LTS: Nhân dịp năm mới, các du học sinh Việt Nam tại tiểu bang Michigan (Hoa Kỳ) đã tổ chức lễ đón mừng năm mới tưng bừng và có những hoạt động rất ý nghĩa.
Bài viết của tác giả An Nguyên, từ Đại học Michigan sẽ gửi đến độc giả không khí đón Tết Mậu Tuất tại nơi đây.
Toà soạn trân trọng gửi đến cùng độc giả.
Hơn 600 cuốn sách đã được Hội sinh viên và học giả Việt Nam đang học tập và nghiên cứu tại Trường Đại học Bang Michigan (Hoa Kỳ) quyên góp và gửi về Việt Nam nhân dịp đầu năm mới.
Hoạt động ý nghĩa này nằm trong chương trình đón Tết của Hội sinh viên và học giả Việt Nam tại Trường Đại học Bang Michigan tổ chức tối ngày 18/2 (mùng 4 Tết tại Việt Nam).
Buổi gặp mặt đón Tết cổ truyền được tổ chức với gần 50 du học sinh và người nhà, bao gồm các nghiên cứu sinh, học viên cao học và sinh viên đại học tại các trường trong Bang Michigan như East Lansing, Ann Arbor và Grand Rapis.
Chị Trần Thị Ngọc Diệp, nghiên cứu sinh tại Trường Đại học Michigan cho biết:
“Trẻ em Việt Nam không có nhiều sách tiếng Anh để đọc.
Vì vậy, Diệp cùng cùng với các bạn thuộc dự án Vietnam Book Drive for Kids đã kêu gọi mọi người quyên góp sách mới hoặc đã qua sử dụng để gửi về Việt Nam trong dịp đầu năm mới như một món quà Tết cho quê hương.
Những cuốn sách này sẽ góp phần hình thành thói quen đọc sách, nuôi dưỡng tâm hồn, và đặc biệt nâng cao khả năng tiếng Anh cho trẻ em Việt Nam”.
Thu gom sách gửi về quê hương |
Số sách này được các du học sinh liên hệ với những thư viện tại bang Michigan và các hội chợ sách để được tặng sách hoặc mua lại với giá ưu đãi.
Trong suốt gần một năm qua, những thành viên của dự án cũng đã đặt những thùng tặng sách tại thư viện trường và được những người có lòng hảo tâm tặng sách, hỗ trợ tiền vận chuyển.
Sách quyên góp được phong phú về thể loại, từ truyện cổ tích, sách học tiếng Anh đến sách khoa học cơ bản…
Ngay tại đêm hội đón Tết, các du học sinh đã chia thành các nhóm để nhập dữ liệu sách thiếu nhi thông qua việc scan mã vạch của sách.
Sau khi hoàn tất việc lưu dữ liệu, sách đã được các du học sinh đóng thùng để chuyển về Việt Nam sớm nhất.
Năm nay, Lãnh sự quán Việt Nam tại Hoa Kỳ tại San Fransico nhận hỗ trợ nhóm trong việc gửi sách về Việt Nam.
Không có điều kiện được ở bên gia đình, người thân trong thời khắc đầu năm mới, các du học sinh Việt Nam đang học tập tại Michigan quây quần bên nhau đón Tết, cũng bánh chưng, bánh tét, lì xì, câu đối đỏ và không thiếu những tiết mục văn nghệ sôi nổi mang đậm bản sắc quê hương.
Bạn Lê Thanh Mai, Chủ tịch Hội sinh viên và học giả Việt Nam tại Trường Đại học Bang Michigan cho biết, khác với mọi năm, năm nay Hội tổ chức đón Tết muộn do ngày mồng 1 Tết trùng với ngày giữa tuần, mọi người đều bận bịu với công việc, học tập.
Để chuẩn bị cho buổi gặp mặt đón Tết, các du học sinh tại Michigan đã tổ chức gói và nấu bánh chưng từ tuần trước.
Khuôn bánh chưng được mang từ Việt Nam sang, lá dong thay bằng lá chuối và lạt thay bằng… dây nhựa.
Một số du học sinh chia sẻ, chỉ khi sang Mỹ mới học và biết gói bánh chưng.
Cùng nhau gói bánh chưng |
Đêm quây quần đón Tết, các du học sinh trình bày những tiết mục văn nghệ “cây nhà lá vườn” mang đậm âm hưởng quê hương như Trống cơm, Bánh trôi nước…
Các em bé là con của các du học sinh được sinh ra tại Mỹ được mặc áo dài, quấn khăn, được lì xì Tết.
Các tiết mục văn nghệ Chào xuân |
Cũng "Tết như ở nhà" |
Năm năm đón Tết cùng Hội sinh viên và học giả Việt Nam, ông bà Gerrit Laseur giống như những người Việt Nam “thứ thiệt”.
Ông bà Gerrit cùng mặc áo dài truyền thống của Việt Nam và mừng tuổi năm mới cho các em bé.
Bà Joette Laseur có hẳn bộ sưu tập 15 bộ áo dài Việt Nam với đủ màu sắc.
Bà thích thưởng thức những tiết mục văn nghệ Việt Nam, còn ông Gerrit thích không khí quây quần đón Tết ấm cúng của người Việt.
Lì xì đầu năm |
Lớn lên con cũng giỏi như ba mẹ |
Dù ở xa quê hương ngày Tết, nhưng Tết Việt trên đất Mỹ vẫn luôn rất đặc biệt và là khoảnh khắc những người con xa quê hướng về quê hương.
Những nét đẹp văn hóa ở Việt Nam vẫn được gìn giữ và quảng bá cho bạn bè nước ngoài.
Tết Mậu Tuất của các du học sinh và gia đình tại Tiểu bang Michigan, Hoa Kỳ |