài tập về nhà cho các em có phải chủ trương của nhà trường?

Cô Thùy Mi giáo viên tại Đồng Nai cho biết:

Nhà trường không bắt buộc nhưng tôi sợ nghỉ dài ngày các em mãi chơi quên bài vở. Ra bài tập để các em làm cũng là cách ôn tập luôn”.

Ám ảnh bài tập sau Tết ảnh 3Học nhiều quá, con “tẩu hỏa nhập ma" rồi mẹ ơi!

Thầy Hùng, giáo viên một trường trung học phổ thông, nói:

Nhà trường không chủ trương nhưng học sinh lớp 12 cần phải tăng tốc học bài vì chỉ còn vài tháng nữa các em đã thi đại học”.

Một số giáo viên nói rằng “thời gian nghỉ học khá dài, nếu không cho bài tập về nhà học trò mải chơi sẽ quên hết bài vở. Ngày lên trường, thầy cô sẽ phải khổ để ôn luyện lại”.

Có nên giao bài tập về nhà dịp Tết?

Đối với học sinh không hẳn giao nhiều bài tập về nhà vào dịp Tết là tốt. Học đâu phải chỉ miệt mài làm bài tập là đủ?

Nếu chỉ áp dụng cách này vô hình trung người lớn quàng gánh nặng lên vai học sinh làm cho các em không có được những ngày nghỉ Tết thật đúng nghĩa.

Thời gian nghỉ Tết trẻ cần được xả hơi sau những tháng ngày học hành căng thẳng.

Đây sẽ là dịp để các em rèn kĩ năng sống thông qua những việc làm cụ thể giúp gia đình.

Có biết bao việc cần làm như giúp cha mẹ dọn nhà cửa, học gói bánh chưng, làm mứt hay phụ giúp ba mẹ bán hàng…

Ngoài ra, thời gian còn lại sau Tết giúp trẻ tìm hiểu và học tập các phong tục cổ truyền của Tết Nguyên đán như:

Phong tục tập quán truyền thống của người Việt trong ngày Tết, ý nghĩa của việc đón giao thừa, tục xông đất đầu năm, những điều cấm kị trong đầu năm mới, hay việc đi lễ chùa hái lộc, ý nghĩa của việc lì xì (mừng tuổi)…

Từ đó, sẽ giúp các em cảm nhận được ý nghĩa đặc biệt của Tết Nguyên đán, những phong tục tập quán đẹp, những điều cấm kị để giữ gìn và làm phong phú thêm sự hiểu biết của các em.

Phan Tuyết